dimanche 16 juin 2019

Hai triệu người biểu tình và chiến thắng đầu tiên của người Hồng Kông



Biển người áo đen trên đường phố Hồng Kông ngày 16/06/2019.

(Marie Verdier, La Croix 16/06/2019) Người dân Hồng Kông không bằng lòng với việc tạm ngưng dự luật dẫn độ sang Trung Quốc hôm 15/6. Họ một lần nữa lại ồ ạt xuống đường Chủ nhật 16/06/2019 để đòi hỏi hủy bỏ hẳn dự luật, và trưởng đặc khu thân Bắc Kinh, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) phải từ chức.


Đó là một sự pha trộn giữa phẫn nộ và chiến thắng, đã kích thích người Hồng Kông ngày Chủ nhật 16/6. Mặc toàn trang phục đen, họ tạo thành một biển người màu đen lên đến gần hai triệu, trong cuộc biểu tình lần thứ ba trong vòng một tuần. Phẫn nộ, với những tiếng hô vang « Chúng tôi không phải là kẻ nổi loạn » - trước việc cảnh sát đàn áp dữ dội cuộc biểu tình hôm thứ Tư 12/6 làm 80 người bị thương (trong đó có 22 cảnh sát). Phẫn nộ và quyết tâm, vì thông báo hoãn lại dự luật hôm qua vẫn chưa đủ.

Bạo lực của cảnh sát gây phẫn nộ.
Hoãn, nhưng thực chất là từ bỏ

Người biểu tình đòi hỏi hủy bỏ hẳn dự luật muốn tăng cường sự khống chế của Bắc Kinh, tạo điều kiện cho việc dẫn độ sang Hoa lục. Và họ yêu cầu trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga, người vẫn tiếp tục ca ngợi dự luật mà theo bà là nhằm tránh cho trung tâm tài chính quan trọng của thế giới trở thành nơi ẩn náu của bọn tội phạm. Tuy vậy tối Chủ nhật 16/6, nhà lãnh đạo thân Bắc Kinh đã phải lên tiếng xin lỗi vì gây ra « xung đột và tranh chấp ».

« Nhưng đó còn là một cuộc biểu dương của chiến thắng và cảnh giác » - đó là nhận định của ông Jean-Pierre Cabestan, giảng viên, nhà nghiên cứu của trường đại học Báp-tít Hồng Kông, hiện diện trong đám đông biểu tình. Ông cho rằng : « Việc hoãn lại, thực chất là từ bỏ nhưng không nói ra ». Theo nhà nghiên cứu, sẽ rất khó cho bà trưởng đặc khu có thể thông qua dự luật này trong ba năm còn lại của nhiệm kỳ. Thở ra nhẹ nhõm, người dân Hồng Kông đã đồng loạt chứng tỏ là họ vẫn đầy cảnh giác.

Thủ đô tài chính rúng động.
Lo ngại của giới kinh doanh

Ngoài sự huy động rầm rộ của giới trẻ, những người đấu tranh, các luật sư và các tổ chức phi chính phủ, một bộ phận trong giới thân Bắc Kinh đã dần dà không còn ủng hộ chính quyền. Sự quan ngại của giới kinh doanh và các nhà ngoại giao phương Tây cũng đã góp phần làm dự luật bị ngăn trở. Không khí làm ăn có thể bị u ám đi tại cựu thuộc địa Anh vốn nổi tiếng là tự do. Các công ty ngoại quốc và hàng trăm ngàn người nước ngoài làm việc tại đây có thể rút sang nước khác. Bởi vì cả người nước ngoài thường trú lẫn quá cảnh tại một sân bay Hồng Kông đều có nguy cơ là đối tượng của luật dẫn độ. 

Liên hiệp châu Âu và Hoa Kỳ đã công khai ủng hộ yêu sách rút lại dự luật « có thể mang lại hậu quả lớn lao » cho người Hồng Kông và người lao động nước ngoài, cũng như « đối với lòng tin của các công ty ở Hồng Kông » - theo phát ngôn viên của lãnh đạo ngành ngoại giao châu Âu, Maja Kocijancic. Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt đã hoan nghênh việc hoãn lại văn bản này.

Biển người đông như kiến: có đến 2 triệu người đi biểu tình ngày 16/06/2019.
Thất bại cay đắng cho Bắc Kinh

« Đây là một thất bại thực sự cho Bắc Kinh » - ông Jean-Pierre Cabestan ghi nhận. Nhất là Trung Quốc của Tập Cận Bình ngày càng trở nên độc tài hơn, luôn muốn cho thông qua luật an ninh quốc gia nhằm hạn chế các quyền tự do cá nhân ở Hồng Kông. Theo nhà nghiên cứu, Bắc Kinh chưa bao giờ muốn bỏ rơi dự luật cũ đã bị rút lại năm 2003 sau khi người Hồng Kông ồ ạt xuống đường phản đối. Và trong túi của nhà cầm quyền Bắc Kinh vẫn còn có một dự luật nhằm hình sự hóa việc không tôn trọng quốc ca, dự kiến trở thành bắt buộc trong học đường.

Việc « Hán hóa » đặc khu – có đến 1 triệu trên tổng số 7 triệu dân Hồng Kông hiện nay là từ Hoa lục di cư sang – rốt cuộc đã không làm yếu đi tinh thần yêu chuộng tự do xưa nay tại Hồng Kông. Giáo sư Cabestan nhắc nhở : « Xã hội dân sự dù vậy không thể áp đặt cho Bắc Kinh những cải cách. Năm 2014, hy vọng về một cuộc bầu cử dân chủ từ phong trào Cách mạng Dù đã tan biến ». Một số thủ lãnh thời đó đã phải vào tù.

Để tỏ ra hòa dịu, lãnh tụ sinh viên Hoàng ChiPhong (Joshua Wong), nhân vật đã trở thành khuôn mặt đại diện cho phong trào dân chủ Hồng Kông năm 2014, sẽ được trả tự do vào ngày mai, thứ Hai 17/6. Nhưng theo ông Jean-Pierre Cabestan, người dân Hồng Kông có thể « hành động phản kháng trước mọi mưu toan gặm nhấm dần các quyền dân chủ ».

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.