mercredi 17 mars 2021

Mai Bá Kiếm - Ai bơm xịt « lang băm » thành « thần y » ?


Khoảng năm 1850, cụ Đồ Chiểu viết Lục Vân Tiên, đã kể mánh bọn thầy bốc thuốc, thầy bói và thầy pháp đã tự PR cho mình và lẫn nhau, để lừa vàng của Lục Vân Tiên nhưng không trị hết bệnh. Tiêu biểu là câu: “Pháp rằng: Ta biết kinh quyền - Đau nam chữa bắc mà thuyên mới tài”.

Gần 200 năm sau, dưới sự "lãnh đạo sáng suốt" của Bộ trưởng Kim Tiêm, “lang băm” Võ Hoàng Yên đã biến thành “thần y” trị bệnh trong suốt 12 năm. Cho nên quản lý nhà nước về chữa bệnh ngày nay cũng “rực rỡ” như thời “Trước đèn xem truyên Tây minh”!

Lang băm Yên không “chữa mẹo online” như thầy pháp (bắt tiểu đồng nằm xuống làm cascadeur chữa thay cho Lục Vân Tiên - đang nằm ở nhà) mà kéo lưỡi, bộp tay, bẻ xương người bệnh, nhưng cũng không hết bệnh, là nhờ:

BÁO CHÍ BƠM XỊT

Báo Công An Nhân Dân (CAND) và Bình Phước đã quảng bá từ lúc Võ Hoàng Yên start-up.

Ngày 09/08/2011 báo CAND đăng bài “Đồng ý cho ông Võ Hoàng Yên chữa bệnh cứu người”: UBND tỉnh Bình Phước chấp thuận cho Võ Hoàng Yên tiếp tục chữa trị bệnh nhân câm điếc, bại liệt, thoái hóa cột sống, tại chùa Quang Minh.

Ngày 30/10/2011, CAND đăng bài “Tôi đón lương y Võ Hoàng Yên đi chữa bệnh”. Tác giả khoe: “Mai (phu nhân nhà văn Sơn Tùng) và con trai ông là Bùi Sơn Định đưa nhà văn Sơn Tùng đi vào chùa Trăm Gian ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội để nhờ ông (Võ Hoàng Yên) bấm huyệt. Lần này, nghe tôi kể về bệnh của con trai ông cựu Bộ trưởng, con trai một nhà thơ (Trưởng ban Báo CAND) và đôi vợ chồng trẻ câm điếc bẩm sinh mà ông từng bấm huyệt ở Bình Phước, ông đồng ý chẩn bệnh cho các bệnh nhân, khi ở Quảng Ninh về Hà Nội”.

Ngày 22/5/2012, nhiều báo đưa tin “UBND tỉnh Bình Phước đã trao bằng khen cho “lương y” Võ Hoàng Yên về các thành tích xuất sắc trong công tác khám chữa bệnh, giúp đỡ người nghèo phục hồi chức năng và làm tốt công tác xã hội từ thiện”.

Ngày 28/1/2018, báo Nông Nghiệp Việt Nam đóng “dấu chứng nhận” dưới tựa bài “Bàn tay “ma thuật” Võ Hoàng Yên - Những điều tận mắt thấy.”

Ngày 4/2/2018, Nông Nghiệp Việt Nam “đóng mộc” tiếp bài “Y học hiện đại chưa làm được như Võ Hoàng Yên”.

NHỜ CHÍNH QUYỀN BẢO KÊ

Măc dù không hề có bằng cấp hay chỉ hành nghề, nhưng tỉnh Bình Phước, Hà Tĩnh, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã cấp đất, thành lập Trung tâm phục hồi chức năng, xây chùa, rồi thỉnh cầu lang băm Võ Hoàng Yên về chữa bại thành xụi cho bệnh bại liệt, câm điếc !

Đọc bài “Thực hư tài chữa bệnh của “thần y” Võ Hoàng Yên” trên báo Thanh Niên mới biết trong 3 năm 2009-2011, Đoàn Liên ngành huyện Cái Nước (Cà Mau) liên tục kiểm tra việc chữa bệnh không phép và 3 lần phạt hành chính đối với Võ Hoàng Yên.

Sau 3 lần bị phạt hành chính, Võ Hoàng Yên lẽ ra phải bị khởi tố “Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh…” theo điều 315 BLHS, thì lãnh đạo hai tỉnh Bình Phước và Hà Tĩnh lại thỉnh lang băm về lập cơ sở điều trị.

Ngày 22/5/2012, UBND tỉnh Bình Phước đã trao bằng khen cho “lương y” Võ Hoàng Yên.

Nhưng Bình Phước chưa dại bằng Hà Tĩnh, năm 2011, UBND huyện Cẩm Xuyên đã cấp chứng nhận quyền sử dụng khu đất 6,42 ha cho lang băm Yên xây Trung tâm Phục hồi chức năng, dưỡng sinh và vườn cây thuốc nam.

Sở Y tế Hà Tĩnh đã vi phạm luật hình sự khi cấp phép Trung tâm Phục hồi chức năng cho một lang băm không tờ giấy lận lưng. Mãi đến năm 2016, lang băm Yên tự ý xin tạm dừng hoạt động trong 2 năm với lý do: Xin giấy phép hành nghề !

Dù Võ Hoàng Yên “lạy ông con ở bụi này”, nhưng sau 2 năm “thần y một đi không trở lại”, năm 2018, Sở Y tế Hà Tĩnh mới thu hồi giấy phép Trung tâm “Phục hồi bại thành liệt” của Yên!

NGÀNH Y TẾ KHƯỚC TỪ CHỨC NĂNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC !

Sau Hà Tĩnh sập bẫy, tháng 7/2020, huyện ủy và ủy ban huyện Bình Sơn - Quảng Ngãi lại thỉnh lang băm Yên đến chữa bệnh đợt một và đợt hai vào tháng 3/2021!

Chấp hành “chủ trương đường lối u muội” của đảng và nhà nước, phòng Y tế Bình Sơn (giống Sở Y tế Hà Tĩnh) đã khước từ chức năng quản lý nhà nước về khám chữa của mình.

Trưởng phòng Y tế Bình Sơn Huỳnh Công Thư trả lời báo chí “Thực ra Phòng Y tế rất băn khoăn việc này. Nhưng đã có sự chỉ đạo của Huyện ủy, UBND H.Bình Sơn!’’

Lãnh đạo ngành Y tế coi chỉ đạo của đảng và chính quyền cao hơn luật lệ chuyên ngành: Luật Khám bệnh, Chữa bệnh ban hành từ năm 2009 (khi Bùi Hoàng Yên khởi nghiệp ở Cái Nước); Thông tư số 30/2014/TT-BYT quy định về khám chữa bệnh nhân đạo.

Năm 2019, khi tôi còn làm cáp treo ở núi Chứa Chan, nhà báo Vũ Cao (kiêm bác sĩ) điện báo tôi, anh sẽ dẫn đoàn bác sĩ khám từ thiện ở Xuân Lộc, và email để tôi in ra các giấy tờ “xin phép khám từ thiện” nộp cho xã Xuân Trường và Phòng Y tế Xuân Lộc, gồm:

1/ Thư gửi UBND xã và Phòng Y tế huyện về việc khám bệnh, phát thuốc cho gia đình chính sách, gia đình nghèo tại địa bàn xã.

2/ Danh sách thành viên tham gia khám chữa bệnh nhân đạo (Ban hành kèm theo Thông tư số 30/2014/TT-BYT)

3/ Kế hoạch tổ chức khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo (Ban hành kèm theo Thông tư số 30/2014/TT-BYT)

4/ Bản sao có chứng thực bằng bác sĩ hoặc giấy phép hành nghề y dược của 24 thầy thuốc đăng ký đi khám.

24 bác sĩ này thuộc Đội Công tác xã hội - Công đoàn ngành Y thuộc Đại học Y dược, tức là bậc thầy của bác sĩ, nhưng phải “hạ mình” photo bằng cấp, chứng chỉ hành nghề có chứng thực để nộp. Vậy mà, Sở Y tế và Phòng Y tế ở Bình Dương, Bình Phước, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi lại cố ý làm trái pháp luật khi cho lang băm không giấy tờ chữa bệnh, phạm vào “Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh…” theo điều 315 BLHS.

CỰU BỘ TRƯỞNG Y TẾ TỪNG CẢNH BÁO

Tôi nhớ trong một kỳ họp Quốc hội khóa XI (2002-2008), cố đại biểu Đỗ Nguyên Phương (cựu Bộ trưởng Y tế từ 1995 – 2002) đã phê phán: “Tôi thấy các bộ trưởng bây giờ chỉ chăm lo quản lý dự án, không lo quản lý nhà nước (như khám chữa bệnh…), vì quản lý Nhà nước sử dụng nguồn chi ngân sách thường xuyên ít ỏi, còn quản lý dự án có kinh phí vài trăm triệu USD là bình thường”.

MAIBÁ KIẾM 16.03.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.