mercredi 20 novembre 2024

Nga xâm lăng Ukraina : Một ngàn ngày sau, Đoàn kết gây sức mạnh

 

(Jean Quatremer, Libération 20/11/2024) Tranh thủ đèn xanh của Joe Biden, Kiev đã oanh tạc Nga hôm thứ Ba 19/11 để đánh dấu 1.000 ngày bị Matxcơva xâm lăng. Trước sự sa lầy của cuộc chiến, EU tái khẳng định sự ủng hộ Volodymyr Zelensky - tổng thống Ukraina đã phát biểu hôm thứ Ba trước Nghị viện Châu Âu.

Để đánh dấu 1.000 ngày cuộc xâm lăng thất bại của Nga khởi đầu từ ngày 24/02/2022, Ukraina hôm thứ Ba đã tấn công lãnh thổ Nga với các hỏa tiễn tầm xa Mỹ ATACMS, nhắm vào các mục tiêu quân sự tại vùng biên giới Briansk. Và, chỉ chưa đầy hai ngày sau khi tổng thống Mỹ mãn nhiệm Joe Biden đã bật đèn xanh cho việc sử dụng, mà cho đến nay vẫn là một lằn ranh không thể vượt qua của đồng minh này, do lo ngại leo thang.

Matxcơva nhanh chóng nhe nanh : Ngoại trưởng Serguei Lavrov cho rằng các vụ bắn này đánh dấu « một giai đoạn mới của chiến tranh phương Tây chống lại Nga, hậu quả là chúng tôi sẽ phản ứng ». Hồi tháng Chín, Vladimir Putin đã cảnh báo, trường hợp này có nghĩa là « NATO tham chiến chống Nga ». Để nhấn mạnh, ông chủ điện Kremlin ký sắc lệnh chính thức hóa chủ thuyết nguyên tử mới của Nga, mở rộng khả năng vận dụng vũ khí nguyên tử trong trường hợp tấn công « ồ ạt » từ một quốc gia không có loại vũ khí này nhưng được sự hỗ trợ của một cường quốc nguyên tử - nhắm vào Hoa Kỳ, nhưng cả Pháp và Anh.

Quốc tế hóa xung đột

Đe dọa hạt nhân không phải là mới mẻ : Từ tháng 2/2022, mỗi lần các đồng minh của Kiev từ bỏ lằn ranh đỏ do chính mình vạch ra (chuyển giao xe tăng, chiến đấu cơ, hỏa tiễn tầm xa...) thì Nga lại đưa ra. Nhưng lần này, chính Kremlin muốn leo thang, khi trước số thương vong quá lớn (trên 700.000 quân, theo bộ tham mưu Anh), phải nhờ đến lính Bắc Triều Tiên : hiện nay trên 10.000 lính của chế độ độc tài đỏ này đã tập trung gần biên giới Ukraina. Và theo phát biểu của tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky sáng thứ Ba trước Nghị viện Châu Âu - phiên họp đặc biệt lắng nghe ông - sắp tới sẽ là « trên 100.000 quân » Bắc Triều Tiên.

Một sự quốc tế hóa xung đột khiến phải dỡ bỏ những hạn chế cuối cùng về việc sử dụng vũ khí phương Tây, để quân đội Ukraina không còn phải chiến đấu với một cánh tay bị trói ngoặt ra sau. Bởi vì lần này không chỉ là cung cấp vũ khí, mà còn là bộ binh nước ngoài trực tiếp tác chiến. Điều này không thể thực hiện nếu không có sự đồng ý của Trung Quốc, nhà bảo trợ cho chế độ Bình Nhưỡng. Theo các nhà ngoại giao châu Âu, « trục tội ác » mới (Nga-Trung Quốc-Bắc Triều Tiên-Belarus-Iran) vừa muốn lợi dụng thời kỳ chuyển giao quyền lực ở Mỹ vừa muốn trắc nghiệm quyết tâm của châu Âu trong việc tiếp tục giúp đỡ Ukraina trong trường hợp Mỹ rút lui.

Châu Âu muốn lập tức bác bỏ những tin đồn dai dẳng « mệt mỏi vì chiến tranh », nhất là sau sáng kiến đơn phương của thủ tướng Đức Olaf Scholz - gọi Vladimir Putin để hoài công thuyết phục chấp nhận đàm phán. Sylvain Kahn, giáo sư Sciences-Po và tác giả báo cáo Châu Âu trước Ukraina (PUF, 2024) phân tích, sự chán nản này là « có thật, không thể chối bỏ, nhưng dù nhọc nhằn, châu Âu vẫn tiếp tục đi theo con đường từ tháng 2/2022 ».

Hôm thứ Ba, các nhóm chính trị chủ chốt trong Nghị viện Châu Âu cũng ủng hộ vô điều kiện Volodymyr Zelensky, tổng thống Ukraina kêu gọi không bỏ rơi đất nước ông. Zelensky nói với các nghị sĩ châu Âu : « Hãy nhắc nhở sự thật đơn giản này cho những ai ở châu Âu nghĩ rằng có thể bán Ukraina hoặc một nước khác để mua hòa bình. Không ai có thể nói rằng ra khơi ở vùng biển lặng, trong khi bão tố đang hoành hành ở xung quanh ».

Tuyên bố mạnh mẽ nhất là của chủ tịch nhóm PPE (bảo thủ, nhóm lớn nhất trong Nghị Viện), nghị sĩ Đức Manfred Weber, thành viên đảng CDU-CSU được cho là sẽ thắng trong cuộc bầu cử trước hạn tại Đức tháng 2/2025. Cần phải giúp Ukraina « chiến thắng trên chiến trường », qua việc cho phép dùng vũ khí phương Tây đánh vào lãnh thổ Nga. Nhất là ông đòi hỏi chủ tịch đảng CDU, Friedrich Merz, Berlin nên viện trợ hỏa tiễn tầm xa Taurus giúp phá hủy cầu Kertch nối Crimée với Nga, điều mà ông Olaf Scholz luôn từ chối để làm vui lòng cánh tả chủ hòa.

Trump, con voi trong phòng

Đồng thời, các ngoại trưởng Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Ba Lan nhắc lại, vấn đề không chỉ là số phận của Kiev, mà « cả an ninh chung đã được đặt lại hơn bao giờ hết trong đời sống chúng ta », một cách để gắn liền vận mệnh của Ukraina với Liên hiệp châu Âu. Họ cam kết sử dụng « mọi đòn bẩy có được, kể cả sức mạnh kinh tế và tài chánh của EU », đặc biệt là « tài trợ sáng tạo » để hỗ trợ nỗ lực quốc phòng châu Âu.

Ngoại trưởng Radoslaw Sikorski của Ba Lan và Antonio Tajani của Ý có phần vội vã khi coi là bật đèn xanh cho việc cùng vay mượn, theo kiểu quỹ tái thúc đẩy hậu Covid. Một nhà ngoại giao châu Âu tham dự hội nghị nói : « Vẫn chưa đến mức độ đó, nhưng Đức không bác việc tài trợ cho sáng tạo, đó là điều mới. Tất cả đều đồng ý trao cho Ukraina phương tiện để có được vị thế tốt nhất trong đàm phán, sẽ diễn ra khi nào Kiev quyết định ».

Còn lại một con voi trong phòng mang tên Donald Trump, tổng thống Mỹ tương lai, mà người ta nghi ngờ sẽ để cho EU đơn độc đối phó với Nga. Sylvain Kahn nhấn mạnh : « Trước hết, hãy còn hai tháng nữa để cho phép Kiev oanh tạc đất Nga bằng hỏa tiễn của chúng ta. Nhưng nhất là hoàn toàn không biết vị tổng thống khó đoán này sẽ làm gì. Trump chỉ cam đoan chấm dứt chiến tranh trong 24 giờ nhưng không nói cụ thể. Và nhìn vào nội các của ông, thấy có đủ khuynh hướng. Đừng quên rằng chính Trump đã điều 40.000 GI đến sườn đông NATO và các hệ thống chống hỏa tiễn Patriot. Đặc biệt ông biết rằng mọi dấu hiệu yếu kém ở Ukraina sẽ bị các kẻ thù Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Iran khai thác ». Như vậy số phận Ukraina còn xa mới được định đoạt.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.