samedi 23 novembre 2024

Trần Nhung - Vài điều ghi nhớ về anh Đinh Thế Huynh

 

Cũng là điều bình thường nhưng nhiều người lại cho là bất thường, và có gì đó như là một sự đặc biệt để báo hiệu điều gì đó về chính trường. Lâu nay ở Việt Nam do chậm thông tin, và đôi khi một sự việc là bình thường lại để quá lâu không thông tin khiến dư luận đồn đoán linh tinh.

Ngày 22 tháng 11, Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức lễ trao huy hiệu 50 năm tuổi Đảng cho anh Đinh Thế Huynh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư tại tư gia của anh.

Ông Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị,Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã dành những lời đánh giá rất cao về phẩm chất, đạo đức,tài năng và công lao của anh Đinh Thế Huynh: "50 năm đứng trong hàng ngũ Đảng, ở trong bất cứ hoàn cảnh, cương vị công tác nào, đồng chí Đinh Thế Huynh luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, đã có những công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng".

Anh Đinh Thế Huynh bày tỏ sự cảm ơn Đảng bộ Quân đội, báo Nhân Dân, Ban Tuyên giáo trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng đã giúp anh rèn luyện phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Lời cảm ơn ngắn gọn đó cũng đủ nói lên tiểu sử và quá trình công tác cũng như sự cống hiến của anh.

Anh Đinh Thế Huynh có nhiều điều đặc biệt.

Một là anh sinh ra trong một gia đình bình thường, ở một vùng quê giàu truyền thống khoa bảng và quan trường là huyện Xuân Trường tỉnh Nam Định, là quê hương của Tổng bí thư Trường Chinh và nhiều cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước cùng rất nhiều nhà khoa học nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực.

Hai là anh là lính chiến thực sự, là chiến sĩ bộ binh của Sư đoàn 325 chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị 10 phần thì 9 phần chết, nhưng anh đã vượt qua nhiều tình huống hiểm nghèo, được kết nạp vào Đảng Nhân dân Cách mạng Việt Nam năm 1974 ở tuổi 21.

Ba là sau khi rời quân ngũ về báo Nhân Dân, anh được đi học tại Trường đại học Matxcơva và về nước với bằng chính quy về chuyên ngành khoa học xã hội.

Bốn là anh trưởng thành từ một phóng viên thường, một thư ký cho Tổng biên tập báo Nhân Dân qua các cương vị cấp vụ, Phó Tổng biên tập và sau khi Tổng biên tập Hồng Vinh được điều lên làm Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương thì anh được đề cử là Tổng biên tập báo Nhân Dân. Như vậy ở báo Nhân Dân có tới ba Tổng biên tập là người Nam Định.

Anh là Tổng biên tập báo Nhân Dân có cương vị cao nhất trong Đảng, vượt xa nhà cách mạng lão thành, một nhà báo tầm cỡ vĩ đại là ông Hoàng Tùng mà chức vụ cao nhất chỉ là Bí thư Trung ương Đảng.

Năm, khi anh là phóng viên thường thì anh có những bài viết rất hay được dư luận và bạn đọc khen ngợi. Nhưng sau này ở cương vị Tổng biên tập và các chức vụ cao hơn thì anh hầu như không còn viết báo nữa, khác hẳn các vị Tổng biên tập khác ở báo Nhân dân là viết báo suốt đời... Như người tiền nhiệm của anh là anh Hồng Vinh thì sau khi nghỉ hưu, anh đã trở thành một nhà thơ tài năng xuất bản hơn 10 tập thơ cùng nhiều bài viết lý luận phê bình và bàn luận các vấn đề chính trị của đất nước được bạn đọc rất hoan nghênh.

Sự nghiệp của anh Đinh Thế Huynh đang thăng tiến, hứa hẹn một tương lai cực kỳ tươi sáng thì sau chuyến đi thăm Trung Quốc và sau đó là thăm Mỹ trên cương vị Thường trực Ban Bí thư trở về, anh đột ngột rời chinh trường một cách lặng lẽ. Đáng ra ngay lúc đó cần có thông tin về anh bị một căn bệnh lạ hiếm có, thì lại để một thời gian dài không thông tin rồi mới có thông báo anh nghỉ để chữa bệnh, tạo ra một khoảng trống về dư luận.

Phải nói rằng anh có một nghị lực để chống lại bệnh tật hiểm nghèo và đứng vững suốt bảy năm trời. Nhân một kỳ hội lớp của chúng tôi là lớp K12 khoa Ngữ Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nhân 50 năm ngày nhập trường đã tổ chức hai ngày nghỉ ở Ba Vì, mà tình cờ tôi biết anh đang nghỉ dưỡng ở đó. Khó khăn lắm tôi mới được cho vào thăm anh, nhưng chỉ được đứng ở phòng ngoài nhìn qua khung cửa vào phòng anh nằm. Lúc đó anh nằm gần như bất động không nhận ra người quen.

Tôi quen biết anh vì là đồng nghiệp, nhưng mặt khác cũng là tình đồng hương, vì thế có nhiều dịp gặp nhau kể cả những cuộc gặp rất riêng tư. Một lần trước kỳ bầu cử Quốc hội năm 2001, khi tôi định đăng một bài báo về bằng cấp tiến sĩ của một người là doanh nghiệp nhà nước được đề cử ứng cử viên Đại biểu Quốc hội. Do có sự phân vân nên tôi gọi điện đến ban lãnh đạo tổng công ty đó. Bất ngờ sáng hôm sau, tôi được anh Đinh Thế Huynh lúc đó là Tổng biên tập báo Nhân Dân mời sang phòng làm việc của anh.

Đến nơi tôi thấy một người lạ, và anh Huynh giới thiệu cho tôi biết đây chính là nhân vật trong bài báo mà tôi định đăng trên báo Quân đội Nhân dân và đề nghị tôi nên xem xét cẩn thận, không nên đăng bài báo đó khi các thông tin không được xác thực. Rồi anh  mời tôi cùng anh kia sang nhà hàng Phú Gia gần trụ sở báo Nhân Dân ăn sáng và chuyện trò vui vẻ. Năm đó anh kia trúng cử Đại biểu Quốc hội và nhờ bước đệm này, anh dần dần tiến lên cao hơn là Ủy viên Trung ương và Ủy viên Bộ Chính trị, nhưng tiếc thay đã bị đứt gánh, chịu một cái án có thể thành ma tù.

Lần khác trước thềm Đại hội 10, một anh nhờ tôi đến gặp anh Đinh Thế Huynh nhờ một việc. Dịp đó Ban chấp hành Trung ương đang họp nhưng không như các đại  biểu khác ăn cơm tại Văn phòng Trung ương thì anh lại về báo Nhân Dân để ăn trưa  và nghỉ ngơi. Tôi đến phòng làm việc của anh thì thấy anh và thư ký đang ngồi ăn cơm hộp cùng một bao thuốc lá và một chai rượu cuốc lủi để trên bàn. Anh nghiện thuốc lá và nghiện rượu. Vừa  ăn anh vừa tiếp chuyện tôi vui vẻ. Nghe tôi trình bày xong anh bảo : Việc này khó đấy em không giúp được đâu (tôi hơn anh 7 tuổi, vì thế lúc thân mật anh đều xưng em còn chỗ đông người là xưng tôi). Việc này anh nên gặp ông A. mới giải quyết được.

Khi anh ở cương vị Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương thì có việc nhà đất của một vị lão thành cách mạng cùng quê anh mà con vị đó nhờ tôi lúc đó là Tổng Biên tập Báo Cựu chiến binh giúp đỡ giải quyết.

Tôi đến phòng làm việc của anh trình bày cặn kẽ và kèm theo một bức thư gửi lãnh đạo Đảng. Anh chăm chú lắng nghe và nói việc này anh đã biết từ lâu nhưng rất khó giải quyết, bởi liên quan đến tranh chấp trong gia đình. Anh khuyên tôi nên có công văn đến văn phòng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhờ sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mà việc nhà đất của vị lão thành cách mạng kia đã được giải quyết.

Anh Đinh Thế Huynh là người khiêm tốn, khéo cư xử với cấp dưới bạn bè đồng nghiệp cũng như cấp trên, vì thế anh thăng tiến rất thuận lợi. Nhưng con người có số nên anh chỉ giữ cương vị Thường trực Ban Bí thư 2 năm 26 ngày thì ngã bệnh.

Chúc mừng anh được nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, và cũng nhờ đó minh bạch thông tin để cán bộ và nhân dân được biết tránh những điều suy đoán thiếu cơ sở nhưng lại lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội.

TRẦN NHUNG 22.11.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.