lundi 15 mars 2021

Đỗ Cao Cường - Gạc Ma


Cách đây 33 năm, tức ngày 14 tháng 3 năm 1988, quân đội Trung Quốc nổ súng tấn công các chiến sĩ Việt Nam tại bãi đá Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Kết quả, 64 chiến sĩ hy sinh, người bị bắn, người bị lưỡi lê đâm. Trước khi chết họ kết chặt tay nhau, tạo thành vòng tròn bất tử, thiếu úy Trần Văn Phương kịp hô to lần cuối:

- Thà hy sinh, quyết không để mất đảo!

Có thể nói, vòng tròn đó vừa là vòng tròn huyền thoại, vừa là vòng tròn bi kịch, bởi đến ngày nay người ta vẫn chưa tìm thấy hài cốt các chiến sĩ. Oan hồn còn lênh đênh trên biển, vợ mất chồng, mẹ mất con, con mất bố. Gạc Ma chưa lấy lại được còn truyền thông, giới “sử gia” im bặt.

Gần nửa thế kỷ trôi qua, nhiều thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam không hề biết đến sự kiện Gạc Ma, cùng những người lính ngã xuống trong cuộc chiến chống quân Trung Quốc xâm lược. Sách giáo khoa ở các cấp học không nhắc đến dù chỉ một dòng.

Trong buổi tọa đàm kỷ niệm cuộc chiến Gạc Ma do Trung tâm Minh Triết tổ chức, Thiếu tướng Lê Mã Lương nói:

- Có đồng chí lãnh đạo cấp cao ra lệnh bộ đội ta không được nổ súng nếu như đánh chiếm cái đảo Gạc Ma hay bất kỳ đảo nào ở Trường Sa. Không được nổ súng !

Còn điều gì đau đớn hơn khi kẻ thù đến xâm lược, người lính không được phép chống trả, các thế hệ cháu con không được biết đến câu chuyện lịch sử?

Oan thấu trời xanh

Vòng tròn bất tử - cụm tượng đài khu tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh ở đảo Gạc Ma, dựng tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.

Tuy nhiên, ngay gần khu tưởng niệm Gạc Ma có rất nhiều dân oan nhờ tôi lên tiếng, ngồi thức trắng đêm nghiên cứu hồ sơ về họ, cũng đã nuốt nước mắt vào trong bởi có quá nhiều dấu hiệu oan sai.

Tiêu biểu là trường hợp 5 hộ dân có đất bị thu hồi gần khu tưởng niệm Gạc Ma, tại thôn Thủy Triều, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, trong đó có ông Ngô Minh Hiệp, ông Bùi Văn Rớt...

Đất của họ khai hoang trước năm 1993 để trồng điều, thanh long... sử dụng ổn định, không tranh chấp. Nhưng lại bị chính quyền huyện Cam Lâm thu hồi phục vụ cho dự án nghỉ dưỡng cao cấp của Công ty cổ phần du lịch biển Nam Hùng.

Những người dân khốn khổ đi kêu cứu gần 10 năm. Chủ tịch huyện Cam Lâm, phó chủ tịch tỉnh Khánh Hòa cũng đã ra văn bản thừa nhận sai phạm của chính quyền, và yêu cầu các đơn vị chức năng xác lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ bà con.

Tuy nhiên, sai phạm nối tiếp sai phạm, thu hồi rồi lại cưỡng chế. Đang trong giai đoạn tranh chấp, doanh nghiệp Nam Hùng tự ý cho quân đến đến cướp đất, đốt lều của bà con, đánh đuổi dân, xúc cát gần bờ biển, cát ngoài dự án phục vụ công trình của họ.

Không chỉ có Nam Hùng, còn rất nhiều dự án cao cấp ở đây, những căn biệt thự biển được bán ra với giá vài chục tỉ/ căn, nhưng đền bù cho dân với giá 17 nghìn/m2.

Oan khuất chất chồng oan khuất, nỗi đau chất chồng nỗi đau. Trong khi người Việt còn đang loay hoay xác định bạn - thù, mải mê lên chùa cúng sao giải hạn, thì cha, ông họ đã làm mồi cho cá, những người đồng bào của họ đang kêu cứu từng ngày. Còn họ, sẽ chẳng có thánh, thần nào muốn giải hạn cho họ ngoài chính lương tâm họ.

ĐỖCAO CƯỜNG 14.03.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.