Sau khi phía Mỹ đánh tiếng nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, có người thắc mắc, tại sao Mỹ lại phải hạ mình nhất quyết muốn nâng tầng đối tác với VIệt Nam? Việt Nam có thể tiếp tục “đu dây” với Mỹ và Trung Quốc hay không? Cho Mỹ thuê cảng biển sẽ biến mình thành Ukraina thứ hai…
Chiến tranh là điều người Việt Nam không muốn, nhưng sống cạnh người láng giềng xấu tính, thì không thể không đặt ra các tình huống chiến tranh cụ thể:
Trung Quốc đã chiếm trọn Hoàng Sa, bồi đắp, xây sân bay, lập căn cứ quân sự, lắp đặt tên lửa khắp các đảo chiến lược ở Trường Sa. Thế gọng kìm đang từng ngày vây hãm thúc ép trực tiếp đến Việt Nam.
Việt Nam thấm thía nhiều bài học xâm lăng từ Trung Quốc rồi. Cảnh giác không bao giờ thừa.
Xin thưa, Việt Nam chỉ giống Ukraina là sống chung với một tên láng giềng xấu bụng, chứ về địa lý thì hoàn toàn khác. Lưng của Ukraina là cả một khối châu Âu và NATO, với những quốc gia hào hiệp trượng nghĩa, có sức mạnh quân sự không hề nhỏ.
Lưng Việt Nam có ai? Lào và Campuchia. Nếu chiến tranh xảy ra trước sức ép của Trung Quốc, tin chắc Campuchia sẽ đóng cửa biên giới. Gần đây chính sách với người Việt Nam tại Campuchia đã khắt khe hơn nhiều. Thậm chí bất cứ khi nào Trung Quốc cũng có thể tác động để Tây Nam thêm bất ổn.
Lưu ý, khi ấy Tây Nam sẽ được Trung Quốc diễn giải và kích động về một “vùng đất lịch sử” thuộc về Campuchia.
Lào, một người bạn “thủy chung son sắt”, tình nghĩa có bền chặt đến mấy cũng chỉ là nơi mở ra cánh cửa nhân đạo. Không một con đường trợ giúp về vũ khí, lương thực nào có thể vượt qua Campuchia và Lào để đi vào Việt Nam. Vì sau Lào, Campuchia là Thái Lan, Myanmar, tất cả đều chịu ảnh hưởng không nhỏ từ Trung Quốc.
Lưng đã vậy, chỉ còn mặt hướng ra phía biển. Việt Nam vốn là quốc gia có tâm thức hướng biển, nhưng đáng tiếc nhận thức chiến lược về biển còn quá hạn chế.
Biển sẽ không còn là lối thoát khi chung quanh bị chặn. Việt Nam chưa đủ năng lực để thoát vòng vây hay nhận tiếp tế từ bên ngoài nếu Trung Quốc thiết lập vùng cấm bay và ngang nhiên ra lệnh đóng biển.
Thực tế, Biển Đông vẫn là vùng biển quốc tế, nhưng nằm trong lưỡi bò phi lý của Trung Quốc. Những chuyến diễu hành khẳng định tự do hàng hải của Anh, Pháp, Đức, Úc, Nhật, Ấn trước nay sẽ không còn mấy thực chất nếu chiến tranh thực sự nổ ra.
Nói thẳng ra biển này cần phải có một “căn cứ” hay “điểm tiếp nhận” của Mỹ. Bằng không tàu Mỹ cũng chỉ là tàu khách qua đường, nếu chiến tranh xảy ra tên lửa Trung Quốc rơi nhầm cũng không ai chịu trách nhiệm.
Như vậy việc nâng tầm quan hệ và cấp sổ hồng cảng Cam Ranh chiến lược cho Mỹ sẽ vô cùng danh chính ngôn thuận. Nhưng chính sách “3 không” của Việt Nam cũng cần sớm được điều chỉnh. Phải xem việc điều chỉnh an ninh (liên minh an ninh) là cần thiết, thậm chí tối cần thiết nếu được quy định rõ ràng trong hiến pháp.
Khi Nga phát động xâm lược UKraina, châu Âu đầy biến động. Đức thay đổi chính sách về quân sự, Phần Lan, Thụy Điển từ bỏ thái độ trung lập, thúc đẩy tiến trình gia nhập NATO.
Mối nguy mất chủ quyền toàn vẹn lãnh thố giống như Ukraina chính là điều kiện đầy đủ để Việt Nam thay đổi chính sách “3 không” nhằm tìm đến một đảm bảo an ninh thực chất hơn.
Việt Nam không phải Phần Lan hay Thụy Điển, việc tỏ ra trung lập trước một láng giếng hung hăng là lỗi thời, nếu không muốn nói là tự mình lấy đá đập vào chân mình.
Sách Trắng Quốc phòng năm 2019 đã có ghi: “Tùy theo tình hình và những điều kiện cụ thể, Việt Nam có thể phát triển các mối quan hệ quân sự cần thiết và phù hợp với các nước khác…”.
Hãy tỏ rõ quan điểm trước các mối nguy thực tế, bởi phản ứng vừa qua của Việt Nam trước quốc tế về Ukraina chính là chặn đường lui cho mình. Tại sao tin tức truyền thông thể hiện giống như đang “đánh Ukraina” thay cho Nga vậy?
Lúc này thay đổi và điều chỉnh chính sách kia sẽ hoàn toàn thuyết phục dư luận cả trong nước lẫn quốc tế. Khi chiến tranh xâm lược Ukraina xảy ra, có biết bao bình luận quốc tế cho rằng theo sau Trung Quốc sẽ tiến chiếm Đài Loan và Việt Nam.
Chẳng phải Trung Quốc đang cố “trấn an”trong đe dọa với Việt Nam rằng “không để thảm kịch Ukraina lặp lại” hay sao? Khi nói ra điều này, trong đầu họ đã hình dung về một thảm kịch với Việt Nam rồi.
Thật thuận lợi khi Mỹ sớm ngỏ lời nâng cấp quan hệ. Nếu là phía Việt Nam bật đèn xanh cho Mỹ mở lời trước, thì rõ ràng vận nước vẫn còn.
Và cũng thật lạ lùng khi đúng thời điểm này Trung Quốc công bố hợp tác an ninh mới với quần đảo Salomon. Nếu Trung Quốc phản ứng với Việt Nam thì giải thích thế nào chuyện Salomon với Mỹ và các đồng minh thân cận với Mỹ. Trung Quốc cũng nhòm ngó cảng biển khắp nơi, gây ra đe dọa chiến lược với Mỹ đó thôi.
Việc nâng cấp quan hệ, sau đó tiến tới cho Mỹ thuê lại cảng biển cần tiến hành càng sớm càng tốt, bởi cảng Cam Ranh chiến lược đã được trao đổi, tham vấn nhiều lần rồi. Tin đồn quốc tế cũng lan rộng trong nhiều năm rồi.
Dù Mỹ có năng lực hàng hải, năng lực tác chiến biển và từng đặt căn cứ nơi đây nhưng một cảng biển vẫn cần thời gian tái thiết cho phù hợp với tình hình mới.
Với tình hình thế giới biến động như vậy, còn bàn chuyện “đu dây” là đánh lạc hướng, vì với cái gọi là “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc thì đu nó cũng đánh không đu nó cũng đánh. Nếu Nga khuất phục được Ukraina thì càng là điểm tựa để Trung Quốc thôn tính Việt Nam và Đài Loan một cách nhanh chóng hơn mà thôi.
Học thuyết quân sự Việt Nam là học thuyết tự vệ, nhưng có lợi thế chủ quyền mà không nâng cấp chủ quyền ấy thì mất chủ quyền là chuyện sớm chiều, khó tránh.
Người Việt có lòng yêu nước rất quyết liệt, nhưng đó là sự quyết liệt thụ động. Tức phải có tác nhân chiến tranh nó mới được dâng cao. Nhưng để chủ động thay đổi thì đôi khi lại rất chần chừ và thường làm mất cơ hội.
Nâng cấp quan hệ với Mỹ nên đi cùng với một niềm tin chiến lược. Con đường nào phía biển, xa hay gẩn tùy ở tầm nhìn…
P/s: 24 năm một vận. Tính từ 2000 đến nay sắp đi vào cuối vận của ám độn, lựa chọn rất khó khăn, nhưng sẽ có ánh sáng cuối đường hầm. Vận hội mới dần đi lên sau 2024. Cầu mong anh linh tiên tổ phù hộ! A Di Đà Phật.
THÍCH THANH THẮNG 23.04.2022
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.