lundi 14 mai 2018

Huy Đức - Thủ Thiêm & Nhiêu Lộc: Không ai xứng đáng hy sinh cho người khác



Đừng trách báo chí hai hôm nay không nói một lời về Thủ Thiêm. Họ đã đưa được những tiếng nói oan khiên lên mặt báo và giờ đây là trách nhiệm của chúng ta. Chúng ta đã có dữ liệu để "share" và lên tiếng. 

“Tôi phải nói ! Anh biết không, tôi phải nói bởi tôi già sắp chết rồi” - nhiều bạn bị ám ảnh bởi câu nói này của cụ bà Trần Thị Mỹ, 77 tuổi. 

Tất nhiên là tôi vẫn mong có những tổng biên tập trừng mắt với Tuyên giáo như cụ bà Trần Thị Mỹ đã làm và nói với họ rằng: "Chúng tôi phải nói! Các anh biết không, vì chúng tôi im lặng mà hàng vạn người dân Thủ Thiêm đã phải tha phương trong khi rất có thể bọn tham nhũng đã chia chác nhau hàng ngàn tỷ. Các anh cứ nhìn tài sản nhà ông Hai Nhật, Tất Thành Cang... và cả một ông tưởng là thanh liêm như ông Ba Đua, mà xem." 

Nhưng, đó không phải là một điều dễ dàng trong thể chế này. Thế hệ chúng tôi đã từng bảo vệ đất cho dân từ những năm cuối thập niên 80, đầu 90. Nhưng, chúng tôi cũng nhiều lần phải dở dang công việc. 

Hôm nay, tôi nghe nói Thành ủy sẽ họp. Trước khi bàn về Thủ Thiêm, tôi muốn nhắc lại cho các vị một câu chuyện giải tỏa đền bù ở Dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Trên con kênh nước đen này cũng có hàng vạn người dân sống đời tăm tối. Phần lớn họ tự dựng lều, sống trên mặt kênh thối um, có người đã sống ở đây từ cuối thập niên 60. Chẳng ai có mảnh giấy dắt cạp quần nào cả. Nhưng, không ai bị "giải toả trắng".
 
Thành phố đưa giải pháp cho các công ty kinh doanh và quản lý nhà các quận, nổi bật hồi đó là những giám đốc Quách Văn Hân, Nguyễn Phụng Thiều... Cách bờ kênh không xa mọc lên rất nhiều chung cư từ Tân Bình tới quận Nhất. Mỗi hộ cắm lều trên con kênh nước đen, được "bồi thường" một khoản tiền đủ mua một căn hộ. 

Chủ nhà mà tôi mua lại, năm 1996, được bồi thường 34 triệu, đủ mua một căn hộ gần 60m2 trong một chung cư mà "nếu hắt hơi cả Bình Thạnh, Phú Nhuận và quận Nhất (Đa Kao) cùng nghe thấy". 

Khi tôi mới về đây, 2006, đi từ tầng trệt lên lầu II, tầm 10 giờ đêm, thể nào cũng gặp vài trường hợp vạ vật vì say rượu hay phê thuốc. Nhà thơ Đỗ Trung Quân mỗi lần sang chơi thường bắt gặp rất nhiều ánh mắt lườm nguýt. Các bạn ở đây rất ít đọc thơ, nhìn một cha râu ria, nặng 37kg, tưởng sang giành mối thuốc. 

Thế mà tôi đã sống ở đây được 12 năm. Nhiều cư dân "gốc" đã chuyển đi. Có người bán nhà ra Hóc Môn, quận 12; nhiều người ở lại đã đổi đời. Những thay đổi đó là hợp lẽ. Tại sao Nhiêu Lộc bây giờ đã có "đò trăng", kênh đen đã có cá lội... mà những phúc lợi ấy lại không phải dành cho cả những cư dân từng ở đó. 

Tất nhiên, cái gốc vẫn là chính sách, đặc biệt là chính sách chung về đất đai. Cũng trong thập niên 90, nhất là những năm đầu 1990-1993, các cư dân ở Nhà Bè đã bị thu hồi đất với giá rẻ mạt để làm Khu chế xuất Tân Thuận và khu đô thị Phú Mỹ Hưng. 

Có thể những người từng đuổi dân ở Thủ Thiêm cũng nói, "Không có biện pháp mạnh làm sao có một khu đô thị đẹp như Phú Mỹ Hưng". Vấn đề là ai đang ở trong những khu nhà tiện nghi ở Phú Mỹ Hưng hay Thủ Thiêm.... Có ai biết người dân Nhà Bè bị lấy đất gần 30 năm trước bây giờ đi đâu. Phải chăng họ xứng đáng hy sinh để cho bọn vô lại giàu lên và chúng ta có thể tung tẩy dưới những vòm me ngây thơ, vô tội.

FB HUY ĐỨC 13.05.2018

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.