lundi 21 mai 2018

Hoàng Hải Vân - “Khu dồn” và “Khu tái định cư”



Khu tái định cư Bình Khánh.

Hồi chiến tranh, đồng bào ta ở nông thôn bị Mỹ lùa vào những nơi, quân địch gọi là “khu định cư”, quân ta gọi là “khu dồn”. Ngoài các “khu dồn” và vùng do chính quyền VNCH kiểm soát, mọi nơi khác ở nông thôn đều là vùng bắn giết tự do của quân đội Mỹ. 

Đời sống ở các khu dồn là vô cùng cơ cực, không đất không ruộng, nhiều người phải đi lượm rác của Mỹ mà sinh sống. Giải phóng các khu dồn, đưa dân về với ruộng đồng làng mạc là nhiệm vụ của quân giải phóng và chính quyền cách mạng.

Tôi tham gia kháng chiến từ khi học lớp 8 nên biết rất rõ những “khu dồn” đó. Các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước ai từng tham gia kháng chiến đương nhiên phải biết. Ai không tham gia kháng chiến thì cũng được học lịch sử Đảng nên nhất định cũng phải biết rõ sự cơ cực của người dân không ruộng không vườn trong các “khu dồn” ngày xưa. Nếu như không biết thì tư cách gì mà làm lãnh đạo Đảng, Nhà nước ?

Ngày nay, nhìn những “khu tái định cư” sau khi chính quyền lấy đất của dân giao cho doanh nghiệp làm dự án, tôi nhớ lại nỗi đau của dân ta trong các “khu dồn”. Khu dồn ngày xưa so với khu tái định cư ngày nay có điểm chung nhất là dân phải rời khỏi ruộng vườn làng mạc. Tất nhiên hai “mô hình” này căn bản khác nhau. Những khác biệt đó là :

Khác biệt thứ nhất. Dân tái định cư ngày nay không ai lượm rác mà ăn như các khu dồn, họ được nhà nước “tạo điều kiện” chuyển đổi ngành nghề. Chỉ có “chút vướng mắc” là cho đến nay chưa thấy ngư dân nào, chưa thấy người làm ruộng nào bị cưỡng bức vào các khu tái định cư chuyển sang nghề khác mà no ấm cả, nếu có no ấm thì báo chí đã đưa tin rầm rộ rồi. Hàng ngàn, hàng chục ngàn dân vùng biển bị cưỡng bức phải tái định cư trên vùng cao, như trường hợp lấy đất để giao cho khu kinh tế của Formosa, ngư dân và con cháu họ phải sống bằng gì, tương lai của họ sẽ như thế nào ? Đã có bao nhiêu cô gái cùng đường phải bán thân nuôi miệng ?

Khác biệt thứ hai. Kết thúc chiến tranh, dân trong các khu dồn về lại ruộng vườn làng mạc. Dù đất đai bị bom đạn cày xới nhưng không có mất, ai làm ruộng thì trở vê làm ruộng, ai làm biển thì ra khơi đánh cá. Còn dân tái định cư ngày nay thì vĩnh viễn không còn nơi cũ để trở về, họ mất đất và nghìn đời con cháu họ cũng không thể nào lấy lại được đất. 

Khác biệt thứ ba. Ngày xưa khu dồn chỉ lẻ tẻ ở miền nam, ngày nay nông dân đang “tái định cư” khắp nơi trong cả nước. Bất kỳ mảnh đất nào các đại gia ưng ý đều có nguy cơ trở thành đất của họ, cho nên người nông dân nào cũng là nông dân tái định cư dự bị.

Khác biệt thứ tư. Nhiệm vụ của chính quyền cách mạng cấp tỉnh cấp huyện ngày xưa là giải phóng nông dân ra khỏi các khu dồn để đưa họ về làng quê đồng ruộng. Nhiệm vụ của chính quyền cách mạng cấp tỉnh cấp huyện ngày nay thì ngược lại, suốt ngày nghĩ cách dồn dân bằng cái tên mỹ miều là “tái định cư”, suốt ngày lo sợ các đại gia phật ý.

Tôi biết Đảng và Nhà nước ta không hề chủ trương đưa dân vào các khu dồn kiểu mới để phát triển chủ nghĩa tư bản lấy các đại gia bất động sản làm nòng cốt chủ đạo. Thứ chủ nghĩa tư bản tích tụ đất đai bằng lũng đoạn luật pháp cưỡng bức nông dân rời bỏ đất đai ruộng vườn của họ với mức “đền bù” rẻ mạt từ lâu đã không còn tồn tại trong nền văn minh phương tây. Thứ “chủ nghĩa tư bản thân hữu” đó cũng đi ngược với mục tiêu hoàn thiện cơ chế của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang tuyên truyền.

Chúng ta hoàn toàn có thể cho phép doanh nghiệp triển khai các dự án kinh tế lớn nhỏ bằng việc mua đất hoặc hợp tác với nông dân theo các nguyên tắc của thị trường. Lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích của nông dân hoàn toàn có thể hài hòa để cùng phát triển. Theo nguyên tắc đó của thị trường, không có gì gây cản trở cho việc triển khai các dự án kinh tế lớn, không có gì cản trở sự làm giàu chính đáng của các doanh nghiệp.

Vì vậy, nên bãi bỏ ngay quy định cho phép chính quyền thu hồi đất của dân để giao cho doanh nghiệp làm dự án tại điều 62 Luật Đất đai hiện hành, mở đường cho doanh nghiệp và người dân tự thỏa thuận. Duy trì quy định này không những trái với đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà còn đẩy Đảng Cộng sản Việt Nam vào thế đối lập với nông dân, phá vỡ liên minh công nông vốn là nền tảng chính trị của Đảng.

FB HOÀNG HẢI VÂN 20.05.2018

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.