lundi 25 avril 2022

Phúc Lai - Nhận xét về thông tin hóng được sau ngày thứ 60 của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine (24/04/2022)

 

1. Như vậy là Lễ Phục sinh đã qua mà quân đội Nga đã không đạt được mục tiêu chiếm toàn bộ vùng Donbas xong rồi thì nghỉ ăn Tết.

Theo bản tin Bộ tổng tham mưu Ukraine, thì ngày hôm qua trên hướng Izyum quân Nga vẫn cố tấn công vào Pashkove (cùng cách Izyum và Slovyansk khoảng 40km) nhưng không có kết quả.

Chiến sự vùng Donbas vẫn nhì nhằng đâu đó chỗ Lysychansk. Vì không có kết quả nên chúng ta cũng đâm ra chán chẳng buồn nói nữa…

… ngay cả mặt trận phía nam, nếu như tin pháo kích chết Ban chỉ huy Tập đoàn quân 49 của Nga là đúng thì phía Nga sẽ còn phải nghỉ dài dài đến cả tuần nữa. Lực lượng Ukraine giải phóng được 5 điểm dân cư vùng Mykolaiv sát vùng Kherson.

Bình loạn: Ngoài các thông tin trên còn có tin quân đội Ukraina đã giải phóng được ba điểm dân cư thuộc huyện Dergachivsky: Bezruky, Slatyne và Prudyanka (Безруки, Слатине, Прудянка).

Đánh nhau kiểu này rất làm nản lòng các tay hiếu chiến như Phan Quang, Ton Hoang vì chỉ máu nhìn thấy đánh nhanh thắng nhanh như chẻ tre. Thực tế 3 điểm dân cư này sát ngay thành phố Kharkiv về phía Bắc, và cũng rất gần biên giới với Liên bang Nga. Suốt từ đầu tháng Tư đến nay khu vực này ít chiến sự và đó cũng là nơi Nga có thể thiết lập các hỏa điểm pháo binh bắn phá thành phố.

Vì quân Nga ở đây ít mỏi mệt, nên việc chiếm được 3 điểm này dù không có nhiều ý nghĩa về quân sự nhưng lại là rất nhiều trong việc bảo vệ cuộc sống bình thường của cư dân thành phố.

Để hình dung ra cục diện trước mắt của cuộc chiến, chúng ta hãy lướt qua ý kiến của Phan Quang:

“Chắc chắn là hai bên sẽ có đều có thiệt hại: Nga mất 10 thì Ukraine cũng phải mất 6, 7. Ta chỉ nghe thông tin Nga thiệt hại, ít nghe thông tin Ukraine cũng tổn thất lớn chứ, nhất là Nga vẫn đang chiếm ưu thế trên không.

(1) Vấn đề với Ukraine là họ cần phải trụ vững cho đến khi mà người Nga kiệt sức. Nga theo tôi nghĩ còn đang rất vướng chân ở Kherson, sau khi bị chìm Tuần dương hạm Moskva khả năng đánh đến Odessa gần như là bằng 0. Cho nên vấn đề Odessa không phải lo ngại.

(2) Về cách đánh của Ukraine? Tôi nghĩ rằng việc đánh Kherson thực chất là hành động lấy công bù thủ. Giam chân và xẻ bớt một phần quân chủ lực của Nga. Điều này cũng giống như việc họ phải tử thủ ở nhà máy thép Azov. Về phần chính diện Donbass, quân Ukraine có yếu thế hơn một chút, nhưng cơ bản thủ vững. Vậy chỉ còn có vùng Izium. Tôi cho rằng đây mới là nơi chiến địa khốc liệt nhất.

Chiều sâu chiến trường khu vực Donbass - Izium khoảng 100 km cho phép quân Ukraine cơ động, co giãn chiến trường và kịp thời điều chỉnh các sai lầm nếu có của họ. Ngược lại quân Nga vào sâu trong đất đối phương, đánh lâu không dứt điểm, bị cắt khỏi hậu phương (mối lo từ quân Ukraine tại Kharkiv còn đó).

Cá nhân tôi dự đoán trong vòng 8 + 2 ngày tới, 20 BTG của Nga ở đây sẽ thảm bại. Nhưng kể cả khi thảm bại, Nga có chấm dứt chiến tranh không, cái này tôi không dám chắc.

(3) Việc người Nga dùng tên lửa hành trình để bắn phá các điểm hậu cần, đường xa của Ukraine sẽ không mang lại hiệu quả nhiều. Đúng ra với những vũ khí tiên tiến nhất của mình, Nga phải đánh mất khả năng chỉ huy – thông tin liên lạc của phía Ukraine. Nga chỉ có 30 cái Thiên Nga trắng thôi, thế nào rồi Ukraine họ cũng rình rình bắn hạ một vài cái, lấy oai và cổ vũ sĩ khí.

Vậy kết cục giai đoạn 2 đi đến đâu? Khả năng giai đoạn 2 sẽ kết thúc vào đầu tháng Năm. Cơ bản cánh quân Nga ở Izium thảm bại. Còn lại cục diện chiến trường vẫn giữ nguyên ở mạn Donbass. Hai bên tiếp tục đàm phán.”

Bình loạn: Tui thì cho rằng Ukraine sẽ phản công lại quân Nga ở Donbas cho đến khi Nga lùi về ít nhất là sau giới tuyến 24/02. Tại sao lại có chuyện phản công? Vì Nga tấn công đến một lúc nào đó sẽ mỏi, sẽ chậm dần và dừng lại. Cũng lại như ở Bắc Kyiv hồi “phase 1,” họ phải tổ chức phòng ngự giữ những giới tuyến đã chiếm được, nhưng việc giữ như vậy là bất khả thi vì các yếu tố:

(1) Quang có nói ở đâu đó “Nga huy động được 80 BTG đưa vào Donbas chứng tỏ tiềm năng quân sự của họ rất lớn.” Nói câu này không đủ nghĩa, không nói đúng sai. Tiềm năng quân sự của Nga không phải là lớn, mà là rất lớn. Tuy nhiên để  có được một lực lượng dự trữ cho chính cái quân số 80 BTG này, thì các chuyên gia phương Tây tính toán nếu làm việc cật lực, đến mùa thu này may ra mới có đủ số, ví dụ khoảng 30 BTG đạt chất lượng. Do đó đến khi nào ở Donbas mà Nga đã sử dụng hết số 80 BTG vào trận chiến không thu được kết quả, thì sẽ là lúc Ukraine phản công mà lúc đó Nga sẽ không thể có quân và kỹ thuật dự bị để khắc phục tình thế nữa.

(2) Nếu khu vực sau giới tuyến 24/02 vẫn còn đủ các cơ sở phòng thủ, đặc biệt là còn dự trữ hậu cần: gạo, đạn… thì Nga có thể trụ lại được ở đó (tui thì đánh giá khả năng này là lớn) còn nếu đã xài hết cho giai đoạn đầu của “phase 2” The Battle of Donbas rồi thì có khi còn chẳng trụ lại được ở đó. Phiến quân ly khai lúc đó còn không có đất mà ở phải chạy theo quân Nga mất.

(3) Bác KVC đã có nhận xét trước thông tin:

Chỉ trong một tuần, các nhóm quân của Lực lượng vũ trang Ukraine đã đẩy lui 63 đợt tấn công của địch, phá hủy tổng cộng:

• 1 hệ thống tên lửa phòng không của địch,

• 55 xe tăng,

• 20 hệ thống pháo,

• 114 xe bọc thép,

• 6 xe chiến đấu bọc thép,

• 2 đơn vị kỹ thuật đặc biệt,

• 62 xe vận tải quân sự,

• 5 xe chở nhiên liệu.

• Các đơn vị phòng không bắn rơi 5 máy bay, 1 máy bay trực thăng, 28 máy bay không người lái và 3 tên lửa hành trình của Nga...

“… đây coi như là tổng kết 1 tuần chiến sự Donbas và nếu cứ đà như thế nào thì chỉ 1 tháng là Nga hết lực lượng để chiến đấu ở đây.”

Cá nhân tui thì lạc quan hơn một chút: tuần này thời tiết sẽ thuận lợi hơn cho Nga để tiếp tục tấn công, vì thế tốc độ tăng của thiệt hại hai bên cũng sẽ tăng. Và đến cuối tuần sau, cỡ khoảng 01/05 nếu Nga tấn công vẫn không có kết quả đáng kể, hoặc có kết quả dù là đáng kể nhưng lại bị đánh dằng dai, giành đi giật lại… thì họ sẽ nản chí, đặc biệt là về lòng quân. Do đó không cần đến 1 tháng mà từ 2 tuần đổ ra (từ hôm nay tính tiếp 1 tuần nữa) đến dưới 3 tuần sẽ có biến chuyển lớn. Còn về thiệt hại của Nga nếu họ gia tăng nhịp điệu và tốc độ tấn công thì giờ này tuần sau những con số trên đây sẽ nhân lên 2,5 lần nữa.

Tin bổ sung: Ngày hôm nay đã có thông tin là Nga bắt đầu tăng tốc và cũng đã đạt một số kết quả dù chưa lớn ở Donbas và cả hướng nam Izyum.

2. Tại sao tự nhiên lại có chuyện Nga bắn tên lửa hành trình vào Odessa.

Sau vụ đánh chìm tuần dương hạm Moskva, Hạm đội Hắc Hải của Nga coi như là bị giáng cú đấm vào quai hàm rõ nặng nề, liêng biêng… Việc Nga tổ chức tấn công và Odessa gần như rất ít khả năng, còn nếu tấn công thì việc chiếm được thành phố cũng gần như là không thể.

Hạm đội không thể một ngày không có chỉ huy, nếu tư lệnh cũ bị truy cứu trách nhiệm thì phải có tư lệnh mới và hắn ta ra lệnh thị uy mấy phát, nhân tên lửa vẫn còn lắp trên các tàu ngầm thì bắn thôi.

3. Hôm qua có tin Nga bắn vào nhà máy sản xuất thuốc nổ của Ukraine.

Bình loạn: Tưởng bắn vào nhà máy sản xuất thuốc nổ của Mỹ mới sợ, chứ nhà máy của Ukraine tầm này thì người ta có sản xuất được cái gì ở đó! Có điều cần nhận xét là cả vụ Odessa lẫn vụ này, người Nga đúng là bí chẳng có mục tiêu để mà bắn, ngược lại…


4. Lại cháy kho xăng dầu, lần này ở Bryansk.

Trái lại với những lần trước Ukraine chối bai bải, lần này cái kho ở rõ ra biên giới thì lại tuyên bố là trả thù cho Odessa, thật chẳng biết đằng nào mà lần. Chỉ thấy lúc này chính ở Nga đang vào “mùa cháy” – cháy rừng ở Siberia. Biến đổi khí hậu làm cho thời tiết ngày càng khô nóng hơn làm các cánh rừng không chỉ Siberia mà còn ở Bắc Mỹ còn cháy như điên.

Việc chữa cháy rừng Siberia với lực lượng của Bộ các tình trạng khẩn cấp Nga (МЧС) thường khá hạn chế và năm nào cũng phải dựa vào quân đội, thường là các đơn vị công binh kỹ thuật là chủ lực với chiến thuật chủ yếu là dùng thuốc nổ tạo thành các đường hào cản lửa rất chuyên nghiệp. Việc phần lớn các đơn vị công binh này bị kẹt ở chiến trường Ukraine sẽ làm cho các vụ cháy Siberia càng trở nên khốc liệt hơn. Đúng là họa vô đơn chí.

Quay lại với vụ cháy kho, lần này Nga lại bảo là… cháy tự nhiên, à tự nhiên nó cháy. Thật không biết đằng nào mà lần.

5. Có bác bảo bình luận về việc Ukraine liệu có tấn công cái cầu Kerch không…

Nhìn chung giới chủ chiến trong lực lượng ủng hộ Ukraine có vẻ khoái kế hoạch này, nhưng trong chính bài viết mà họ dẫn có những số liệu như sau: “Cầu Kerch được bảo vệ nghiêm ngặt 24/24 bằng:

• 1 Lữ đoàn phòng không S-300.

• 1 Lữ đoàn phòng không Pantsir.

• Phi đội Sukhoi SU-25 Grach (không rõ số lượng)

• 1 Lữ Đoàn thủy quân lục chiến Nga.

• Một phần tàu của Hạm đội biển Đen.

• Tất cả có sự hỗ trợ của 18.000 quân Nga bảo vệ chung cả bán đảo Crimea”

Đông thế thì đánh cái gì? Dùng tên lửa bắn cái cầu không đơn giản như bắn cái tàu, tui thì hiểu như vậy. Còn việc tấn công bằng quân đội thì đi hết cả cái bán đảo mới đến cái cầu, lực lượng tấn công rơi rụng còn được bao nhiêu? Trong khi đó nếu chỉ để triệt đường vận lương của quân Nga ở mặt trận phía nam, nếu có tên lửa trọng pháo, chỉ cần xác định được mục tiêu lò mò đi đến chỗ yết hầu của bán đảo quãng thành phố Armiansk ấy, chỗ đó là trung tâm đầu mối cả đường bộ lẫn đường sắt…

Tất nhiên phá được cái cầu thì triệt để hơn, nhưng từ góc độ cá nhân tui nhận thấy thì… không nên. Dù sao thì cái cầu ngoài là mục tiêu quân sự nó còn là một kỳ tích của ngành xây dựng cầu: bắc qua một eo biển có điều kiện khí hậu và địa chất phức tạp số 1 hành tinh, và cầu cũng dài số 1 châu Âu… Biết đâu sau chiến tranh Ukraine chiếm lại được bán đảo, rồi bên trong nội bộ nước Nga lại có thay đổi về chế độ cầm quyền, một nước Nga mới ra đời thân thiện hơn và trên cái cầu xuất hiện một cửa khẩu quốc tế thì sao? Còn nếu Ukraine không phá mà tấn công bán đảo thắng lợi thì lại có đường cho… quân Nga bỏ chạy, hay quá còn gì.

Cũng chẳng biết thế nào, biết đâu mai họ thích lên họ phá thật.

6. Vào cuối cuộc chiến tranh Nga – Thổ Nhĩ Kỳ (1806 – 1812) để giải quyết hậu quả của nó, người ta tổ chức Hội nghị Bucharest, và cuối cùng thì vùng phía đông của Công quốc Moldavia có tên gọi là vùng đất Bessarabia được nhập về Đế quốc Nga, trong khi đó vùng phía Tây thì nhập về Romania.

Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất đã làm nảy ra một số biến động: Vùng Bessarabia trở thành phía tây, còn phía đông nó lại xuất hiện vùng lãnh thổ ảnh hưởng của chính quyền Xô-viết. Đến đây chúng ta nói lại: vùng phía tây của đất nước là Bessarabia vốn nằm giữa Prut và Dniester không ở dưới chính quyền Xô-viết, còn phía đông thì:  năm 1924, trên vùng Transnistria đang là một phần của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Ukraine thời ấy, CHXHCN Xô-viết Moldavia được thành lập. Tháng 8 năm 1939, Hiệp ước Molotov – Ribbentrop và nghị định bí mật thêm vào của nó được ký kết, theo đó Phát xít Đức công nhận Bessarabia thuộc vùng ảnh hưởng của Liên Xô. Liên Xô sáp nhập thêm Bessarabia và do biến cố này, Romania ngả hẳn về phe trục của Phát-xít Đức chống Liên Xô.

Sự kiện Liên Xô tan rã năm 1991 đã dẫn đến những quan điểm chính trị cho việc sáp nhập nước Moldova (Mondavia) vào Romania, hoặc độc lập từ Liên Xô nhưng không sáp nhập vào đâu cả. Thực tế là đất nước độc lập non trẻ đã nằm ngay trong tầm ngắm của chính quyền Mátxcơva không muốn nó rời quỹ đạo của mình, đặc biệt là không được sáp nhập vào Romania.

Tại sao lại là sáp nhập vào Romania? Vì đa số dân cư của nước này người Moldova, và người Moldova thì là một nhánh người Romania, nói cùng một thứ tiếng chỉ khác là một bên dùng chữ Latin, bên kia dùng chữ Kiril (thứ chữ mà chữ “Ж ж” lão Jackie Chan gọi là “left-right kei”) và chính việc bị Nga cướp mất vùng đất Moldova gây nên mối hận lớn với người Romania.

Transnistria, tên chính thức là Cộng hòa Moldavian Pridnestrovian (PMR), là một quốc gia ly khai chưa được công nhận nằm trong dải đất hẹp giữa sông Dniester và biên giới Moldova - Ukraina được quốc tế công nhận là một phần của Moldova. Trong khi Liên Xô tan rã, nước cộng hòa này tái xuất hiện với hy vọng sẽ được gia nhập Liên bang Xô-viết. Đất nước Moldova rơi vào nội chiến giữa một bên là chính quyền trung ương và một bên là Transnistria do Nga hậu thuẫn.

Hiện nay dưới mác “gìn giữ hòa bình” Nga vẫn duy trì ở vùng đất này một lực lượng cỡ 1 Sư đoàn. Cũng do trong suốt khoảng 20 năm “nhờ” ảnh hưởng của Nga mà Đảng CS Moldova nắm quyền trong một thời gian dài, việc sáp nhập với Romania không được đặt ra. Từ khoảng năm 2010 trở lại đây đất nước này đã có những biến chuyển mạnh mẽ về chính trị trong đó đặc biệt là tình trạng bị Nga thao túng giảm dần và cũng hướng dần về việc hòa nhập với Châu Âu. 

Tai sao tui lại nói chuyện này? Vì tin tình báo vỉa hè cho biết Moldova đã có những động thái chuẩn bị chiến tranh. Trong mấy chục giờ qua, bộ đội Romania đã vào Moldova dù vẫn mặc quân phục quân đội Moldova với số lượng lớn, các sĩ quan chỉ huy cũng được bổ sung quân số rất đông sĩ quan Romania. Kế hoạch của Putin đã quá rõ ràng: sau Ukraine là Moldova.

Chiến dịch của ông ta ở Ukraine đặt Moldova vào tình thế quá nguy hiểm và họ cần phải được bảo vệ, nhưng với một nước nhỏ như thế mà lại bị Nga cấm cản trong việc vào NATO thì quả là khó khăn. Trong hoàn cảnh này, việc sáp nhập về với Romania không phải là một lựa chọn tồi.

Nếu tin về vụ “động binh” kiểu này của Romania là đúng, thì không khéo họ tranh thủ diệt sư đoàn Nga ở Transnistria để giải quyết luôn vấn đề ly khai và nội chiến.

Năm 2014 tui viết bài đăng trên Tuần Việt Nam Sangnăm tới Hoàng Sa nhưng bằng cách nào?. Có viết: Các biến động về chủ quyền lãnh thổ thường xảy ra sau các cuộc chiến tranh. 

Vậy cuộc chiến lần này của Putin cũng có thể dẫn tới một biến động nào đó, nhưng lại theo hướng cũng “hay ho” cho ông ta. “Tất cả nằm trong tính toán của Putin hết!” – Tài thế cơ chứ lị.

PHÚC LAI 25.04.2022

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.