Kim Jong-Un, Tập Cận Bình, Donald Trump: Ai sẽ thắng? |
Được Donald Trump đánh giá là « tay chơi poker tầm cỡ thế giới »,
chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể thắng được ván bài nếu cuộc gặp
thượng đỉnh giữa tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong
Un bị hủy bỏ.
Từ đầu tháng Ba,
Bắc Kinh – đồng minh duy nhất của chế độ Bắc Triều Tiên – đã công khai
hoan nghênh viễn cảnh cuộc gặp Trump-Kim, sau nhiều tháng đôi bên đe dọa
lẫn nhau, gây lo sợ sẽ xảy ra một cuộc chiến tranh nguyên tử ở sát biên
giới.
Nhưng việc Washington và Bình Nhưỡng xích lại gần nhau cũng có thể làm Bắc Kinh bị thiệt hại – các nhà phân tích nhấn mạnh.
Thế
nên Tập Cận Bình đã làm thân một cách ngoạn mục với Kim Jong Un : đón
tiếp hai lần trong không đầy một tháng rưỡi, trong khi ông Tập hoàn toàn
làm ngơ nhà lãnh đạo trẻ Bình Nhưỡng từ khi Jong Un lên nắm quyền, và
tham gia các trừng phạt của quốc tế liên quan đến hồ sơ hạt nhân Bắc
Triều Tiên.
Nhà Trung Quốc học Jean-Pierre Cabestan, trường đại học Báp-tít Hồng Kông nhận xét : « Trung Quốc qua hai cuộc gặp với Kim Jong Un, đã cố gắng gây áp lực để Bắc Triều Tiên không nhượng bộ người Mỹ quá nhiều ».
Theo chuyên gia Cabestan, đề nghị « phi hạt nhân hóa » của nhà độc tài trẻ Bắc Triều Tiên «
đã làm các nhà lãnh đạo Trung Quốc hốt hoảng, vì hoàn toàn bị bất ngờ
». « Bắc Kinh cũng muốn có cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim », nhưng với điều kiện « đó chỉ là khởi đầu của đối thoại, chứ không có cam kết nào chính thức ».
Vì sao Kim Jong Un đổi giọng sau khi gặp ông Tập ?
Cuộc
gặp thứ hai giữa Kim Jong Un và Tập Cận Bình hôm 07/05/2018 tại thành
phố biển Đại Liên, dường như là một bước ngoặt. Ngay sau đó Bắc Triều
Tiên bỗng tỏ ra cứng rắn hơn – như ông Donald Trump đã ghi nhận, vài
ngày trước khi tuyên bố hủy cuộc họp thượng đỉnh.
Tổng thống Mỹ nói : « Mọi việc đã thay đổi sau cuộc gặp này (Tập-Kim) ; và tôi không thể nói rằng điều ấy làm tôi vui vẻ lắm ». Donald Trump gọi « ông bạn » Tập Cận Bình là « tay chơi poker tầm cỡ thế giới ».
Cáo buộc này hôm 25/05/2018 bị Bắc Kinh bác bỏ. Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng khẳng định : « Chúng tôi không có ẩn ý gì ».
Theo
nhà chính trị học Trung Quốc Hua Po, thì mối nghi ngờ về trò chơi hai
mặt nhằm làm cho Bắc Kinh phải giơ đầu chịu báng về một thất bại mà các « diều hâu » trong chính quyền Trump là những người đầu tiên chịu trách nhiệm. Ông nói với AFP : «
Đó chỉ là mánh lới. Tôi nghĩ là việc hủy bỏ cuộc gặp thượng đỉnh trước
hết liên quan đến những bất đồng nội bộ ở Hoa Kỳ, về chính sách đối với
Bắc Triều Tiên ».
Nhà phân tích Bonnie Glaser, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington cho rằng : « Bắc Kinh không có lợi gì khi phá hoại thượng đỉnh ». Bởi vì việc hủy cuộc họp sẽ diễn ra vào ngày 12/6 tại Singapore « có thể dẫn đến việc Hoa Kỳ quay lại với giải pháp quân sự đối với Bắc Triều Tiên ».
Quốc gia trái độn
Nhưng
theo chuyên gia Jean-Pierre Cabestan, các nhà lãnh đạo Trung Quốc rõ
ràng đã gây sức ép lên Kim Jong Un tại Đại Liên, vì dưới mắt họ « Jong Un đã tiến quá gần với Hoa Kỳ, khiến cán cân thăng bằng nghiêng về phía bất lợi cho Trung Quốc ».
Ông Cabestan nhận định : «
Ngoài kho vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, nỗi ám ảnh của Bắc Kinh còn
là sự ổn định, và duy trì hai nước Triều Tiên. Trung Quốc muốn giữ
nguyên một Nhà nước vùng đệm, thân thiết với mình hơn là với Hoa Kỳ ».
Nói
như Donald Trump, thì Tập Cận Bình đã dùng viện trợ kinh tế làm mồi nhử
Kim Jong Un, trong lúc Bắc Triều Tiên gần đây đã coi phát triển kinh tế
là ưu tiên chiến lược.
Phản ứng trước tuyên bố hủy cuộc họp
thượng đỉnh Trump-Kim, cơ quan ngoại giao Trung Quốc ghi nhận cả
Washington lẫn Bình Nhưỡng vẫn chưa đóng lại cánh cửa cho đối thoại.
Cựu
tổng thống Pháp François Hollande, được ông Tập Cận Bình tiếp đón trong
cùng ngày, cho biết nhà lãnh đạo Trung Quốc tỏ ra lạc quan về tiến
triển trong quan hệ Hoa Kỳ - Bắc Triều Tiên. Ông Hollande nói với báo
chí : « Tôi hiểu rằng ông Tập cho là cuộc họp có thể bị hoãn, và ông không lo ngại một sự thối lui hay hủy bỏ hẳn tiến trình ».
Bonnie Glaser dự báo : «
Trung Quốc chắc sẽ cố xoay cuộc gặp thượng đỉnh theo chiều có lợi cho
mình. Nếu Tập Cận Bình thành công trong việc hòa giải giữa Kim Jong Un
và Donald Trump, ông ta có thể đạt được một thỏa thuận thương mại tốt
hơn với người Mỹ. Như vậy Bắc Kinh lợi cả đôi đường ».
Chuyên gia Cabestan nhận định : «
Tập Cận Bình chắc chắn muốn là người đứng ra sắp xếp cuộc gặp thượng
đỉnh Trump-Kim. Trung Quốc có lợi khi lại trở thành trung tâm của cuộc
chơi ».
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.