Mấy năm trước, sau khi rời nghề báo, tôi cặm cụi với nghề xuất bản. Làm nghề này, dĩ nhiên là tiếp xúc với rất nhiều bản thảo.
Tôi thấy có điều hơi trái khoái như thế này: Những tác giả tỏ ra tham vọng nhất, muốn gây tiếng vang nhất, nghĩ rằng tác phẩm của mình là ghê gớm nhất… thì thường ứng xử với bản thảo một cách cẩu thả nhất.
Biểu hiện của sự cẩu thả đó là gì? Là lỗi chính tả chi chít từng trang, trang nào cũng vài chục lỗi. Bên cạnh lỗi chính tả còn lỗi hành văn, viết câu bất tận, không chấm không phẩy, không xuống dòng. Không một nhịp điệu. Lại thêm lỗi kỹ thuật vi tính, ví dụ: Cuối câu thì phải buông ngay dấu chấm (.) mà không cách ra, nhưng họ cứ cách ra rồi mới chấm, và các dấu khác cũng… ngẫu hứng lý qua cầu như vậy.
Mỗi khi đọc một bản thảo như vậy, có thể nói là “tụt mood”, dù nội dung có hay đến mấy cũng khiến ta có cảm giác như đang ăn cơm mà có quá nhiều sạn.
Tôi nghĩ rằng, các tác giả này, dường như chỉ viết bản thảo một lần rồi thôi, không chỉnh sửa, thậm chí không thèm đọc lại. Lao động như thế mà tham vọng tác phẩm lớn, khiến thiên hạ phải trầm trồ, nghĩ cũng oái ăm.
Dường như bây giờ ít có người chịu khó, viết đi viết lại từng đoạn văn nhỏ, một bản thảo phải để ngâm lâu một thời gian, sửa chữa chỉn chu rồi mới gửi đi. Cho nên đọc tác phẩm không thấy mồ hôi của cây bút.
(Đến đây thì phải mở ngoặc ra để nói rằng, đây là câu chuyện tế nhị, vì người viết như tôi đây “há miệng mắc quai”, rất dễ gặp lời tấn công: “Chú em viết lách có ra cái gì đâu mà lên mặt dạy đời?” Dạ thưa không. Không hề và không dám. Ở đời không có gì dại bằng việc dạy khôn thiên hạ. Ở đây chỉ nói về sự rèn luyện của nhà văn, theo quan niệm, có thể là lạc hậu, của cá nhân tôi mà thôi).
*
Chắc nhiều người cũng biết, thiền định hay tập Dịch cân kinh đều tốt cho sức khỏe, đặc biệt là tim mạch.
Nhưng ngồi thiền phải đủ lâu. Phất thủ liệu pháp, muốn phát huy hiệu quả phải từ 1.000 cái trở lên. Đó là lúc các đường kinh dương được khai thông, thân thể ấm lên, đặc biệt chỗ gáy nóng ran. Đốt sống cổ là nơi nối liền giữa đầu với thân, nó là cánh cửa hay cây cầu, cần thiết phải khai thông mỗi ngày.
Nếu thiền hay phất thủ, mà gáy vẫn lạnh tanh, thì chưa có hiệu quả gì. Lúc này có thể dùng tay bóp xoa vai gáy. Những ai vai và gáy cứng ngắc như đá thì nên coi chừng. Nói chung, Thiền định và Dịch cân kinh rất dễ tập, nhưng nếu không chịu rèn luyện, bền bỉ thì tập không tới, không hiệu quả.
*
Đàn ông trung niên, xấu xí nhứt là cái bụng bia, muốn loại bỏ nó thì chỉ có đi tập gym. Nhưng gym thì mất thời gian và cũng nhiêu khê lắm. Có một cách đơn giản hơn, đó là tập plank (tức tư thế tấm ván trong yoga). Tôi bảo đảm tập plank thì sẽ xẹp bụng bia. Nhưng phải tập đúng cách và đủ liều.
Có câu nói đại ý: “Ai nói thời gian trôi qua nhanh là chưa tập plank”. Thực vậy, một người bình thường chống plank chỉ được vài giây. Người giỏi nhất chỉ khoảng từ 1 đến 2 phút. Nhưng hãy cứ kiên trì tập luyện. Từ vài giây mà nâng dần lên. Đặc biệt món này nên bấm giờ mà tập, nhìn vô đồng hồ để biết thời gian thực, vì nếu không nhìn đồng hồ thì cứ tưởng mình chống được vài phút, trong khi thực tế chỉ có vài giây.
Hồi xưa tôi cũng bị vậy, tưởng mình giỏi lắm, hóa ra mình chống chỉ được… hơn 2 phút chút xíu. Nhưng để vượt qua con số 2 phút cũng không dễ dàng gì.
*
Nói chung, làm gì cũng cần rèn luyện, từ chuyện viết văn đến làm vườn.
Làm vườn thì phải chịu khó cuốc đất, nhổ cỏ, xách nước… Toàn những việc chân tay. Nhưng làm vườn, bài học thú vị là từ việc cắt cây tỉa cành. Sắm một cái kéo cắt cành thật xịn để làm vườn. Và, hãy cắt tất cả những cành lá thừa để cho cây lên mạnh khỏe. Ban đầu thì ai cũng cắt, nhưng vừa cắt vừa tiếc vừa thương. Nhưng càng làm thì mới biết là hãy cắt bỏ nhiều hơn nữa, vứt bỏ không thương tiếc những chỗ không quan trọng.
Như thế, ở một khía cạnh nào đó làm vườn cũng giống như viết văn: “Công việc quan trọng nhất là cắt bỏ hết những chỗ thừa”.
TRẦN NHÃ THỤY 16.11.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.