Tổng thống Mỹ Donald Trump và bản tuyên bố ý định rút khỏi hiệp định nguyên tử Iran (JCPOA) ký tại Nhà Trắng ngày 08/05/2018. |
Les Echos hôm nay 11/05/2018 phân tích « Vì sao Donald Trump chọn giải pháp cứng rắn nhất đối với Iran », nhấn mạnh việc Hoa Kỳ rút khỏi hiệp định hạt nhân 2015 đã mở ra một thời kỳ bất định lớn lao.
« Thỏa thuận tệ hại nhất lịch sử, khủng khiếp, nguy hiểm ! ».
Hôm thứ Ba 8/5, rốt cuộc ông Donald Trump đã quyết định từ bỏ thỏa hiệp
giữa Iran với sáu cường quốc (gồm năm thành viên thường trực Hội đồng
Bảo an Liên Hiệp Quốc cộng thêm Đức), được ký kết hôm 14/07/2015 tại
Vienna.
Hiệp định này là kết quả của 12 năm trời đàm phán gay go,
nhằm giới hạn năng lực làm giàu uranium của Iran để không thể sử dụng
vào mục đích quân sự. Đổi lại, Iran được gỡ bỏ dần các biện pháp trừng
phạt của quốc tế, mở ra con đường bình thường hóa quan hệ với các nước
và thúc đẩy nền kinh tế.
Nhưng vì sao tổng thống thứ 45 của Mỹ
lại chọn giải pháp cực đoan nhất khi ra khỏi hiệp định Vienna, khi tái
áp dụng những trừng phạt mạnh mẽ nhất, và đòi hỏi các công ty nước ngoài
rút khỏi Iran ?
Theo Les Echos, nhà tỉ phú Mỹ có nhiều lý
do, mà trước hết là chính trị. Ông quyết phá tất cả những gì mà người
tiền nhiệm Barack Obama đã làm, như Hiệp định Khí hậu Paris. Thứ đến là
nội dung của hiệp ước nguyên tử Iran chỉ giới hạn ở các hoạt động hạt
nhân mang mục đích quân sự, mà không liên quan đến việc chế tạo hỏa tiễn
đạn đạo. Theo IISS (Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế), một số hỏa
tiễn của Iran về lý thuyết có thể mang đầu đạn hạt nhân.
Hơn nữa, thời hiệu của hiệp định được ấn định là 10 năm, khiến những
gì diễn ra sau 2025 vẫn là một dấu hỏi. Hiệp định cũng không đề cập đến
các hành động của Iran bị cáo buộc là nhằm gây bất ổn thế giới Ả Rập,
như ở Irak, Yemen, Liban, Syria, với hàng trăm cố vấn của lực lượng đặc
biệt Al Qods và dân quân Hezbollah được triển khai. Lo ngại, Ả Rập Xê Út
đã xích lại gần Israel.
Trên lý thuyết thì việc Mỹ lại trừng phạt
chỉ có tác động tương đối, vì Washington vẫn duy trì cấm vận trong một
số lãnh vực khác. Thế nhưng đây là một đòn nặng cho thủ tướng Đức Angela
Merkel, đồng nhiệm Anh Theresa May, tổng thống Pháp Emmanuel Macron –
cả ba nhà lãnh đạo cho đến phút chót vẫn cố gắng làm tổng thống Mỹ
Donald Trump thay đổi ý kiến.
Rủi ro lớn nhất cho châu Âu thuộc về
lãnh vực kinh tế : Trump ra thời hạn sáu tháng cho các doanh nghiệp
nước ngoài rút khỏi Iran. Chưa ai quên số tiền phạt 9 tỉ đô la mà Hoa Kỳ
áp đặt đối với ngân hàng Pháp BNP Paribas năm 2014.
Tương lai giờ
đây tùy thuộc Iran : Teheran đang cân nhắc xem có nên ở lại với hiệp
định hay không. Đối với tổng thống cải cách Hassan Rohani, đây là một
thất bại, còn phe cứng rắn gồm giáo sĩ và Vệ binh Cách mạng lâu nay vẫn
phản đối thỏa thuận. Tất cả nay sẽ do giáo chủ Ali Khamenei quyết định.
Trong
trường hợp Iran lại làm giàu uranium hơn mức độ cho phép năm 2015, quốc
tế không có nhiều lựa chọn vì Donald Trump vẫn chưa có đề nghị gì về
một « thỏa thuận tốt hơn » với Teheran.
Về quân sự, Israel
không thể tái diễn các vụ không kích, như hồi năm 1981 đánh vào lò phản
ứng hạt nhân Osirak ở Irak, hay vào Syria năm 2007. Các địa điểm nguyên
tử của Iran được giấu rất kỹ, đôi khi dưới những hầm ngầm vô cùng kiên
cố, chỉ có siêu bom của Mỹ mới đạt tới. Trong một khu vực bất ổn như
Trung Đông, một cuộc tấn công quân sự vào Iran có thể dẫn đến một cuộc
xung đột lớn. Cuộc chiến do Irak của Saddam Hussein đánh vào Iran
(1980-1988) là một thảm kịch đã làm cho 800.000 người chết.
Bây
giờ chỉ còn trông cậy vào kế hoạch B : châu Âu hy vọng thuyết phục được
Iran tôn trọng hiệp định, nếu có được sự hỗ trợ của Trung Quốc và nhất
là Nga, đồng minh cơ hội của Iran. Bởi vì nguy cơ chính là một cuộc chạy
đua hạt nhân tại Trung Đông. Liệu Ả Rập Xê Út, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước
vùng Vịnh có chịu khoanh tay đứng nhìn trước một Iran sở hữu bom nguyên
tử ?
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.