Sự kiện khất sĩ Minh Tuệ chọn tu Hạnh Đầu Đà, bao gồm bộ hành và khất thực dọc theo đường quốc lộ, theo đó, dù không cố ý, nhưng đã thu hút số lượng công chúng đông đảo đến cả hàng nghìn người chờ đón tại mỗi nơi ông đi qua. Đã khiến cho chính ông và nhiều người cho rằng đang gây nên những mối phiền toái về giao thông và ảnh hưởng đến an ninh trật tự công cộng.
Có phiền toái, có ảnh hưởng, nhưng bình tâm so sánh với những sự kiện lễ hội có nguồn gốc từ tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa nhan nhản khắp nơi, chúng ta đã thấy gì:
Huế chẳng hạn, kinh đô Phật giáo một thời và cũng là nơi được chọn để lưu danh cho việc ra tay đàn áp vị khất sĩ vào rạng sáng ngày 03/06. Ở đấy, festival được tổ chức hai năm một lần. Trong thời gian festival, có lúc chính quyền phải cấm xe lưu thông vào thành nội qua các cửa Ngăn và cửa Quảng Đức để bảo đảm cho các hoạt động lễ hội được diễn ra tốt đẹp.
Hội Lim Bắc Ninh tổ chức vào các ngày 12, 13 và 14 tháng Giêng hàng năm tại ba nơi: Thị trấn Lim, xã Nội Duệ và xã Liên Bảo.
Lễ hội đền Hùng hay còn gọi ngày Quốc tổ được tổ chức vào mùng 10/03 âm lịch hàng năm tại Phú Thọ. Nghi lễ chính gồm Lễ rước kiệu và dâng hương tại Đền Thượng, đi qua nhiều đoạn đường trước khi về ngôi đền chính để tọa lạc.
Khác với nhiều lễ hội trên bờ, các lễ hội Nghinh Ông của ngư dân nhiều tỉnh ven biển, như Quảng Bình, Nha Trang, Vũng Tàu, Phú Quốc… lại được tổ chức chủ yếu trên biển.
Ở Việt Nam có cả hàng trăm lễ hội lớn nhỏ như vậy được tổ chức hàng năm, suốt từ bắc vào nam, trong rất nhiều tỉnh thành của đất nước. Chúng đều là những sự kiện tín ngưỡng, kết hợp giữa tâm linh và văn hóa dân tộc được tổ chức mang tính cộng đồng. Thông qua những lễ hội ấy, là dịp để công chúng hiểu biết, gìn giữ lại những giá trị lịch sử, là di sản đã từng giúp định hình bản sắc văn hóa dân tộc, giúp công chúng ngưỡng vọng về những giá trị tinh thần như “Uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ kẻ trồng cây”, giúp gắn kết cộng đồng dân tộc (ngày Quốc tổ), cộng đồng dân cư (hội Lim) hoặc cộng đồng nghề nghiệp (lễ hội Nghinh Ông) …
Trong hầu hết các lễ hội ấy, phần lễ và phần hội, không chỉ được tổ chức trong khuôn viên đình, chùa, miếu mạo, mà các hoạt động như cúng lễ, đám rước, văn nghệ... Mà còn diễn ra tại nhiều nơi công cộng như trên đường phố, quảng trường, công viên, đồng ruộng, sông hồ và ngoài biển… Tất nhiên, khi ấy, chính quyền cũng buộc phải cấm đường hạn chế xe cộ lưu thông để dành riêng không gian cho đông đảo công chúng tham gia hoặc thưởng lãm lễ hội.
Mọi sự cấm đường, hạn chế lưu thông, hoặc tập trung đông người đều gây những phiền toái nhất định cho địa phương. Nhưng hết thảy, cả chính quyền và công chúng đều chấp nhận. Vì những lợi ích nhiều mặt, lợi ích tinh thần, thậm chí cả vật chất mà các lễ hội ấy mang đến. Hơn nữa, sự phiền toái cũng chỉ mang tính cách tạm thời trong thời gian ngắn mà thôi.
Trở lại với vị khất sĩ Minh Tuệ. Nếu đánh giá khách quan về sự kiện khất sĩ Minh Tuệ mà không cần phải thần thánh hóa ông ấy, vẫn thấy rằng vị khất sĩ đã và đang mang đến những giá trị tinh thần vô giá, “nghìn năm có một”. Không chỉ là sự phục hồi lại những giá trị tu hành trong lành, nguyên thủy trong phạm vi Phật giáo nói riêng, mà rộng hơn là phạm vi tôn giáo nói chung. Cứ nghe những lời rao giảng tin mừng từ các vị linh mục Công giáo về khất sĩ Minh Tuệ cho giáo dân, thì thấy sự hiệp thông mà vị khất sĩ mang đến nhiệm màu như thế nào?
Cho dù, khất sĩ Minh Tuệ tu hành chỉ với mỗi mục đích là tìm con đường giải thoát cho chính ông ấy khỏi phiền não cuộc đời mà thôi. Đúng cách “Ai ăn người ấy no, ai tu người ấy chứng”. Ông ấy không hề và chưa từng có ý định giải thoát chúng sinh, hoặc giải thoát phiền não cho đồng bào của ông ấy, hoặc đeo mang những trách nhiệm to lớn hơn như là hiệp thông tôn giáo, phục hồi đạo đức xã hội như một giáo chủ tinh thần. Nhưng mầu nhiệm Phật pháp từ vị chân tu là ở điểm đó. Điều tốt đẹp cứ tự nhiên lớn mạnh dần, lan tỏa theo cách không gì cản nổi đến mọi ngóc ngách xã hội, tất nhiên, hoàn toàn nằm ngoài dự định hoặc mục đích của tác giả.
Nếu chúng ta nhớ rằng, tôn giáo chính là thành trì giữ gìn nền tảng đạo đức xã hội, thì một chính quyền lương hảo sẽ phải mặc nhiên bảo hộ, gìn giữ. Xiển dương những bước chân bộ hành vốn là hạnh nguyện của vị khất sĩ Minh Tuệ qua các địa phương vào lúc này, chính là cơ hội “nghìn năm có một” để phục hồi lại nhiều giá trị tinh thần, bao gồm cả nền tảng đạo đức xã hội đang suy đồi đến tận đáy.
Thế nên, đánh giá, hành xử đối với khất sĩ Minh Tuệ nên bắt đầu dưới góc độ tích cực đó. Theo đó, chính quyền chỉ cần hành xử với ông ấy như cách hành xử đối với một sự kiện lễ hội trong số hàng trăm lễ hội hiện diện trên đất nước này là đủ. Sự phiền toái về giao thông, về an ninh trật tự công cộng nơi từng địa phương của ông ấy đi qua không quá lớn đến mức như là một sự đe dọa, thách thức an ninh như sách lược an ninh của chế độ đã từng thổi phồng.
Ngẫm xem, nếu chúng ta đã từng đau lòng đến thế nào khi chứng kiến giới trẻ đổ xô nhau đi đón một ngôi sao giải trí Hàn Quốc. Thì nay, sao mà không vui mừng cho được, khi thấy chúng đã lại mong chờ, háo hức được đón một vị tu sĩ chân đất đơn sơ đi băng ngang qua địa phương mình? Chính quyền mà không cảm nhận được lòng dân, cùng với sự tác động tích cực về phương diện tinh thần mà vị tu sĩ ấy đã vô tình mang lại cho xã hội thì đó, quả là điều đáng tiếc cho một chính quyền phản động, khi đã từ chối “quay đầu là bờ”.
Tiếc lắm, những giá trị tinh thần vô giá từ vị khất sĩ và giá như, có một chính quyền lương hảo thì dân xứ sở này đã chẳng biết gì đến lầm than.
ĐẶNG ĐÌNH MẠNH 15.06.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.