1. “Quân đội Triều Tiên hoàn toàn phù hợp với cuộc chiến tranh của Putox.”
Đây là một kết luận từ một cựu sĩ quan xin được giấu tên sau những thông tin từ quân đội Nga rò ra.
Hiện tại mọi tiếp xúc của các binh lính cấp thấp của nhóm quân này với bên ngoài coi như nghiêm cấm tuyệt đối, ngay cả cấp sĩ quan sơ cấp cũng gần như bị cấm không có liên hệ gì với người Nga, cũng như các quân nhân Nga khác. Đó là lý do hầu hết các thông tin về họ được lan truyền trên mạng xã hội, khi xem xét chúng cần hết sức thận trọng.
Chẳng hạn, bức ảnh một người lính châu Á đã chết làm nền, phía trước là một bàn tay cầm cuốn chứng minh thư quân nhân Triều Tiên màu đó, được cho là đồ giả. Nguồn của nó chưa rõ ràng, nhưng những người ủng hộ Ukraine hiểu biết đã nhắc nhở nhau cảnh giác những thông tin dạng như vậy, và nhà nước Ukraine cũng không ủng hộ việc chế tạo và truyền bá những thông tin đó.
Tuy vậy, vẫn có những thông tin lọt được ra ngoài, và được các cơ quan truyền thông quốc tế xác minh. Chẳng hạn, khi Gideon Rachman, cây bút chuyên mục đối ngoại chính của tờ Financial Times, đã viết trên X: “Một nguồn tin đáng tin cậy cho tôi biết rằng những người lính Triều Tiên được triển khai đến Nga chưa bao giờ được truy cập internet không bị hạn chế trước đây. Kết quả là, họ đang ngấu nghiến nội dung khiêu dâm.”
Điều này cho phép chúng ta hiểu cơ quan báo chí đó đã xác minh được tính xác thực, và hiện tượng này là có thật. Ở mức độ cần thận trọng cao hơn, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ Thiếu tá Charlie Dietz cho biết “thói quen sử dụng Internet của Triều Tiên” ở Nga không thể xác minh được.
Để có cái nhìn đa chiều, DW đã hỏi ý kiến của Andrei Lankov, một giáo sư lịch sử và quan hệ quốc tế người Nga tại Đại học Kookmin ở Seoul thì ông này nói: “Nhiều người lính trong số này chỉ là những chàng trai nông dân khiêm tốn từ vùng nông thôn, hoặc là những sĩ quan cấp dưới lần đầu tiên được nhìn thấy thế giới bên ngoài biên giới Triều Tiên. Điều đó chắc chắn sẽ khiến họ hiểu rằng đất nước của họ bị cô lập và cực kỳ nghèo đói.”
Tôi nghĩ, đây là suy luận logic. Do vậy trong bài trước, tôi có hình dung (một cách đáng sợ) rằng những người lính này không có cơ hội quay về nhà.
Còn những nguồn thông tin (tất nhiên không chính thức) của tôi từ phía quân đội Nga thì cho biết đây là những người khá lạc hậu, cho thấy ngay từ ở nước nhà họ cũng rất ít được tiếp xúc với những công nghệ hiện đại, như internet. Theo những thông tin từ nguồn Nga (và tôi khá tin vì tính logic của nó) thì nhóm quân người Triều Tiên này chưa chiến đấu trực tiếp, ngoài những nhiệm vụ mang tính thử nghiệm của các toán quân nhỏ.
Các sĩ quan Triều Tiên cũng đã đi ra chiến trường để quan sát tình hình. Theo nhận xét của các sĩ quan Nga, lính Triều Tiên không kém (còn tốt hơn lính ô hợp của Nga) nhưng đương nhiên không phải là lính công nghệ cao theo tiêu chuẩn hiện đại. Do đó họ có kết luận, “Quân đội Triều Tiên hoàn toàn phù hợp để chiến đấu ở Ukraine thời điểm hiện tại.”
Điều đó cũng có nghĩa là với công năng “bia thịt” thì nhóm này hoàn toàn tương đương lính Nga, không yếu kém hơn tí nào.
2. Nghe đâu Nga giảm tiền cho binh lính chiến đấu ở Ukraine…
Cách đây 3 ngày (ngày 14/11) một loạt các bài báo xuất hiện trên mạng: “Putox cắt giảm tiền chi trả cho binh lính khi tổn thất của Nga ở Ukraine tăng vọt” (Newsweek), “Nga thay đổi chế độ thanh toán cho lính bị thương trong chiến tranh ở Ukraine” (Bloomberg)…
Trích : Một sắc lệnh của Điện Kẩm-linh được đưa ra vào thứ Tư và được tổng thống Nga ký, (theo đó nó) hạn chế các khoản chi trả y tế là 3 triệu rúp (30.000 đô la) cho những người bị thương nặng trong chiến đấu. Trước đây, số tiền này dành cho bất kỳ ai bị thương. Bây giờ, những người bị thương nhẹ hơn sẽ chỉ nhận được từ một triệu rúp (10.000 đô la) đến 100.000 rúp (1.000 đô la).
Chẳng rõ giảm tiền dựa trên mức độ thương tật, mà lại không có quy định rõ mức độ như thế nào thì là nhẹ và như thế nào thì là nặng. Nhưng với lính Nga đánh nhau trên chiến trường, thì câu chuyện không đơn giản như vậy. Có một ông mãnh khi tự giật nổ quả lựu đạn nhằm kết liễu mạng sống của bản thân nhưng được lính Ukraine cứu sống, đã kể lại đầu đuôi câu chuyện.
Đầu tiên, lính Nga bị các chỉ huy đe dọa rằng nếu bị bắt làm tù binh, người Ukraine sẽ tra tấn họ một cách khủng khiếp. Các sĩ quan chính trị trong các đơn vị Nga thường xuyên lảm nhảm những điều như vậy, vì đó là nhiệm vụ chính của chúng. Chúng làm cho binh lính, mà nhiều người trong số họ là những người có học vấn thấp, hoảng sợ đến mức đã có một số trường hợp chỉ cần bị máy bay không người lái tấn công, đã đủ để tự sát rồi. Tại sao lại có hiện tượng như vậy?
Vì lính Nga không được giải thích rõ rằng, những trường hợp tự sát hoặc tự làm bị thương, sẽ không được bồi thường theo hợp đồng, và con số này ngày càng tăng lên. Khi cuống lên, binh lính sẽ nhanh chóng lựa chọn “chết” thay vì cố sống, vì nhiều yếu tố như trên đây tôi đã trình bày. Nhà chức trách Nga nại ra đủ các lý do để cắt khoản bồi thường này, vì vậy với lính Nga đã ký hợp đồng, nhiều khi việc sẵn sàng chết để gia đình có được khoản tiền lớn hơn, trở nên cực kỳ rủi ro nhưng chính họ không ý thức được hết tất cả những chuyện đó.
Ký sắc lệnh này, ngoài việc Putox khó khăn chắc chắn về tài chính, ngoài ra có thể là việc chúng nhận thấy đang có quá nhiều người lính cố tình làm mình bị thương để vừa thoát khỏi tình thế khủng khiếp ngoài chiến trường. Mà đã tự làm mình bị thương, thì chỉ làm nhẹ nhẹ thôi chứ ai dại gì làm nặng đến cỡ… bẻ gẫy cả xương chân tay chẳng hạn. Trước đây, bị thương nặng được bồi thường 30.000 đô-la (chính xác là gần 29.000 thôi) và bị thương nhẹ là 10.000 đô-la. Khi người ta vỡ mộng, ngay cả cái mộng kiếm tiền bằng cách lành lặn về nhà mang theo tiền, thì 10.000 cũng tốt. Bây giờ thì cắt hết. Hết trò tự làm bị thương. Ảnh hưởng luôn cả những người lính bị thương nhẹ “thật” khác.
3. Tất cả cùng khó khăn
“Càng cấm vận, Nga càng mạnh” – lý thuyết do bọn chóp bu, hệ thống tuyên truyền Nga nôn ra và được Dư luận viên xứ phía Đông nước Lào nuốt vào. Thực tế, cuộc sống của người dân châu Âu đúng là cũng thực sự khó khăn từ sau dịch Covid, lại thêm cuộc chiến tranh của Putox ở Ukraine. Thêm một lý thuyết nữa là không có dầu khí giá rẻ của Nga, thì cuộc sống dân châu Âu đương nhiên là khó khăn hơn.
Những điều này đúng. Theo một nghiên cứu xã hội học từ góc độ giá cả sinh hoạt và thị trường, thì từ khi cuộc chiến tranh bùng nổ đến nay được gần 3 năm, chi phí sinh hoạt nói chung của người dân châu Âu bị tăng, do tác động của rất nhiều yếu tố như lạm phát, giá năng lượng tăng, các lệnh trừng phạt áp dụng lên Nga có tác động trở lại.
Trích : Tại EU, quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 diễn ra chậm hơn dự kiến vì cuộc chiến ở Ukraine. Dự báo mùa thu năm 2021 của Ủy ban châu Âu dự đoán tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của EU sẽ tăng trưởng 4,3 % vào năm 2022 và 2,5 % vào năm 2023, nhưng cuối cùng tăng trưởng đã đạt 3,5 % vào năm 2022 và ước tính là 0,5 % vào năm 2023.
EU cũng đã trải qua một cuộc khủng hoảng năng lượng và chi phí sinh hoạt nghiêm trọng vào năm 2022, với những tác động lan tỏa vẫn còn được cảm nhận cho đến ngày nay. Giá năng lượng tăng cao đã dẫn đến số liệu lạm phát cao bất thường vào mùa thu năm 2022, đặc biệt là vào tháng 10 năm 2022. Điều này tạo ra các điều kiện khuôn khổ khó khăn cho cả công dân và công ty EU. Hơn nữa, để đưa lạm phát xuống mức mục tiêu 2 %, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã bắt đầu tăng lãi suất, với tác động đáng kể, đặc biệt là đối với công dân và công ty có các khoản vay lãi suất thả nổi lớn.
Theo một bài báo khác thì ngay đến tháng Năm năm 2022, tác động của cuộc chiến lên đời sống dân châu Âu và thậm chí cả Bắc Phi, đã rất đáng kể. Chẳng hạn, đến thời điểm này do giá lúa mì và ngũ cốc tăng 19 %, dẫn đến chi phí thực phẩm nói chung tăng lên đến trên 20 %. Nhưng đến cuối tháng 10 năm nay 2024, các nghiên cứu đã cho thấy nhờ nỗ lực của Ukraine nối lại việc xuất khẩu nông sản, ngũ cốc đã góp phần đưa con số “tăng chi phí cho thực phẩm của người dân châu Âu là dưới 15 % cho toàn bộ thời gian tính từ ngày 24/02/2024.”
Trong khi đó như chúng ta đã biết, giá trứng và bơ ở Nga đã lên gấp đôi và mặt hàng thường xuyên không được coi trọng là bơ, nay đã phải gắn chip chống ăn cắp trong các siêu thị. Theo các chuyên gia kinh tế, lạm phát thực của Nga hiện nay là 28 %, nếu tính mức tăng chi phí cho thực phẩm nói chung quy về khoảng 150 %, cộng thêm với 28 % lạm phát, thì một cách tự động (automatically) tiền trong ví của dân Nga bốc hơi gần một nửa mà không cần làm gì cả.
“Càng cấm vận, Nga càng mạnh” – đúng, và cứ “mạnh” như thế cho đến lúc chết hẳn.
4. Một số nhận xét và kết luận
Mấy hôm vừa qua chúng ta chứng kiến những phát ngôn của cả hai bên, và đều tỏ ra “cứng rắn.” Nổi bật nhất là chuyện cú điện đàm của Putox với Thủ tướng Đức, Olaf Scholz. Về cuộc điện đàm này, Zelenskyy đã chỉ trích rằng cuộc điện thoại đã mở ra một “chiếc hộp Pandora”, với ý rằng nó đã làm tràn ra ngoài đủ thứ vớ vẩn, nhưng điều quan trọng nhất là tình thế quốc tế đang bất lợi cho Putox – bị cô lập, nay tự nhiên lại có lão dở hơi tò tò a-lô. Chẳng ra làm sao. Kết quả của nó hoàn toàn không có: Bảo Putox rút quân để chấm dứt chiến tranh, đời nào nó nghe, ngược lại cung cấp cho nó cơ hội tuyên bố: Tao không bao giờ rút nếu không theo những điều kiện của tao.
Chưa thấy lão nào vớ vẩn như Olaf Scholz. Đấy, Putox hắn nói như vậy đấy, bây giờ làm gì làm đi. Trước đây tay tốt mã Macron đã dở hơi, bây giờ lão này tưởng có tuổi hơn thì khôn hơn, ai dè còn lẩm cẩm hơn. Người ta nói rồi: Đã không có khả năng hành động khi lời nói của mình không có kết quả, thì đừng bao giờ nói.
Ngược lại, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine thì phát biểu: Ukraine sẽ đòi lại tất cả lãnh thổ của mình đang bị Nga chiếm.
Về vấn đề này – từ góc độ lịch sử để lại, một số người sau khi cuộc chiến đi được gần 3 năm vẫn mơ hồ rằng “lãnh thổ phía đông của Ukraine hầu hết có những người theo Nga sinh sống nên dễ hiểu sẽ đồng thuận sáp nhập về với Nga.” Chúng ta cần hiểu những kẻ theo Nga (người Ukraine gốc Nga là chủ yếu) ở Donbas, tức hai tỉnh Donetsk và Luhansk đã đồng thuận ly khai thành lập hai “nước cộng hòa,” gây ra nội chiến ở Ukraine từ 2014 đến nay rồi.
Và bây giờ thì những người không theo Nga, cũng đã về các vùng khác ở trung và tây Ukraine từ lâu, hoặc đi sang các nước khác. Những kẻ vẫn theo Nga thì nay đã thành công dân Nga và đang phải chiến đấu vì một… diện tích đất cho cái gọi là “chiến thắng của nước Nga” ; thực chất là cho mục đích bẩn thỉu của Putox, cho sự tồn tại của cái ngai vàng thế kỷ 21 của hắn.
Với Ukraine, là sự sống còn: Nếu buông những vùng đất đó, là tạo điều kiện cho Putox ngồi tiếp trên ngai vàng, hắn sẽ có điều kiện phục hồi và quay lại với một cuộc chiến tranh mới. Vì vậy họ sẽ không bao giờ nhượng bộ.
Mặc dù Nga lớn tiếng khoe khoang rằng họ đang chiến thắng, nhưng thực tế là mọi thứ lại khá khác trên chiến trường. Hàng ngày có thêm những thông tin về tổn thất rất lớn của Nga ở Kursk và chính những ông sĩ quan Nga đã giải ngũ bắt đầu đặt câu hỏi: Nếu đánh nhau như thế này, thì làm thế nào mà chiếm lại được Kursk? Trước đây thì còn cho rằng không đủ lực lượng: quân lính và thiết bị, nay có cả hai thứ đó mà đánh nhau vẫn không có kết quả, chỉ mua về thiệt hại nặng.
Bác NTT khi nói chuyện với tôi, tỏ vẻ băn khoăn về chuyện ông Biden liệu có nới lệnh cấm dùng vũ khí tầm xa cho Ukraine không. Tôi đưa ý kiến thế này: Nếu có quyết định gì, cũng phải sau 20/11. Không phải vì ông Biden lo đi thăm thày cô giáo cũ đâu, mà chẳng ai ra quyết định ngay sau khi đảng của mình thất cử như vậy cả. Nếu có gì, phải sau cỡ 2 tuần cho mọi thứ nó dịu dịu đi một chút. Tôi thì ngờ rằng cái ông hâm này vẫn sẽ không đồng ý cho dùng vũ khí tầm xa, mặc dù sẽ yêu cầu tăng tốc chuyển đồ viện trợ cho Ukraine.
Như trước đây tôi đã viết, người Ukraine chắc chắn sẽ phải định liệu được về tình thế Mỹ không đồng ý với đề nghị cho dùng vũ khí tầm xa bắn vào lãnh thổ Nga. Đồng thời, chúng ta cũng nên hình dung được là chẳng có thứ vũ khí nào được chuyển giao có tầm 1.000 ki-lô-mét và sức công phá lớn. Đó là lý do Ukraine thầm lặng tự phát triển tên lửa của mình… tuy vậy, mới chỉ có 100 đơn vị, như Zelenskyy công bố. Quá ít.
Nếu bắn, họ sẽ bắn vào đâu?
Cảng Vladivostok. Cảng xuất khẩu dầu quan trọng bậc nhất của Nga, nhưng bị đóng băng 4 tháng mùa đông, nên khả năng bị tấn công sẽ thấp. Ngoài ra, RN-Sea Terminal trên Bờ biển Thái Bình Dương, với công suất 150.000 thùng/ngày và mùa đông cũng sẽ bị đóng băng, khó xuất khẩu được qua đường này.
Cảng Primorsk (1) gần Sankt Peterburg, cảng quan trọng nhất để xuất khẩu sang phía tây. Nó cách lãnh thổ cực bắc của Ukraine 940 ki-lô-mét theo đường quạ bay. Mùa đông nếu dùng tàu phá băng, Nga vẫn sử dụng được con đường này xuất khẩu dầu qua biển Baltic. Một cảng khác là Ust-Luga (2), cũng cùng khu vực và còn gần lãnh thổ Ukraine hơn – khoảng 880 ki-lô-mét theo đường quạ bay. Cảng Vyborg (3) và Vysotsk (4) (vùng Leningrad) cùng cách 980 ki-lô-mét, đều có khả năng bị tấn công.
Còn một cảng rất quan trọng nhưng coi như nằm trong túi của người Ukraine, Novorossisk, thì không cần tên lửa mà chỉ cần drone mặt nước là đủ. Trong trường hợp những cảng trên đồng loạt bị tấn công thì trong điều kiện mùa đông, Nga không có khả năng sửa chữa và tái tổ chức xuất khẩu dầu trong thời gian ngắn. Như vậy chỉ còn có các cảng: Murmansk – đóng băng kinh khủng vì nó ở vùng cực bắc, và Kaliningrad.
Riêng Kaliningrad thì rất đặc biệt: Nga nhận ra vai trò quan trọng của nó và đã có dự án xây dựng đường ống dẫn dầu đến đây. Theo thông tin mới nhất thì nó sẽ phân kỳ đầu tư thành 3 giai đoạn, khởi công năm nay (2024) để biến Kaliningrad thành cảng xuất khẩu dầu quan trọng của Nga. Đường ống này sẽ đi trong làn nước biển Baltic. Tuy vậy để phục vụ nền kinh tế thời chiến ngay trong năm nay thì chưa kịp.
Như thế là có khoảng 4 cảng xuất khẩu dầu của Nga, nếu muốn người Ukraine dành cho 25 quả tên lửa thì chắc chắn tê liệt và trong mùa đông không thể cho hoạt động trở lại được. Còn lại là Novorossisk có thể bị phong tỏa bằng drone mặt nước. Nếu Hoa Kỳ chưa có động tác gì để giảm giá dầu, thì người Ukraine cần phải hành động trước. Nếu thực hiện kế hoạch này, túi tiền của Putox sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gần như ngay lập tức, và nguồn tài chính cho chiến tranh sẽ bị tác động ngay lập tức.
Theo Reuters báo cáo ngày 24/10, “Xuất khẩu dầu thô của Nga từ ba cảng chính phía tây (Primorsk, Ust-Luga và Novorossiisk) sẽ giảm 13 % trong tháng 11 so với tháng trước xuống còn 1,95 triệu thùng mỗi ngày (tương đương khoảng 8 triệu tấn) khi mùa bảo dưỡng nhà máy lọc dầu kết thúc, hai nguồn tin thương mại cho biết hôm thứ Năm.” Nguyên nhân của tình trạng này là do nền công nghiệp hóa dầu chịu ảnh hưởng nặng nề của việc suy giảm sản lượng của các nhà máy lọc dầu trong nước. Trong trường hợp các cảng xuất khẩu dầu trên bị tấn công, thì sẽ ảnh hưởng tiếp đến lượng dầu thô được xuất khẩu không cần qua nhà máy lọc.
Cũng theo bài báo này, Nga duy trì lượng xuất khẩu dầu cao và tự thừa nhận tình trạng sản xuất dầu dư thừa, do đó trong tháng Chín 2024 buộc phải cắt giảm sản lượng từ 28 triệu thùng/ngày xuống chỉ còn 9 triệu thùng/ngày, mà giá dầu vẫn không tăng nổi.
Bài báo đánh giá “Các nhà máy lọc dầu ở Châu Á, Châu Âu và Hoa Kỳ đang phải đối mặt với tình trạng lợi nhuận giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm, đánh dấu sự suy thoái đối với một ngành công nghiệp đã có lợi nhuận tăng vọt sau đại dịch và nhấn mạnh mức độ suy thoái hiện tại của nhu cầu toàn cầu”. Như vậy thực chất là Ukraine chưa cần tấn công các cảng xuất khẩu dầu, thì tình hình cũng đã đủ không sáng sủa gì rồi.
Tuy nhiên nhìn vào con số sản lượng dầu thô vẫn giữ mức cao, trong khi các nhà máy lọc dầu không muốn nhập vào để lọc thêm cho thấy ngân sách cho chiến tranh của Putox đang cực kỳ đói và đã bước sang quá trình bán máu với bất cứ giá nào để nuôi chiến tranh. Việc tấn công các cảng xuất khẩu dầu chỉ là giả định cá nhân của tôi, có thể người Ukraine sẽ chọn những mục tiêu khác.
Bằng vũ khí drone, các sân bay của Nga sẽ tiếp tục bị “mèo vờn chuột,” người Nga sẽ còn cảm thấy rõ hơn nữa so với mùa đông trước rằng “chiến tranh đang ở cửa nhà mình.”
Quay lại với thái độ ngoan cố của bọn Putox – có vẻ và gần như chắc chắn chúng vẫn đang tin vào khả năng của ông Trump khi làm Tổng thống Hoa Kỳ là có thể “ép” được người Ukraine ngừng chiến tranh. Điều này đúng, chẳng hạn với trường hợp Việt Nam Cộng Hòa trước đây, vẫn bị cho là “chỉ cần rút ống thở là chết.” Rất nhiều người (mà ở Đông Lào thì đặc biệt nhiều) vẫn đang tin vào điều tương tự như vậy với trường hợp của Ukraine.
Chỉ một câu của Zelenskyy: Tiền đủ đến năm 2026 (và trong 2025 nhận được thêm bao nhiêu của châu Âu nữa chưa biết) thì chúng ta thấy từ thời điểm “rút ống thở” đến thời điểm “chết” của Ukraine, thì Putox đã chết trước ngay trong thời gian đó rồi. Đây chính là cái bí của ông Trump nếu ông ấy muốn giải quyết vấn đề theo hướng này, vì vậy nhiều khả năng ông ấy sẽ tránh phương án “ép” như Putox mong muốn.
Ngoài đánh vào túi tiền của Putox, mùa đông năm nay có khi không cần phải tấn công, hệ thống năng lượng và sưởi ấm của Nga cũng sẽ lại sự cố và còn nghiêm trọng hơn năm ngoái, dân Nga lại tiếp tục chết rét. Chỉ nửa tháng nữa là lạnh, và từ lạnh đến chết rét chắc cũng không bao lâu. Lại cung cấp thêm một cái cớ nữa cho quá trình lật Putox.
Tôi sẽ không nhắc lại cái cớ quan trọng nhất là mốc 20/01/2025 phải chiếm lại được Kursk. Các diễn biến trong thời gian vừa qua – giữa tuần này đã là hơn 2 tuần kể từ khi chúng “chuẩn bị 50.000 quân để phản công chiếm lại Kursk” mà vẫn chưa có thông tin gì về những thắng lợi rõ ràng của chúng ở đây. Thậm chí còn có lúc tuyệt vọng đến mức dùng bom lượn thả vào các công trình thủy lợi trên sông Seym, gây ra ô nhiễm nghiêm trọng trên vùng lãnh thổ của chính chúng, với hy vọng làm ngập lụt vùng do quân Ukraine chiếm giữ.
Chuyện này còn gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của con sông nhánh của nó chảy về phía khu vực Kyiv, sông Dysna. Gần đây nhất là vụ ném bom vào con đập gần hồ chứa nước của sông Seym, rất may không gây ra vấn đề gì nghiêm trọng, và cũng không ảnh hưởng gì đến vị thế của quân Ukraine ở đây.
Câu nhận xét là, nếu hai tuần qua chúng tấn công không có kết quả mà chính xác “kết quả là thiệt hại nghiêm trọng” thì vì lý do gì, nửa tháng nữa, một tháng nữa sẽ có kết quả?
Tôi thì chú ý nhiều đến Kupyansk, vì mấy ngày qua chúng lại nỗ lực tấn công ở khu vực này. Hướng Kramatorsk và Slovyansk, người Ukraine có hệ thống phòng ngự mạnh nên Nga ít có cơ hội tạo ra đột phá trong thời gian ngắn, nhưng ở Kupyansk thì tình hình sẽ dễ trở nên nguy ngập hơn nhiều. Do chúng ta bỏ bẵng nên chúng đã tiến được đến bờ sông Oskil (bản đồ của Deep State đính kèm) và bắt đầu triển khai lên phía bắc về Kupyansk-Vuzlovyi và phía nam theo hướng Borova. Xung quanh thành phố Kupyansk thì không quá lo vì ở đây quân Ukraine có hệ thống phòng thủ tốt, không như vừa rồi theo hướng bờ sông việc chuẩn bị là sơ sài và cũng không đủ quân.
Những khó khăn này (và cả trên các hướng khác như Toretsk chẳng hạn) thường được giải thích theo cách tiếp cận. Như một lão hâm, mang tiếng tiến sĩ toán ở Học viện kỹ thuật quân sự vừa viết: Ukraine mất đất liên tục (lão nào còn viết “quân Ukraine chết nhiều gấp 10 lần quân Nga”, nhiều như thế thì họ phải thua lâu rồi chứ). Theo cách tiếp cận này thì đúng là người Ukraine đang thua, thua nghiêm trọng.
Tôi thì đồng tình với Ben Hodges và Chuck Pfarrer trong những bài nói gần đây nhất, quan trọng không phải là những kết quả theo kiểu đó, mà là khả năng làm suy giảm năng lực chiến đấu của quân đội đối phương. Ví dụ, chính báo chí xứ Đông Lào vừa viết, riêng để tiến về Pokrovsk (mà đã chiếm được đâu) Nga tiêu tốn 5 sư đoàn xe tăng chỉ để tiến được 40 ki-lô-mét. Đây là một thiệt hại nghiêm trọng và nó ảnh hưởng trực tiếp đến những kế hoạch tiếp theo – rõ ràng trong việc hoạch địch mục tiêu của chúng có sự vô nghĩa không hề nhỏ.
Tôi xin nhắc lại câu tôi đã từng viết: cái đem lại chiến thắng trong cả cuộc chiến không phải là chiếm được đất, mà là khả năng phá hoại sức chiến đấu của quân đội đối phương. Dù không được phép sử dụng vũ khí tầm xa, người Ukraine vẫn kiên trì và đi theo hướng này một cách hiệu quả, chỉ là chậm thôi, nhưng vẫn tiến. Về lâu về dài điều này sẽ mang đến chiến thắng cho họ, và những diện tích hôm nay Nga chiếm được sẽ phải trả lại hết.
Tôi vẫn tin vào một biến cố chính trị trong chính trường Nga, và điều này thường sẽ xảy ra một cách bất ngờ. Do đó, chúng ta cần chuẩn bị tinh thần chỉ một hôm nào đó ngủ dậy sẽ thấy “im lặng đáng sợ” rồi dần dần có tin trong Kẩm-linh có biến cố… Nó sẽ xảy ra bất ngờ như vậy.
Về Crimea, nhiều bác vẫn nghĩ Ukraine họ cần phải đổ bộ chiếm lại, tôi cũng đã từng mô tả kế hoạch này một cách… mơ mộng. Thực tế là không cần phải như vậy, vì với vũ khí tầm xa được viện trợ, khả năng tấn công của Ukraine đã phủ hết bán đảo. Hôm qua có bác nào nói bọn Nga đã hoàn thành cái cầu tạm đoạn bị xô lệch của cầu Kerch… Cầu này nếu có làm xong được cũng chỉ cho ô tô chạy, mà Nga thì cần phải có tầu hỏa chạy thục mạng mới đủ tiếp tế cho bán đảo. Cái bán đảo này sẽ như cái xương gà mắc trong cổ Putox, hắn sẽ khốn khổ với nó. Và sau Putox, Nga sẽ tự buộc phải rút khỏi đó mà không cần phải đánh chiếm.
PHÚC LAI 17.11.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.