dimanche 14 mars 2021

Lê Đức Dục - Đi tìm chân dung thứ 64 trên bức tường Gạc Ma


(TTO 14/03/2021) Một hành trình tìm kiếm miệt mài nhiều hướng, nhiều người diễn ra từ nhiều năm qua, để cái ô trống trong số 64 ô tạc chân dung những người lính hy sinh ngày 14-3-1988 trong trận chiến chống quân Trung Quốc cưỡng chiếm Gạc Ma, cuối cùng cũng được lấp đầy.

Tại khu tưởng niệm Gạc Ma (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa), trên bức tường đá ở sảnh chính công trình có ghi đủ tuổi tên 64 người lính hy sinh ngày 14-3-1988 trong trận chiến chống quân Trung Quốc cưỡng chiếm Gạc Ma.

64 người hy sinh nhưng chỉ có 63 chân dung liệt sĩ được khắc lên. Còn một ô chân dung của liệt sĩ Trần Quốc Trị vẫn để trống, như niềm khắc khoải nhói đau vì hình ảnh của anh mãi không tìm được.

« Ô trống nhói đau trên bức tường Gạc Ma »

Năm 2018, khi đi Cam Ranh thực hiện tuyến bài 40 năm Đoàn Trường Sa, chúng tôi vào dâng hương ở khu tưởng niệm Gạc Ma. Khi ấy, cụm tưởng niệm vừa khánh thành không lâu. Có một điều nhói lên trong tôi lúc đó là trên bức tường khắc tạc chân dung 64 liệt sĩ Gạc Ma có một ô trống, dưới ô trống là dòng chữ: liệt sĩ Trần Quốc Trị, quê Bố Trạch, Quảng Bình...

Nghe chúng tôi hỏi, anh em khu tưởng niệm cho biết các đơn vị liên quan cũng đang tìm kiếm chân dung anh để tạc lên đó nhưng chưa được. Riêng với anh chị em cán bộ nhân viên làm việc tại đây, ngay từ khi những người dân đầu tiên đến thăm viếng, bao giờ cũng kết thúc bài thuyết minh với lời nhắn nhủ: "Mong tất cả mọi người đến đây, đã nhìn thấy sự thiếu vắng, hãy giúp chúng tôi kết nối mọi liên lạc có thể để tìm cho được chân dung anh Trị gắn lên tường cùng 63 đồng đội của anh".

Sau lần ấy, chúng tôi cứ nghĩ chỉ một thời gian nữa thể nào cũng tìm được. Nhưng ngày qua ngày, có việc nhìn thấy, cái ô trống trên bức tường vẫn còn đó, hiển hiện một cách ám ảnh.

Không lẽ nào việc tìm kiếm chân dung người lính Gạc Ma quê Bố Trạch lại vô vọng?

Nghĩ qua mạng xã hội mình có thể kết nối được sâu rộng hơn và may ra có đầu mối liên lạc được, năm 2018, trong một lần không kiềm chế xúc cảm, tôi viết status: "Một ô trống nhói đau trên bức tường Gạc Ma" và nhờ một số anh em cựu binh Gạc Ma chia sẻ.

Một vài trang liên quan đến Hoàng Sa - Trường Sa đăng lại nội dung ấy.


Ngay sau đó, một số họa sĩ liên lạc với chúng tôi nói nếu con đường tìm kiếm bằng hình ảnh vô vọng thì có thể nhờ tới việc sử dụng kỹ thuật vẽ chân dung mô phỏng, tức vẽ lại chân dung dựa trên gương mặt thân nhân giống với anh Trị nhất trên cơ sở điều chỉnh các đường nét khuôn mặt. Hoặc có thể phác họa dựa trên mô tả.

Những đồng đội của anh Trị còn sống sẽ mô tả cho họa sĩ để có một chân dung Trần Quốc Trị tương đối nhất (trong kỹ thuật điều tra hình sự vẫn có những chân dung được vẽ lại - gọi là nhân trắc hình sự - để truy tìm và rất giống).

Nhiều đồng nghiệp ở Quảng Bình cũng nhiệt tình cho biết thêm một số thông tin về thân nhân anh Trị. Tuy nhiên để làm được việc gì có lẽ cũng cần thêm một chút nhân duyên.

Trong khi nhiều đơn vị, nhiều cá nhân vừa kết nối vừa hy vọng tìm được chân dung người lính ấy, thì ở Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khu vực 3 tại Đà Nẵng, một giảng viên - phó giáo sư, tiến sĩ (PGS-TS) Sử học Ngô Văn Minh cũng đến khu tưởng niệm Gạc Ma, cũng nhói lòng khi nhìn ô trống trên bức tường và nung nấu quyết tâm tìm bằng được.

Trở lại với hành trình tìm kiếm của PGS-TS Ngô Văn Minh và việc tìm được bức chân dung liệt sĩ Trần Quốc Trị, ngoài tấc lòng đau đáu của thầy, có quá nhiều điều như cơ duyên trời định.

Lắng nghe câu chuyện diễn ra ở quán cà phê trước cổng Học viện Chính trị khu vực 3 mới biết đó là một hành trình rất đỗi miệt mài. Cũng có thể chính tâm nguyện chân thành tha thiết và sự miệt mài ấy nên thầy đã được đáp đền.

Ngay sau khi từ Cam Ranh trở về, biết rõ quê quán liệt sĩ Trần Quốc Trị ở Quảng Bình, thầy Minh liền nhờ các học sinh của mình ở tỉnh này kết nối. Một thời gian sau, khi ra giảng dạy trực tiếp ở trường Chính trị tỉnh Quảng Bình, trong lớp có một học viên tên Trương Thị Thúy Vân, là phó bí thư Huyện đoàn Bố Trạch.

Những giờ lên lớp, ngoài phần kiến thức chuyên môn phải truyền đạt, thầy Minh hay nói thêm với học viên những câu chuyện về biển đảo quê hương và cũng như anh chị em khu tưởng niệm Gạc Ma, khi kết thúc bài giảng luôn là lời nhắn nhủ các học viên đồng hương liệt sĩ Gạc Ma phải làm sao tìm kiếm cho được chân dung liệt sĩ Trần Quốc Trị.

Chị Thúy Vân sau đó về phát động trong đoàn viên thanh niên huyện nhà chương trình tuổi trẻ "Tìm ảnh cho anh".

Về tận gia đình anh Trị tìm hiểu, họ mới biết trước đây gia đình có bức ảnh anh chụp chung người bạn. Khi anh hy sinh, gia đình tách bức ảnh chụp chung đó ra làm ảnh thờ. Nhưng rồi trong một trận bão, bức ảnh hỏng, ảnh gốc và giấy tờ cũng không còn.

Không lẽ anh chỉ có một bức ảnh chụp cùng bạn bè? Các bạn trong Huyện đoàn lại phân công các cơ sở Đoàn liên hệ với bạn bè đồng đội anh Trị khắp đất nước với hy vọng sẽ có ai đó còn giữ được tấm ảnh chụp chung cùng anh. Tuy nhiên càng tìm kiếm càng vô vọng.


Cũng xin kể thêm, năm 2010, khi đi thực hiện hồ sơ về những hài cốt anh em liệt sĩ Gạc Ma được tìm thấy dưới xác tàu HQ-604, chúng tôi tìm đến Phòng chính sách của Quân chủng Hải quân.

Nhờ sự giúp đỡ của nguyên chính ủy Quân chủng Hải quân, phó đô đốc Đinh Gia Thật (năm 2010 đại tá Đinh Gia Thật đang là phó chủ nhiệm chính trị Quân chủng), chúng tôi được tiếp cận các hồ sơ xét nghiệm ADN những hài cốt anh em hy sinh ngày 14-3-1988 của Viện Pháp y Quân đội.

Câu chuyện tìm được hài cốt này từng được kể trên báo Tuổi Trẻ dịp 27-2-2011, khi tiếp cận được với các thành viên con tàu Thành Công 07 - con tàu chuyên "lang thang" trên các vùng biển để tìm kiếm và tháo dỡ các con tàu đắm.

Năm 2008, khi tìm kiếm ở vùng biển Cô Lin - Gạc Ma, các thủy thủ trên tàu tình cờ phát hiện dưới đáy biển một xác tàu nghi là HQ-604 - con tàu bị Trung Quốc bắn chìm trong cuộc cưỡng chiếm Gạc Ma.

Thông tin và các thông số con tàu từ anh em thợ lặn được chuyển cho Bộ tư lệnh Hải quân và được xác định đó chính là tàu HQ604. Chỉ một phần xương cốt chìm trong khoang tàu được anh em thợ lặn tàu Thành Công 07 tìm được bởi cuộc tìm kiếm sau đó bị tàu chiến Trung Quốc ở Gạc Ma cản trở.

Phần xương cốt mang lên được đưa vào đảo Cô Lin, sau đó tàu Trường Sa 21 đưa về bờ rồi chuyển ra Viện Pháp y Quân đội.

Cùng với đó, cuộc lấy mẫu bệnh phẩm từ thân nhân 64 liệt sĩ được triển khai đối chiếu ADN để rồi trong phần xương cốt liệt sĩ hi sinh ở Gạc Ma đưa về từ đáy biển có 8 liệt sĩ được xác định tên tuổi sau khi xét nghiệm ADN là Đoàn Đắc Hoạch, Nguyễn Thanh Hải (ở Hải Phòng), Nguyễn Minh Tâm, Trần Văn Phòng (Thái Bình), Hồ Văn Nuôi, Đậu Xuân Tư (Nghệ An), Trần Văn Quyết, Trần Quốc Trị (Quảng Bình).

Không biết có ngẫu nhiên không khi quê quán 8 liệt sĩ lại đúng ở 4 tỉnh thành, mỗi tỉnh 2 người. Thành ra chuyến xe đưa các anh từ Viện Pháp y Quân đội về quê ai cũng có bạn đồng hành.Trong 8 liệt sĩ tìm được hài cốt ấy, có hài cốt liệt sĩ Trần Quốc Trị. Nếu hài cốt anh dưới đáy Biển Đông sau hơn 20 năm còn may mắn tìm về tới được quê hương thì không lẽ nào đi tìm tấm chân dung lại vô vọng?

Và cuộc tìm kiếm của thầy Ngô Văn Minh vẫn tiếp tục…


Hành trình miệt mài…

Câu chuyện giữa chúng tôi và PGS-TS Ngô Văn Minh về hành trình tìm ảnh liệt sĩ Trần Quốc Trị dừng lại khá lâu ở giai đoạn 1988. Khi đó thầy Minh đang học năm cuối khoa Lịch sử Trường đại học Sư phạm Huế, còn tôi cũng đang là sinh viên khoa Ngữ văn Trường đại học Tổng hợp.

Những ngày tháng 3 năm 1988 đầy sôi sục ấy vẫn đọng lại trong ký ức sinh viên Huế với những đêm mittinh và sinh hoạt truyền thống.

Thầy Minh bảo dạo đó, trong cuộc mít tinh phản đối Trung Quốc cưỡng chiếm Gạc Ma, có một sinh viên Trường đại học Nghệ thuật Huế ôm đàn hát một ca khúc về biển đảo. Lâu quá rồi không còn nhớ được lời ca khúc, nhưng cảm xúc thì nhớ rất rõ, bởi những ngày tháng đó, chỉ cần trao cho mỗi sinh viên một khẩu súng là tất cả sẵn sàng lên đường.

Khi chúng tôi đưa thầy Minh xem những hình ảnh về bản báo cáo xét nghiệm ADN khi có được hài cốt các anh em đưa lên từ lòng biển, thầy bảo: "Đúng rồi, tôi cũng có một niềm tin như thế, những hài cốt dưới đáy biển sâu còn tìm được, lẽ nào không tìm được bức chân dung anh".

Là người nghiên cứu lịch sử, thầy Minh càng bị thúc bách việc tìm kiếm tấm di ảnh. Liệu việc tìm kiếm đã bỏ sót kênh nào, bởi nếu không có ảnh học bạ thì cũng đâu đó sẽ có ảnh chụp chung bạn bè, người thương. Rồi đủ các loại hồ sơ quân nhân… không lẽ chìm hết xuống biển?

Khi chương trình mang tên "Tìm ảnh cho anh" được Huyện đoàn Bố Trạch triển khai vẫn không có kết quả, thầy Minh đã nghĩ đến một lối đi khác.

Thời đó, năm 1988, vẫn còn tỉnh Bình Trị Thiên (Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên), liệu có đầu mối nào có thể tìm được từ tàng thư của tỉnh Bình Trị Thiên - đơn vị hành chính cũ ngày ấy? Sau hơn 30 năm tàng thư ấy còn được lưu giữ, được tập trung một chỗ hay đã chia ra cho từng địa phương?

May sao, khi nghe thầy Minh hỏi các tư liệu về nhân thân công dân trong tàng thư, một học viên cũ của thầy đang là lãnh đạo một ngành nội chính tỉnh Quảng Bình cho biết sau khi tái lập các đơn vị hành chính cấp tỉnh về địa giới cũ, các tài liệu thuộc về tàng thư căn cước công dân cũng được trả về cho từng địa phương.


Ánh sáng cuối đường hầm

Nhận được thông tin này, ngay buổi lên lớp hôm sau, thầy Minh lại đem hành trình đi tìm chân dung liệt sĩ Trần Quốc Trị kể trước lớp.

Và thật bất ngờ khi hai học viên cũng là hai phóng viên của báo Quảng Bình - chị Nguyễn Thị Thu Hiền và Nguyễn Thị Ngọc Mai (lâu nay đã nỗ lực cùng thầy Minh trong việc tìm kiếm) cho biết thượng tá Trần Thị Hồng Phượng, học viên của lớp, là phó trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Quảng Bình.

Chính chị Phượng đang quản lý kho tàng thư căn cước công dân đó !

Câu thần chú "Vừng ơi" trong truyện cổ hiện ra đúng lúc ngỡ chừng tuyệt vọng nhất.

Thượng tá Phượng, người đã giúp thầy Minh tìm ra bức ảnh duy nhất của liệt sĩ Trị, kể: "Đó là khoảng tháng 10-2020, thầy Minh ra dạy lớp cao cấp chính trị ở trường Chính trị tỉnh Quảng Bình. Trước đó thầy nói đã nhờ rất nhiều người đi tìm nhưng vẫn không có kết quả".

Khi xác định có thể tìm được bức ảnh chân dung anh Trị trong tàng thư, chị Phượng nhờ anh em cùng đơn vị thử lục lại tàng thư lưu trữ của Công an tỉnh xem có còn lưu giấy tờ gì của liệt sĩ Trị không.

Và bất ngờ đến khiến chị mừng rơi nước mắt. Có một bức ảnh chụp dán kèm theo tờ khai khi làm chứng minh nhân dân đầu tiên của công dân Trần Quốc Trị. Tuy nhiên, trong tàng thư tên lại ghi là Trần Văn Trị chứ không phải Trần Quốc Trị.

Dù khác chữ lót trong tên gọi nhưng các thông tin về quê quán, năm sinh, họ tên cha mẹ đều chính xác nên ngay sau đó chị Phượng cho chụp lại chân dung anh Trị trong tàng thư để trao cho thầy Minh.

Còn một động tác cuối cùng: Để trao chân dung này cho khu tưởng niệm Gạc Ma phải có xác nhận của gia đình.


Phép mầu có thật

Chiều hôm đó, sau buổi dạy, thầy Minh cùng hai phóng viên báo Quảng Bình lên xe về gia đình người anh trai cả của liệt sĩ Trần Quốc Trị. Thầy Minh kể cũng không hiểu vì sao hai cô học trò chỉ đến nhà anh của anh có một lần, vậy mà hôm đem di ảnh về trời tối, mưa phùn, cứ sợ đi nhầm đường nhưng khi dừng xe đúng ngay ngõ nhà !

Đến bây giờ, ông Trần Quốc Tuấn, anh trai cả liệt sĩ Trần Quốc Trị, vẫn còn bất ngờ về việc tìm được di ảnh em trai mình. Ông Tuấn nói đã nhiều năm đằng đẵng ông và gia đình cất công tìm kiếm nhưng không thể tìm ra hình ảnh nào.

"Chúng tôi hỏi khắp nơi. Tìm lại cả những người bạn, người yêu cũ của Trị nhưng không ai còn lưu giữ hình ảnh nào", ông Tuấn xúc động nói.

Năm 2017, khi khu tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma ở Khánh Hòa được khánh thành, ông Trần Thanh Bình, người anh trai kế của liệt sĩ Trần Quốc Trị, cũng được mời về dự. Nghẹn ngào nhìn bức tường tưởng niệm 64 liệt sĩ chỉ có ô em trai mình còn khuyết, ông và gia đình cũng quyết tâm tìm bằng được bức chân dung để đặt lên bàn thờ.

Nhưng cũng như bao nhiêu người nặng lòng với ô trống trên bức tường tạc chân dung liệt sĩ Gạc Ma, cuộc tìm kiếm ấy cũng vô vọng… Bởi thế không ai ngờ đến ngày cả gia đình, đồng đội và khu tưởng niệm nhận được bức chân dung rõ ràng cụ thể và nét đến thế của anh.

Chút băn khoăn về chữ lót "Văn" và "Quốc" của anh Trị khi tàng thư căn cước mang tên Trần Văn Trị nhưng giấy báo tử lại là Trần Quốc Trị được giải tỏa khi ông Tuấn cho biết trước thời điểm nhập ngũ, một số giấy tờ của anh mang tên Trần Văn Trị, trong đó có bản khai căn cước công dân. Sau khi nhập ngũ, anh đổi tên là Trần Quốc Trị, cùng chữ đệm như các anh trai của mình.

"Chúng tôi mấy anh em đều lót là Quốc, nên chuyện sơ suất giữa chữ lót ‘Văn’ và ‘Quốc’ có thể hiểu được", ông Tuấn khẳng định.

Với sự cẩn trọng của một nhà sử học, thầy Minh nhờ đại diện gia đình làm một tờ cam kết xác nhận đây là chân dung anh Trị gửi cùng tấm ảnh vào cho Ban quản lý khu tưởng niệm Gạc Ma để khắc ảnh anh lên ô trống trên bức tường.

Bức ảnh được chuyển vào Ban quản lý khu tưởng niệm Gạc Ma. Và ô trống phía trên dòng chữ liệt sĩ Gạc Ma Trần Quốc Trị đã được tạc chân dung anh với gương mặt đầy cương nghị.

LÊ ĐỨC DỤC - TRƯỜNG TRUNG - QUỐC NAM

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.