Đang có những đề xuất sáp nhập một số bộ lại với nhau, và đáng nói hơn nữa là xóa đi một số ban đảng trùng lắp chức năng với bộ máy chính phủ.
Đây là tín hiệu vui và đáng hoan nghênh, ông Tô không chỉ nói mà quyết tâm làm. Trước mắt là làm tinh gọn bộ máy nhà nước vốn quá cồng kềnh và tốn kém.
Sẽ có một số bộ mới bao gồm nhiều chức năng nhiệm vụ ra đời. Ở đây, tui không bàn về nội dung sáp nhập với tính hợp lý và sự hiệu quả của nó, mà trước mắt quan tâm đến chuyện nhỏ hơn, hình thức của nó. Đó là tên gọi của các bộ mới này, liệu có lặp lại tư duy xơ cứng cũ trong cách đặt tên như trước đây để ra đời những cái tên rất dài gây ra bao phiền toái cho người dân.
Ví dụ sau khi sáp nhập bộ tài nguyên môi trường vào bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ thành một bộ có cái tên dài kỷ lục để có đầy đủ chức năng: Bộ Tài Nguyên Môi Trường và Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn? Nếu đúng như vậy thì sẽ gây ra bao nhiêu phiền toái và tốn kém cho người dân, cho doanh nghiệp mỗi khi viết văn bản liên quan đến bộ đó.
Thời Nhà Nguyễn, tên gọi các bộ rất gọn nhẹ, chỉ có một từ giúp người dân dễ nhớ và dễ viết đơn từ: Bộ Binh, Bộ Hình, Bộ Lại, Bộ Học, Bộ Lễ …
Đến thời chính phủ Trần Trọng Kim, do có nhiều bộ và tránh trùng lắp, tên bộ được đặt bằng hai từ, cũng rất gọn như: Bộ Quốc Phòng, Bộ Nội Vụ, Bộ Tài Chính, Bộ Giáo Dục, Bộ Tư Pháp, Bộ Y tế, Bộ Văn Hóa …
Qua thời Việt Nam Cộng Hòa, số bộ tăng lên nhiều hơn nhưng phần lớn tên gọi của các bộ vẫn gói gọn trong hai từ như thời chính phủ Trần Trọng Kim. Rất hiếm có bộ có tên gọi trên hai từ.
Nhưng chẳng hiểu vì sao, qua thời Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam Độc Lập Tự Do Hạnh Phúc, tên gọi các bộ cứ càng lúc càng dài ra y như là muốn dài cho bằng tên nước cho oai (?). Bộ Giáo Dục và Đào Tạo (mà đào tạo cũng là giáo dục), Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư, Bộ Giao Thông Vận Tải, Bộ Thông Tin và Truyền Thông, Bộ Văn Hóa Thể Thao và Du Lịch, Bộ Lao Động Thương Binh và Xã Hội …
Các vị đặt tên cho bộ thời đó đã không phân biệt được tên gọi với chức năng và nhiệm vụ của bộ. Ngoài việc để cho dài cho oai, còn muốn trong tên gọi có đầy đủ chức năng và nhiệm vụ nữa. Đó là một tư duy rất sai lầm và đi ngược lại sự tiến bộ.
Tên gọi là ký hiệu quy ước áp lên cho sự vật. Là ký hiệu nên phải gọn nhẹ dễ nhớ, dễ nói, dễ viết, thường rất vô nghĩa và không mô tả chức năng của sự vật. Cái để ngồi có cái tên là ghế, “ghế” chẳng có ý nghĩa gì cả, nhưng ta vẫn gọi là ghế theo quy ước từ xa xưa chứ không gọi nó là cái để ngồi.
Tương tự như vậy cái ghế dài (trường kỷ) không gọi là cái để ngồi và có thể để nằm. Cái giường không ai gọi là cái để nằm ngủ và để làm tình. Cái ô tô, lúc đó tiếng Việt chưa có tên, nhưng ông bà ta thà mượn tên Tây đặt cho nó chứ không ngô nghê gọi nó là cái xe có bốn bánh chạy tự động chở người chở thú vật và hàng hóa. Cục xà phòng cũng thà gọi theo tên Tây chứ không ngô nghê gọi là cục để tắm để rửa để giặt và để gội đầu, (dù thời đó chức năng nhiệm vụ của xà phòng là bao gồm chừng đó việc).
Mọi người sẽ phì cười với những cái tên ngô nghê dài dòng luộm thuộm mô tả đầy đủ chức năng và nhiệm vụ như ở trên. Nhưng ít người thấy vô lý và khôi hài khi có một cái tên bộ là giáo dục và đào tạo, hay nông nghiệp và phát triển nông thôn, hay lao động thương binh và xã hội … Bi thảm và xấu hổ nhất là cái bộ có cả ngàn vị giáo sư tiến sĩ bằng cấp cao tới trời, mà cúi đầu chấp nhận cái tên của bộ mình rất dư thừa là “giáo dục và đào tạo” mà không một vị nào dám lên tiếng góp ý để sửa đổi.
Do vậy nhân dịp sáp nhập các bộ để tinh gọn bộ máy nhà nước, thì trước hết cần làm tinh gọn tên gọi của các bộ. Việc bé nhỏ như vậy mà không làm được thì khó tin rằng sẽ làm được việc lớn lao hơn.
Tui mạn phép đề xuất một số tên bộ mới, (theo quy tắc không nêu đầy đủ các chức năng và nhiệm vụ vào tên), kèm theo cả quy định về viết tắt trong văn bản chính thức:
- Bộ Giáo dục (BGD), thay vì Giáo Dục và Đào Tạo.
- Bộ Nông nghiệp (BNN), bao gồm các chức năng nông nghiệp, phát triển nông thôn và tài nguyên môi trường dự định sáp nhập vào.
- Bộ Y tế (BYT), bao gồm cả chức năng thương binh xã hội dự định nhập vào.
- Bộ Khoa học (BKH) bao gồm các chức năng khoa học, công nghệ và thông tin sẽ nhập vào.
- Bộ Văn hóa (BVH) bao gồm các chức năng văn hóa và du lịch.
- Bộ Giao thông (BGT) bao gồm các chức năng giao thông, vận tải và xây dựng sẽ nhập vào ...
Quy định chính thức về viết tắt tên bộ trong văn bản rất quan trọng, giúp tinh gọn văn bản và tiết kiệm nhiều chi phí. Điều này cũng nên áp dụng cho mọi cơ quan nhà nươc từ trên xuống chứ không riêng chi cho bộ. Liên Minh Châu Âu, Hoa Kỳ, Vương Quốc Anh to đùng đùng như thế mà tên nước rất quan trọng của họ còn viết tắt và quy định dùng chính thức: EU, US, UK huống chi là tên các cơ quan của một chính phủ.
Nhân tiện dịp này mong các ngài cũng bàn làm gọn gọn tên nước của mình lại một chút. Chứ như hiện nay quá sức dài, dài nhất thế giới, gây ra bao nhiêu phiền toái và tốn kém trong văn bản. Cộng hòa, xã hội chủ nghĩa, Độc lập, Tự Do, Hạnh Phúc đều đã quy định trong hiến pháp rồi, thì có nhất thiết phải trưng hết lên trên quốc hiệu không.
Tui mạnh dạn đề xuất Việt Nam là đủ rồi. Còn nếu sợ ngắn quá mất oai thì Cộng hòa Việt Nam là cũng tạm ok.
HUỲNH NGỌC CHÊNH 24.11.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.