mercredi 3 mars 2021

François Heisbourg : Virus conora là Tchernobyl Trung Quốc lũy thừa 10


Đăng ngày:


Sự kiện cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy bị kết án, đơn kiện chính quyền Bachar Al Assad tại tòa án Pháp về vụ sát hại thường dân bằng vũ khí hóa học ở Syria, tiêm chủng chống Covid là những đề tài được báo chí Pháp hôm nay 03/03/2021 đề cập nhiều nhất.

Về đại dịch Covid, chuyên gia địa chính trị François Heisbourg khi trả lời phỏng vấn Le Figaro khẳng định « Virus corona, đó là một Tchernobyl của Trung Quốc lũy thừa 10 ». Ông nhấn mạnh, cuộc tranh luận về xuất xứ của con virus vẫn để ngỏ, và việc đặt vấn đề về trách nhiệm của chính quyền Trung Quốc là chính đáng.

Tờ báo đặt vấn đề, một năm sau khi virus corona từ Vũ Hán lan tràn ra toàn thế giới, giết chết 2 triệu rưỡi người và gây khủng hoảng kinh tế trầm trọng, dường như mọi người đã quên đi nguồn gốc Trung Quốc của nó. Tại sao không ai « hỏi tội » Bắc Kinh ?


Chỉ duy nhất tổng thống Mỹ Donald Trump gọi « virus Trung Quốc »

Theo ông Heisbourg, đó là vì chúng ta đã để cho Trung Quốc mặc sức khoác lác về chiến thắng vang dội trước con virus, rũ bỏ trách nhiệm đã để xảy ra đại dịch. Trước hết, Bắc Kinh ồn ào dàn dựng việc « quản lý một cách gương mẫu », và sau đó trừng phạt nặng nề các nước đòi hỏi mở điều tra quốc tế độc lập với những chuyên gia hàng đầu. Úc bị áp thuế, bị ngưng nhập hàng…nên các nước khác biết rằng cần phải giữ im lặng.

Lẽ tự nhiên là phải mất một năm Trung Quốc mới chịu cho một ê-kíp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đến Vũ Hán vào tháng 1/2021, nhưng vẫn không thể thu thập những dữ liệu cần thiết. Đây cũng không phải là các chuyên gia được cộng đồng quốc tế đề cử mà do Bắc Kinh và WHO chọn lựa – chính tổ chức này cũng có thái độ không rõ ràng.

Rốt cuộc trên thế giới chỉ có một nhà lãnh đạo duy nhất dùng chữ « virus Trung Quốc », đó là tổng thống Mỹ Donald Trump. Nhưng rất tiếc là những tuyên bố của ông Trump thường không được coi là nghiêm túc.


Giả thiết khả tín nhất về nguồn gốc của con virus là gì ?

Đã xảy ra một chuyện gì đó. Về mặt hậu quả, đó là Tchernobyl lũy thừa 10 ! Tchernobyl là một tai nạn, chính quyền cố che giấu suốt một tuần lễ nhưng rốt cuộc phải nhìn nhận, và vào thời đó Liên Xô không hề tuyên truyền về việc xử lý thảm họa để rồi kết luận chế độ xô-viết là ưu việt. Còn ngày nay Trung Quốc khoe khoang như đã đạt được một thành tích vẻ vang, khi kiểm soát được một tai nạn xảy ra tại nước mình và gây họa cho toàn thế giới. Thái độ này không thể chấp nhận được !

Trong suốt một năm trời, Trung Quốc ngồi trên một cái lò áp suất « tội tổ tông » của mình, tất cả mọi người đều bị đuổi khỏi vườn địa đàng…Và tất cả diễn ra tại Vũ Hán, thành phố có cơ sở hạ tầng siêu hiện đại về phân tích vi trùng, với phòng thí nghiệm P4 do Pháp giúp xây dựng. Trên trái đất chỉ có bốn, năm phòng thí nghiệm như thế. Nhưng tại sao con virus lại xuất phát từ Vũ Hán ? Trung Quốc có tất cả mọi công cụ để tìm hiểu nguyên nhân, nhưng họ chẳng những không hành động gì mà còn che giấu.

Có lẽ những gì đã diễn ra tương tự với dịch SARS năm 2003, một con virus xuất phát từ một ngôi chợ ở Trung Quốc vì con người chung đụng với động vật hoang dã. Nhưng nếu vậy thì tại sao Bắc Kinh không nói ra, và sao không cho WHO làm nhiệm vụ ? Thế nên giả thiết thứ hai về một tai nạn công nghiệp như kiểu Tchernobyl là đáng tin cậy hơn. Hoặc là không tôn trọng quy trình an toàn, hoặc ai đó vô tình phạm sai lầm, và con virus thoát khỏi phòng thí nghiệm. Nếu nó thoát ra từ P4, Trung Quốc phải có lời giải thích. Phòng thí nghiệm siêu nhạy cảm này không thể hiện hữu nếu không có Pháp, thế nhưng sau khi đi vào hoạt động Bắc Kinh lại cấm cửa các chuyên gia Pháp.


Liệu một ngày nào đó thế giới có thể biết được nguồn gốc của con virus ?

Phải đợi đến 50 năm sau, Matxcơva mới nhìn nhận trách nhiệm trong vụ thảm sát 22.000 sĩ quan Ba Lan ở Katyn năm 1940. Ngày nay chúng ta đang còn phải đối phó với đại dịch, nhưng vào hồi kết nhân dân các nước sẽ đòi hỏi phải quy trách nhiệm, « tội tổ tông » thường khó thể quên được.

Trong lãnh vực nguyên tử, các công nghệ mới giúp dựng lại được những hành động trong quá khứ, như AIEA phát hiện Ai Cập và Hàn Quốc từng có những hành vi bất hợp pháp và đã cảnh cáo. Ngành tội phạm học vi trùng cũng có những tiến bộ vĩ đại, nay người ta nắm được những điều mà cách đây bốn năm không hề biết, kể cả với các dữ liệu cũ. Covid không phải là một vụ kỳ án được xếp xó, đây là một quả bom nổ chậm. Một ngày nào đó, chúng ta sẽ biết…

Về thành công trong việc xử lý đại dịch, không thể nào tin được con số chính thức ở Hồ Bắc. Những hình ảnh hỗn loạn vào đầu đại dịch ở Vũ Hán cũng giống như ở Lombardie, Trung Quốc không thể quản lý tốt hơn Ý vào thời điểm đó. Còn tại phần còn lại của Hoa lục số người chết có thể ít hơn, nhưng cũng giống như tại Việt Nam, Đài Loan, Hàn Quốc, New Zealand… là những nước quản lý tốt, hành động kịp thời.

Chuyên gia François Heisbourg tố cáo khi đại dịch hoành hành ở Vũ Hán và các nhà máy phải đóng cửa, được Liên hiệp Châu Âu viện trợ khẩu trang, Bắc Kinh đặt điều kiện không được nói với báo chí để khỏi mất mặt. Nhưng khi thảm họa lan tới Ý, Trung Quốc lại huy động tối đa hệ thống tuyên truyền cho « ngoại giao khẩu trang », xua đội quân « chiến lang » ra chế giễu châu Âu. Sự thô bỉ này đã gây phản tác dụng, tuy nhiên giờ đây lại tiếp diễn với « ngoại giao vac-xin ».


Phóng viên ngoại quốc bị trục xuất nhiều chưa từng thấy kể từ Thiên An Môn

Cũng về Trung Quốc, Le Monde lưu ý rằng « Bắc Kinh đang dựng lên vô số trở ngại cho công việc của các nhà báo nước ngoài ». Trong năm 2020, đã có 18 phóng viên quốc tế bị trục xuất.

Theo báo cáo điều tra của Câu lạc bộ các thông tín viên ngoại quốc tại Trung Quốc (FCCC) được công bố hôm 01/03, việc trục xuất ồ ạt như vậy chưa từng diễn ra kể từ sau vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989. Bắc Kinh chỉ cấp giấy cư trú không quá 6 tháng cho 13 thông tín viên các tờ báo nổi tiếng của Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật. Riêng nhà báo Nathan VanderKlippe bảy lần nhận được visa giá trị chỉ 1 tháng, phải chăng vì ông là người Canada và vì ông can đảm chấp nhận chức chủ tịch FCCC ?

Một số nhà báo thuộc các quốc tịch khác nhau làm việc cho truyền thông Mỹ không còn nhận được thẻ nhà báo – điều kiện để xin tạm trú – mà chỉ là một lá thư cho phép ở lại Trung Quốc hai, ba tháng. Ngoài việc trục xuất hàng loạt, năm 2020 còn được đánh dấu bằng một dạng gây áp lực mới : cấm ra khỏi Hoa lục. Hai nhà báo Úc, một tại Bắc Kinh và một ở Thượng Hải cùng một lúc vào nửa đêm đã bị an ninh đến yêu cầu vài giờ sau tới trụ sở làm việc. Họ được cơ quan ngoại giao Úc bảo vệ, nhưng cũng bị thẩm vấn trước khi được trở về nước.

Dịch Covid được dùng làm cái cớ để ngăn cản các phóng viên hoạt động. Và cũng như những năm trước, hầu như không thể đến được Tân Cương hay Tây Tạng. Nhìn chung, các cộng sự người Hoa của truyền thông phương Tây bị áp lực ngày càng nặng : nữ phóng viên Phạm Hà Tư (Haze Fan) của Bloomberg bị công an bắt tại nhà tháng 12/2020 và cho đến nay không có tin tức gì. Được hỏi về báo cáo của FCCC, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) nói rằng Trung Quốc không công nhận tổ chức này.


Bị cấm phát tại Anh, kênh truyền hình nhà nước Trung Quốc quay sang Pháp

Ở chiều ngược lại, kênh truyền hình nhà nước Trung Quốc CGTN sau khi bị Anh quốc cấm hoạt động, đang lăm le tìm cách lợi dụng kẽ hở trong luật pháp châu Âu, qua việc xin Hội đồng thính thị cấp cao Pháp (CSA) công nhận, dù chủ yếu phát sóng tại Anh.

Le Monde cho biết tổ chức phi chính phủ Safeguards Defenders nộp nhiều đơn kiện từ năm 2018 và đã thành công trong việc chứng minh CGTN trực thuộc đảng Cộng Sản Trung Quốc :  hôm 04/02, cơ quan quản lý viễn thông Anh OFCOM đã rút giấy phép của công cụ quyền lực mềm này. CGTN quay sang Paris, lấy lý do được truyền qua một vệ tinh Pháp và phát sóng từ Pháp để xin công nhận, và như vậy theo Hiệp ước châu Âu về truyền hình xuyên biên giới, vẫn được phát sang Anh.

Hôm nay CSA họp phiên toàn thể để xét đơn. Safeguards Defenders cực lực phản đối, nêu rõ việc kênh này đưa tin bóp méo phong trào biểu tình Hồng Kông năm 2019, chiếu các cảnh bị buộc phải « tự thú » của các nhà báo, luật sư, nhân viên các tổ chức phi chính phủ và các mục tiêu chính trị khác của chế độ Bắc Kinh.


Vũ khí hóa học ở Syria : Đơn kiện tại Pháp với nhiều bằng chứng xác thực

Tại Trung Đông, Le Monde nói về « Vũ khí hóa học : Vụ kiện chưa từng có tại Pháp chống lại chế độ Syria », còn Libération nhận định « Sau các vụ tấn công hóa học, đến lượt phản công về luật pháp tại Paris ».

Hôm thứ Hai 01/03, lần đầu tiên một đơn kiện được nộp tại Paris về tội ác chống nhân loại và tội ác chiến tranh, nhắm vào hai loạt tấn công tại ở ngoại ô Damas. Một vụ tại Adra và Douma hôm 05/08/2013, vụ thứ hai ở Đông Ghouta hôm 21/08/2013. Riêng vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại Đông Ghouta, theo tình báo Mỹ, đã làm trên 1.400 người chết. Assad đã vượt qua « lằn ranh đỏ » chính quyền Barack Obama đặt ra, nhưng rốt cuộc ông Obama đã rút lại ý định trừng phạt.

Đơn kiện dựa vào khoảng 20 nhân chứng và hàng trăm tài liệu, hình ảnh, video do các tổ chức phi chính phủ Syrian Center for Media and Freedom of Expression (SCM) và Violations Documentation Center (VDC) thu thập được tại hiện trường. Các tổ chức Open Society Justice Initiative và Syrian Archive cùng đứng đơn. Một đơn kiện tương tự đã được nộp vào tháng 10/2020 tại Đức.

Syria không phê chuẩn hiệp ước Roma, nên Tòa án Hình sự Quốc tế (CPI) không thể xét xử, còn các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc luôn bị Nga – đồng minh của Assad -  phủ quyết. Các nạn nhân đành phải nhờ đến tư pháp các nước châu Âu như Pháp và Đức, với thẩm quyền xử các thủ phạm ngoại quốc về những tội ác phạm ở nước ngoài.

Theo chủ tịch SCM, tốt nhất là các nước cùng hợp tác để lập ra một tòa án quốc tế đặc biệt. Tuy Bachar Al Assad và các tướng lãnh là những kẻ chịu trách nhiệm đầu tiên, nhưng hầu hết lệnh tấn công là từ Maher Al Assad, người em trai của tổng thống Syria, chỉ huy lữ đoàn bộ binh 42, một trong những đơn vị vây hãm Ghouta, với những bộ phận chuyên về chiến tranh hóa học. Một số nhân chứng ngay trong nội bộ quân đội Syria xác nhận việc này.


Cựu tổng thống Sarkozy : Không chấp nhận bị kết án vì những gì không làm

Về thời sự nước Pháp, Le Monde nhận định, bản án ba năm tù cho cựu tổng thống Nicolas Sarkozy được tuyên hôm 01/03 (trong đó có một năm tù giam bằng phương thức đeo vòng điện tử) do cáo buộc hối mại quyền thế, đã gây sững sờ cho cánh hữu, và làm phức tạp thêm khả năng quay lại chính trường trong tương lai của ông.

Trong bài phỏng vấn độc quyền trên Le Figaro, Nicolas Sarkozy cho biết cảm thấy một sự bất công sâu sắc trước những vụ điều tra chống lại ông từ mười năm qua. Sarkozy bày tỏ quyết tâm tranh đấu "cho luật pháp và công lý, trong một Nhà nước pháp quyền". Ý thức rằng đây là một cuộc chiến đấu lâu dài, ông đã kháng cáo, và có thể sẽ phải đi đến tận Tòa án Nhân quyền Châu Âu (CEDH).

Cựu tổng thống Pháp coi đây là một vụ án hối mại chưa từng thấy : không một xu tham nhũng nào, không ai đạt được một ưu đãi, không có nạn nhân, không gây rối loạn trật tự xã hội. Không một bằng chứng cụ thể nào cho thấy Sarkozy – lúc đó không còn là tổng thống – đã can thiệp, và luật sư Gilbert Azibert cũng không hề có được công việc mong muốn ở Monaco. Có ít nhất 4.500 cuộc điện thoại của ông bị nghe lén, và Sarkozy đặt câu hỏi, trong nền dân chủ nào mà một lãnh tụ đối lập lại bị theo dõi trong suốt bảy tháng và rồi nội dung các cuộc điện đàm được tung lên mặt báo ?

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.