mardi 6 février 2018

Tàu hậu cần quân sự Trung Quốc cấp hàng cho Gạc Ma




Hai tàu vận tải quân sự Trung Quốc neo ngoài bãi đá Gạc Ma, đang cấp hàng hóa cho lực lượng đồn trú. Phía sau là các công trình do Trung Quốc xây dựng trái phép trên bãi đá Gạc Ma của Việt Nam. Ảnh Mai Thanh Hải

(Thanh Niên 05/02/2018) Tàu hậu cần quân sự Trung Quốc 961 mới xuống hoạt động tại khu vực Trường Sa khoảng nửa tháng nay...

Chiều một ngày cuối tháng 1.2018, khi đang tác nghiệp trên đảo Len Đao (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) thì chúng tôi nghe hiệu lệnh báo động "Tàu quân sự nước ngoài tiếp cận vùng biển Cô Lin - Len Đao - Gạc Ma".

Từ đài quan sát trên nóc đảo Len Đao, chúng tôi phát hiện một tàu quân sự rất lớn mang số hiệu 961, mang cờ Trung Quốc đang chạy từ phía nam lên Gạc Ma. Đây là bãi đá của Việt Nam, bị Trung Quốc đánh chiếm từ ngày 14.3.1988 và giữa năm 2013 tập trung tôn tạo, xây dựng thành đảo nhân tạo với nhiều cơ sở hạ tầng với các trang thiết bị, vũ khí khí tài hiện đại.

Tàu 961 của Trung Quốc nhìn từ khoảng cách 15 km.
Tàu 961 là tàu vận tải tổng hợp kiểu 904A,B (AORH) thuộc biên chế hạm đội Nam Hải (Trung Quốc). Tàu này có lượng giãn nước 15.241 tấn, có chiều dài 152 m, động cơ gồm hai máy diezen công suất 24.000 mã lực, tốc độ 18 hải lý/ giờ. Tàu có chức năng vận chuyển hàng khô, nhiên liệu. Trên tàu có hai bệ pháo 37mm loại 76F (nòng đôi) tầm bắn 7,2km và hai bãi đáp trực thăng loại Z-8.

Tàu chạy tốc độ cao, rẽ sóng ở mũi tàu 961.
Khi tới gần Gạc Ma, tàu 961 giảm tốc độ dự định vào luồng để cập cầu cảng nhưng do sóng to gió lớn, nên 961 phải neo phía ngoài, cách mép xanh khoảng 4km.

Sáng hôm sau, mặc dù thời tiết xấu, sương mù rất nhiều và biển động cấp 5 - 6, nhưng tàu 961 vẫn dùng cần cẩu khổng lồ để cẩu hàng cho tàu 175 làm chức năng chuyển tải.

Tàu 175 là tàu kéo lớp hộ cứu tên đầu đủ là Nam Đà - 175 thuộc biên chế hạm đội Nam Hải (Trung Quốc) có trọng tài 1.470 tấn, lượng giãn nước 750 tấn, động cơ 1.800 mã lực, tốc độ 15 hải lý/ giờ và thủy thủ đoàn lên đến 56 người.

Tàu Nam Đà - 175 làm nhiệm vụ chuyển tải hàng từ căn cứ Gạc Ma ra tàu 961.
Việc cấp hàng giữa hai tàu và cảng diễn ra nhanh chóng trong buổi sáng.

Theo quan sát của chúng tôi, mỗi khi tàu Nam Đà - 175 nhận, chuyển hàng từ tàu 961, phía ngoài khu vực mép xanh nơi hai tàu cập mạn, luôn có một xuồng cao tốc chở lính Trung Quốc có vũ trang chạy qua lại cảnh giới. Khi tàu Nam Đà -175 cập cảng trong bãi Gạc Ma, việc bốc dỡ hàng cũng được thực hiện bằng cần cẩu cố định. Đặc biệt, trên cầu cảng luôn có hai xe điện chạy đi chạy lại để chở người lên xuống tàu, vào đảo và ra tàu.

961 và Nam Đà -175 cập mạn giao nhận hàng.
Buổi chiều, cả hai tàu di chuyển lên phía Bắc. Một số cán bộ Hải quân Việt Nam cho biết: Tàu 961 mới xuống hoạt động tại khu vực Trường Sa khoảng nửa tháng nay và mới chạy từ đá Chữ Thập lên giao nhận hàng hóa, nguyên liệu cho Gạc Ma, sau đó sẽ tiếp tục ngược lên phía bắc cấp hàng cho căn cứ Ga Ven, Su Bi...

Một số hình ảnh về quá trình cấp, chuyển hàng hóa của tàu vận tải quân sự Trung Quốc tại bãi Gạc Ma, do phóng viên Thanh Niên ghi lại ở khoảng cách 7 hải lý (gần 13km), cuối tháng 1.2018:

Cần cẩu trên tàu 961 thả hàng xuống tàu Nam Đà - 175 trong lúc sóng to gió lớn.
 
Xuồng cao tốc (bìa phải) chạy vòng cảnh giới.


Xuồng cao tốc cảnh giới chở lính có vũ trang.


Sau khi giao nhận hàng, tàu Nam Đà -175 nhanh chóng cơ động vào cầu cảng nằm sâu trong bãi Gạc Ma.


Cập cảng rất dễ dàng.
 

Cảng nằm ở phía tây bắc căn cứ liên hợp và dài khoảng 100m.


Lính Trung Quốc tập trung ở cầu cảng, gần đó là hai xe điện đang xếp hàng đợi chuyên chở vào sâu bên trong.

Tàu Nam Đà - 175 chạy tốc độ cao và vòng hẹp để tiếp cận 961.

Động tác tiếp cận rất nhanh do đã quen việc cập mạn chuyển tải.


Nhìn từ đảo Len Đao (từ trái qua phải): Tàu 996 của hải quân Việt Nam, bãi đá Gạc Ma, phía xa là tàu 961 của Trung Quốc.


Hai tàu 961 và Nam Đà - 175, nhìn từ đảo Len Đao.


Tàu 996 thả neo sát mép xanh đảo Len Đao do bộ đội lữ đoàn 146, Bộ tư lệnh vùng 4 Hải quân chốt.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.