Đóng cửa phòng làm việc, bước ra đường. Tiếng ve âm âm, chiều cuối tháng Tư năm nay trời rất xanh và nắng rất vàng. Chị quét đường sạt sạt gom hoa điệp vàng, hoa phượng đỏ vào lề, xác con ve nằm giữa xác hoa…
Ồ, đã gần ngày 30 tháng 4, hổm rày đọc báo thấy người ta nhắc câu nói của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt. Năm nào dịp này cũng nhắc. Triệu người vui, triệu người buồn. Ờ, ờ, câu nói hợp ý nhiều người vì mô tả đúng sự chia rẽ trong lòng dân. Người nói câu ấy không chỉ đề cập tới nỗi vui buồn của hai phe trong ngày lịch sử mà còn góp phần tạo nỗi vui, buồn đó.
Hồi trước, kể từ ký hiệp định Geneva, Việt Nam chia làm hai phe, đúng ra là hai quốc gia tạm thời. Phe Hà Nội thuộc khối cộng sản và phe Sài Gòn thuộc khối tự do, chia cắt nhau bởi dòng sông Bến Hải.
Lập công lớn để ngày ba mươi tháng Tư năm 1975 thành ngày chiến thắng của phe Hà Nội, ông Kiệt là một trong những người quan trọng góp phần tạo nên niềm vui của triệu người bên thắng cuộc. Cũng chính ông, với tư cách là người cao cấp nhất trong ba nhân vật chủ chốt của Ban Quân Quản đã cùng với các ông Trần Văn Trà, Cao Đăng Chiếm “tung ra một mẻ lưới nhằm gom bắt những người lính trong quân đội miền Nam đã hạ vũ khí đầu hàng” (Bên Thắng Cuộc) rồi đưa họ và các viên chức chính quyền Miền Nam vào trại cải tạo khiến triệu người buồn!
Thực ra, cuộc chiến tương tàn Bắc – Nam đã kéo dài quá lâu. Ngày hòa bình, thống nhất rồi cũng phải tới. Ngày cuối tháng Tư năm 1975 ấy, Miền Nam chấp nhận buông súng, tiếp đón đội binh Miền Bắc anh em tiến vào với các thành phố lớn gần như nguyên vẹn. Lòng dân lúc ấy, đa số ít nghĩ ai thắng ai, miền nào thắng miền nào, chỉ biết một cuộc tái hợp lịch sử, Việt Nam từ đây hoà bình, thống nhất, người Việt đoàn kết xây dựng đất nước no ấm mạnh giàu…
Có ngờ đâu!
Uổng quá, năm 1975 tích tụ năng lượng dồn nén của hai mươi năm, tụ hội thời cơ của trong và ngoài nước. Cũng năm ấy vết thương chia lìa của “hai mươi năm nội chiến từng ngày” thay vì được băng bó lại bị khoét sâu thêm! Giọt máu đổ xuống đất làm sao hốt lại? Hiệp định Geneva năm 1954 xé đất nước làm hai bằng con sông Bến Hải, quyết định cải tạo năm 1975 có xé tình đồng bào không?
Nếu giới tinh hoa Miền Nam không bị đưa vào trại cải tạo, hai mươi chín năm sau, năm 2004, một quốc gia Việt Nam không chia cắt lãnh thổ và thực sự thống nhất trong tình đồng bào, tận dụng nguồn nhân lực hai miền Nam Bắc, tận dụng mối quan hệ với cả hai khối tự do và cộng sản, quốc gia đó có thể đã cất cánh hóa rồng. Thì năm 2004 đó, gẫm thế sự vui buồn, ông Kiệt có thốt lên câu triệu người vui triệu người buồn không? Hay ông sẽ cùng xã hội rạng rỡ ăn mừng ngày ba mươi tháng Tư với rất nhiều người vui và rất ít người buồn?
Nhiều người gần gũi ông Võ Văn Kiệt cho rằng ông là người thực lòng, nghĩa khí, có quan điểm thoáng, vượt qua đau thương riêng, có hoài bão làm việc lớn cho đất nước. Xuất thân Miền Nam, từng hoạt động nội thành, được dân Miền Nam che chở, người ủng hộ thì giúp đỡ, người không ủng hộ cũng không nói gì, không tố cáo, chắc chắn ông Kiệt phải hiểu tấm lòng hào hiệp trượng nghĩa của Miền Nam.
Chắc ông cũng biết nhiều quan chức chính quyền, sĩ quan quân đội Miền Nam từ chối cơ hội ra nước ngoài bởi viễn cảnh một đất nước thống nhất chắc cực khổ vài năm nhưng rồi sẽ phát triển. Cho dù biết trước sẽ mất chỗ đứng trong xã hội, họ vẫn muốn ở lại với phe thắng trận anh em mà, đồng bào người Việt với nhau mà, nước mình thống nhất rồi bỏ đi đâu? Dân mình cần cù, sáng dạ, hoà bình rồi sẽ phát triển, không ở lại góp sức, bỏ đi đâu?
Những người như vậy, nỡ lòng nào coi họ là thế lực thù địch và đưa đi cải tạo? Là người có nhiều ân tình với Miền Nam, ông Kiệt và hai ông Trần Văn Trà, Cao Đăng Chiếm chắc cũng rất nhiều phân vân khi thực thi chính sách này. Dù quan trọng mấy, tầm vóc các ông cũng chưa tới mức toàn quốc mà tầm vóc của sự việc phải do cấp cao nhất ở Trung ương quyết định. Nghe kể lại, các ông cũng góp ý nhiều…
Nếu chấp nhận rằng quyết định đưa viên chức công quyền và sĩ quan quân đội đi học tập cải tạo gây tác hại lâu dài tới tình đồng bào và sự phát triển quốc gia, ta phải hỏi điều gì khiến quyết định được ban hành.
Những ngày tháng Năm năm 1975, đất nước còn chan hòa trong không khí hân hoan, những người lãnh đạo còn hoài bão sáng trong. Một quyết định như vậy không chỉ khiến dân chúng Miền Nam ngỡ ngàng thất vọng mà nhiều người phe thắng cuộc cũng sửng sốt! Hay có cái vòng kim cô tư tưởng hoặc ý thức hệ nào đủ mạnh trói buộc tầm nhìn và tấm lòng của những con người có tầm vóc lớn? Nếu cái vòng kim cô đó có, và nếu nó được phối hợp với lời “tư vấn” của một đại gian hùng quốc tế nào đó muốn ngăn chặn nước Việt hùng cường thì...
Chuyện nửa thế kỷ xưa nhắc lại để cùng suy gẫm. Nếu có, cái vòng kim cô đó ảnh hưởng gì tới sự phát triển quốc gia hôm nay và tương lai? Nếu cái vòng kim cô gây ảnh hưởng xấu thì làm sao gỡ ra?
Bên trời Âu, thế giới đang chứng kiến cuộc tấn công quân sự mang tính hủy diệt đất nước và con người của ông Putin vào Ukraine, quốc gia có chủ quyền và không hề gây hấn với Nga. Cuộc tấn công không chỉ tàn khốc với Ukraine mà cũng rất tàn khốc và tác hại nặng nề sự phát triển lâu dài của Nga, quốc gia mà ông Putin mệnh danh!
Cái vòng kim cô, học tập cải tạo, cuộc chiến Nga – Ukraine, chị công nhân quét đường trong thành phố… những ý tứ mơ hồ dần dần được sắp xếp. Bài này được viết sau ngày làm việc, khi người viết đi trong nắng vàng tuyệt đẹp một chiều cuối tháng Tư, trong tiếng chổi sạt sạt, xác con ve nằm giữa xác hoa...
LÊ HỌC LÃNH VÂN 25.04.2022
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.