dimanche 9 juin 2019

Một triệu người Hồng Kông biểu tình chống luật dẫn độ sang Trung Quốc



Có đến 1,03 triệu người trên 7 triệu dân Hồng Kông biểu tình ngày 09/06/2019 chống dự luật dẫn độ sang Trung Quốc.

(Le Figaro, Reuters 09/06/2019) Người dân Hồng Kông muốn làm chính quyền địa phương phải lùi bước. Trong tháng này chính quyền muốn thông qua một dự luật cho phép gởi các nghi can sang Hoa lục.

Mặc cho trời nóng hầm hập, biển người lên đến hơn một triệu hôm nay Chủ nhật 09/06/2019 tràn ngập các đường phố nhỏ hẹp của Hồng Kông để phản đối một dự luật của chính quyền địa phương cho phép dẫn độ các nghi can sang Hoa lục.

« Không chấp nhận đạo luật thô bạo » - người biểu tình hô vang, trong khi nhiều người khác đòi hỏi bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lamp), trưởng đặc khu thân Bắc Kinh phải ra đi. Trên một biểu ngữ người ta đọc thấy câu « Dẫn độ sang Trung Quốc là mất tích vĩnh viễn ».

Dân biểu đảng Dân Chủ Đồ Cẩn Thân (James To) tuyên bố trước đám đông là bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga phải « rút lại dự luật và từ chức », « toàn thể Hồng Kông đều chống lại bà ta ».


Cuộc biểu tình này gồm cả các gia đình có con nhỏ lẫn thanh niên và người già, là ngoạn mục nhất kể từ nhiều năm qua trên lãnh thổ bán tự trị. Theo ước tính của các nhà tổ chức, số người tham dự đã vượt quá một triệu, gấp đôi so với cuộc biểu tình năm 2003 chống lại dự luật siết chặt an ninh. Vào thời đó, chính quyền địa phương rốt cuộc đã phải nhượng bộ.

Trong lúc căng thẳng không ngừng tăng lên, một số người coi cuộc biểu tình ngày Chủ nhật 9/6 là cơ hội cuối cùng. Cuộc tranh luận về dự luật tại Quốc hội Hồng Kông với đa số là các dân biểu thân Bắc Kinh sẽ bắt đầu vào thứ Tư 13/6 tới, và có thể được thông qua từ nay cho đến cuối tháng. Dân chúng đã từng xuống đường hồi cuối tháng Tư – cuộc biểu tình lớn nhất kể từ phong trào đòi dân chủ năm 2014, được mệnh danh là « Cuộc cách mạng Dù » - tuy quy mô vẫn chưa thể sánh với hôm nay.

Độc lập tư pháp cho đến năm 2047

Nhiều người Hồng Kông lo sợ đạo luật sẽ làm thụt lùi sự bảo vệ tư pháp, và được sử dụng để đàn áp những tiếng nói chỉ trích Trung Quốc dưới nhiều cái cớ khác nhau. Những người bị đưa sang Hoa lục có thể bị xét xử bất công, với hệ thống tư pháp Trung Quốc do đảng Cộng sản điều khiển.

Garry Chiu, một giáo viên biểu tình cùng với vợ và con gái một tuổi, nói với Reuters : « Nếu dự luật này được thông qua, bất cứ ai cũng có thể bị biến khỏi Hồng Kông. Không có ai được đối xử công bằng tại Trung Quốc : chúng tôi biết rằng ở đó nhân quyền không được tôn trọng ». Một sinh viên nói thêm : « Dự luật trực tiếp đe dọa những giá trị căn bản và độc lập tư pháp của Hồng Kông ». Trong khi cựu thuộc địa Anh bị trao trả cho Trung Quốc năm 1997 được hưởng nhiều quyền tự do hơn tại Hoa lục, và có hệ thống tư pháp riêng.

Những tháng gần đây, chính quyền có vài nhượng bộ, nhưng từ chối bỏ dự luật đầy các lỗ hổng pháp lý hiện nay. Chính quyền địa phương cũng  bảo đảm rằng các quyết định cho dẫn độ sẽ được « xét theo từng trường hợp », và có thể phản đối trước tòa. Nhưng điều này không đủ để trấn an dân chúng, kể cả giới kinh doanh, giới ngoại giao phương Tây và các luật gia.

Ông Chris Patten, thống đốc người Anh cuối cùng của Hồng Kông, hôm thứ Năm 6/6 nhấn mạnh, việc thông qua dự luật gây tranh cãi này sẽ là « một đòn khủng khiếp » đánh vào Nhà nước pháp quyền và uy tín thị trường tài chính quốc tế của Hồng Kông. Cùng ngày, 3.000 luật sư Hồng Kông đã tuần hành trong im lặng để phản đối dự luật. Bây giờ chỉ còn có việc quan sát phản ứng của chính quyền thành phố và của Bắc Kinh, trước cuộc khủng hoảng chính trị tầm cỡ này.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.