lundi 25 avril 2022

Trần Trung Dân - Lan man chuyện bé Vân An & N.A.

 

Chuyện từ cuối năm ngoái, không mới, nhưng tôi cứ bị ám ảnh. Ngày 22/12/2021, chuyện bé Nguyễn Thái Vân An, bị dì ghẻ hờ (vợ chưa cưới của bố) bạo hành dã man đến chết, chấn động dư luận.

Báo chí, cả chính thống và mạng xã hội tràn ngập thông tin lên án, bình luận; đòi xử thật nặng cặp đôi vô nhân tính, người cha nhẫn tâm và vợ hờ ác quỷ. UNICEP (Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc) lên tiếng, Phó Thủ tướng Trường trực chỉ đạo xử nghiêm.

Họ đều là người có học, vợ hờ tốt nghiệp cao đẳng báo chí, nhà ở chung cư cao cấp, có người giúp việc, chẳng thiếu thốn, khó khăn gì. Cả hai có tên đẹp như diễn viên – Nguyễn Kim Trung Thái và Nguyễn Võ Quỳnh Trang. Chuyện bạo hành xảy ra cả năm nay, nhà có camera theo dõi, nhưng khi bé tử vong, cả hàng xóm lẫn Ban Quản lý, Ban Quản trị chung cư và công an khu vực đều thờ ơ, gần như không hay biết hoặc xem đó là chuyện nhỏ.

Khi bé chết tức tưởi, mới quan tâm lên án. Từ các tập thể như Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em, Cục Trẻ em, Hội Phụ nữ, Hội Đồng Đội đến các cá nhân có tên tuổi gồm luật sư, nhà văn, nhà báo và cả người bình thường đều đồng loạt lên án. Tôi cũng xót xa nhưng nghĩ pháp luật nhằm răn đe và phòng chống chứ không chỉ chăm chăm xử phạt. Làm sao để không có bé An thứ hai ở đất nước này.

MẸ KẾ CÓ THƯƠNG CON CHỒNG?

Tôi gọi là mẹ kế vì từ “Mẹ ghẻ”, “Dì ghẻ” quá bất nhẫn. Ghẻ là bệnh ngoài da; gây lở, ngứa, khó chịu; do kém vệ sinh hoặc virus. Không phải mẹ kế nào cũng “ghẻ”. Tại sao mẹ kế gọi là “mẹ ghẻ” với nhiều câu ca dao, tục ngữ và cả chuyện xấu mà cha kế (dượng) thì không. Dù rằng có những cha kế ác không thua mẹ kế. Báo chí vẫn thường xuyên đưa tin các vụ bạo hành dã man con riêng, không chỉ của mẹ kế mà cả cha kế.

Chuyện bé Vân An chưa kịp nguôi, lại thêm chuyện động trời mới. Ngày 17/1/2022, bé gái N.A. 3 tuổi nhập viện cấp cứu vì bị cha kế hờ bạo hành, đóng 10 đinh sắt vào đầu. Dù được các y bác sĩ hết lòng cứu chữa, cháu vẫn không qua khỏi, tử vong đau đớn ngày 12/03/2022. Thủ phạm đã bị truy tố, bắt giam. Cả hai đều là bé gái. Cháu Vân An (ở TPHCM) được ghi rõ họ tên. Bé N.A. (ở Hà Nôi) chỉ viết tắt nhưng cùng có chữ cái đầu là A.

Nhiều người không tin là mẹ và cha kế có thể thương con riêng của chồng hoặc vợ mình. Đơn giản vì mình không đẻ ra, không góp phần tác tạo nên. Nói vậy, những người nuôi con nuôi thì sao? Không ít con nuôi được chăm sóc tận tình, dạy dỗ chu đáo, thành đạt; tốt hơn nhiều nếu sống với cha mẹ đẻ nghèo khó. Báo chí và truyền thông ít khai thác vì thiếu tính giật gân, khó câu view?

Nhiều vật nuôi được chủ cưng chiều hết mực, huống nữa con người. Vấn đề là bản chất mẹ và dượng kế. Có mẹ và cha ruột bạo hành, thậm chí giết cả con đẻ. Có con ruột giết cả cha mẹ ruột, huống gì là con nuôi. Những tệ nạn này cảnh báo sự xuống cấp của đạo đức xã hội, hệ lụy Nhân – Quả của nền giáo dục quá nhiều bất cập.

Tôi biết có những mẹ kế thương con riêng của chồng hơn con ruột. Bà Hồng Châu, vợ đầu của thi sĩ Nguyễn Bính là điển hình. Thi sĩ có 4 dòng con. Sau 1975, bà tìm lại các con riêng của chồng, thay nhà thơ, chăm lo cho từng đứa, bảo lãnh, tạo điều kiện để các con không bị làm khó, vươn lên với chúng bạn.

Khi nhà thơ nhận giải thưởng Hồ Chí Minh bằng tiền mặt, bà dành phần lớn tặng Hùng (con trai người vợ thứ 4) đang làm việc ở Nga. Phần còn lại lặng Hương Mai (con người vợ thứ 2) đang làm việc ở Bến Tre. Con người vơ thứ 3 hiện không rõ tin tức. Bà bảo với Hồng Cầu (con gái của bà Hồng Châu với thi sĩ) “Mẹ thương các em vì chúng thiệt thòi nên dễ tủi thân hơn”. Đứa nào cũng hết mực trân quý bà, một “Má Hai”, hai “Má Hai”.

Tôi không tin là người Việt có truyền thống tôn trọng trẻ con. “Yêu cho roi cho vọt” không còn phổ biến nhưng xã hội vẫn mặc nhiên tồn tại việc xem thường trẻ con. Người lớn làm gì không phải, bị mắng “Làm như trẻ con không bằng”, “Trò con nít”... Trẻ em thường bị la “Đồ con nít”, “Con nít, biết gì”… Dẫu rằng nhiều thứ trẻ con biết hơn cả người lớn.

Nhiều việc, người lớn làm sai, không ai la mắng, trách quở được nhưng trẻ con thì không. Không chị bị la mắng mà còn bị phạt ra trò. Con cái, lắm khi là đồ trang sức để cha mẹ hãnh tiến ảo. Cha mẹ thường ví von, phân bì con mình khi thua kém con thiên hạ, nhưng không dám tự so sánh mình với những người thành đạt hơn.

Hai chuyện bé An và bé A. rất đáng báo động toàn xã hội. Hậu quả, một bé gái chết đau đớn, tức tưởi, một bé gái đang nguy kịch. Hai thủ phạm sẽ bị trừng trị đích đáng. Ai cũng tiếc thương, đau xót, phẫn nộ. Tôi cũng vậy nhưng cứ băn khoăn. Có cần cứ đưa nạn nhân lên mặt báo thường xuyên như vậy? Họ đáng bị trừng trị nhưng còn cha mẹ và họ hàng? “Con dại cái mang” là khi con còn vị thành niên.

Tôi lại liên tường đến những chuyện động trời hơn, tới cái chết cũng đau đớn và tức tưởi của hàng triệu người Việt suốt gần trăm năm nay. Gần nhất là hàng chục ngàn người, trong đại dịch vừa qua.


LAN MAN CHUYỆN ĐỜI

Gần trăm năm nay, lịch sử Việt Nam có quá nhiều biến cố, liên quan đến sinh mạng hàng triệu con người. Vì nhiều lý do, họ chết oan ức nhưng chưa thấy ai chịu trách nhiệm. Những chuyện đó, tương lai lịch sử sẽ minh định trắng đen. Chỉ mạo muội nghĩ chuyện đang xảy ra.

Từ ngày 30/12/2021, Bộ Y tế quy định “Chỉ những người ôm hôn, bắt tay, tiếp xúc da với F0 mới được xem là F1”. Vậy mà trước đó, hàng trăm ngàn người chỉ đứng ngồi gần F0 mấy mét đều bị quy F1 và cách ly tất tần tật. Ai là người chủ trương test đại trà, truy tìm F0, F1 rồi gom vào các khu cách ly dã chiến, có khu tới 37.000 giường ở Bình Dương.

Đã gọi dã chiến làm sao đủ tiện nghi sinh hoạt, vệ sinh, tắm giặt; nói chi việc ăn uống, chữa bệnh, tư vấn…F0, F1 vào là ngã quỵ vì thiếu người chăm sóc lẫn thuốc men, phương tiện. F0, F1 không triệu chứng vào cũng có triệu chứng, nhẹ thành nặng và tử vong. Chỉ có những người chưa tới số, mới thoát chết diệu kỳ. Khủng hoảng tinh thần, sức khỏe suy sụp, dẫn đến tuyệt vọng, mất sức đề kháng.

Rất nhiều người chết vì thiếu bình oxy. Người thân chạy vạy, mua giá chợ đen đắt gấp mấy lần cũng không có. Đành bất lực nhìn người nhà vật vã, chết đớn đau. Đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu bị sang chấn tâm lý, ám ảnh suốt đời về những cảnh tượng chết chóc này. Gần đây báo chí phanh phui vụ động trời, phù phép nâng giá khủng các thiết bị y tế, đặc biệt là kit xét nghiệm test nhanh Việt Á.

Nếu không được tiếp sức có hệ thống, liên kết chặt chẽ của lãnh đạo Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Y tế, Học viện Quân y (Bộ Quốc Phòng) và cả các nhà báo kim tiền thì mười Việt Á cũng không thể tự tung tự tác như vậy. Bao nhiêu nhà khoa học phản đối nhưng lãnh đạo cứ giả điếc, buộc toàn dân suốt ngày test nhanh để giúp Việt Á và nhóm lợi ích không lồ làm giàu man rợ.

Họ giết người đồng loạt, có hệ thống và núp bóng với những chiêu bài tinh vi, nhân danh đạo đức. Chỉ riêng kinh phí để Việt Á “nghiên cứu khoa học”, tìm cách ăn cướp của dân từ Bộ Khoa học Công nghệ đã gần 19 tỉ đồng. Phải có người đầu têu của vụ án khủng, không thể làng nhàng mấy cán bộ cấp Vụ, vài tay giám đốc CDC cấp tỉnh.

Sao không thấy tổ chức, hội đoàn và cá nhân nào đòi lẽ công bằng cho những người đã chết, quyền lợi cho thân nhân của họ, trừng trị đích đáng nhóm tội phạm. Phải gọi đích danh là “Tập đoàn giết người”, mạo nhận cả danh xưng của WHO (Tổ chức Y tế Thế giới); qua mặt Đảng, Nhà nước các cấp, tạo nên thảm họa hàng chục ngàn người chết tức tưởi.

Những ai phải chịu trách nhiệm? Nếu làm tới nơi tới chốn, đây là thời cơ vàng để sàng lọc bộ máy, quét bớt rác rưởi (khó mà quét sạch được với thể chế hiện nay), vớt vát và góp nhặt phần nào chút niềm tin còn sót lại của người dân với nhà nước.

Vụ án hai bé An và A. rất đáng căm phẫn. Hai thủ phạm đoạt mạng một bé, một bé đang nguy kịch. Vụ kit test Việt Á chỉ một nhóm người mà giết hại hàng chục ngàn người với vô vàn hệ lụy. Cái nào đáng căm phẫn, lên án hơn? Vụ bé An có 6 luật sư nổi tiếng bào chữa miễn phí. Vụ kit test Việt Á chắc cần phải 6.000 luật sư (cả nước hiện có 16.134 luật sư, tính đến ngày 31/9/2021) tham gia?

Từ hai chuyện bé An và bé A. cứ lan man sang chuyện kit test Việt Á và các nhóm “tội phạm có tổ chức”, núp dưới nhiều chiêu bài, đang ngấm ngầm lẫn công khai hãm hại dân tộc Việt? Cứ trằn trọc bao đêm không ngủ được.

TRẦN TRUNG DÂN (Phó thường dân Sài Gòn)

(Tác giả gởi cho trang Thụy My)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.