Đại Quang Minh là đơn vị đầu tư chủ chốt
tại Khu Đô thị mới Thủ Thiêm - với biểu tượng là Khu đô thị cao cấp Sala - công
ty này được lãnh đạo TP.HCM ưu ái rất đặc biệt thông qua hình thức BT (Xây dựng
– Chuyển giao), hiểu đơn giản hơn là đổi đất lấy hạ tầng.
Năm 2010, UBND TP.HCM giao cho Tổng công
ty Phát triển Hạ tầng & Đầu tư Tài chính Việt Nam – Công ty Cổ phần (viết
tắt là VIDIFI) thực hiện 4 tuyến đường chính tại Khu Đô thị mới Thủ Thiêm theo
hình thức BT.
Năm 2011, VIDIFI cùng Công ty TNHH Đầu
tư Xây dựng Ngân Bình, cùng ông Trần Đăng Khoa và Công ty cổ phần Đầu tư Mai
Linh thành lập nên công ty Đại Quang Minh.
Năm 2013, VIDIFI rút khỏi Dự án. UBND
TP.HCM giao cho Đại Quang Minh (công ty được lập nên có sự góp mặt của VIDIFI)
thực hiện 4 cung đường với chiều dài 11,9 km có tổng chi phí đầu tư lên đến
trên 12.182 tỉ đồng. Đổi lại, UBND TP.HCM giao cho Đại Quang Minh khu đất sạch
có diện tích gần 79 hecta thuộc phường Thủ Thiêm và phường An Lợi Đông, Quận 2,
TP.HCM. Gần 45 hecta đất xây dựng, còn lại là đất công trình, Đại Quang Minh
nộp thêm về ngân sách thành phố hơn 2 ngàn tỉ.
UBND TP.HCM cũng có công văn xin Bộ Tài
chính chấp thuận cho UBND TP.HCM giao đất ngay cho Đại Quang Minh, không cần
chờ thi công xong mới giao đất.
Hợp đồng này do ông Tất Thành Cang, khi
ấy là Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM ký với ông Trần Đăng Khoa, hợp đồng
được đóng dấu Mật.
Năm 2015, Đại Quang Minh tiếp tục được
UBND TP.HCM giao cho xây dựng cầu dây văng Thủ Thiêm 2, nối quận 1 với quận 2,
tổng chi phí 4.260 tỉ đồng. Đổi lại, TP.HCM cấp cho Đại Quang Minh 13,5 hecta
đất tại khu Thủ Thiêm.
Thời điểm khởi công, ông Khoa có hứa với
lãnh đạo TP.HCM cũng như lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đến ngày 30-4-2018 sẽ
hoàn tất cây cầu này. Ông Đinh La Thăng khi ấy với cương vị Bộ trưởng Bộ Giao
thông Vận tải còn than phiền “Tiến độ đến 30-4-2018 thì chậm quá”.
Mặc dù vậy cho đến giờ, sau lễ khởi công
thì chỉ có hàng cây cổ thụ lâu năm trên đường Tôn Đức Thắng (Quận 1) bị chặt đi
còn cây cầu dây văng thì vẫn chưa thấy bóng dáng. Trong lúc, 13,5 hecta đất đổi
cầu đã được TP.HCM giao cho Đại Quang Minh.
Đầu năm 2017, ông Trần Đăng Khoa bắt đầu
thoái vốn tại Đại Quang Minh, ông Trần Bá Dương – Chủ tịch Thaco Trường Hải
nhanh chóng tiếp nhận Đại Quang Minh với khoản cổ phần nâng từ 45% lên đến 90%
tại công ty này.
Như vậy có thể thấy rằng, chỉ sau vài
năm thành lập ngắn ngủi và thoái vốn thành công, ông Trần Đăng Khoa đã nhặt
được gần cả trăm hecta đất tại Khu Đô thị Thủ Thiêm.
Đó là chưa kể đến những Dự án theo dạng
BT khác giữa Đại Quang Minh và UBND TP.HCM đã được ký kết để thực hiện tại nơi
này.
FB NGÔ NGUYỆT HỮU 08.05.2018
Trao đổi với Đại Quang Minh!
Rất cầu thị, lãnh đạo công ty Đại Quang
Minh có hẹn tôi làm việc, mục đích chính là để cung cấp thêm hồ sơ. Cá nhân tôi
đánh giá rất cao động thái này.
Tuy nhiên, sau khi đọc phản phản hồi của
Đại Quang Minh trên một tờ báo do bạn tôi làm lãnh đạo, bằng kinh nghiệm gần 15
năm làm báo, tôi có thể khẳng định đó là bài phản hồi không thể tốt hơn cho Đại
Quang Minh trên một phương tiện truyền thông.
Chính vì vậy, để tránh làm mất thời gian
của Đại Quang Minh, tôi xin phép được trao đổi với lãnh đạo Đại Quang Minh bằng
chính bài báo thuận lợi nhất của họ.
1. Đại Quang Minh cho rằng, “Tháng
11/2009, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải ký thay Thủ tướng Chính phủ,
có văn về việc chính thức duyệt việc thực hiện đầu tư xây dựng 4 tuyến đường
theo hình thức BT, giao cho UBND TP.HCM quyền lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự
án BT (bốn tuyến đường phục vụ khu đô thị Thủ Thiêm với mức giá gần 1.000 tỉ
/km, đổi lại Thành phố cấp cho Đại Quang Minh 79 hecta đất tại Khu đô thị này –
N.N.H) nói trên. Sau khi Thủ tướng phê duyệt, UBND TP.HCM đã giao quyền đầu tư
dự án cho Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam VIDIFI.
Nhận được chủ trương chấp thuận đầu tư,
VIDIFI triển khai nghiên cứu và thi công một số hạng mục ban đầu nhưng đến cuối
năm 2012, nhận thấy dự án xây dựng 4 tuyến đường nói trên có tổng vốn đầu tư
rất lớn, công tác thiết kế phức tạp, đòi hỏi thời gian dài sẽ gây bất lợi và
khủng hoảng kinh tế, VIDIFI đã đề xuất hợp tác đầu tư cùng Công ty Đại Quang
Minh, vốn có tiềm lực mạnh.
Đề xuất của VIDIFI sau đó đã được UBND
TP.HCM chấp thuận, lãnh đạo Đại Quang Minh nói, “Chúng tôi tiếp nhận dự án
chính là tháo gỡ các khó khăn mang tính lịch sử. Trong bối cảnh đất đai sình
lầy hiếm có nhà đầu tư nào dám nhận dự án gai góc, xương xẩu như thế”.
--) Trên thực tế, Đại Quang Minh được
thành lập dựa trên 4 cổ đông vào năm 2011, gồm: VIDIFI, Công ty TNHH Đầu tư Xây
dựng Ngân Bình, cùng ông Trần Đăng Khoa và Công ty cổ phần Đầu tư Mai Linh.
Nghĩa là, VIDIFI vẫn tiếp tục thực hiện
dự án BT ấy, hoàn toàn không khó khăn hay xương xẩu gì, chỉ là chia phần đất
này cùng 3 đối tác khác. Công ty Ngân Bình là nơi vợ của ông Trần Đăng Khoa
công tác.
Đây rõ ràng là động thái chuyển dự án về
sân sau của lãnh đạo VIDIFI.
2. Về phần tiền thi công gần 1.000 tỉ/km
đường, phía Đại Quang Minh cho rằng là do khó khăn về địa hình, làm thêm cầu
vượt…
---) Trên thực tế, 4 tuyến đường Đại
Quang Minh thực hiện hoàn toàn không tốn tiền giải phóng mặt bằng, chi phí
thường chiếm rất nhiều kinh phí trong xây dựng hạ tầng.
Lấy một so sánh, “Quốc hội thông qua
tổng mức đầu tư dự án cao tốc Bắc Nam dài 654 km là trên 118.000 tỉ đồng (tính
cả chi phí giải phóng mặt bằng). Như vậy, suất đầu tư cao tốc Bắc Nam (6 làn
xe), nếu tính cả chi phí giải phóng mặt bằng chỉ là 180 tỉ đồng/km”.
Nghĩa là, cho dù lý giải ra sao đi chăng
nữa, thì chắc chắn dư luận hoàn toàn có cơ sở nghi ngờ về mức kinh phí trên mỗi
km đường là Đại Quang Minh thực hiện. Cần phải hiểu, giá trị hoàn công đường
càng cao, Đại Quang Minh càng được cấp nhiều đất.
“Chúng tôi xử lý đoạn yếu đi qua vùng
đầm lầy với công nghệ mới nhất, như làm sân bay, cũng là đắt nhất cũng chỉ trên
200 tỉ cho mỗi km. 1.000 tỉ đồng là đắt khủng khiếp, đắt nhất hành tinh đây
rồi”, trang Zing trích
lời một doanh nghiệp xây dựng.
3. “ Phản hồi về diện tích đất gần 79
ha được nhận, Đại Quang Minh khẳng định trong số đất thực nhận chỉ có 36 ha là
đất ở và thương mại dịch vụ. Phần còn lại là đất công trình công cộng và giao
thông, thực chất không có lợi ích thương mại với hơn 12.000 tỉ đồng. Vậy, thực
chất không phải Đại Quang Minh đang mua đất với giá 15 triệu đồng/m2 như dư
luận hiểu, mà chi phí thực tế bình quân giá đất khoảng 40 triệu đồng/m2 (không
bao gồm cả chi phí đầu tư hạ tầng giao thông kết nối trong nội khu dân cư và
chi phí tài chính)”.
--) Về ý này, tôi đã phản ánh trong một
status, xin trích lại, “36 hecta mà Đại Quang Minh nhận được đó
chính là phần đất xây dựng, còn 43 hecta còn lại chính là phần nâng giá trị của
36 hecta xây dựng, như: công viên cây xanh, quảng trường, đường nội đô... Từ
công trình phụ trợ này, giá đất 36 hecta sẽ được nâng cao hàng trăm lần. Lấy ví
dụ khu đô thị Sala làm sao có giá 350 triệu/m2, mấy mươi tỉ một căn hộ nếu như
chỉ thuần bê tông cốt thép mà không bao gồm không gian sống, cảnh quan thoáng
đãng. Thế nên, giải thích chỉ có 36 hecta đất ở và thương mại là giải thích bất
hợp lý”.
Cuối cùng, theo tài liệu mà tôi đang nắm
giữ theo hợp đồng tín chấp vay nợ của ông Trần Đăng Khoa thì thành phố quy định
tối đa giá trị đất giao cho Đại Quang Minh đầu tư là 26,7 triệu/m2.
Như vậy, lãnh đạo Đại Quang Minh đã
phóng đại số tiền trên mỗi m2 đất!
FB NGÔ NGUYỆT HỮU 09.05.2018
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.