lundi 19 février 2018

Ám ảnh chuyện 'đi' Tết



(Một Thế Giới 13/02/2018) Ngày 9.1.2018 tại phiên tòa xét xử mình, Trịnh Xuân Thanh một mực phủ nhận 4 tỉ đồng tiền tiêu tết nhận từ các cộng sự một thời nhưng sau đó lại có lời chẳng khác gì tự thú: “Bị cáo lúc nào cũng có nhiều túi quà người khác cho nhiều trong xe và bị cáo cũng mua quà Tết để trong xe rất nhiều”.

Đó là một thực tế, nếu không nói là một vấn nạn tồn tại nhiều năm ở nước ta.

Chẳng thế mà nhiều năm qua trước Tết Âm lịch cỡ một tháng, năm nào Ban Bí thư cũng có Chỉ thị về tổ chức Tết. Trong đó có nội dung yêu cầu các tổ chức Đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội thực hiện chủ trương: Cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo…

Có lẽ chẳng có một người đứng đầu cơ quan, tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp vừa và nhỏ nào…trước mỗi dịp Tết đến trong xe ô tô của mình không có lúc chứa những túi quà để đi đối ngoại, biếu lãnh đạo? Khác chăng, tùy “sức khỏe” của từng đơn vị mà số lượng túi quà ít hay “rất nhiều” (như Trịnh Xuân Thanh) hoặc các túi quà khác nhau về độ “nặng, nhẹ” mà thôi!

Từng là người đứng đầu một doanh nghiệp in ấn, xuất bản tôi có mấy năm bạc cả tóc vì bị cuốn vào cái lệ bất thành văn ấy.

Năm đầu tiên ngồi ghế lãnh đạo, trước tết khoảng gần một tháng cậu phụ trách văn phòng chuyển cho tôi danh sách tổng hợp các đơn vị, cá nhân cần phải đối ngoại do các phòng chức năng đề xuất. Hỏi, thì được giải thích các năm trước đều như thế. Tôi nói để xem với ý định sẽ xóa đi một tiền lệ, chí ít thì lược bớt những địa chỉ thấy không cần thiết.

Mấy ngày sau thấy tôi chưa có động thái gì, cậu phụ trách văn phòng rồi mấy người đứng đầu các phòng chức năng, thậm chí cả một số cán bộ, nhân viên nhao nhác: Nào là túi quà đi sớm là túi quà khôn; nào là năm có một lần, ngoài kia người ta tá lả “đi Tết” như thế, mình có ở hành tinh khác đâu sếp?

Trời ạ, một doanh nghiệp mà hầu như ai cũng coi việc phải lo đi đối ngoại, biếu xén lãnh đạo như một tiêu chí không thể bỏ qua mỗi khi tết đến… nếu cơ quan, doanh nghiệp nào cũng như thế thì còn lâu đất nước mới có được sự minh bạch, không tham ô tham nhũng?

Nhưng rồi tôi cũng phải cầm lòng vậy. Tất nhiên là ý thức doanh nghiệp mình không lớn nên tôi chỉ “liệu cơm gắp mắm” với hy vọng “của ít lòng nhiều” như tiền nhân dạy.

Văn phòng mua về mấy chục túi quà, các phòng chức năng hối hả nhận rồi tỏa đi đối ngoại. Cận Tết, cậu phụ trách văn phòng lễ mễ đưa hai, ba suất biếu lãnh đạo bộ ngành, tổng cục liên quan đến phòng tôi rồi rụt rè: Tụi em không thể đi được, như thế e phạm thượng… sếp phải đi thôi!

Đó là những ngày dài và mệt mỏi nhất trong năm đối vớí tôi. Sau nhiều cuộc điện thoại, tôi cũng được mấy sếp “chốt” lịch gặp. Cũng vui vẻ cả, duy có một sếp làm tôi buồn và ám ảnh mãi đến bây giờ.

Đúng giờ “G” tôi đến. Những tưởng cuối ngày sẽ không “đụng hàng” với ai, nhưng hóa ra đã có bốn, năm người đang ngồi chờ trước cửa phòng sếp. Cứ như chuyện “Nghêu, Sò, Ốc, Hến” đến cửa quan ngày trước ấy. Tiến thoái lưỡng nan, tôi và cậu phụ trách văn phòng cùng đi đành phải chờ đến lượt chứ còn biết làm sao?

Mấy phút sau cửa mở, có người bước ra. Đến lượt một người vào, rồi lại ra… Cứ thế đến lượt chúng tôi. Sếp ngồi đọc gì đó ở bàn làm việc, tôi chào rồi nhỏ nhẹ:

- Năm hết tết đến, doanh nghiệp có chút quà và tập ấn phẩm mới in gọi là của ít lòng nhiều… chúc thủ trưởng đón tết vui vẻ và thành công…

- Ừ, à… anh em chu đáo nhỉ?

Cứ nghĩ sếp sẽ đứng dậy nhận túi quà. Nhưng không. Thấy vậy, tôi đành chuyền tay túi quà cho cậu phụ trách văn phòng rồi cậu ấy loay hoay đặt vào chiếc bàn ở góc phòng nơi đã có nhiều túi tương tự của những người đến trước. Lại nữa, cứ nghĩ truyền thống của người Việt, khách đến chúc tết chủ sẽ mời ngồi uống chén nước, hỏi han đôi ba câu, tỉ như: công việc thế nào, doanh nghiệp lo tết cho anh em ra sao? Chẳng có điều tối thiểu đó.

Thấy không thể cứ đứng như trời trồng thêm nữa tôi chủ động cáo lui. Sếp không một lời cảm ơn, không một cái bắt tay dù là xã giao, cũng không đứng dậy tiễn khách...

Tôi tự mở cửa phòng lách ra. Đi mà như chạy dọc hành lang ra ô tô rồi tôi “chém thớt” cậu phụ trách văn phòng trước mặt lái xe:

- Năm sau chào thân ái sếp nhé… nhé… Còn nếu có thì các cậu tự mà đi! Nhục lắm…

Chuyện đã gần chục năm rồi.

Tết này…từ cuối tháng 12.2017 tại cuộc họp trực tuyến với Bí thư, chủ tịch các tỉnh, thành phố trong cả nước Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mạnh mẽ truyền đi thông điệp: Yêu cầu các các bộ ngành, địa phương không được đi chúc tết trung ương; nghiêm cấm tặng quà cấp trên dưới mọi hình thức. Tiếp đến, lãnh đạo một số tỉnh, thành phố cũng lên tiếng đề nghị các sở, ban ngành thực hiện nội dung tương tự.

Còn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn thì khẳng định tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều ngày 3 - 2 mới đây: “Tết này tôi không nhận bất cứ món quà nào, bất kỳ một ai đem tặng”!

Cận Tết, tôi có vài cuộc tiếp xúc vớí nhiều người đang đứng đầu một số cơ quan, doanh nghiệp. Nhiều người mừng ra mặt, họ kỳ vọng hiệu ứng lan tỏa từ thông điệp của Thủ tướng, lãnh đạo một số bộ ngành sẽ giúp họ trút bỏ được gánh nặng, ám ảnh “mua gì, biếu gì, bao nhiêu” lâu nay. Nhưng, cũng không ít người còn băn khoăn với tâm trạng: Rõ là có giảm, nhưng để triệt tiêu hẳn thì có vẻ hơi hoang đường. Thôi, thì cứ nghe ngóng xem thiên hạ thế nào… người xưa nói: Ba mươi chưa phải là Tết!

Những người này lý giải: Thì đấy, sau ngày ông Công, ông Táo trên các đường phố trung tâm thủ đô vẫn thấy các cửa hàng, shop lớn shop nhỏ bày bán la liệt nhiều túi hàng, trong đó có những chai rượu, hộp bánh kẹo ngoại, thuốc lá 555, thậm chí có cả xì-gà…

Không phải không có cơ sở. Thị trường còn cầu thì còn cung!

Có một điều ai cũng nghĩ: Công nhân viên chức làm công ăn lương, người lao động bình thường không thể “dũng cảm” bỏ tiền túi ra mua sắm để tiêu xài, hoặc làm quà tặng quà biếu những thứ xa xỉ đó!

Nhà văn Bùi Đức Khiêm

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.