Thế rồi, một người nữa trong thế hệ làm báo của chúng tôi ở báo Thanh Niên đã ra đi: Anh Phan Bá Chức!
Chuyến đi cuối cùng này của anh Chức sẽ không có một người đồng nghiệp rất yêu quý anh, đưa anh từ Đà Lạt về Sài Gòn để làm báo, là anh Nguyễn Công Khế đến tiễn!
So với các anh Phan Bá Chức, Phạm Chu Sa, Lê Nhược Thủy, Trần Phá Nhạc, Nguyễn Khắc Nhượng, Nguyễn Viện… tôi chỉ là thằng “nhóc con”, nhỏ hơn các anh ấy đến mười mấy tuổi, may mắn được làm báo cùng thời kỳ với các anh.
Thằng “nhóc con” là tôi ngày nào giờ cũng đã tóc bạc, da mồi… thì nói chi tới các bậc tiền bối trong báo Thanh Niên, các anh đã già, đã đến tuổi từng người, từng người lên chuyến xe cuối cùng của đời mình để đi về nơi xa lắm. Biết vậy, nhưng vẫn buồn!
Còn nhớ, hồi mới vào làm báo Thanh Niên, tôi nhanh chóng nổi lên như một cây bút phóng sự trẻ, được các anh ưu ái liên tục đặt bài cho Ban, cho trang của mình phụ trách để có “chất xã hội”, thêm phần sinh động…
Một hôm, tôi đang ngồi hút thuốc lá trước hàng hiên của Ban Kinh tế-Chính trị-Xã hội (lúc đó tòa soạn báo Thanh Niên chưa xây mới) thì anh Chức đi ra, ngoắc tôi vô Ban của anh ấy (anh Chức lúc đó là trưởng Ban Văn hóa –Văn nghệ, sát vách với Ban của chúng tôi), hỏi: “Hữu Phú viết phóng sự xã hội về đề tài Văn hóa –Văn nghệ được không?”
Vì lúc nào cũng đói, thiếu tiền, “viêm màng túi” nghiêm trọng (vợ tôi mới đẻ) nên tôi trả lời nhanh, không cần suy nghĩ: “Dạ được anh, đề tài thuộc lĩnh vực nào em cũng viết phóng sự được!” “Vậy Phú viết cho anh một bài đi. Em định viết gì?”.
Tới đây thì tôi ngắc ngứ, ngơ ngác một hồi mới bật ra được câu trả lời: “Em viết về mấy thằng chơi nhạc trong mấy quán bia ôm lấy tiền bo được không?” (Chả là mấy hôm trước tôi vừa được các “chiến hữu” đãi một chầu bia ôm, thấy mấy chàng trai trẻ cỡ tôi kiếm sống bằng nghề này, tụi nó chơi đàn organ còn thua tôi, mà kiếm tiền xem ra cũng dễ). Anh Chức hỏi: “Em quen tụi nó hả?” “Dạ không anh, em quen mấy thằng xã hội đen làm bảo kê cho mấy quán bia ôm, em sẽ xin vô làm nhạc công mấy ngày để thực tế rồi viết bài cho anh” “Vậy được đó, anh cho em một tuần, đủ không?” “Ok, dư sức qua cầu!”.
Thế là tôi lột áo phóng viên, về nhà xách cây đàn Organ Yamaha cũ ra đi “hành nghề” nhạc công quán bia ôm, bài phóng sự hoàn thành trong thời gian chưa tới một tuần. Đó là lần đầu tiên tôi viết phóng sự xã hội cho Ban Văn hóa–Văn nghệ, vừa tiền nhuận bút, vừa tiền "bo" kiếm được trong mấy ngày "đi khách" cũng tới cả triệu bạc -một số tiền rất lớn thời đó (lương tôi ở báo Thanh Niên một tháng lúc bấy giờ có 300 ngàn đồng).
Tôi là một tay chơi guitar thuộc loại khá, một giọng ca lần nào đi thi cũng đoạt giải của báo, nên tôi có nhiều dịp làm việc chung với anh Chức trong những lần báo Thanh Niên tập, đi thi, biểu diễn văn nghệ trong các đợt hưởng ứng phong trào do Hội Nhà báo TP.HCM, Trung ương Đoàn tổ chức. Bởi báo Thanh Niên chỉ có hai nhạc sĩ đảm trách việc chỉ huy tập văn nghệ cho tụi tôi là anh Chức và anh Vũ Đức Sao Biển.
Anh Chức là một tay chơi đàn guitar thùng rất giỏi. Chỉ cần một cây đàn thùng, không cần bất cứ hỗ trợ nào, anh Chức cũng đệm đầy cho người hát, nét đàn rất duyên. Ở báo Thanh Niên có nhiều người biết chơi guitar, tôi chỉ nể một mình anh Chức trong lĩnh vực đàn guitar… Và, với tôi thì anh là một nghệ sĩ nhiều hơn là một nhà báo!
Anh Chức hay cười “hề hề”, xuề xòa, dễ gần… Chúc anh thượng lộ bình an trên đường về nơi chín suối, vẫn tiếp tục cười “hề hề” như mọi khi, anh Chức nhé!
HỮU PHÚ 05.07.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.