Ai từng tham gia trong lĩnh vực xuất khẩu lao động (XKLĐ), nhất là đối với thị trường Nhật Bản, ắt phải biết đến chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Tập đoàn Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC Group), bởi bàn tay che trời trong nước khi “thu gom” lao động cùng độ phủ rộng khắp các thị trường XKLĐ tiềm năng nước ngoài của chị.
Nếu không có quan chức thân hữu “nâng đỡ”, vừa trong sáng lẫn không trong sáng lắm, từ phía đằng sau, làm sao chị có thể “khủng” tới cỡ đó? Hỏi tức là trả lời!
Cũng vậy, ai tham gia đấu thầu xử lý rác thải y tế, nước thải y tế ở các bệnh viện hay rác sinh hoạt, rác công nghiệp, rác thành điện ở các tỉnh thành… không thể không biết đến chị bởi khả năng trúng thầu siêu phàm gần như tuyệt đối của chị.
Tuy nhiên, sợ nhứt vẫn là sở trường “đá giò lái” của chị, một thuật ngữ tượng hình mô tả khả năng “giựt thầu” của đối thủ ngay cả khi họ đã trúng thầu. Ác liệt hơn nữa, sau khi trúng thầu các dự án, “ôm” được đất chính quyền giao để phân lô bán, chị không thèm thực hiện dự án luôn mà không ai dám đụng tới sợi lông chân của chị mới kinh chứ. Còn chuyện các lò đốt rác do công ty chị cung cấp không vận hành được như cam kết là chuyện bình thường.
Chưa hết, tham vọng vô cùng tận của chị đã khiến chị mở rộng hoạt động của AIC ra rất nhiều những lĩnh vực khác, trong đó có công nghệ thông tin, bất động sản và dịch vụ y tế. Nếu báo chí không đồng loạt lên tiếng phản đối vụ nhập máy tính bảng từ Đài Loan với giá chỉ 900.000 đồng (45 usd) nhưng được lên kế hoạch bán cho các em học sinh tiểu học (lớp 1 - 3) tại TPHCM với giá cắt cổ từ 3 - 5 triệu đồng, thì xem như chị và Sở Giáo dục TPHCM đã chia chác thành công số tiền lời trong gói 4.000 tỉ đồng thuộc đề án 123 “Sách Giáo Khoa Điện Tử”.
Dự án “Trung tâm Điều hành Thành phố Thông minh (Quảng Ninh) và “Chương trình Hợp tác đào tạo và chuyển giao công nghệ cao trong khám chữa bệnh từ Nhật Bản” với Bệnh viện Quân y 108 đều có bóng dáng AIC của chị.
Do có các bệ phóng mạnh từ trung ương, cho nên các đời Bí thư TPHCM từ Lê Thanh Hải, qua Đinh La Thăng tới ông Nguyễn Thiện Nhân đều coi chị Nhàn như người nhà. Ngoài ra, chị Nhàn cũng quen biết và thân thiết với nhiều giới chức cao cấp Nhật cùng lãnh đạo các tập đoàn lớn thuộc Liên đoàn Doanh thương Nhật Bản (Keidanren). Nghe nói thân nhất là với ông Isao Lijima, Cố vấn Cấp cao của cựu Thủ tướng Abe Shinzo. Bởi vậy, phần nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư Nhật Bản - Việt Nam tại TPHCM và các tỉnh thành khác đều do AIC làm cầu nối hoặc đồng tổ chức. Cũng từ đó, lãnh đạo các địa phương này ưu ái cho chị nhiều dự án hơn những công ty khác chăng?
Nay báo chí rầm rộ đưa tin, chị bị khởi tố và bị bắt tạm giam, dù giới thạo tin cho rằng chị đang ở bên Nhật. Chẳng lẽ Bộ Công an đã phái người sang Nhật dẫn độ chị về?
Trong bối cảnh nhiều đại gia cộm cán trên sàn chứng khoán Việt, phần thì bị tống giam, phần thì đang bị điều tra, phần nữa thì đã từ chức lãnh đạo (Novaland, T&T, HAGL Agrico…) để ẩn mình qua cơn dầu sôi lửa bỏng. Thì việc khởi tố Tập đoàn AIC cho thấy quyết tâm rất lớn của của Chính phủ Việt Nam trong việc triệt phá các vụ tham nhũng, tiêu cực xảy ra cả trong lẫn ngoài khu vực nhà nước. Đồng thời cắt đứt các vòi bạch tuộc liên kết các đại công ty này với giới quan chức thân hữu hỗ trợ phía sau.
Đúng là “không có vùng cấm” và “không sợ vỡ bình” thiệt rồi!
NGUYỄN HOÀNG DŨNG 29.04.2022
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.