Chụp hình với cờ búa liềm trước tượng Karl Marx do Trung Quốc tặng cho thành phố Trier, Đức ngày 05/05/2018. |
Karx Marx, tác giả cuốn « Tư bản luận », thường
được mệnh danh là ông tổ cộng sản, ra đời cách đây đúng hai trăm năm,
vào ngày 05/05/1818. Phẫn nộ trước những người vẫn đang ngưỡng mộ lý
thuyết gia cộng sản, tác giả Nicolas Lecaussin trong bài « Karl Marx ? Tôi đã biết quá rõ ! » trên Le Figaro nhận định rằng các tư tưởng của Marx đã bị thực tế phủ nhận.
Là
người gốc Rumani, tên thật là Bogdan Calinescu, tác giả bài viết trong
thời thơ ấu đã từng sống dưới chế độ độc tài của Ceausescu, cha của ông
là một nhà trí thức đối lập. Hiện nay Lecaussin lãnh đạo một think tank
tự do : Viện nghiên cứu kinh tế và thuế khóa (IREF) và đã xuất bản nhiều
tác phẩm tại Pháp, trong đó có « Chí nguy, bọn chúng muốn tiêu diệt chủ nghĩa tư bản », và « Nỗi ám ảnh chống chủ nghĩa tự do ở Pháp ».
Chủ nghĩa Mác-Lênin là mầm mống của những thảm họa
Nicolas Lecaussin kể lại :
Tôi
còn nhớ rất rõ những buổi học về chủ nghĩa xã hội khoa học tại Rumani
(cũng như tại các nước « anh em » khác). Chúng tôi bị buộc phải học môn
này ở trường trung học và cả khi lên đại học. Quy trình này nằm trong
chương trình học chính trị, góp phần tẩy não sinh viên học sinh. Họ dạy
cho chúng tôi về chủ thuyết Mác-Lênin.
Vào thời đó, tôi không hề biết rằng tất cả những thứ vô nghĩa như
chủ nghĩa duy vật lịch sử, đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản hay «
chủ nghĩa tư bản giãy chết »; tuy đã khiến cho nhiều dân tộc đã phải
sống trong cảnh khốn khổ và « đần độn hóa » toàn bộ, lại chinh phục được
nhiều trí thức phương Tây.
Cần nói cụ thể là những điều
ngu xuẩn mà chúng tôi phải học nhiều lần trong tuần, rõ ràng là từ chủ
nghĩa Mác-Lênin, được áp dụng rập khuôn tại nước Rumani cộng sản. Bởi vì
ngược với điều mà những người còn nuối tiếc chủ nghĩa cộng sản khẳng
định sau khi khối xã hội chủ nghĩa sụp đổ năm 1989, tình trạng bi thảm
và những vụ thảm sát do người cộng sản gây ra không phải là do những tư
tưởng sai lệch. Chính lý thuyết Mác-Lênin là mầm mống cho những thảm họa
của nền kinh tế kế hoạch, và độc tài cộng sản.
Hơn nữa,
khi ra khỏi các bài giảng về chủ nghĩa xã hội khoa học, tôi có thể nhận
ra rất rõ những thành công cụ thể của chủ thuyết này : nạn nghèo đói,
thiếu thốn hàng hóa, sự độc tài, đàn áp, vân vân. Xã hội cộng sản đã
chứng minh thất bại của chủ nghĩa mác-xít, và Marx đã hoàn toàn sai lầm.
Khi áp đặt việc hủy bỏ sở hữu tư nhân và buộc cá nhân phải tan biến
trong tập thể, Marx đã đặt ra những nền tảng cho chủ nghĩa toàn trị hiện
đại.
Tác giả của « Tuyên ngôn Đảng Cộng Sản » không
che giấu sự ngưỡng mộ khủng bố, và cho rằng việc xây dựng xã hội xã hội
chủ nghĩa và con người mới cần phải được áp đặt bằng vũ lực. « Nhờ »
chống lại chủ nghĩa tư bản, nạn bần cùng hóa trở thành phổ biến. Marx,
con người chưa bao giờ bước vào một nhà máy lại muốn xóa bỏ giai cấp.
Độc tài cộng sản được nghiêm chỉnh tuân theo, qua việc « diệt chủng giai cấp » : lưu đày các nông dân khá giả (kulak), giới trí thức, tu sĩ và tất cả « kẻ thù giai cấp » khác.
Giai cấp thống trị mới
Do
thực thi chủ nghĩa mác-xít, tuy không còn giai cấp tại Rumani, nhưng
Lecaussin lại thấy hình thành nên một giai cấp mới. Đó là giới quan lại
đỏ thống trị, đặc quyền đặc lợi. Họ được vào những cửa hàng mà dân đen
bị cấm đoán, có được căng-tin riêng ở trụ sở Đảng. Chuyên chính vô sản
đã chuyển đổi thành độc tài đảng trị và quan chức chuyên quyền.
Việc
hình sự hóa chủ nghĩa mác-xít đã được chứng tỏ tại tất cả châu lục, ở
những nơi mà chủ thuyết này được áp dụng, vì chỉ có độc tài mới có thể
thực hiện được. Hàng mấy chục triệu người đã chết do chủ nghĩa cộng sản,
họ là nạn nhân của giải pháp cực đoan mà Marx đã thẳng thừng đề ra.
Chưa hết. Theo Lecaussin, cần phải đọc những tác phẩm của Karl Marx. Ông tổ cộng sản còn muốn trừ khử « những bộ tộc đang hấp hối như người di-gan, người Korinthos (ở Hy Lạp), người Dalmatia (ở Croatia), vân vân ». Engels đòi hỏi tiêu diệt người Hungary. Tính thượng đẳng của người da trắng đối với Marx là một sự thật « mang tính khoa học ».
Nhà kinh tế người Áo Ludwig Von Mises nhận diện mười biện pháp khẩn cấp do Marx đề ra trong « Tuyên ngôn Đảng Cộng Sản » cũng nằm trong chương trình hành động của Hitler. Ông viết năm 1944 : « Tám trên mười điểm này đã được bọn quốc xã thực hiện, với mức độ triệt để mà Marx đã rao giảng ».
Chủ nghĩa tư bản vẫn chưa thấy « giãy chết »
Tuy vậy, may thay, từ sau khi « Tuyên ngôn Đảng Cộng Sản » và « Tư bản luận » được xuất bản, lịch sử đã tiến triển theo hướng khác hẳn lời « tiên tri » của Karl Marx. Chủ nghĩa tư bản không hề « giãy chết », và kinh tế thị trường là nền kinh tế duy nhất hoạt động tốt, là chế độ duy nhất đã giải phóng và làm giàu cho « giai cấp vô sản ».
Tác
giả Nicolas Lecaussin kết luận : Nếu Marx là người chính trực, thì đã
nhận ra được điều đó ngay từ hồi ông còn sống. Từ năm 1818 khi Karl Marx
được sinh ra, cho đến năm 1883 khi ông qua đời, lương công nhân đã tăng
gấp đôi, và tổng sản phẩm nội địa tính trên đầu người tại Anh quốc tăng
gấp ba !
Ngày nay, tài sản trung bình của một người dân ở
Rheinland (Marx sinh ra ở Trier, tức Trèves theo tiếng Pháp) cao gấp 20
lần so với năm 1818, tuy đã trải qua hai cuộc đại chiến ! Đó là nhờ chủ
nghĩa tư bản.
Theo Nicolas Lecaussin, Karl Marx đã hoàn toàn sai
lầm. Tất cả những gì mà chủ thuyết của ông để lại, ở những nơi nó được
áp dụng, là những trận địa hoang tàn và những xác chết.
Nhà văn Guy Sorman trên Le Point
cho rằng sai lầm lớn nhất của Karl Marx là không hình dung ra được chủ
nghĩa tư bản sẽ sản sinh ra một tầng lớp trung lưu rộng lớn – không bóc
lột ai, cũng không bị bóc lột. Giai cấp trung lưu này chiếm đến 90% dân
số, nếu tính tổng cộng các nền kinh tế phát triển, khiến hai thái cực
còn lại trở thành thiểu số.
Những nhân vật hậu mác-xít như Lênin
cố gắng mở rộng khái niệm đấu tranh giai cấp ở tầm mức toàn cầu, giữa
các quốc gia bóc lột và các nước thuộc địa. Tuy nhiên theo Guy Sorman,
lý thuyết này đã bị thực tế bác bỏ, vì các nước cựu thuộc địa, thông qua
trao đổi quốc tế và phát triển tư bản của chính họ, lại phát sinh giai
cấp trung lưu. Chính ở các Nhà nước tự nhận là cộng sản như Trung Quốc,
Việt Nam, Bắc Triều Tiên, Cuba, mà giới quan chức đảng đã bóc lột và đàn
áp nhân dân của mình.
Marx sau 200 năm vẫn gây tranh cãi
Tại
Đức, quê hương của Karl Marx, các hoạt động kỷ niệm 200 năm ngày sinh
của ông diễn ra trong không khí bất đồng. Ở thành phố Trier (Trèves theo
tiếng Pháp) nơi nhà triết học sinh ra, bức tượng Marx cao 5,5 mét do
Trung Quốc tặng càng gây thêm bất mãn tại một đất nước từng bị chia đôi
trong nhiều thập niên, và nạn đàn áp tại Đông Đức cộng sản vẫn còn để
lại dấu ấn.
AFP mô tả trong ngày kỷ niệm chính thức 5/5, rất
nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra. Liên minh các nhóm nạn nhân của độc tài
cộng sản phản đối việc dựng tượng, đảng cực hữu AfD – mà thành công lớn
trong cuộc bầu cử Quốc Hội mới đây chủ yếu nhờ lá phiếu cử tri Đông Đức
cũ – hô hào : « Đừng quên các nạn nhân của cộng sản. Hãy lật đổ tượng Marx ! ». Ngược lại, đảng Cộng Sản Đức và cánh tả xuống đường ủng hộ Marx, kêu gọi « Vô sản toàn thế giới đoàn kết lại ! »
Còn tại Trung Quốc, đất nước mang danh là cộng sản lớn nhất thế giới với 89 triệu đảng viên, chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố « Trung Quốc tiếp tục giương cao ngọn cờ mác-xít ». Ông Tập khuyến khích các đảng viên tập thói quen đọc sách của tác giả cuốn « Tuyên ngôn Đảng Cộng Sản ».
Hãng
tin Pháp ghi nhận thêm một nghịch lý : sau khi Mao Trạch Đông qua đời
năm 1976, Trung Quốc đã quay lưng với tư tưởng mao-ít, chạy theo kinh tế
thị trường và nay đã trở thành nền kinh tế thứ nhì thế giới. Trung Quốc
hiện có ít nhất 370 tỉ phú đô la, chỉ đứng sau Hoa Kỳ, và bất bình đẳng
ngày đào sâu giữa lớp người giàu có thành thị và « giai cấp » nông dân,
thay vì một xã hội không giai cấp như Marx dự đoán.
Một số khái niệm tiêu biểu
«
Một đặc thù của các tác phẩm Karl Marx là có thể giải thích trong năm phút, năm
giờ, năm năm, hay trong nửa thế kỷ ». Chuyên gia người Pháp về chủ nghĩa
mác-xít, Raymond Aron đã nhận xét như thế. Hãng
tin Pháp AFP tóm lược một số khái niệm đặc trưng nhất của tư tưởng gia người
Đức.
Đấu
tranh giai cấp
Theo
tác phẩm « Tuyên ngôn Đảng Cộng Sản »: « Lịch sử của tất cả xã hội cho đến nay
chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp ». Đối
với Marx, ở mọi nơi và mọi lúc, đều có sự đối kháng giữa người lao động và
những ai nắm trong tay tư bản và/hoặc phương tiện sản xuất.
Sự
bất bình đẳng này đương nhiên dẫn đến xung đột được gọi là « giai cấp » vốn là
động cơ mang tính tích cực của Lịch sử. Trong xã hội tư bản, giai cấp vô sản
luôn tìm cách xóa bỏ tình trạng này bằng cách làm cách mạng để thiết lập một xã
hội bình đẳng.
Chuyên
chính vô sản
Chỉ
đến năm 1850, Marx mới kết hợp hai từ này, vốn đã từng được nêu ra dưới các
dạng khác từ cuộc Cách mạng Pháp.Chuyên
chính vô sản được thực hiện giai đoạn quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa
cộng sản. Giữa hai thời kỳ đó là chủ nghĩa xã hội, Nhà nước tạm được duy trì.
Giai cấp vô sản nắm lấy chính quyền và sử dụng để làm giảm đi sức mạnh của giai
cấp tư sản.
«
Chuyên chính vô sản » do phe bôn-sê-vích tuyên bố năm 1918 là trung tâm quyền
lực của Lênin. Lý thuyết này được sử dụng để biện minh cho độc tài mác-xít
lê-nin-nít, bắt đầu từ Cách mạng Tháng Mười.
Chủ
nghĩa cộng sản
Karl
Marx là đồng tác giả « Tuyên ngôn Đảng Cộng Sản » với Friedrich Engels, xuất
bản năm 1848. Tác phẩm này chỉ trở nên nổi tiếng kể từ năm 1872, và cuối cùng
đến thế kỷ 20 đã trở nên thống trị ở Đông Âu.
Marx
cho rằng sau chiến thắng của giai cấp vô sản, một xã hội bình đẳng sẽ xuất
hiện. Trong chủ nghĩa cộng sản, không còn sở hữu tư nhân, không giai cấp và không
Nhà nước, trong đó con người được tự do phát triển. Nhưng trên thực tế, việc
xóa bỏ sở hữu tư nhân đã dẫn đến cái chết của hàng triệu người, đặc biệt trong
thời gian cưỡng bức đi lên hợp tác hóa dưới thời Stalin ở Liên Xô, và thời Mao
Trạch Đông ở Trung Quốc.
Quốc
tế cộng sản
«
Vô sản toàn thế giới, đoàn kết lại ! », câu kết nổi tiếng của « Tuyên ngôn Đảng
Cộng Sản » đặt nền móng cho cơ cấu chính trị đầu tiên vượt qua biên giới các
quốc gia. Câu này trở thành khẩu hiệu của Liên Xô, và vang vọng trong nhiều
thập niên, gắn kết số phận của những nước xa xôi về mặt địa lý như Việt Nam,
Cuba, hay trong khuynh hướng mác-xít của những nhóm khác nhau như FARC ở
Colombia, đảng Lao Động Kurdistan (PKK)…
Thuốc
phiện của nhân dân
Marx
coi tôn giáo là phương tiện giúp cho những người bị bóc lột quên đi thân phận
của mình, có thể được kẻ mạnh lợi dụng. Khái niệm này bị cực đoan hóa tại Liên
Xô và các nước cộng sản khác : tu sĩ bị sát hại, tín đồ bị lưu đày, nơi thờ tự
bị tàn phá…
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.