Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah (G) tại sân bay quân sự Palam, New Delhi, trong chuyến thăm Ấn Độ, ngày 24/01/2018. |
Nguồn dầu lửa dồi dào đã giúp cho hoàng gia Brunei
duy trì lối sống xa hoa của giới tinh hoa đặc quyền trong nhiều thập
niên. Nhưng nay dường như vương quốc Hồi giáo nhỏ bé này đã rơi vào hoàn
cảnh khó khăn. Theo The Diplomat, tình hình này là đáng báo động không chỉ đối với trong nước, mà cả cho Đông Nam Á và xa hơn nữa.
Những
thông tin gần đây về đầu tư nước ngoài tăng cao, chủ yếu là từ Trung
Quốc khiến người ta không khỏi nghi ngờ việc này ảnh hưởng đến chính
sách đối ngoại của Brunei.
Trường hợp Biển Đông là rất đáng quan
ngại. Brunei là nước có yêu sách chủ quyền nhưng khá lặng lẽ trong cuộc
tranh chấp, khác với các quốc gia Đông Nam Á khác như Việt Nam,
Philippines, Malaysia. Những diễn tiến gần đây càng gây thêm chú ý đối
với thái độ của vương quốc dầu lửa nhỏ bé này.
Trong lúc tranh
chấp Biển Đông ngày càng nóng lên do thái độ hung hăng của Bắc Kinh, các
thành viên ASEAN lại có những phản ứng khác nhau, không thể tập hợp
được thành một khối đoàn kết.
Tất nhiên là tình hình này khiến
Trung Quốc xoa tay hài lòng. Bắc Kinh muốn giành được ưu thế thông qua
thương lượng song phương, phản đối đàm phán đa phương với ASEAN. Riêng
Brunei thì được mệnh danh là «người yêu sách im lặng».
Thái
độ này khiến giới quan sát trước đây vẫn đặt ra một câu hỏi: đằng sau
sự im lặng này là gì? Nay chúng ta có thể nhìn dưới một lăng kính khác,
đó là tài sản của đất nước đang suy giảm, và một tương lai chính trị bất
định.
Chắc chắn là Brunei đã ý thức được trữ lượng dầu lửa của
mình đang cạn dần, làm ảnh hưởng đến sự bền vững của quyền lực chính
trị. Thế nên không có gì đáng ngạc nhiên khi trong những năm gần đây,
Brunei đã áp dụng luật Hồi giáo charia, xáo trộn lại nội các, đàn áp báo
chí và chận đứng các quyền tự do khác.
Nhưng bên cạnh những thay
đổi này, có một nhân tố bao trùm lên tất cả: đó là Trung Quốc! Các nhà
phê bình ghi nhận thực trạng: luồng đầu tư của Bắc Kinh ồ ạt đổ vào
trong những năm qua trùng hợp với việc dập tắt tất cả những chỉ trích
đối với Bắc Kinhdù nhẹ nhàng, cũng như sự câm lặng của Brunei trước
những gì chống lại Trung Quốc, trong đó có hồ sơ Biển Đông.
Gần đây Ahmed Mansoor, một cựu nhà báo ở Brunei đã công bố một số chi tiết quan trọng. Ông viết:
«Để đổi lấy 6 tỉ đô la đầu tư của Trung Quốc vào kỹ nghệ lọc dầu và cơ
sở hạ tầng, cùng với lời hứa tăng cường hợp tác thương mại và nông
nghiệp, Brunei tiếp tục im tiếng trước các hành vi xác quyết chủ quyền
của Bắc Kinh trên Biển Đông. Brunei từ chối chỉ trích nhà đầu tư lớn
nhất của mình, cho dù có yêu sách trên vùng biển chồng lấn (…) Thậm chí
khi báo chí địa phương lên tiếng phê phán khiến đại sứ quán Trung Quốc
phản ứng, chính quyền bèn siết chặt kiểm soát».
Bài viết trên
càng cho thấy rõ tình trạng kinh tế sa sút của Brunei, gồm cả nguồn thu
bị giảm lẫn ngân sách thâm thủng. Tình hình này ảnh hưởng đến các lãnh
vực đối ngoại, chi tiêu quốc phòng và quan hệ với các nước.
The Diplomat
kết luận, Brunei từng được hoan nghênh khi gia nhập ASEAN, và có một
thời cũng đã đóng một vai trò nào đó cho các sáng kiến khu vực. Tuy
nhiên trước các thách thức nội bộ đang tăng lên, vương quốc này đang trở
thành gánh nặng, thay vì mang lại lợi ích cho vùng Đông Nam Á.
William Mellor, một nhà báo kỳ cựu có uy tín trong khu vực, năm ngoái khi phỏng vấn quốc vương Brunei đã hỏi: «Brunei còn có thể duy trì được tầm ảnh hưởng vượt quá sức vóc của mình trong bao lâu?». Qua những diễn biến gần đây, câu trả lời dường như đã thuộc về quá khứ.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.