lundi 26 février 2018

Đỗ Ngà - Chuyện bán hoa ngày Tết và cái nhìn của giới kinh doanh Việt Nam



Những chậu hoa Tết bán ế bị đập bỏ. Ảnh báo Thanh Niên.

Cung cầu nó có quy luật của nó, có những lúc cầu lớn trong một thời gian dài, có lúc cầu nó chỉ đột biến trong khoảng thời gian cực ngắn. Ví dụ rau sạch cho giới có nhu cầu cao về an toàn thực phẩm, thì thực phẩm sạch hay thực phẩm nhập luôn bán giá cao. Vì nó là nhu cầu lớn trong thời gian dài. Còn nhu cầu hoa ngày Tết, nó là nhu cầu đột biến trong khoảng thời gian cực ngắn, đầu tư vào nó mang tính rủi ro cao vì sự ế ẩm nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào, khó mà đoán định chính xác. 

Kẻ hám lợi thiếu suy nghĩ thì họ cho rằng, bán giá càng cao càng lời. Nhưng không phải thế, khi nâng giá cao thì tất người mua sẽ giảm đi. Trừ mặt hàng thiết yếu mà lại độc quyền thì khi tăng giá, khách hàng phải cắn răng chịu đựng, còn những mặt hàng không độc quyền đều có quy luật đó cả. 

Kinh doanh bền vững là biết chia sẻ lợi ích. Điều đó không hẳn là lỗ mà nó còn là cách kinh doanh khôn ngoan. Ví dụ, bạn là ông chủ, khi nhân viên bán hàng tốt bạn không ngần ngại thưởng cho họ. Điều đó tưởng như bạn bị mất tiền vì phải chi cho việc thưởng. Nhưng không, chính khoản tiền thưởng đó kích thích năng suất lao động cao hơn, nó mang lại lợi ích cho bạn còn cao hơn nếu không thưởng. 

Trong quan hệ đối tác làm ăn cũng vậy. Nếu bạn là nhà thầu chính, dưới bạn có nhiều nhà thầu phụ. Bạn giao thầu giá thật sát, những thầu phụ vì đói công trình, họ nhận thầu để nuôi quân trong giai đoạn khó khăn. Lần khác khi họ hết khó khăn họ sẽ bái bai bạn. Vì thế khi có những công trình gấp đòi hỏi tiến độ ngặt nghèo nhưng lợi nhuận cao, thì bạn chẳng tìm đâu ra thầu phụ để đảm bảo tiến độ cho bạn cả. Mọi sự đều có giá của nó, tham lam không thể bằng kẻ biết sẻ chia lợi ích nếu đứng trước cơ hội như nhau.

Nhìn rộng ra xã hội ta thấy ngay, nơi nào lòng tham ngự trị, nơi đó chưa bao giờ là nơi làm kinh tế tốt. Tại các nước tiến bộ, nơi mà những học thuyết kinh tế được áp dụng một cách bài bản ta thấy gì? Vào ngày lễ họ giảm giá để thu hút khách hàng dù lúc đó cầu rất lớn. Tại sao họ làm ngược đời vậy? 

Ví dụ tôi bán cua, mua vào 150.000 đ/kg, ngày thường tôi bán giá 200.000 đ/kg. Nhưng theo thống kê ngày thường người mua cao lắm là 50 người, vậy tôi có lời là 2.500.000 đ/ngày. Nhưng lễ 02/09, nếu tôi bán giá 190.000 đ/kg thì người ta mua hết 500 kg. Vậy tôi lời 20.000.000 đ và bán hết hàng. Nhưng nếu tôi bán giá 300.000 đ/kg và người ta mua chỉ là 100 kg và tồn kho 400 kg. Tính ra số tiền lời trên số hàng bán là 15.000.000 đ, nhưng kèm theo hàng tồn kho rất lớn, nguy cơ lỗ nếu phần còn lại không bán được. 

Như vậy sự buôn bán dựa vào lòng tham dễ dẫn tới người bán lỗ, người mua không có hàng, nhưng hàng thì vẫn cứ tồn kho hoặc đem hủy bỏ, vì khi hết cầu những thứ đó cho không ai thèm lấy. Chợ hoa ngày Tết của Việt Nam là một câu chuyện về thị trường kinh doanh dựa vào lòng tham. Kẻ bán muốn thật cao giá, người mua canh me lúc cận giao thừa mới mua để ép giá. Đây là trò đểu cáng hai bên tung vào nhau. Kết quả kẻ bán lỗ, người mua không có hàng chơi Tết nhưng hoa thì vẫn cứ bị đập bỏ. Điều này làm lãng phí của cải xã hội vô cùng. 

Cho nên, ở Việt Nam sự buôn bán cứ cố dẫm đạp lên nhau mà giành giật lợi thế cho mình. Mấy doanh nghiệp biết xây dựng thương hiệu cho mình bằng triết lý nhân văn? Mấy doanh nghiệp lấy chia sẻ lợi ích làm triết lý kinh doanh? Nên đây cũng là một trong những lý do doanh nghiệp Việt không bơi ra biển lớn là vậy. Bài toán xây dựng thương hiệu với doanh nghiệp Việt cứ mãi là bài toán khó khăn.

FB ĐỖ NGÀ 16.02.2018

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.