mercredi 24 avril 2013

Ấn Độ yêu cầu Trung Quốc rút quân khỏi khu vực tranh chấp

Bài đăng : Thứ ba 23 Tháng Tư 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 23 Tháng Tư 2013 
Ngoại trưởng Ấn Độ hôm nay 23/04/2013 thông báo đã yêu cầu Trung Quốc rút quân sau khi xâm nhập vào một khu vực hẻo lánh thuộc Himalaya mà Ấn-Trung đang tranh chấp, tuy Bắc Kinh bác bỏ sự kiện này.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ, Syed Akbaruddin tuyên bố : « Chúng tôi đã yêu cầu Trung Quốc giữ nguyên trạng như trước đây tại khu vực ». Ông cho biết đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ đã được triệu mời, và các lãnh đạo quân sự đôi bên đang thương thảo để giải quyết sự cố.

Một nguồn tin từ chính phủ Ấn Độ ngày 20/04/2013 cho biết có khoảng năm chục binh sĩ Trung Quốc đã cắm trại tại một khu vực hẻo lánh ở Ladakh thuộc Himalaya mà Ấn Độ đòi hỏi chủ quyền, và đường biên giữa hai nước vẫn đang bị tranh cãi.

Canada phá vỡ âm mưu khủng bố của Al Qaida

Bài đăng : Thứ ba 23 Tháng Tư 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 23 Tháng Tư 2013 
Cảnh sát Canada ngày 22/04/2013 đã phá vỡ được một âm mưu khủng bố nhắm vào một chuyến tàu chở hành khách. Hai nghi phạm nhận lệnh từ các phần tử Al Qaida tại Iran đã bị bắt ở Toronto và Montréal.

Hiến binh Hoàng gia (GRC, tức cảnh sát liên bang Canada) cho biết, các nghi can muốn tấn công khủng bố một chuyến tàu khách của công ty nhà nước Canada Via Rail, đã theo dõi các chuyến tàu và đường ray thuộc khu vực Toronto. Theo báo chí địa phương, hai nghi phạm nhắm vào tuyến đường đông khách New York-Toronto.

Cảnh sát từ chối cho biết nguyên quán, quốc tịch cũng như thời điểm hai người này đến Canada, vì đang trong vòng điều tra. Cơ quan chức năng chỉ tiết lộ đó là Chiheb Esseghaier, 30 tuổi, ngụ tại Montréal và Rael Jaser, 35 tuổi, định cư ở Toronto.

Bài hát chính thức cho lễ đăng quang Quốc vương Hà Lan bị thu hồi

Bài đăng : Thứ hai 22 Tháng Tư 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ hai 22 Tháng Tư 2013 
Tác giả bài hát chính thức được chọn trình bày trong lễ đăng quang tân vương Hà Lan là Willem-Alexander vào ngày 30/04/2013 tới đã rút lui, do bài hát này sau khi được phổ biến đã gây ra một làn sóng chỉ trích và chế giễu dữ dội.

Tối thứ Bảy 20/04/2012, nhà soạn nhạc mang hai giòng máu Hà Lan và Anh đã viết trên trang Facebook của mình : « Các đồng bào thân mến, sau khi lại phải chặn một lời thóa mạ mới trên tài khoản Twitter của tôi, tôi không thể nào chịu đựng được nữa. Rất xin lỗi đối với những ai cho rằng bài hát này là thích hợp (…) nhưng nay thì tôi xin rút lại bài Koningslied (Bài hát của Quốc vương) ».

Sữa bột khan hiếm trên thế giới vì hạn hán và xì-căng-đan

Bài đăng : Thứ hai 22 Tháng Tư 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ hai 22 Tháng Tư 2013 
Giá sữa lại tăng trên thị trường thế giới do hạn hán tại các nước xuất khẩu sữa chính, khiến người tiêu dùng châu Á lo ngại. Đặc biệt là tại Trung Quốc, nơi xảy ra nhiều xì-căng-đan sữa giả, nên việc mua gom sữa bột cho trẻ em để bán lại kiếm lời trở nên thịnh hành.

Đàn bò ở New Zealand đang thiếu cỏ, nên sữa cho em bé sẽ đắt lên, vì khu vực này xuất khẩu đến 90% sản lượng. Hiện nay lượng sữa thu được từ đầu năm đang giảm 7%. Nhà kinh tế Gérard You, chuyên gia về thị trường sữa của Viện Chăn nuôi Paris cho rằng, năm nay thế giới sẽ thiếu từ 3 đến 5 triệu tấn sữa.

dimanche 21 avril 2013

Hải quân Việt Nam có thể mua 6 máy bay tuần tiễu Mỹ để đối phó với tàu ngầm Trung Quốc

Máy bay tuần tiễu P-3C Orion tại Hawai
Bài đăng : Chủ nhật 21 Tháng Tư 2013 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 21 Tháng Tư 2013 
Đài Tiếng nói Nước Nga trong bản tin hôm 20/04/2013 dẫn bài trả lời phỏng vấn của đại diện tập đoàn Mỹ Lockheed Martin cho biết, Hải quân Việt Nam có thể đặt mua sáu phi cơ tuần tiễu P-3C Orion của Hoa Kỳ, là loại máy bay chống tàu ngầm rất hiệu quả.

Trong giai đoạn đầu, các phi cơ này có thể được giao cho Việt Nam mà không trang bị vũ khí, nhưng với việc tăng cường quan hệ Mỹ-Việt, có thể có thêm vũ khí sau này. Việt Nam sẽ nhận được các máy bay P-3C nằm trong số lượng dự trữ của Hải quân Mỹ. Đây là kiểu máy bay tương đối mới, có thể phục vụ thêm 20 năm sau khi được hiện đại hóa.

Thực ra Việt Nam khó thể chọn lựa được nhà cung cấp phi cơ tuần tiễu, là những công cụ chủ yếu đương đầu với tàu ngầm. Từ lâu Nga đã ngừng sản xuất loại máy bay IL-38 và TU-142, chỉ đang hiện đại hóa phi đội hiện có. Các máy bay loại này tại Nga không nhiều, nên Nga không xuất khẩu. Châu Âu cũng đã ngưng sản xuất loại phi cơ trên. Chỉ có mình Hoa Kỳ đưa ra kế hoạch sản xuất máy bay tuần tiễu P-8 Poseidon. Còn kiểu P-3C Orion vốn chưa bao giờ khai thác hết số dự trữ, sẽ bị đưa ra khỏi danh sách sử dụng.

Chiếc P-3C là loại máy bay chống tàu ngầm khá mạnh và hiệu quả. Việc Việt Nam đặt mua các loại máy bay này, nhất là khi chúng được trang bị vũ khí, có thể là lý do để Bộ chỉ huy Hải quân Trung Quốc phải quan ngại.

Cảnh sát Mỹ tìm hiểu động cơ của vụ khủng bố ở Boston


Bài đăng : Chủ nhật 21 Tháng Tư 2013 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 21 Tháng Tư 2013 
Sau khi nghi phạm người Tchechenia đã bị vô hiệu hóa, các nhà điều tra Mỹ đang tìm hiểu động cơ gây ra hai vụ nổ trong cuộc chạy marathon ở Boston ngày 15/04/2013 khiến ba người chết và làm sống lại bóng ma khủng bố tại Hoa Kỳ.

Một câu hỏi lớn hiện vẫn chưa tìm được lời giải, đó là Tamerlan và Djokhar Tsarnaev, hai anh em 26 và 19 tuổi, đã hành động đơn lẻ hay là có đồng phạm ở trong hoặc ngoài nước Mỹ ? Hai thanh niên này đã nhập cư vào Hoa Kỳ cách đây hơn một chục năm, bị tình nghi là đã đặt bom tự tạo bằng nồi áp suất chứa đầy đinh và bi thép, tại vạch đến của cuộc chạy đua marathon ở Boston.

Hai bộ trưởng Nhật thăm đền Yasukuni


Bài đăng : Chủ nhật 21 Tháng Tư 2013 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 21 Tháng Tư 2013 
Sáng nay 21/04/2013 hai bộ trưởng Nhật đã đến thăm đền Yasukuni ở Tokyo, Thủ tướng Shinzo Abe tuy không đến nhưng đã gởi lễ vật. Sự kiện này có thể gây giận dữ cho Trung Quốc và Hàn Quốc, vì ngôi đền trên là biểu tượng cho quá khứ quân phiệt Nhật Bản.

Đền thờ Yasukuni là một ngôi đền lớn nằm ở trung tâm thủ đô Tokyo, thờ hai triệu rưỡi người Nhật đã chết cho tổ quốc, trong đó có cả 14 nhà lãnh đạo Nhật từng bị phe đồng minh lên án là tội phạm chiến tranh trong Đệ nhị Thế chiến.

Ý : Tổng thống Napolitano được bầu lại

Bài đăng : Chủ nhật 21 Tháng Tư 2013 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 21 Tháng Tư 2013 

Hơn 50 ngày sau cuộc bầu cử Quốc hội, nước Ý đang quay trở lại điểm xuất phát ban đầu. Quốc hội Ý trong ngõ cụt, kêu gọi Tổng thống Giorgio Napolitano, 87 tuổi, tiếp tục ở lại chức vụ. Ông Napolitano đã được bầu lại ngày 20/04/2013.

Ông Giorgio Napolitano là ứng viên duy nhất hội đủ số phiếu cần thiết của Quốc hội, sau khi các ứng cử viên Romano Prodi và Franco Marini bị bác. Beppe Grillo, lãnh tụ Phong trào 5 Sao tố cáo đây là « một vụ đảo chính » và kêu gọi nhân dân xuống đường chống đối.

Động đất Tứ Xuyên: Hơn 200 người chết và mất tích

Bài đăng : Chủ nhật 21 Tháng Tư 2013 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 21 Tháng Tư 2013 
Theo tổng kết mới nhất hôm nay 21/04/2013,  trận động đất 6,6 độ Richter xảy ra hôm qua tại một vùng núi hẻo lánh ở Tứ Xuyên, Trung Quốc đã làm cho 164 người chết, 39 người mất tích và 11.500 người bị thương, trong đó có 960 người bị thương nặng.

Tâm chấn nằm ở Nhã An, thuộc huyện Lô Sơn, sâu đến 12 km. Hồi năm 2008, một trận động đất cường độ 7,9 đã làm cho gần 70.000 người thiệt mạng tại khu vực này. Trận động đất xảy ra vào lúc 8 giờ 02 phút (0 giờ 02 phút GMT) ảnh hưởng đến tận Thành Đô cách đó 140 km, tiếp theo là hàng ngàn dư chấn. Cơ quan khí tượng cảnh báo nguy cơ đất lở hôm qua và hôm nay.

Các phi cơ Trung Quốc tiếp cận không phận Nhật nhiều hơn Nga

Bài đăng : Thứ tư 17 Tháng Tư 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 17 Tháng Tư 2013 
Trong những tháng gần đây, các máy bay tiêm kích F-15 của Nhật Bản có nhiều dịp cất cánh để truy đuổi các máy bay Trung Quốc đang lăm le xâm phạm không phận Nhật, hơn là để xua đuổi các phi cơ Nga. Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nhật hôm nay, 17/04/2013, đây là lần đầu tiên hiện tượng này diễn ra.

Từ tháng 4/2012 đến tháng 3/2013, các phi cơ tiêm kích Nhật chủ yếu là F-15 đã phải xuất kích 306 lần vì sự hiện diện của các máy bay Trung Quốc gần các khu vực do Nhật kiểm soát, nhiều hơn năm ngoái 150 lần. Trong khi đó Nhật chỉ phải nghênh tiếp máy bay Nga 248 lần.

New Zealand : Quốc gia châu Á đầu tiên hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính

Bài đăng : Thứ tư 17 Tháng Tư 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 17 Tháng Tư 2013 
Hôm nay 17/04/2013, New Zealand đã trở thành quốc gia thứ 13 trên thế giới và là nước đầu tiên thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính. Tối nay, các dân biểu đã thông qua đạo luật sửa đổi Luật hôn nhân có từ năm 1955 của nước này, tức là một phần tư thế kỷ từ sau khi New Zealand bãi bỏ việc trừng phạt người đồng tính luyến ái.

New Zealand cho phép khế ước liên đới dân sự từ năm 2005, tức việc hai người sống chung không hôn thú nhưng chia sẻ quyền lợi và nghĩa vụ trước pháp luật.

Mỹ và LHQ đề nghị hỗ trợ Iran và Pakistan sau động đất

Bài đăng : Thứ tư 17 Tháng Tư 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 17 Tháng Tư 2013 
Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc đã đề nghị giúp đỡ sau trận động đất mạnh nhất từ 50 năm qua tại Iran. Vụ động đất này cũng làm ít nhất 34 người chết tại nước Pakistan láng giềng, khiến quân đội nước này hôm nay 17/04/2013 được huy động để cứu hộ các nạn nhân tại một vùng hẻo lánh ở miền tây nam.

Trận động đất được Trung tâm Địa vật lý Mỹ (USGS) ước lượng mạnh 7,8 độ Richter, đã làm hơn một chục người bị thương tại tỉnh Sistan-Baloutchistan cách thủ đô Teheran trên 1.300 km. Tất cả những trường hợp thiệt mạng đều là tại Pakistan, ở tỉnh Baloutchistan nghèo nàn, và ít nhất 80 người bị thương. Nhiều tòa nhà ở tận Ấn Độ và các quốc gia vùng Vịnh cũng bị rung chuyển.

Bắc Triều Tiên ngăn trở tiếp liệu cho công nhân Hàn Quốc ở Kaesong

Bài đăng : Thứ tư 17 Tháng Tư 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 17 Tháng Tư 2013 

Hôm nay, 17/04/2013, Bắc Triều Tiên đã ngăn cản một đoàn doanh nhân Hàn Quốc mang thực phẩm đến cho 200 công nhân đang kẹt lại khu công nghiệp liên Triều Kaesong, sau khi Bình Nhưỡng đơn phương đóng cửa khu vực này.

Mười đại diện của 123 doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động tại Kaesong đã xin phép đến khu công nghiệp trên để mang hàng tiếp tế cho các nhân viên Hàn Quốc đã chọn lựa ở lại đây, dù tình hình giữa hai nước Triều Tiên đang căng thẳng. Họ hy vọng có thể hỗ trợ gạo, thuốc men và món kimchi truyền thống cho công nhân mình.

Bộ trưởng Bộ Thống nhất của Hàn Quốc phụ trách quan hệ liên Triều, ông Kim Huyng Seok cho biết, Bắc Triều Tiên đã bác bỏ đề nghị của 10 đại diện doanh nghiệp. Ông nói : « Đáng tiếc là Bắc Triều Tiên đã từ chối yêu cầu và ngăn trở hoạt động nhân đạo, trong khi các vấn đề này sẽ ngày càng trầm trọng thêm theo với thời gian ». Một phát ngôn viên của Bộ Thống nhất nói với AFP : « Không có ai chết đói cả, nhưng dự trữ thực phẩm đang cạn dần ».

Từ ngày 03/04, Bình Nhưỡng cấm người Hàn Quốc vào khu công nghiệp nằm trên lãnh thổ Bắc Triều Tiên, cách biên giới khoảng hơn một chục cây số, và rút đi 53.000 công nhân Bắc Triều Tiên. Trong số 900 nhân viên Hàn Quốc làm việc thường xuyên tại Kaesong, có 700 người đã trở về nước. Ba chiếc xe chở đầy hàng hóa đủ loại đã từ Kaesong quay về Hàn Quốc hôm nay. Một công nhân xưởng may cho biết tình hình tại Kaesong ngày càng khó khăn, công nhân phải tương trợ lẫn nhau để có đủ lương thực.

Hôm qua, Bình Nhưỡng đã bác bỏ đề nghị của Hàn Quốc đối thoại về tương lai khu công nghiệp Kaesong, hiện đang hoạt động rất chậm vì thiếu hàng và thiếu lao động. Cơ quan phụ trách các đặc khu kinh tế của Bắc Triều Tiên tuyên bố : « Chế độ ngụy quyền (Hàn Quốc) không thể chối bỏ trách nhiệm hình sự đã đẩy Kaesong trong tình trạng tồi tệ ».

Kaesong, nguồn thu ngoại tệ quý giá mà Bình Nhưỡng rất cần, là một ngoại lệ bắt nguồn từ « chính sách ngoại giao vầng thái dương » của Hàn Quốc từ 1998 đến 2008, để xúc tiến quan hệ giữa hai nước Triều Tiên. Đây là kết quả duy nhất của việc hợp tác liên Triều, sau khi quan hệ hai bên bị đóng băng vào năm 2010. Khu công nghiệp này có doanh số năm 2012 là 469,5 triệu đô la, trở thành nguồn lợi lớn cho các lãnh vực việc làm, thuế khóa và ngoại tệ.

tags: Bắc Triều Tiên - Châu Á - Hàn Quốc
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20130417-bac-trieu-tien-ngan-tro-tiep-lieu-cho-cong-nhan-han-quoc-o-kaesong 

Đông Á : Tội phạm có tổ chức thu lợi 90 tỉ đô la/năm

Bài đăng : Thứ ba 16 Tháng Tư 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 16 Tháng Tư 2013 
Theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc được công bố hôm nay 16/04/2013, thì tội phạm có tổ chức ở Đông Á và khu vực Thái Bình Dương mang lại doanh số gần 90 tỉ đô la Mỹ mỗi năm qua các vụ buôn lậu, làm hàng giả, buôn bán ma túy, buôn người hay động vật.

Cuộc điều tra mang tên “Tội phạm có tổ chức xuyên biên giới ở Đông Á và Thái Bình Dương : Ước lượng về mối đe dọa” nêu rõ, hoạt động làm hàng giả đem lại lợi nhuận nhiều nhất, với thu nhập hàng năm 24,4 tỉ đô la. Tiếp đến là buôn lậu gỗ với 17 tỉ đô la, buôn heroin (16,3 tỉ đô la), ma túy tổng hợp (5 tỉ đô la) rồi buôn lậu thuốc tây, thị trường chợ đen linh kiện điện tử (3,75 tỉ), buôn lậu các loài động vật được bảo vệ (2,5 tỉ). Đưa người vượt biên, buôn bán phụ nữ làm gái mại dâm mang lại lợi nhuận nhiều trăm triệu đô la hàng năm.

Bắc Triều Tiên ra tối hậu thư cho Hàn Quốc

Bài đăng : Thứ ba 16 Tháng Tư 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 16 Tháng Tư 2013 
Hôm nay 16/04/2013 Bình Nhưỡng đã ra tối hậu thư cho Seoul, đe dọa sẽ tấn công nếu Hàn Quốc không xin lỗi về những cuộc biểu tình thù địch với chế độ Bắc Triều Tiên. Trong khi đó Hoa Kỳ cho biết sẵn sàng thương lượng với Bình Nhưỡng nếu tỏ thiện chí.

Cảnh báo của Bắc Triều Tiên được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry kết thúc chuyến công du Đông Bắc Á bốn ngày, để bày tỏ sự ủng hộ với các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản, đồng thời yêu cầu Trung Quốc gây áp lực lên quốc gia láng giềng.

Hôm qua 15/4, nhân kỷ niệm lần thứ 101 sinh nhật Kim Il Sung (Kim Nhật Thành), người sáng lập Nhà nước Bắc Triều Tiên và là ông nội của lãnh đạo đương nhiệm, khoảng bốn chục người biểu tình ở Seoul đã đốt chân dung các lãnh tụ Bình Nhưỡng, từ Kim Il Sung, Kim Jong Il đã qua đời cho đến Kim Jong Un.

Venezuela : Hàng ngàn người biểu tình chống ông Maduro

Bài đăng : Thứ ba 16 Tháng Tư 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 16 Tháng Tư 2013 
Nhiều ngàn người phe đối lập tối qua 15/04/2013 đã xuống đường ở thủ đô Caracas để phản đối việc ông Nicolas Maduro tuyên bố đắc cử tổng thống, sau cuộc bầu cử bị đối thủ là ông Henrique Capriles cáo buộc là gian lận.

Theo lời kêu gọi của ông Capriles, vốn đòi hỏi phải kiểm lại số phiếu, đa số người biểu tình đã xuống đường tại nhiều khu phố của thủ đô. Một số người khua nồi chảo, những người khác đốt các thùng rác hay bánh xe. Đám đông giương cờ Venezuela và hô to “Gian lận, gian lận!”. Tại một số khu vực, cảnh sát sử dụng hơi cay để giải tán biểu tình.

Trước những lời kêu gọi tiếp tục biểu tình hôm nay và ngày mai trước trụ sở Hội đồng Bầu cử Quốc gia (CNE), ông Maduro đã phản ứng cứng rắn, kêu gọi những người ủng hộ ông trên toàn quốc đấu tranh một cách hòa bình và cho rằng đòi hỏi của thủ lãnh đối lập là “những ngông cuồng của bọn tư sản”.

Pháp tăng cường an ninh sau vụ nổ ở Boston

Bài đăng : Thứ ba 16 Tháng Tư 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 16 Tháng Tư 2013 
Nước Pháp vốn bị đe dọa khủng bố từ khi can thiệp quân sự vào Mali, hôm qua 15/04/2013 đã phản ứng ngay lập tức về vụ nổ bom ở Boston, bằng cách tăng cường tuần tra và kêu gọi cảnh giác.

Ngay từ tối qua, Bộ trưởng Nội vụ Manuel Valls đã yêu cầu các sở cảnh sát và lực lượng tăng cường lập tức các cuộc tuần tra trong khuôn khổ kế hoạch chống khủng bố Vigipirate, và tiếp tục bảo đảm an ninh phòng vệ, đặc biệt là những nơi công cộng.

lundi 15 avril 2013

Tự do ngôn luận tại Việt Nam dưới kính lúp của Nghị viện châu Âu

Thắp nến cầu nguyện cho Đoàn Văn Vươn và gia đình tại nhà thờ Thái Hà, Hà Nội tối 31/03/2013.

(Blog « La Liberté sinon rien » trên báo Le Soir của Bỉ, ngày 14/04/2013) Thứ Năm tới, nhân phiên họp toàn thể hàng tháng ở Strasbourg, Nghị viện châu Âu sẽ bàn bạc khẩn cấp về tình hình nhân quyền tại Việt Nam, đặc biệt là tự do ngôn luận.

 

Đất nước Đông Nam Á này đã cứng rắn hơn về chính trị mà bên ngoài khó nhận ra. Không chỉ vì báo chí quốc tế chủ yếu quan tâm đến các nước châu Á « có giá trị thông tin cao » như Miến Điện, Trung Quốc hoặc nay là Bắc Triều Tiên. Mà còn vì Việt Nam tự cho là một « con cọp kinh tế », mở cửa cho trao đổi và đầu tư với các nước khác trên thế giới, và từ đó được xem là một đất nước « đang trên con đường đúng đắn về chuyển đổi và hiện đại hóa ».

 

Tuy vậy, nhiều bản báo cáo của các tổ chức quốc tế trong những tháng gần đây đã nhấn mạnh đến hệ thống trấn áp tại Việt Nam. Tháng Chín năm ngoái, Ủy ban bảo vệ các nhà báo (Committee to Protect Journalists – CPJ – tại New York) đã công bố một nghiên cứu mang tên “Tự do báo chí tại Việt Nam bị thu hẹp, cho dù mở cửa kinh tế”.

 

Bản báo cáo nhắc lại, tất cả các phương tiện thông tin đại chúng được đặt dưới sự kiểm soát của Nhà nước, và các tổng biên tập buộc phải là đảng viên Cộng sản. Các viên chức tuyên huấn thường xuyên gặp gỡ các lãnh đạo cao cấp của báo chí để chỉ đạo đường hướng thông tin, những đề tài nên đăng tải và những chủ đề cấm kỵ. Hệ thống được bê-tông hóa và không có điều gì bất kính lọt qua nổi.

 

Báo chí ngoại quốc bị giám sát

 

Báo chí quốc tế cũng bị giám sát chặt chẽ. Tất cả các phương tiện thông tin ngoại quốc có trụ sở tại Việt Nam bị buộc phải thuê mướn các trợ lý người địa phương, chiếu khán của họ chỉ có giá trị sáu tháng có thể gia hạn, và họ phải xin phép Bộ Ngoại giao nếu muốn thực hiện một phóng sự bên ngoài Hà Nội. Còn các đặc phái viên thì phải thuê một « vệ sĩ » - trợ lý được chính quyền duyệt, với chi phí 200 đô la một ngày.

 

Những tháng gần đây chính quyền đặc biệt tấn công vào các blogger độc lập – là các nhà báo, nhà bất đồng chính kiến hay hoạt động công giáo – viết về các đề tài cấm kỵ như tranh chấp đất đai, quan hệ với Trung Quốc, hoặc tham nhũng.

 

Trong vài năm qua, thế giới blog tương đối được nới tay về kiểm duyệt hay trấn áp. Nhưng sự dung thứ này đã chấm dứt. Shawn Crispin, tác giả bản báo cáo của CPJ viết : « Từ năm 2009, một chiến dịch quấy nhiễu và hăm dọa đã dẫn đến việc hàng chục nhà bất đồng chính kiến, nhà hoạt động tôn giáo và blogger độc lập bị cầm tù ; hầu hết là do họ đòi hỏi dân chủ đa đảng, nhân quyền và chính phủ phải minh bạch về tài chính ».

 

Cuối tháng Giêng, Liên đoàn quốc tế Nhân quyền (FIDH, Paris) đã xác nhận việc này trong một bản báo cáo công bố cùng với Ủy ban Nhân quyền Việt Nam, mang tên «  Blogger và các nhà ly khai trên mạng bị giam cầm : Chính quyền khống chế internet ».

 

Souhayr Belhassen, chủ tịch FIDH (và là tiến sĩ danh dự của đại học Công giáo Louvain) viết : « Việt Nam được biết đến với nền kinh tế phát triển và các bãi biển thiên đường. Tự do ngôn luận tại đây đã bị xâm phạm, trong sự hững hờ của dư luận quốc tế, trong khi đây là một trong những chế độ trấn áp nhiều nhất trên thế giới về mặt này ».

 

Một bản tổng kết u ám

 

Bản báo cáo nhận định: « Trong vòng 12 tháng qua, có 22 blogger và nhà ly khai trên mạng đã bị lãnh các bản án tổng cộng 133 năm tù và 65 năm tạm giam vì đã đấu tranh bất bạo động trên net. Ngày 09/01/2013, một phiên tòa đã kết án 14 người tổng cộng 100 năm tù chỉ vì họ thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình ».

 

Việt Nam đứng thứ 172/179 trong bảng sắp hạng về tự do báo chí, được Phóng viên Không biên giới công bố hàng năm. Tổ chức này cũng xếp Việt Nam trong số 12 quốc gia « kẻ thù của internet ».

 

Theo tổ chức Demdigest, vào giữa tháng Hai, có 32 blogger Việt Nam dã bị kết án hoặc đang chờ lãnh bản án, đa số theo điều 88 Luật hình sự về tội « tuyên truyền chống Nhà nước », có khung hình phạt lên đến 20 năm tù. Trong số đó có Điếu Cày (bút danh của ông Nguyễn Văn Hải), tác giả một bài viết năm 2007 về dân chủ và tự do ngôn luận, bị giam từ năm 2008 và đến năm 2012 bị kết án 12 năm tù cộng với 5 năm quản chế. Hay luật gia kiêm blogger Lê Quốc Quân, bị bắt tháng 12/2012 vì tội « trốn thuế ».

 

Một ván bài cấp tiến

 

Cho đến nay, việc tố cáo các vụ xâm phạm quyền tự do thường từ các tổ chức tôn giáo hay các « cơ quan báo chí bảo thủ Mỹ, như Wall Street Journal, New York Post hay New York Sun » - Dustin Roasa ghi nhận như trên trong tạp chí theo khuynh hướng trung tả Dissent. Cứ như là giới tự do và cấp tiến khó mở miệng chỉ trích một đất nước bị tàn phá và tổn thương sâu sắc bởi sự can thiệp của Pháp và Mỹ, trong khoảng thời gian từ cuối Đệ nhị Thế chiến và chiến thắng của Bắc Việt vào năm 1975.

 

Sự do dự này dường như đã thay đổi, và những người cánh tả có khuynh hướng chỉ trích Việt Nam, nhắc nhở các cuộc tranh cãi gay go trong thập niên 70 sau khi Saigon sụp đổ, và những ai quan tâm đến sự ra đi của các thuyền nhân Nam Việt.

 

« Các vị có quyền gì mà chỉ trích một đất nước đã bị các vị thả bom napal ? » - những người ủng hộ đoàn kết với thế giới thứ ba đã thốt lên như thế, khi các nữ ca sĩ vì hòa bình Joan Baez và Ginette Sagan, nhà hoạt động nổi tiếng Ý của Amnesty International Mỹ, lên án các trại cải tạo, nạn tra tấn trong một « Việt Nam giải phóng ». Joan Baez trả lời : « Để cho thống nhất. Trấn áp là trấn áp. Việc đánh đập người khác có cùng một tác động lên một con người, cho dù đó là do một người xã hội chủ nghĩa hay theo chủ nghĩa đế quốc thực hiện ». 

samedi 13 avril 2013

Nguy cơ nô dịch văn hóa từ Trung Quốc

Bài đăng : Thứ bảy 13 Tháng Tư 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 13 Tháng Tư 2013 
Trong thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các hiện tượng từ sách cho trẻ em có in cờ và nhiều hình ảnh của Trung Quốc, cho đến vụ một siêu thị liên tục dán cờ Trung Quốc lên trái cây bày bán. Dư luận trong nước rất bất bình và nhiều người đã đặt câu hỏi, liệu đây là những trùng hợp tình cờ, hay là có một bàn tay nào đó ở phía sau.

Trao đổi với RFI Việt ngữ, ông Nguyễn Văn Mỹ, giám đốc công ty dã ngoại Lửa Việt tại Thành phố Hồ Chí Minh đã bày tỏ sự quan ngại về nguy cơ nô dịch văn hóa Trung Quốc.


Ông Nguyễn Văn Mỹ - TP Hồ Chí Minh
13/04/2013
by Thụy My
RFI : Xin chào ông Nguyễn Văn Mỹ. Thưa ông, vừa qua liên tiếp có những vụ sách dành cho trẻ em Việt Nam lại in cờ Trung Quốc, hàng bán trong siêu thị dán cờ Trung Quốc, ông nghĩ thế nào về hiện tượng này ?

Ông Nguyễn Văn Mỹ : Dư luận trong nước hết sức bức xúc và bất bình trước những hiện tượng đặt ra rất nhiều vấn đề mà người dân có thể suy diễn. Liên tiếp những cuốn sách của nhiều nhà xuất bản bị phát hiện – còn những cuốn chưa bị phát hiện thì mình chưa biết được, bởi vì tôi thấy cứ vài ngày lại có thêm những thông tin mới – lãnh vực đó lâu nay chúng ta chưa quan tâm. Ở đây vai trò quản lý nhà nước cực kỳ kém, chủ yếu là nhờ người dân và báo chí phát hiện.

Việc cờ Trung Quốc xuất hiện trên sách, từ sách tham khảo, sách tập đọc và gần đây gần như là sách giáo khoa – sách đọc tiếng Việt của Nhà xuất bản Giáo dục, lại quên Hoàng Sa, Trường Sa. Hàng loạt sai sót liên tiếp diễn ra, người dân có thể đặt câu hỏi, đây không phải là ngẫu nhiên. Bởi vì thứ nhất là nếu nhầm lẫn thì tại sao lại không nhầm lẫn với nước khác trên thế giới ? Liên Hiệp Quốc có 193 nước, tại sao mình cứ toàn nhầm lẫn với Trung Quốc không là sao ?

Ngoại trưởng Mỹ yêu cầu Trung Quốc gây áp lực lên Bắc Triều Tiên


Bài đăng : Thứ bảy 13 Tháng Tư 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 13 Tháng Tư 2013 
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, hôm nay 13/04/2013, đến Bắc Kinh để cố thuyết phục chính quyền Trung Quốc gây áp lực lên Bắc Triều Tiên, cũng như góp phần làm tan băng trong quan hệ Seoul – Bình Nhưỡng trong giai đoạn quyết định này của cuộc khủng hoảng.

Sau khi đến thăm Seoul và khẳng định Washington hoàn toàn ủng hộ đồng minh Hàn Quốc, ông John Kerry hôm nay đã đến Bắc Kinh để hội đàm với Ngoại trưởng Vương Nghị (Wang Yi) trước khi gặp Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông John Kerry cho rằng có vô số thử thách trước mắt, còn theo ông Vương Nghị thì cuộc gặp gỡ diễn ra trong « giai đoạn quyết định » của cuộc khủng hoảng.

Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản, ba nước hôm qua đã bị Bắc Triều Tiên đe dọa tấn công nguyên tử, tìm cách khuyến cáo Bình Nhưỡng từ bỏ ý định bắn thử một hay nhiều hỏa tiễn tầm ngắn và tầm trung, có thể làm tình hình bán đảo Triều Tiên trở nên sôi bỏng.