Một trong những bức ảnh đẹp nhất cuộc biểu tình Hong Kong (Ảnh của Vincent Yu/AP) |
Cuộc biểu tình
cực đẹp của giới trẻ Hong Kong đã tức thì đưa Hong Kong lên tuyến đầu dân chủ
và nhân quyền châu Á. Hình ảnh cuộc biểu tình không chỉ mang lại sự ngưỡng mộ
mà còn trở thành niềm cảm hứng cho bất kỳ phong trào dân chủ nào.
Nó cũng được nhắc
đến để so sánh với Việt Nam. Đây là một so sánh bề nổi rất máy móc, khi các yếu
tố nền tảng quan trọng tạo ra môi trường mang đến xúc tác dẫn đến sự hình thành
và bùng nổ biểu tình đã không được nhắc đến, từ giáo dục, hệ thống chính trị,
hệ thống luật pháp đến thậm chí cách thức sinh hoạt trong cộng đồng xã hội.
Giới trẻ Việt Nam
đã bị miệt thị là hèn, ham ăn ham chơi, ngu dốt, không hiểu biết lẫn không quan
tâm chính trị. Giới trẻ Việt Nam chỉ biết “vỡ òa” trước chiến thắng bóng đá và
khóc rũ rượi khi đón “sao Hàn”. Tuy nhiên, điều gì khiến giới trẻ trở nên như
vậy?
Các yếu tố căn
bản, như họ được sinh ra trong môi trường như thế nào và được dạy dỗ trong nền
giáo dục ra sao, để trở nên “vô cảm” trước chính trị, đã không được xét đến khi
so sánh với giới trẻ Hong Kong. Trong thực tế, ngay cả giới trẻ Hoa lục cũng
không thể so với giới trẻ Hong Kong huống hồ Việt Nam. Và ngay cả giới trẻ Việt
Nam thời điểm hiện tại cũng không thể so với sinh viên học sinh miền Nam trước
1975 huống hồ so với Hong Kong, khi mà môi trường chính trị Việt Nam hiện thời
hoàn toàn không tương đồng so với miền Nam trước 1975.
Nói như thế không
phải để bào chữa cho giới trẻ Việt Nam ngày nay. Dù vậy, trước khi lên án họ,
“người lớn chúng ta” hãy nhìn lại trách nhiệm của mình; và giữa mình và giới
trẻ thì nhóm đối tượng nào thật sự đáng trách trước.
Trong nhiều năm
qua, “người lớn chúng ta” đã làm gì và sống như thế nào để đất nước trở nên tan
nát như thế này. Trong nhiều năm qua, “người lớn chúng ta”, hết thế hệ này đến
thế hệ khác, đã làm gì để bây giờ tự mặc định có đủ “quyền người lớn” để trách
cứ giới trẻ và buộc giới trẻ phải có trách nhiệm. “Người lớn chúng ta” có lỗi
với giới trẻ hay giới trẻ “có lỗi” với “người lớn chúng ta”?
Dĩ nhiên không
phải tất cả lỗi đều thuộc các thế hệ đi trước, trong một đất nước mà từ sau
1975, hơn bốn thập niên qua, tất cả năng lượng và nhiệt huyết sung mãn nhất cho
đòi hỏi dân chủ đã bị bóp nát từ trong trứng nước.
Dù vậy, mỗi thế
hệ đi qua đều để lại ít nhiều dấu vết trách nhiệm của mình. Mỗi thế hệ đi qua
đều ít nhiều để lại cái gánh nặng mỗi lúc một nặng hơn cho công cuộc đấu tranh
dân chủ và đòi hỏi tự do, đến nỗi, cái gánh nặng ấy trở nên nặng tới mức mà bây
giờ nhiều người phải thốt lên, thôi bỏ, hết cách rồi. Và sau khi thở hắt ra sự
tuyệt vọng, nhiều người lại chỉ tay vào giới trẻ, này, chúng mày làm đi, chúng
mày hèn lắm, sao chúng mày không làm gì!
Thật ra tất cả
chúng ta đều ít nhiều hèn. Tuy nhiên, hèn nhất trong tất cả đối tượng hèn vẫn
là chính quyền. Nhà cầm quyền hèn đến mức không bao giờ dám ngồi xuống đối
thoại với dân. Một nhà cầm quyền cực hèn đã dùng vô số phương cách để trấn áp
và đè đầu người dân khiến họ phải sống trong nỗi sợ và sự hèn. Hèn là tính từ
bao trùm lấn át nhất miêu tả trọn vẹn một nền chính trị phi dân chủ.
Chỉ khi
nào một trong hai bên – chính quyền hoặc người dân – vượt qua lằn ranh đỏ được
vạch ra bởi cái tính từ đen ngòm nặng trịch ám sâu trong đầu này thì ánh sáng
le lói dân chủ mới có thể rọi chiếu đến. Dĩ nhiên chẳng chính quyền độc tài nào
đủ cam đảm xóa bỏ chữ "hèn" trong chủ trương cai trị. Việc ấy phải
đến từ phía người dân, từ nhiều nhóm, nhiều thành phần, nhiều lực lượng.
Hong Kong không
chỉ có một Hoàng Chi Phong. Trong thực tế, Hong Kong có hàng ngàn
Hoàng Chi Phong. Chỉ khi nào Việt Nam có nhiều Hoàng Chi Phong như Hong Kong
thì châu Á sẽ có được nguồn cảm hứng dân chủ mới mẻ từ cuộc biểu tình của hàng
triệu người ở một quốc gia phi dân chủ có tên Việt Nam.
Để có hàng ngàn Hoàng Chi Phong thì phải có hàng ngàn
phụ huynh Hoàng Chi Phong, những người không thối thác và đổ lỗi, mà luôn chỉ
cho giới trẻ thấy tương lai chúng lý ra đáng được hưởng hơn những gì mà chúng
đang bị cướp mất; những người luôn nói cho con em mình biết tại sao và như thế
nào “nền chính trị ổn định” này chỉ mang lại những thứ tốt đẹp nhất cho đám cầm
quyền còn người dân thì luôn ôm hết mọi thứ tệ hại...
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.