dimanche 10 avril 2022

Phúc Lai - Nhận xét về thông tin hóng được sau ngày thứ 44 của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine (08/04/2022)

 

1. Hôm qua hóa ra tui và tham mưu trưởng hậu cô-vít Phan Quang bị nắm sai thông tin. Chỉ huy chính của giai đoạn 2 chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga là Tư lệnh quân khu miền Nam của nước này. Lão này là đại tướng mới được phong tháng 6/2020.

Đại tướng Aleksandr Dvornikov sinh ngày 22/8/1961, hiện nay trên chiến trường Ukraine lão ta là một trong số ít những tướng lĩnh phục vụ từ thời Liên Xô (tốt nghiệp trường Frunze năm 1991). Quá trình phục vụ của Dvornikov qua nhiều đơn vị, như Quân khu Viễn đông Nga và mới đây nhất được cho là có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động thực chiến ở Syria.

Quân khu miền Nam của Nga có trụ sở ở Rostov trên sông Đông, trong biên chế của nó có cả Hạm đội Hắc Hải.

Bình loạn : Như vậy tay thượng tướng Aleksandr Chayko đến chiến trường chỉ để tổ chức rút quân thôi à?


2. Hôm qua tui đã đoán mò rằng Nga sẽ tiến hành chiến dịch phần 2 lần này với ba mũi tấn công.

Hôm nay lại có đề xuất rằng liệu Nga có làm như thế không, hay mũi Kharkiv sẽ là mũi chính còn Donbass nó vẫn lằng nhằng như thế thì nó vẫn sẽ như thế. Ý kiến này cũng đồng nghĩa với việc Nga ưu tiên cho mặt trận nào hơn, tăng thêm quân vào chỗ nào. Hiện nay thì ngay trong bản tin của Bộ tổng tham mưu Ukraine vẫn cho thấy Nga tiếp tục tăng cường vào hướng Donbass.

3. Về tính chất khó khăn của cuộc chiến sắp tới này và thái độ của chúng ta.

Một lần nữa tui khẳng định tui không có ý lạc quan tếu. Và phải nói là xuất phát điểm của tất cả chúng ta khi nói chuyện là Nga mạnh hơn Ukraine cả chục lần, đặc biệt là về hỏa lực hỗ trợ bởi các cấp các cỡ pháo binh và lực lượng thiết giáp. Hơn thế nữa, không quân Nga còn mạnh hơn của Ukraine nhiều lần, còn không quân Ukraine thì coi như không còn số lượng đáng kể.

Tất cả những câu chuyện dông dài của chúng ta từ đầu chiến tranh đến nay, đều nhằm phân tích tình hình một cách khách quan và tỉnh táo. Dựa trên những thông tin công khai và cả nguồn không công khai tui được cho biết, và dùng những kiến thức học được để suy xét. Cá nhân tui tuyệt đối không bao giờ có ý tưởng là mình bảo vệ hòa bình, chống chiến tranh và do đó đứng về phía Ukraine sẽ nói tốt cho họ còn Nga thì xấu cả. Nhìn lại những điều tui vừa viết trên đây thì những bất lợi của Ukraine là quá nhiều trong khi của Nga thì thuận lợi cũng quá lớn. Nếu nói con số, coi như Ukraine – Nga 5% / 95% đi cũng không phải là không có lý.

Do đó những điều chúng ta nói ở đây là để tìm ra những chi tiết có lý nhất, đi từ những nhận xét quá trình đã diễn ra đến dự đoán những gì sẽ diễn ra. Có thể nói tui là người từ đầu đã dựa vào những quan sát của mình để đưa ra dự đoán từ trước khi súng nổ: nếu Nga đánh như thế, như thế… thì họ sẽ thua.

“Thua” ở đây trước hết là không thắng. Tức là họ có thể chiếm được chỗ này, chỗ khác… nhưng với cách đánh của Ukraine thì Nga sẽ thiệt hại rất nặng cả về người lẫn vũ khí khí tài, cho đến khi họ không thể chịu nổi được thì sẽ phải rút. Tui viết như thế cách đây hơn một tháng và nay vẫn có thể dám nhắc lại như vậy.

Với Ukraine, thắng trước hết là không thua: Bảo vệ được chính quyền hợp pháp, đánh cho đối thủ tiêu hao những đòn đau và tranh thủ sự ủng hộ từ quốc tế, trong đó có cả các lệnh trừng phạt. Cho đến khi nào Nga không thể tiếp tục được nữa, thì phải rút.

Từ những góc độ này, tui đi vào phân tích những điểm mạnh trong cái 5% của Ukraine kia thôi, và những điểm yếu của Nga trong cái 95% đó để chúng ta cùng nhau khẳng định là những người Ukraine đang chiến đấu cho hòa bình và bảo vệ Tổ Quốc sẽ chiến thắng. Do vậy trên tường nhà tui, tui sẽ không ủng hộ những ý kiến kiểu như thế này:

– “Putin nó cũng khôn lắm!” – không phải là khôn mà là quá khôn, không phải nói.

– “Putin nó cũng tàn bạo lắm, nó sẽ tàn phá Ukraine như Grozny ấy.” – cũng chẳng bao giờ đủ bom đạn mà làm như thế, Mariupol thì may ra.

– “Tôi không tin là lính Nga sẽ bỏ chạy” – lính Nga đã bỏ chạy từ bắc Ukraine về Belarus và Bryansk. Tương lai sẽ bỏ chạy tiếp nhưng chắc chắn bên Ukraine sẽ phải trả những cái giá rất lớn.

Tại sao tui không ủng hộ những ý kiến như vậy? – Xin nói rằng để viết những bài như thế này tui ngoài bỏ thời gian, còn phải tốn nhiều năng lượng để đọc và xử lý thông tin từ rất nhiều nguồn cả công khai lẫn không công bố được. Mục tiêu của tui cũng như bây giờ là của tất cả chúng ta, là cùng nhau vững tin, chứ không phải là khoe ta đây khách quan với sáng suốt.

Trong điều kiện chiến tranh, những kẻ gây hoảng loạn nhiều khi chính từ những hành vi như thế và người ta xử lý bằng những viên đạn vào trán. Ở đây chúng ta không làm như thế được, may ra tui chỉ có thể block bác nào quá đáng quá. Vậy rất mong các bác tránh việc đó đỡ mất hòa khí chung. Bác nào muốn “tỉnh táo và khách quan” cứ việc về nhà tự viết, tui chưa bao giờ can thiệp vào những việc cá nhân như vậy.

Cũng như trước đây có bác bảo tui là “một chiều.” Muốn đọc chiều kia xin về với báo chí nước nhà, tui không có ý định “hai chiều” phục vụ các bác.

4. Vậy thì nếu đề nghị tui hình dung như thế nào cho trận đánh này, thì tui sẽ hình dung ra thế này.

Tại sao trận đánh vùng Donbass nếu sẽ nổ ra sẽ khó khăn cho phía Ukraine? – Có một số lý do sau:

– Thứ nhất, mật độ lực lượng tập trung của quân Nga tăng lên. Diện tích chiến trường thu hẹp, Nga sẽ dễ tập trung hỏa lực vào đây hơn.

– Thứ hai, mật độ tập trung của quân Ukraine tăng lên, là điều kiện thuận lợi cho Nga dùng hỏa lực của các loại pháo binh từ tầm gần đến tầm xa và cả tên lửa hành trình.

– Thứ ba, tính phi đối xứng của xung đột quân sự giảm. Chiến tuyến của hai bên tương đối rõ rệt, Ukraine hầu như không còn khả năng sử dụng chiến tranh du kích.

Về tương quan hai bên chúng ta đã nói rồi, Nga hơn về không quân và hỏa lực hỗ trợ, về quân số cũng sẽ dần dần trội hơn. Về chất lượng quân lính và vũ khí cá nhân thì Ukraine có phần trội hơn. Cá nhân tui cho rằng chất lượng quân lính của Nga thấp hơn nhiều. Tại sao tui lại dám khẳng định vậy?

Vì trong những ngày qua càng ngày càng nhìn thấy nhiều hình ảnh tui xem được trên các video clip tuyên truyền từ phía Nga tung ra khá mờ về những nhóm quân mới được tuyển cho chiến dịch quân sự và càng ngày, quần áo quân phục quân trang của họ càng xấu đi. Điều này trái ngược với những video tuyên truyền ví dụ quay lính Chechen ở Mariupol, quân trang của họ đẹp không kém của quân đội Mỹ.

Như vậy chúng ta có thể đoán được là tính ô hợp những những đám lính mới tuyển chuẩn bị tung vào cuộc chiến là cao dần lên, song song với đó là sự hụt hơi của quốc phòng Nga, đã phải dùng cả những thứ quân trang trông như của thời Liên Xô ngày xưa rồi.

Nga vẫn sẽ tấn công kiểu truyền thống ở Donbass: tiền pháo, hậu xung bằng lực lượng xe tăng và bộ binh. Để chuẩn bị cho kế hoạch này, người ta ước tính Nga phải cần 60.000 quân cầm súng trên một chiến tuyến trải dài cỡ 300 kilômét (ước chừng). Để thực hiện kế hoạch đó, Nga nếu đạt tiêu chuẩn theo truyền thống của mình sẽ cần có 1.000 khẩu pháo và súng cối trên một kilômét chính diện mặt trận – điều không thể có trong tình trạng hiện nay khi mà theo… wiki thì quân đội Nga hiện có 6.000 thiết bị pháo binh các loại (gấp 3 lần số lượng Ukraine đang có).

Trong khi đó, hiện nay càng ngày Nga càng thiếu vũ khí chính xác cao, cái đem lại sự thay đổi về chất của chiến tranh, do đó họ buộc phải sử dụng pháo binh truyền thống nhiều hơn (Các nhà bình luận quân sự cho rằng Nga càng ngày càng phụ thuộc vào các cỗ pháo tự hành hạng nặng, như mẫu 2S19 Msta 152mm chúng ta vẫn thường thấy nó diễu qua Quảng trường Đỏ ngày 9/5 hàng năm).

Do phụ thuộc những loại này nên chúng ta sẽ thấy tính bừa bãi trong bắn phá tăng lên, tính tàn phá kiểu tan hoang cũng tăng theo nhưng hiệu quả thì lại rất thấp và càng dùng càng tốn kém, hoàn toàn không có rẻ. Nga hiện có khoảng 900 cỗ pháo loại này, trong đó khoảng 700 cỗ ở trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.

Để tổ chức những mũi tấn công mạnh ở Donbass, Nga sẽ phải sử dụng ít nhất 200 xe tăng cho mỗi mũi. Vậy nếu có 5 mũi thì Nga cũng cần cỡ 1.000 xe tăng, bằng cả lượng xe tăng dùng cho giai đoạn 1 của chiến tranh, đây là điều khó xảy ra. Điều đó cho phép chúng ta giảm số mũi tấn công xuống thành 3 mũi, tức là 600 xe tăng. Với 3 mũi mỗi mũi có chiều rộng 5 kilômét, và Nga sử dụng 20% số pháo binh mình có ở trận Donbass này, nghĩa là 1.500 khẩu pháo, 500 khẩu cho 1 mũi và đạt mật độ 100 khẩu cho 1 kilômét chính diện mặt trận (1/10 so với tiêu chuẩn Liên Xô trước đây.)

Về số lượng xe tăng, từ vài năm trước chúng ta đã đọc Việt Nam có đầy bài báo kiểu “Nga có số lượng xe tăng gấp đôi của NATO cộng lại”… nghe rất khiếp. Thực tế phần lớn số chúng là các mẫu dòng T-54/55 và T-62/64. Xương sống chiến đấu được của tăng thiết giáp Nga dựa trên số lượng lớn dòng T-72, T-80 và T-90. Các bài báo Việt Nam còn cố chua thêm là phần lớn xe tăng dòng cũ còn đang ở tình trạng… mới cứng. Người ta viết cho hưng phấn thế thôi chứ nếu dùng số lượng lớn xe tăng thì lại đặt ra vấn đề với… xe tải, trong khi tính hiệu quả của nó đến đâu lại vẫn là một câu hỏi lớn.

Năm 2019, bộ trưởng quốc phòng Nga S. Shoigu công bố: “Lực lượng tăng thiết giáp Nga có số lượng xe tăng trong kho đảm bảo tỉ lệ sẵn sàng hoạt động chiến đấu 94%.” Tỉ lệ này đã làm cho giới chức quân sự Mỹ hoảng hồn vì thời điểm “đáy” của tăng thiết giáp Hoa Kỳ chỉ đạt có 53% vào năm 1983, là lúc quân sự Mỹ đi rất xuống sau chiến tranh Việt Nam và họ đang tập trung vào chạy đua vũ trang với Liên Xô ở những mảng quốc phòng khác. Từ tỉ lệ đó họ phải mất 7 – 8 năm để đưa lên trên 80% để bước vào cuộc Chiến tranh vùng Vịnh 1991.

Nếu như phía Ukraine mà không tích cực đánh thiệt hại nhóm xe tăng của hai Tập đoàn quân 20 và số 1 ở khu vực Izyum thì nhóm đó sẽ nện vào Slovyansk, tình hình sẽ khó khăn gấp bội.

Cá nhân tui thì lại không cho rằng Ukraine vừa rồi bất chấp thông tin đến với chúng ta là “hai bên dồn quân vào trận đánh lớn nhất” lại chuyển quân đến ồ ạt. Nếu làm như vậy thì họ tự thủ tiêu tính phi đối xứng của cuộc chiến, cái mà họ đang có thế mạnh. Trái lại tui cho rằng Ukraine sẽ bổ sung quân lực ở toàn khu vực Izyum, Slovyansk, Kramatorsk… và cả Donbass một cách vừa phải, và tiếp tục để dành cả lực lượng chính lẫn vũ khí nặng cho giai đoạn sau của trận đánh.

Chúng ta cũng cần nhớ lại tui kể một sĩ quan Ukraine giấu tên kể cho tui: Kế hoạch không phải là chiếm lại thành phố nào, mà ở phía nam là cắt đứt hành lang Donbass – Crimea. Vậy chúng ta có thể hình dung là nếu hành lang này bị cắt, song song với việc Ukraine cắt đứt luôn cả đường ra vào từ Crimea đến chiến trường đông nam thì việc Nga bỏ Mariupol là hoàn toàn có thể, sau đó thì cả cụm quân Nga ở Kherson cũng phải tự vỡ. Cũng không nên quên là cách đây hai tuần Nga đã tăng cường một lực lượng lớn từ Crimea đến Kherson, vì thế tui không cho rằng thành phố này sẽ bị chiếm lại, làm như thế tổn thất sẽ rất lớn. Nga sẽ phải bỏ nó như những thị trấn thành phố khác ở Bắc Kyiv, như thế hợp lý hơn.

Vậy quân Nga có bỏ chạy không? Họ sẽ tấn công rất mạnh trong một số ngày – 5 ngày một tuần gì đó, và nếu Ukraine chống cự được, thì sẽ đến giai đoạn sau của trận đánh.

Nếu giai đoạn này xảy ra, quân Nga sẽ mỏi mệt và việc bỏ chạy là hoàn toàn có thể. Còn cửa thắng của họ, thì với lực lượng lý thuyết chuẩn bị như chúng ta tính toán, Nga chỉ có thể làm chủ được toàn bộ Donbass và đẩy lùi lực lượng Ukraine ở đây về sau biên giới hành chính của hai tỉnh này. Và nếu cái cụm xe tăng từ Izyum kia không bị xử lý thì thậm chí quân Ukraine còn bị thiệt hại nặng. Mariupol, Nga sẽ chiếm được.

Trong trường hợp đó Ukraine có thể sẽ phải vớt vát bằng việc cố chiếm lại Kherson (tui không nghĩ thế, nhưng không loại trừ) và hành lang nối trục Donbass – Mariupol chưa chắc Nga đã thiết lập được. Nga sẽ chiếm được rất nhiều các đống gạch vụn, từ đó hai bên sẽ bước vào đàm phán lần cuối với nhau.

“Hồng quân” sẽ hy sinh thêm khoảng 5 – 6.000 bác nữa cho trận đánh này, còn xe tăng chắc bị đốt cỡ 100 đến 200 chiếc nữa.

PHÚC LAI 09.04.2022

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.