Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12. |
Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) đã họp Hội nghị lần
thứ 7 của Ủy ban Trung ương khóa 12 vào tuần qua. Trong thời gian chuẩn
bị sự kiện này, đã có những tin đồn lan truyền rộng rãi, là sẽ có những
khuôn mặt mới được đưa vào Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực cao nhất.
Hai chiếc ghế được dòm ngó : một
để thay thế ông Đinh La Thăng đã bị rơi đài, chiếc ghế thứ hai là của
ông Đinh Thế Huynh, người đã « thôi giữ chức » để chữa bệnh dài
hạn. Người ta cũng đồn rằng chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng sẽ bị
thay thế vì lý do sức khỏe. Những đồn đoán này dựa vào thời gian dài
vắng bóng của ông Quang hồi tháng Tám năm ngoái.
Tuy nhiên hội nghị kết thúc mà không có tân ủy viên Bộ Chính trị nào
được bổ nhiệm ; còn ông Trần Đại Quang đã xóa tan tin đồn về bệnh tật
qua việc điều hành phiên bế mạc một cách thành công. Thay vào đó, những
gì người ta nhìn thấy là việc tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tái khẳng
định những cam kết lâu dài về việc đổi mới Đảng.
Theo nhận định của nhà nghiên cứu Nicholas Chapman thuộc International University of Japan trên The Diplomat,
ông Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra những tín hiệu rõ ràng. Ông rất chú
trọng đến việc làm trong sạch hình ảnh của Đảng, kềm chế chủ nghĩa tư
bản thân hữu bắt đầu từ thời cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và đề cập
đến những « yếu kém, khuyết điểm » của cán bộ đảng.
Thật vậy, trong thời gian trước Hội nghị Trung ương 7, ông David
Brown, cựu nhân viên bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã ghi nhận các nỗ lực của
ĐCSVN để trừng phạt những nhân vật tham nhũng. Sự sụp đổ của ông Đinh La
Thăng đã được loan tin rộng rãi, với việc Hội nghị Trung ương 7 khai
trừ ông ra khỏi đảng. Và Trịnh Xuân Thanh, một nghi can tham nhũng khác
thì bị bắt cóc tại Berlin – một vụ đã gây ra nhiều tai tiếng.
Nhưng những sự kiện xảy ra với những nhân vật cấp cao và việc « trấn áp »
chỉ là những biện pháp tạm thời để ngăn chặn tham nhũng. Chúng gởi đi
một thông điệp mạnh mẽ cho những người trong nội bộ đảng ; nhưng với
những ai ngoài đảng, thì chỉ khẳng định mối hoài nghi, hoặc làm dấy lên
câu hỏi là tại sao Đảng lại để cho nạn tham nhũng hoành hành lâu như
thế.
Điều đáng chú ý là ngay sau khi Hội nghị Trung ương 7 kết thúc, ông
Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu Quốc Hội đã đi gặp gỡ cử tri ở Hà Nội.
Nhiều người thắc mắc vì sao Đảng lại để cho các vụ bê bối tham nhũng đó
vượt khỏi tầm kiểm soát, và thúc ép phải có cơ chế lãnh đạo tốt hơn để
ngăn ngừa, thay vì phải đánh tham nhũng.
Tuy nhiên, ông Trọng không bỏ quên nhu cầu tự cải cách đối với ĐCSVN.
Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, ông lưu ý rằng nhiều quan chức
đang nắm giữ các vị trí hàng đầu đã lợi dụng các sơ hở để thủ lợi cá
nhân, gây ra nhiều thiệt hại và làm xói mòn lòng tin của quần chúng vào
đảng. Ông tuyên bố rằng sức mạnh của « hệ thống chính trị là lớn lao nhưng chưa vững mạnh ».
Để giải quyết những vấn đề này, các ủy viên trung ương đã thảo luận về các kế hoạch xây dựng đội ngũ « cán bộ cấp chiến lược » đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, để đảm đương mọi cấp độ trong chính quyền.
Như thường thấy với những thuật ngữ của ĐCSVN, như thế nào là « cán bộ chiến lược » vẫn còn mơ hồ, đặt ra nhiều dấu hỏi thay vì câu trả lời. Dù vậy truyền thông Việt Nam nói rằng, một ứng viên cho « cán bộ chiến lược » là người làm nhiệm vụ một cách xuất sắc, cả trong điều hành lẫn khía cạnh đạo đức. Nói theo kiểu Việt Nam, là « vừa hồng vừa chuyên ».
Những thành viên ưu tú này sẽ là nền tảng cho cơ cấu 200 ủy viên
trung ương tương lai của đảng. Việc nhấn mạnh đến đạo đức chính trị như
là một đức tính cần thiết, đã gởi tín hiệu đến những tân ủy viên sắp
tới.
Trong khi những vụ tham nhũng lớn được tuyên truyền rộng rãi, và việc
tăng cường các biện pháp kỷ luật được sử dụng như cây gậy, trong cuộc
chiến chống tham nhũng, bộ phận « cán bộ chiến lược » mới này sẽ
được dùng như những củ cà rốt. Nói cách khác, thông điệp hết sức rõ :
nếu tham gia vào những hoạt động sai trái, thì sẽ không được thăng tiến.
Ông Trọng nêu ra tầm quan trọng của đề án này, tuyên bố rằng sự phát
triển một đội ngũ chiến lược cốt cán như thế có thể xác định được « cách mạng sẽ thành công hay thất bại ». Câu này nhắc nhở khẩu hiệu của cố tổng bí thư Nguyễn Văn Linh trong thời kỳ Đổi Mới, khi ông Linh nói rằng « Đảng phải cải cách hay là chết ».
Hội nghị Trung ương 7 còn đề ra một loạt các cải cách, nhằm ngăn ngừa
các thảm họa quản lý kinh tế của các tập đoàn quốc doanh. Hiện nay các
chủ tịch hội đồng quản trị đều được bổ nhiệm thay vì tuyển dụng, và nhận
được mức lương hàng tháng dao động, nhưng thường là cao.
Theo các đề xuất được đưa ra thảo luận trong « Trung ương 7
», các nhà lãnh đạo chỉ được nhận lương khi đạt được các mục đích kinh
doanh và bảo vệ được tài sản của công ty. Nếu thất bại sẽ mất chức, và
trong các trường hợp đặc biệt, còn bị buộc phải bồi thường thiệt hại cho
công ty.
Ngoài ra, các ý tưởng về tiền lương trong khu vực công cũng được bàn
bạc. Nhìn chung, có một sự đồng thuận rộng rãi, là cải cách tiền lương
phải đi đôi với việc cải cách cơ cấu tổ chức của hệ thống chính trị, để
tạo ra được các dịch vụ dân sự mang lại hiệu quả.
Vấn đề cuối cùng trong chương trình nghị sự là cải cách bảo hiểm xã
hội. Vấn đề bảo hiểm xã hội đã được Đảng xác định là một trong các lãnh
vực trọng điểm của cải cách. Đã hẳn kế hoạch nâng tuổi về hưu từ 55 lên
60 đối với nữ, và từ 60 lên 62 đối với nam, đã thu hút sự chú ý của công
chúng. Tuy nhiên tại Hội nghị Trung ương 7, đề án cải cách bảo hiểm xã
hội đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các đảng viên.
Được biết theo bản đề án thì mức bảo hiểm bắt buộc sẽ tăng lên để bảo
đảm cho mọi người dân đều được bảo hiểm - mà theo phát biểu khai mạc
của tổng bí thư, nhằm giúp lãnh vực này trở thành một động lực cho sự
phát triển bền vững của đất nước. Hiện nay chỉ có 13,9 triệu trong số 53
triệu công nhân viên tham gia bảo hiểm xã hội.
Tác giả Nicholas Chapman nhận xét, tuy tại Hội nghị Trung ương 7 lần
này chưa thấy được hai khuôn mặt mới tham gia Bộ Chính trị, nhưng đã có
những đề xuất mới táo bạo.
Rõ ràng là ĐCSVN muốn tự đổi mới, thông qua việc xây dựng một bộ máy
hành chính giỏi hơn, chuyên nghiệp hơn – mà một trong những ưu điểm đó
là phải có trách nhiệm hơn, uy tín hơn ; đồng thời tái cơ cấu hệ thống
chính trị. Đảng đang cố gắng chứng tỏ là có thể làm sạch hình ảnh của
mình, trong khi vẫn chống chọi với khuynh hướng dân chủ hóa.
Cho đến nay, khi nói đến công cuộc Đổi Mới, hầu hết là để chỉ đổi mới
trong lãnh vực kinh tế. Các nhà bình luận đặt câu hỏi, liệu Đảng có khả
năng tự thay đổi, mà không cải cách thực sự về chính trị hay không. Các
hành động của ông Trọng nhằm chứng tỏ rằng việc đổi mới trong Đảng là
cần thiết và có thể, nhưng không đi cùng với những nhượng bộ về chính
trị.
Phải chăng chúng ta đang chứng kiến sự khởi đầu của một tầm vóc Đổi
Mới về chính trị ? Thời gian sẽ là người phán xử. Tuy nhiên Hội nghị
Trung ương 7, ít nhất trên bề mặt, cho thấy Đảng đang có những biện pháp
cụ thể để tự đổi mới chính mình, và tạo nên động lực mới cho chương
trình cải tổ.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.