|
Cảnh sát chống bạo động Trung Quốc vũ trang tận răng biểu dương lực lượng tại Urumqi, Tân Cương ngày 29/06/2013. |
(Le Monde 11/07/2013) Tự thiêu hàng loạt tại Tây Tạng,
những vụ đụng độ giữa người Duy Ngô Nhĩ và công an tại Tân Cương tăng
vọt : căng thẳng đang lên đến cực điểm tại hai khu tự trị ở Trung Quốc,
xưa nay luôn bị chính quyền trung ương đàn áp. Tuy nhiên, một số dấu hiệu gần
đây khiến người ta nghĩ rằng chính sách của Bắc Kinh có thể đã bớt cứng rắn
hơn.
BÀI 1 : NHỮNG
NGƯỜI THIỂU SỐ BỊ GIÁM SÁT
Từ ba mươi năm qua,
Tây Tạng và Tân Cương, hai vùng đất bị nghi ngờ là dân chúng muốn đòi độc lập,
luôn bị đàn áp dã man nhân danh việc duy trì toàn vẹn lãnh thổ Trung Quốc. Tại
các khu tự trị này, tình hình dường như mỗi ngày lại thêm căng thẳng, và Bắc
Kinh hình như chưa rút ra được bài học về ngõ cụt của chính sách thẳng tay đàn
áp.
Có phải đây là hồi cuối của một chu kỳ, một đỉnh cao căng
thẳng, hay khởi đầu của một sự đặt lại vấn đề ? Nhà tù mênh mông của các
dân tộc Trung Quốc đang trong trạng thái căng thẳng tối đa. Chính sách của Đảng
Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhắm vào người Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ, hai
« dân tộc thiểu số » quan trọng có
tín ngưỡng, văn hóa và chính trị hết sức đặc thù, có vẻ như đang trong
ngõ cụt. Hàng loạt vụ tự thiêu ở Tây Tạng, những vụ đụng độ giữa người dân và
và lực lượng an ninh tại Tân Cương, niềm tin tôn giáo và bản sắc trỗi dậy mạnh
mẽ trong giới trí thức và lớp trẻ Tây Tạng cũng như Duy Ngô Nhĩ, sự gắn bó với
ngôn ngữ đang bị mất dần (tiếng Tây Tạng và tiếng Duy Ngô Nhĩ, gần với tiếng
Thổ Nhĩ Kỳ)…Những tín hiệu báo động đỏ đối với hai dân tộc chỉ có được quyền tự
trị ảo, và bị Bắc Kinh nghi ngờ cao độ là muốn đòi độc lập.