Vấn đề tuyên truyền trong thời chiến thì ở đâu cũng có và là chuyện hiển nhiên. Tuy nhiên việc ém thông tin về số lượng binh lính mất tích và tử trận với gia đình của họ, là một việc làm rất nhẫn tâm.
Một bà mẹ người Nga có thể rất tự hào với đứa con đang ở mặt trận ở nước ngoài hoặc đang làm việc trên một soái hạm. Khi thông tin về trận chiến khốc liệt diễn ra, điều mà các bà mẹ muốn biết nhất, không phải là thắng hay thua, mà là:
- “Con mình còn sống hay đã chết?”
Vấn đề ở đây là đến khi họ không còn giữ nổi bình tĩnh nữa để chất vấn nhà nước về số phận đứa trẻ của họ, ở Nga hiện nay, có thể câu trả lời sẽ là:
-“Đứa trẻ nào cơ?”
Và đó là khoảnh khắc mọi bà mẹ nhận ra con mình đã hy sinh vì điều gì? Cho đất nước của nó hay cho một cá nhân. Nếu một con người hay một triệu con người chết cho đất nước của họ, họ sẽ được nhắc tới với tên tuổi.
Vụ chìm soái hạm của Nga, mặc dù báo đài Nga tuyên bố đã cứu được toàn bộ thủy thủ đoàn, nhưng cho tới giờ chưa ai nhìn thấy họ.
Trong những kịch bản xấu xí nhất, những người mẹ ở trên sẽ phải sống nốt phần đời còn lại của mình và vờ như họ chưa bao giờ sinh ra bất kỳ ai. Hàng xóm của họ phải vờ như chưa bao giờ có một đứa trẻ như thế chạy nhảy chơi đùa trên phố thời thơ bé. Những giáo viên sẽ phải giả như lớp học của mình chưa bao giờ có cậu bé ấy.
Đứa trẻ đó phải biến mất vĩnh viễn như thể nó chưa từng được sinh ra, mọi ký ức về nó phải được xóa sổ, mọi bằng chứng về nó phải bị thủ tiêu.
Bởi vì nếu nó chưa bao giờ được sinh ra thì nó cũng sẽ không chết trên cái chiến hạm ấy. Và nếu không có ai chết trên đó, thì sẽ có một người trở nên trong sạch.
Đây là lý do vì sao các công cụ tuyên truyền của nhà nước chuyên quyền kiểu Nga trở nên rất đồ sộ. Đôi khi không phải để ngăn chặn tin giả, mà là để tạo ra các hiện thực mới.
LÊ QUANG 21.04.2022 (Tựa bài do Thụy My đặt)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.