dimanche 17 avril 2022

Lê Quang - Mất soái hạm là sự kiện thảm khốc

 

Khi còn nhỏ tôi rất say mê tìm hiểu chiến tranh Thái Bình Dương chứ không mấy hứng thú với mặt trận phía Tây. Vì thế khi đi học, thành thực mà nói tôi không mặn mà với diễn biến Stalingrad hay Kursk, mà quan tâm hơn tới Okinawa hoặc Iwo Jima.

Chiến tranh không-hải quân trên biển khi đó dường như là cả một thế giới mới của kỹ thuật và phương tiện chiến tranh. Nước Nhật đã phải trả giá đắt vì biên chế và chiến thuật cũ ở nửa cuối của chiến tranh, cũng hơi giống nước Nga của Putin bây giờ. 

Có thể thấy rằng lúc đó Nhật vẫn theo đuổi thuyết ''thuyền to giáp nặng'' với biểu tượng là siêu thiết giáp hạm không thể đánh bại Yamato, thiết giáp hạm lớn nhất trong lịch sử.

Tàu Yamoto khi ấy là một kỳ quan, cùng với tàu chị em của nó là tàu Musashi. Chúng được sản xuất từ đầu thế kỷ để trở thành kỳ hạm với hỏa lực tương đương một pháo đài (tàu được trang bị đại pháo 460mm - là pháo lớn nhất từng được biết đến - có thể đánh chìm các chiến hạm lớn sau chỉ một loạt đạn) đạt tầm bắn 42km với đạn xuyên giáp nặng.

Kỳ hạm là biểu tượng tối cao của hạm đội, vì thế mà người Nhật phải giữ Yamoto bằng mọi giá. Đến mức mà trong nội bộ có người còn gọi mỉa mai là ''khách sạn'' Yamato, bởi vì nó được bảo vệ một cách thái quá trong hạm đội hộ tống và rất ít khi tham chiến. Đến cuối chiến tranh, sau khi đã mất Iwo Jima, Yamato bị săn đuổi như mục tiêu chiến lược. Trong trận Okinawa, nó trở thành mục tiêu của phi đội hỗn hợp hơn 350 máy bay cường kích của Mỹ .

Vào thời điểm này, mục tiêu của cuộc hành quân Ten-go giống như một chiến dịch cảm tử. Có nghĩa là Yamoto sẽ di chuyển tới Okinawa, tại đây nó sẽ chồm lên bờ để tồn tại như một pháo đài trên cạn, và để đảm bảo rằng nó sẽ vĩnh viễn là một siêu thiết giáp hạm không thể đánh chìm ngay cả khi nước Nhật chấp nhận bại trận.

Tham vọng ấy cuối cùng đã tan vỡ dưới những đợt tập kích bằng tàu sân bay quy mô nhất trong lịch sử của người Mỹ. Yamato, soái hạm lớn nhất thế giới đã chìm vào ngày 07-04-1945, mang theo niềm tự hào của Đế quốc Nhật và thủy thủ đoàn 2.500 người.

Mất soái hạm là một sự kiện thảm khốc đối với mọi hải quân và với những người có tìm hiểu về chiến tranh trên biển. Nó không chỉ là sự ra đi của một con tàu, mà mang theo đó là cả một thời đại.

Ở trường hợp của Yamato, nó là dấu chấm hết cho thời đại của lý thuyết ''thuyền to pháo lớn'', để thay vào đó là sự cơ động và khả năng tác chiến tầm xa của các hàng không mẫu hạm cùng các tên lửa hành trình tầm bắn 450 km được phát triển sau chiến tranh.

Một cuộc chiến tranh là phép thử ở quy mô lớn cho các học thuyết chiến tranh, mà dường như nước Nga của Putin đang có những bước đi giống với Đế quốc Nhật, khi bộc lộ những vấn đề về kỹ thuật chiến tranh đã lỗi thời.

Không còn những trận tăng toàn lực sở trường trên cạn như thời Đệ nhị Thế chiến nữa. Xe tăng của Nga giờ đây dường như ì ạch và lộ liễu trước vũ khí tác chiến không người lái của phương Tây. Không khác gì siêu thiết giáp hạm Yamato ở bên dưới cánh của 380 cường kích cơ Mỹ khởi hành từ các boong tàu sân bay; và với tốc độ của nó trên biển lúc bấy giờ thì phi công đã gần như coi nó là một pháo đài mục tiêu cố định trên biển.

Sự biến mất của soái hạm Moskva, có lẽ không đơn thuần chỉ là sự ra đi của một tàu chiến hay một biểu tượng của nước Nga. Nó có thể cũng là sự biến mất của một loại kỹ thuật chiến tranh sẽ dần bị thay thế vì đã lỗi thời.

LÊ QUANG 16.04.2022 (Tựa bài do Thụy My đặt)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.