lundi 14 mai 2018

Nguyễn Anh Tuấn - Đất công phải được đấu giá



Sài Gòn: Tập đoàn Kinh Đô bỏ ra 621 tỉ mua không qua đấu giá 3.433m2 đất trung tâm (đường Lê Duẩn), nghĩa là chỉ 180 triệu/m2 cho một khu vực có giá thị trường là 400 triệu/m2. Thanh tra Chính phủ vào cuộc, đề nghị thu hồi bán đấu giá, tránh làm thất thoát ngân sách nhà nước. [1] 

Trong khi đó ở Hà Nội, cũng tại một vị trí trung tâm (phố Liễu Giai - giá thị trường 200-300 triệu/m2), với số tiền tương đương (641 tỉ) VinGroup đã có được khu đất RỘNG GẤP 10 LẦN (35.075m2) với GIÁ RẺ GẤP 10 LẦN (18 triệu/m2). Dĩ nhiên là cũng không qua đấu giá. [2] 

Đặc biệt hơn, sau khi về tay VinGroup, khu đất này (cùng với khu 148 Giảng Võ rộng gần 70,000m2 cũng của VinGroup) đã được UBND Hà Nội đặc cách chọn làm hai nơi duy nhất trong vùng nội đô lịch sử được phép xây cao trên 45 tầng (ngược với Quy hoạch Vùng Thủ đô do Thủ tướng phê duyệt). Nhờ đó, VinGroup đã triển khai ở đây dự án tầm cỡ số 1 Hà Nội Vinhomes Metropolis với nhiều khối nhà chung cư từ 43-47 tầng, bán ra với giá 80-100 triệu/m2 sàn (8-10 tỉ/căn hộ). [3]

Thế mà, vẫn chưa thấy Thanh tra Chính phủ đề nghị thu hồi bán đấu giá, dù Văn phòng Chính phủ hơn một năm trước đã đề nghị cơ quan này vào cuộc.

Vì sao lại khác biệt như vậy?

Có người đặt câu hỏi giải pháp cho vấn đề thất thoát công sản này là gì.

Về mặt kỹ thuật thì chẳng khó chút nào: Tất cả đất công ở các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng phải được:

(1) Thống kê đầy đủ.

(2) Công bố cho toàn dân biết (trên một website chẳng hạn)
3) Đấu giá công khai kèm giấy phép xây dựng cao tầng (nếu có) cho các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.

Làm được vậy thì các dự án phát triển hạ tầng ở các thành phố chẳng lo thiếu vốn, bớt phụ thuộc vào vốn vay ODA kèm những hệ lụy của nó như hiện nay.

Nhưng đây không phải là vấn đề kỹ thuật, mà là ý chí chính trị. Những người nắm quyền chỉ làm điều này khi mà số đông dân chúng gây áp lực với họ để họ THẤY RÕ RỦI RO NẾU KHÔNG THEO Ý DÂN CHÚNG. 

Bằng không thì họ sẽ tiếp tục câu kết với các doanh nghiệp bè phái biến hóa đất công thành đất tư với giá rẻ mạt, trở thành triệu phú, tỉ phú đô-la nhờ chênh lệch địa tô, trong khi lợi ích công cộng bị bỏ quên, chênh lệch giàu nghèo/bất bình đẳng xã hội ngày càng thêm trầm trọng.

PS: Sống, làm việc và học tập ở Hà Nội, tôi luôn ước ao thành phố này sẽ có một hệ thống cơ sở hạ tầng tốt hơn, cụ thể như một mạng lưới tàu điện ngầm, tàu điện trên cao, có thể chưa thể được như Seoul, Taipei nhưng ít nhất cũng phải như Kuala Lumpur hoặc Bangkok để người dân đi lại dễ dàng hơn, đời sống trở nên văn minh hơn. 

Tuy nhiên, cái mà tôi thấy chỉ là hai tuyến đường sắt đô thị nham nhở, một trong số đó vay vốn từ Trung Quốc luôn chậm trễ trong giải ngân, tiến độ thực hiện rùa bò hành hạ người dân ngày qua ngày. Trong lúc đó thì người đứng đầu thành phố chỉ biết bất lực than vãn rằng thấy trước thảm họa mà không biết làm gì vì không có tiền. 

Sự thât không phải vậy! Nếu các khu đất vàng của thành phố cùng giấy phép xây cao tầng được bán đấu giá công khai cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, hoàn toàn không thiếu tiền cho một cơ sở hạ tầng hiện đại như thế cho Hà Nội.

[1] http://cafef.vn/thanh-tra-chinh-phu-kien-nghi-thu-hoi-toan-bo-dat-vang-8-12-le-duan-tphcm-de-dau-gia-lai-20180514091111022.chn
[2] http://www.asia-pacific.vn/news/detail/loat-sieu-du-an-dia-oc-vao-tam-ngam-thanh-tra-chinh-phu-9417.html

FB NGUYỄN ANHTUẤN 14.05.2018

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.