Giàn khoan JDC Hakuryu-5 của tập đoàn Rosneft tại mỏ khí đốt Lan Tây ở ngoài khơi Vũng Tàu, Việt Nam. Ảnh chụp ngày 29/04/2018. |
Trung Quốc là động cơ của việc Nga « xoay trục sang châu Á »,
và đang trở thành nước tiêu thụ dầu lớn nhất trong số các đối tác về
năng lượng của Nga. Vào đầu tháng này, có tin là Matxcơva đã hoàn tất
việc giao hệ thống hỏa tiễn hiện đại S-400 đầu tiên cho Bắc Kinh.
Bộ
Thương mại Trung Quốc cho biết doanh số giao thương với Nga có thể đạt
100 tỉ đô la trong năm nay, và đầu tư trong khuôn khổ sáng kiến « Một vành đai, một con đường » đang
tăng nhanh. Thương mại tăng vì giá dầu tăng, chứ không hẳn nhờ có sự
đột phá kinh tế, nhưng đây là một phần trong nỗ lực chung nhằm mang lại
cảm tưởng tất cả đều tốt đẹp trong quan hệ hai nước.
Tuy nhiên
theo nhà nghiên cứu Nicholas Trickett thuộc European University ở Saint
Petersbourg, hai sự kiện gần đây đánh dấu một sự thay đổi đáng kể trong
quan hệ Nga-Trung.
Trước hết, tập đoàn CEFC China Energy (Hoa
Tín) rút khỏi một thỏa thuận nhằm mua lại 14,16% cổ phần Rosneft. Bị
dính vào một xì-căng-đan, tập đoàn này đang bị kiểm tra nghiêm ngặt về
mọi khoản đầu tư ra ngoại quốc. Qatar bèn nhảy vào mua cổ phiếu Rosneft,
và tập đoàn Nga cũng thay đổi chiến lược để mang lại cổ tức hấp dẫn
hơn, thu hút Qatar.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc bèn cảnh báo các
hoạt động khoan thăm dò của Rosneft ở lô khí đốt 06.01, một dự án mà tập
đoàn Nga chủ trì và sở hữu 35%. Việc Rosneft hợp tác với PetroVietnam
trong các dự án ngoài khơi khiến Bắc Kinh vô cùng tức tối, vì lô này nằm
trong đường 9 đoạn mà Trung Quốc vẽ ra ở Biển Đông. Đây là điểm mới
nhất gây căng thẳng cho chính sách xoay trục sang châu Á của Nga.
Kremlin muốn tỏ ra trung lập trong tranh chấp Biển Đông
Khi được hỏi về lời cảnh báo của Trung Quốc, phát ngôn viên điện Kremlin Dimitri Peskov nói rằng : « Theo như chúng tôi biết, Rosneft đã ra thông cáo là tập đoàn làm việc hoàn toàn đúng theo giấy phép được cấp ».
Cả
Rosneft lẫn tập đoàn dầu khí khổng lồ Gazprom của Nga đều có các dự án
với Việt Nam tại Biển Đông, nhưng điện Kremlin không thể công khai ủng
hộ tuyên bố của Rosneft là lô 06.01 nằm trong vùng biển thuộc chủ quyền
Việt Nam. Làm như thế chẳng khác nào đã đứng về một bên, trong tranh
chấp chủ quyền trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Đối với tổng
giám đốc Rosneft, ông Igor Sechin, các trừng phạt của phương Tây liên
quan đến những thiết bị thăm dò dầu khí ngoài khơi Bắc Cực là vấn đề
nghiêm trọng. Exxon đã rút ra khỏi các dự án thăm dò ở Bắc Cực, mà có
lúc đã định đầu tư 500 tỉ đô la.
Rosneft xoay sở để thay thế
thiết bị nhập khẩu từ phương Tây dùng cho các giàn khoan ngoài khơi xa ở
đảo Sakhalin, nhưng giá thành cao và chất lượng lại thấp. Còn Tokyo thì
quan tâm đến việc khai thác trữ lượng dầu khí của Việt Nam, mà bằng
chứng là vai trò của Japan Drilling Co.Ltd trong việc khoan thăm dò hai
trong số ba mỏ khí liên quan.
Các dự án này đối với Rosneft là
phương tiện để có được kỹ năng tốt hơn trong việc quản lý các dự án
ngoài khơi, thông qua liên kết với các công ty Nhật - mà trước đây vấp
phải trở ngại do các bất đồng chính trị và áp lực của Hoa Kỳ. Điều này
đặc biệt quan trọng, vào lúc các đối tác lớn phương Tây ngần ngại tham
gia các liên doanh mới với Nga, ngoài những dự án hợp tác đã có tại đảo
Sakhalin.
Xoay trục sang châu Á
Theo Nicolas
Trickett, Rosneft là cánh tay đắc lực trong chính sách đối ngoại của
Nga, nhưng đôi khi hoạt động mà không có sự can dự trực tiếp của điện
Kremlin. Dường như vụ làm ăn với Việt Nam không nằm trong các ưu tiên
của đội ngũ ông Putin. Cơ hội tìm được mỏ dầu khí tương đối thấp, và
chính quyền mới chỉ vừa được loan báo. Trong những tháng gần đây, chính
sách đối nội được đặt lên hàng đầu, và việc Hoa Kỳ rút khỏi hiệp ước
nguyên tử Iran chắc chắn đã chiếm vai trò đáng kể đối với những nhà
hoạch định chính sách.
Nói chung, Nga thường cố duy trì vẻ trung
lập trong tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông. Matxcơva ủng hộ ý hướng của
Bắc Kinh trong việc đặt Washington bên ngoài mọi giải pháp khu vực,
nhưng không hề công nhận yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc. Dù tăng
cường hợp tác hải quân với Trung Quốc – như đã tập trận chung trên Biển
Đông hồi tháng 9/2016 – nhưng cả hai bên đều có ý thức tránh tiến hành
trong vùng biển tranh chấp. Trung Quốc là đối tác quan trọng nhất của
Nga trong khu vực, nhưng nguy cơ bị lệ thuộc quá nhiều luôn là mối quan
ngại của các chính khách Nga.
Tuyên bố trên đây của điện Kremlin
nhằm tách rời ông Putin khỏi các quyết định của Rosneft, vào lúc dễ dàng
nhận ra khía cạnh chính trị của quan hệ kinh tế với Trung Quốc đang
phần nào thay đổi. Việc CEFC China Energy hủy mua cổ phiếu Rosneft cho
thấy dường như Trung Quốc ngày càng cho rằng đầu tư vào các dự án lớn ở
Nga không mấy an toàn.
Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc CNPC
hy vọng số tiền 70 tỉ đô la trả trước cho Rosneft năm 2013 (liên quan
đến hợp đồng cung cấp 300.000 thùng dầu một ngày trong vòng 25 năm) có
thể chuyển thành sở hữu dầu khí ở Nga, nhưng điều này đã không thành sự
thực.
Tập đoàn tư nhân trên danh nghĩa CEFC China Energy vốn là
cầu nối của Rosneft với nhiều giao dịch khác tại Trung Quốc - tập đoàn
Nga không có đối tác nào khác sẵn sàng hợp tác. Có vẻ như CNPC đang lần
khân để đàm phán các dự án lọc dầu khác, dòm ngó đến túi tiền từ Saudi
Aramco của Ả Rập Xê Út thay vì Nga.
Tiếp tục mối quan hệ với các nước khác ngoài Trung Quốc là trung tâm việc thực hiện chính sách « xoay trục sang châu Á »
của Nga. Chính sách năng lượng mang hơi hướng chính trị của tập đoàn
dầu khí hàng đầu Nga phải dựa vào thị trường Trung Quốc, khiến một sự
phủ quyết của Bắc Kinh về các dự án nhạy cảm tại Biển Đông sẽ tác động
mạnh vào chiến lược của tập đoàn.
Việc Nga ủng hộ Bắc Triều Tiên
khiến các nỗ lực nhằm có được quan hệ chặt chẽ hơn về năng lượng với
Nhật Bản và Hàn Quốc vì vậy đã không thành công. Trong bối cảnh bị trừng
phạt hiện nay, Nga chỉ có thể hợp tác trong các dự án ngoài khơi với
những nước đứng ngoài như Việt Nam.
Dấu ấn cá nhân
Chính
sách Trung Quốc của Nga thiếu mạch lạc, chỉ dựa trên tính cách cá nhân.
Ông Igor Sechin thường là người quyết định trong các giao dịch với
Trung Quốc. Ông Diệp Giản Minh (Ye Jianming), chủ tịch CEFC nay đã bị
bắt, chủ trương đầu tư nhiều ra nước ngoài, trong bối cảnh các tập đoàn
lớn bị kiểm soát chặt chẽ « các đầu tư bất hợp lý », để chận đứng luồng vốn chảy ra ngoại quốc. Ông Diệp bị rơi đài do quyền lực được tập trung vào tay chủ tịch Tập Cận Bình.
Ông
Sechin không làm nên được việc lớn tại Trung Quốc sau vụ CNPC năm 2013,
nhưng cách làm của ông cũng như việc thiếu một chính sách nhất quán của
Matxcơva đã gây tổn hại đến quan hệ giữa Nga và Trung Quốc.
Vấn
đề này càng nặng nề thêm khi lợi ích ở Việt Nam xung đột với chiến lược
quốc gia của Trung Quốc.Tuyên bố của Trung Quốc phản đối Rosneft nói
rằng « không Nhà nước, tổ chức, công ty hay cá nhân nào có thể tiến
hành các hoạt động thăm dò tại vùng biển ‘thuộc chủ quyền Trung Quốc’ mà
không có sự cho phép của Bắc Kinh ».
Tệ hơn nữa là theo
thông cáo của giám đốc Rosneft, tập đoàn này trong 16 năm qua vẫn khai
thác lô khí đốt mà Bắc Kinh không hề phản đối. tác giả Nicholas Trickett
cho rằng, có rất nhiều trở ngại trong nỗ lực của Nga nhằm mở rộng và
đào sâu quan hệ kinh tế cũng như an ninh tại châu Á-Thái Bình Dương. Có
vẻ như Trung Quốc sẵn sàng bắt đầu buộc Matxcơva phải chiều theo ý muốn
của mình, bất chấp những tuyên bố mặt ngoài về quan hệ tốt đẹp giữa đôi
bên, nhằm dằn mặt phương Tây.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.