Khu tái định cư Liede, tòa nhà bên phải là khách sạn của công ty Liede đang được xây. Khi xây dựng xong, nguồn thu từ khách sạn sẽ được chia đều cho người dân tại làng. |
Tôi tìm hiểu về câu chuyện Thủ Thiêm cách đây gần hai
năm, cho bài luận cuối kỳ môn Đô thị hóa. Câu chuyện như dư luận hiện đang quan tâm: người dân cảm thấy đền bù
không thỏa đáng, mất đất, mất nhà, mất kế sinh nhai.
Khi đô thị mở rộng, thành phố cần có đất, và phần đất
này đến từ sự “hy sinh“ của những cư
dân ở vùng ven, để đổi lấy phát triển cho thành phố. Nhà nghiên cứu Erik Hamm,
khi phỏng vấn người dân Thủ Thiêm để viết cuốn Luxury and Rubble, ghi nhận, người dân Thủ Thiêm không phản đối sự
phát triển của thành phố. Họ cũng muốn một hình ảnh Saigon văn minh, hiện đại,
nhưng lời hứa của sự chuyển mình của thành phố lại khiến họ phải trả một cái
giá quá đắt. Không chỉ mất mảnh đất sống bao đời mà còn cảm giác của sự bất
công, tham nhũng, không minh bạch từ phía chính quyền khi trả lời thắc mắc của
họ.
Tôi đem câu chuyện đó trao đổi với rất nhiều giáo sư
tại Đức, kể cả giáo sư ở trường tôi và giáo sư thỉnh giảng, để tìm một trường
hợp tương tự để so sánh tại Trung Quốc, cho bài luận văn cuối kỳ. Có một câu
chuyện thu hút sự chú ý của tôi, từ một giáo sư người Trung Quốc công tác tại
ĐH Quốc gia Úc: tại làng Liede ở Quảng Châu, người dân được đền bù hậu hĩnh đến
mức trở nên giàu có.
Cứ mỗi mét vuông nền nhà trước đây họ có bao nhiêu,
người dân Liede sẽ được đền bù bấy nhiên mét vuông nền nhà ở chung cư cao tầng
tái định cư, nằm ngay trong lòng khu làng cũ, nay nằm giữa khu đô thị mới ở
trung tâm Quảng Châu. Năm trăm mét vuông nền nhà cũ (tương đương cỡ tòa nhà 5
tầng) trước đây nằm trong khu làng lộn xộn, ổ chuột cho dân nhập cư thuê, giờ
là 500 mét vuông nền nhà mới trong chung cư 20-30 tầng khang trang, được quy
hoạch thành khu đô thị mới dạng Phú Mỹ Hưng, cạnh những trung tâm thương mại
cao cấp, văn phòng và những bar chic nhất, sang nhất Quảng Châu.
Dĩ nhiên tiền
thuê nhà sẽ tăng gấp 2-3 lần là ít. Phần lớn đất nông nghiệp sở hữu tập thể của
làng được chuyển sang đất đô thị sở hữu nhà nước, làng Liede chỉ giữ lại một
phần, phần để xây chung cư tái định cư, phần để kinh doanh...khách sạn 5 sao
(dự án này thật ra về sau cũng gặp trắc trở).
Nhưng đó là một sự ngã giá quá hời cho dân làng Liede,
làm cả Quảng Châu ghen tị với dân làng giàu qua 1 đêm. Chính xác là 3 tháng.
Trong vòng 3 tháng, tất cả người dân Liede đồng ý dời toàn bộ ra khỏi khu nhà
cũ, trả đất cho chính quyền quận Tianhe. Nhanh gọn, chuyên nghiệp. Chính công
ty trách nhiệm hữu hạn mà mỗi dân làng trở thành một cổ đông, để sỡ hữu phần
đất còn lại, chịu trách nhiệm dỡ bỏ nhà cũ và lên kế hoạch xây khu tái định cư
mới.
Đây không phải câu chuyện cổ tích. Khi tôi dọn vào
sống ở khu tái định cư Liede để nghiên cứu, tôi được nghe những bất cập từ dự
án. Bác giữ đền ở đây kể tôi nghe câu chuyện đằng sau: Mọi việc rất thuận lợi
vì, trưởng làng ở Liede, ông Fangrong Li, người liên tục làm trưởng làng trong
30 năm, từ thời Mao, đã tiếp cận riêng ông phó chủ tịch Quảng Châu, ông Cao
Jianliao. Sau rất nhiều ngã giá ở những bàn tiệc, và lời hứa món quà là khu đất
riêng cho ông chủ tịch quận. Vài năm sau, ông Cao vào tù vì nhiều bê bối tham
nhũng, còn trưởng làng Liede trốn ra nước ngoài, lấy cớ chữa bệnh, để tránh bản
án liên quan. Quá trình cải tạo Liede xảy ra nhanh chóng và rốt ráo như vậy, vì
đã được “bôi trơn“ bằng rất nhiều món
quà trên bàn tiệc.
Cô giáo sư kể tôi
nghe câu chuyện, thấy sự lấp lánh trong mắt tôi khi nghe câu chuyện, thì giải
thích thêm, Liede là một trường hợp đặc biệt. Đó là thời điểm chính quyền Bắc
Kinh muốn tìm ra một giải pháp mềm hơn cho đô thị hóa, không làm lòng dân quá
bất bình, gây bất ổn xã hội. Ở Liede, người dân đã đấu tranh để có quyền lợi
trong cuộc thương thảo với chính quyền và được lắng nghe. Nhưng đó là trường
hợp ngoại lệ, vì một cuộc thí nghiệm cho mô hình mới đang được tiến hành ở đây.
Nếu xảy ra ở tỉnh khác, cuộc thương thảo sẽ có thể không xảy ra, và những người
dám lên tiếng có thể sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc.
Còn những người
bạn người Quảng ở thành phố Quảng Châu thì lắc đầu cười, nói Liede chỉ là quảng
cáo thôi, và chỉ vào quảng cáo cho đô thị hóa của Quảng Châu ở ga tàu điện
ngầm. « Quảng Châu chỉ có một Liede ».
Họ chỉ cho tôi khu làng khác cách đó không đầy 10 phút đi xe, cũng ở giữa trung
tâm, và vẫn đang tan hoang vì nhiều bê bối chính trị, không giải quyết được
cũng hơn 5-7 năm nay. Quảng Châu có 138 làng trong thành phố như vậy, và không
phải dân ở làng nào cũng dám mơ một giải pháp rốt ráo và mãn nguyện như ở
Liede.
Nhưng cho dù đó chỉ là « quảng cáo », thì đó cũng là kết thúc có hậu cho gần 10.000 dân làng Liede. Căn hộ trong khu tái định cư, mà tôi thuê ở Airbnb trong 10 ngày, rất dễ chịu. Người dân vẫn sống trên mảnh đất bao nhiêu năm nay của làng. Người già thư thả trò chuyện với nhau bằng tiếng Quảng. Những cuối tuần, người trong một họ tụ tập ở khu đền mới được chính quyền của làng xây lại, ăn lễ thượng thọ một cụ trong làng.
Từ khu công viên
xanh mướt và dòng kênh xanh xanh uốn quanh khu tái định cư Liede, tôi nhìn lên
dãy dãy những nhà cao tầng khang trang của khu tái định cư bên trái. Ở bên
phải, nơi từng là đất làng Liede cũ, là con đường nhộn nhịp dẫn thẳng vào trung
tâm thành phố, trung tâm thương mại cao cấp và văn phòng công ty.
Khi tôi trò
chuyện với dân làng ở đây, không ai trong số những người dân Liede phải nói về
sự hy sinh cho phát triển, hay khóc và ngất xỉu khi được lắng nghe từ chính quyền,
như tại Thủ Thiêm.
Từ câu chuyện của
Liede, có một kết luận hiển nhiên là, Sự phát triển của thành phố, nếu khi quy
hoạch đô thị có cân nhắc dành cho người dân, không đòi một sự hy sinh nào.
Thành phố có thể rộng lớn, đẹp đẽ, giàu có, mà không cần giật đi miếng bánh của
những người dân vùng ven. Chiếc bánh phát triển có thể lớn ra và khi được cắt
ổn thỏa, mọi người đều có phần trong chiếc bánh đó. Một giải pháp có thể được
tìm ra, nếu người ta chịu tìm kiếm chăm chú hơn.
FB ĐẶNG THANH HẰNG 10.05.2018
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.