Số phận đẩy đưa tôi đi học đại học ở Thụy Sĩ chứ khởi đầu là sẽ đi Paris học. Đó là bước ngoặc kỳ diệu của cuộc đời, vì môi trường giáo dục ở Thụy Sĩ rất tốt.
Nhưng nước Pháp vẫn luôn là nơi tôi dành nhiều tình cảm. Đó là xứ sở về văn chương, văn học, triết học và là cái nôi của những giá trị dân chủ trên thế giới.
Nước Pháp cũng là nơi đã đón nhận gần 500 ngàn đồng bào của tôi, những thuyền nhân, trong các cuộc chạy nạn cộng sản!
Tiếng Pháp lãng mạn và đẹp lạ thường mà đến giờ tôi vẫn chưa đủ trình độ để am hiểu, nhưng mỗi khi đọc các tác phẩm văn học bằng tiếng Pháp, tự dưng trái tim đập nhanh hơn, thổn thức hơn và một cảm xúc hạnh phúc xâm chiếm cả tâm hồn!
Khi có dịp, tôi vẫn hay trở lại Paris. Lội bộ khắp nơi để ngắm nhìn phố phường, viếng thăm từng di tích lịch sử hay ngồi bên tiệm Café de Flore nổi tiếng. Thả bộ trên đại lộ Saint-Germain theo những dấu chân của Sartre, Simone de Beauvoir, Camus, Marguerite Duras, Romain Gary và Hemingway hay ngồi đọc sách hàng giờ tại đại học Sorbonne.
Paris hay các vùng khác của nước Pháp vẫn là nơi gia đình hay đến trong những dịp hè. Hai vợ chồng chở các con đi khắp nơi để tham quan và thăm viếng những địa điểm lịch sử quan trọng. Và nước Pháp, nhất là Paris, dẫu có rối ren và đôi khi loạn lạc, bẩn thỉu, hôi hám, xô bồ, ít kỷ cương thì nó vẫn là nơi hội tụ của những giá trị phổ quát về nhân quyền và dân chủ.
Đôi khi phải buột miệng chửi thề sao nước Pháp cứ như một cái bordel/nhà thổ vậy. Vẫn còn vô số vấn nạn về xã hội, giáo dục, di dân và chính trị nhưng người Pháp vẫn luôn đủ bản lĩnh và trí tuệ để vượt qua những thời điểm khó khăn. Các cuộc khủng bố của Hồi giáo cực đoan hay các cuộc đình công, biểu tình triền miên tuy khiến nước Pháp rơi vào bế tắc nhất định, nhưng vẫn không cản trở được nước Pháp và người Pháp duy trì một xã hội với các chính sách nhân đạo và nhân văn.
Và dẫu đảng cực hữu bài ngoại có thắng thế và trỗi dậy mạnh mẽ chưa từng có trong lịch sử nước Pháp, thì người Pháp vẫn đủ sáng suốt để xuống đường bỏ phiếu nói không với sự kỳ thị và phân biệt chủng tộc.
Nước Pháp dẫu có loạn lạc, “bẩn thỉu”, đầy “bọn hôi của” hay “bọn Rệp và mọi” như không ít nhận xét của người Việt (đa phần trong nước), thì nước Pháp vẫn là nơi mà các giá trị nhân bản không thể bị chôn vùi theo sóng gió thời cuộc.
Chỉ trong một xã hội dân chủ thì người dân mới được tự quyền quyết định tương lai đất nước. Không một thế lực chính trị nào có thể đứng trên đầu quyền lợi và vận mệnh của dân tộc.
Thủ tướng Gabriel Attal vừa tuyên bố sẽ đệ đơn từ chức cho Tổng thống Macron vào ngày mai. Đó là sự tự trọng của một chính khách trong một xã hội dân chủ.
Chiều nay, bỗng dưng tôi cảm thấy vui mừng khi theo dõi vòng hai cuộc bầu cử Quốc hội Pháp. Nước Pháp ít kỷ cương, lộn xộn nhưng vừa nói không với đảng cực hữu RN (Rassemblement National - Tập Hợp Dân Tộc). Người dân Pháp đã huy động bỏ phiếu để khước từ trao vận mệnh nước Pháp vào tay một đảng phái luôn lấy tôn chỉ đả kích người nước ngoài và nhai đi nhai lại luận điệu kỳ thị chủng tộc, da trắng thượng đẳng.
Dĩ nhiên, mọi vấn nạn xã hội của nước Pháp chưa thể nào được giải quyết một cách thoả đáng, và tình hình chính trị của nước Pháp trong thời gian tới vẫn còn rất phức tạp. Đặc biệt câu hỏi: ai sẽ cầm quyền và nội các nào cho nước Pháp sau cuộc bầu cử Quốc hội? Sự hiện diện của đảng cực tả LFI (La France Insoumise - Nước Pháp Bất Khuất) và Jean-Luc Mélenchon là bài toán hóc búa cho một chính phủ mới!
Chắc chắn nền dân chủ Pháp vẫn còn nhiều khiếm khuyết và không hoàn hảo nhưng nước Pháp, và cả nước Anh trong một bối cảnh khác, vừa cho thế giới thấy rằng họ không ban phát một cơ hội nào cho những kẻ cực đoan và dân túy nắm vận mệnh đất nước.
Tất cả bằng quyền công dân cơ bản của một xã hội dân chủ: quyền bầu cử và bỏ phiếu!
Đó cũng là một bài học cho các quốc gia châu Âu khi chủ nghĩa dân túy đang thắng thế, đe dọa trật tự thế giới và quyền con người!
Và sau cùng, tưởng chừng chỉ là một chi tiết nhỏ, nhưng nước Pháp vẫn là của người Pháp, bất kể sắc tộc, tôn giáo và lập trường chính trị!
LÂM BÌNH DUY NHIÊN 07.07.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.