Fidel Castro và Fidelito lúc nhỏ. |
Tác giả Christian Makarian trong bài viết « Vụ tự sát trong gia đình Castro » đăng trên L’Express nhận định: việc người con trai của lãnh tụ Cuba Fidel Castro tự kết liễu cuộc đời là một chỉ dấu chính trị.
Đó
là người nối dõi duy nhất có ngoại hình giống y Fidel Castro. Trong số
những người con trong và ngoài giá thú mà lãnh tụ Cuba để lại, Fidelito
cũng là người duy nhất tìm đến cái chết ở tuổi 68. Người ta biết được sự
kiện này qua một thông cáo ngắn gọn : « Tiến sĩ khoa học Fidel
Castro Diaz-Balart, đã được một nhóm bác sĩ chăm sóc từ nhiều tháng qua
do bị trầm cảm nặng nề, đã tự sát sáng nay 01/02/2018 ».
Theo
tác giả, bản thân vụ tự tử này cho thấy sự trượt dốc của chế độ Castro -
dường như không thể nào vực dậy được nếu không thay đổi triệt để đường
lối. Cuộc đời của Fidelito là sự tóm lược kinh nghiệm thảm hại của chủ
nghĩa mác-xít Cuba. Cái chết của ông như một sự biểu hiện về chính trị,
nhấn mạnh đến sự vô nghĩa của một ý thức hệ cằn cỗi mà một giai cấp phải
bám vào – một viễn cảnh tuyệt vọng.
Fidelito được biết đến rất
sớm. Năm 1959, trong một cuộc phỏng vấn hết sức nổi tiếng do kênh truyền
hình CBS thực hiện, nhà cách mạng có bộ râu quai nón đang thách thức
Hoa Kỳ, xuất hiện trên màn hình với bộ pyjama. Để trấn an công chúng Mỹ,
Fidel bỗng dưng bế cậu bé Fidelito, cũng đang mặc đồ ngủ, giơ lên cao.
"Fidelito" Castro |
Nhưng
tình phụ tử chỉ ở ngoài mặt… Fidel không quan tâm lắm đến con cái,
ngược lại với chủ tịch hiện nay, ông Raul Castro là người cha rất có
trách nhiệm của bốn đứa con. Raul cũng có một thời gian mang cháu
Fidelito về chăm sóc.
Sau
khi học ngành vật lý nguyên tử ở Liên Xô dưới một cái tên giả, trong
một trường đại học dành riêng cho con cái quan chức lớn, Fidelito trở về
Cuba, tiếp tục làm công tác nghiên cứu khoa học và đến năm 1980 trở
thành người lãnh đạo CEA (Trung tâm nghiên cứu về nước Mỹ). Nói thạo
tiếng Nga, ông cưới cô Olga Smirnova, có hai con là Fidel Antonio và
Mirta Maria.
Năm 1992, Fidelito bỗng dưng bị chính cha mình tước chức vụ. Fidel Castro tuyên bố một cách nghiêm khắc : « Fidelito không phải từ chức mà bị cách chức : Cuba không phải là một nước quân chủ ! ». Sau
đó nhà khoa học bị trầm cảm nặng, kéo theo một chuỗi ngày suy sụp, dù
người ta đã cho ông một chức vụ ngồi chơi xơi nước là phó chủ tịch Viện
hàn lâm khoa học Cuba.
Số phận của Fidelito cho thấy sự thô bạo
của chế độ cộng sản Cuba. Mẹ ông, bà Mirta Diaz-Balard, vợ đầu của Fidel
Castro vốn là thành viên một gia đình đông đúc. Do đó Fidelito có người
anh em họ là dân biểu Mỹ Mario Diaz-Balart, một nhân vật chống chế độ
Castro kịch liệt. Ông Mario rất ủng hộ Donald Trump, gần đây tuyên bố « mọi người đã đánh giá không đúng về tổng thống Trump » - người mà hồi tháng 6/2017 đã hủy bỏ thỏa thuận xích gần lại với Cuba do ông Barack Obama ký kết.
Tác giả Christian Makarian kết luận, như một thách thức cuối cùng đối với người cha đã đưa ra khẩu hiệu nổi tiếng « Tổ quốc hay là chết », Fidelito đã chọn cái chết lạnh lẽo, thay cho Tổ quốc xã hội chủ nghĩa dưới ánh mặt trời nhiệt đới.
Trí thức Pháp bị Mao mê hoặc như thế nào ?
Cũng liên quan đến ý thức hệ cộng sản, Le Point có bài phỏng vấn chuyên gia François Hourmant, tác giả cuốn « Những năm tháng mao-ít tại Pháp ». Nhiều trí thức Pháp trong thời kỳ từ 1966 đến 1976 đã bị Mao Trạch Đông mê hoặc như thế nào ?
Theo
ông Hourmant, từ khi khởi đầu cuộc Trường Chinh, Mao trở thành một biểu
tượng cách mạng, một con người hành động theo kiểu Fidel Castro hoặc
Che Guavara. Việc phổ biến quyển Sách Đỏ tại Pháp với giá rất rẻ cũng
giúp nâng Mao Trạch Đông lên hàng lý thuyết gia cách mạng, bên cạnh
Lênin và Stalin.
Cuộc chiến tranh Việt Nam mang lại một luống gió mới « chống đế quốc ».
Vụ Budapest và bản báo cáo Khrouchtchev năm 1956 đã khiến Liên Xô gây
thất vọng nơi những người mác-xít. Cuộc Cách mạng văn hóa do Mao Trạch
Đông tung ra năm 1966 mang lại tia hy vọng : được tuyên truyền là một
phong trào đột xuất của quần chúng, chiến dịch này giúp Trung Quốc gây
tiếng vang lớn, qua mặt cả Cuba. Mốt cổ áo kiểu Mao được nhiều nhà tạo
mốt lừng danh của Pháp lăng-xê.
Nhiều trí thức, chính khách tên
tuổi Pháp được mời sang Trung Quốc, được Bắc Kinh hậu đãi. Đa số khám
phá ra rằng giấc mơ bình đẳng mà trong sâu thẳm tâm hồn họ luôn tin, vẫn
chỉ là giấc mơ, nhưng « há miệng mắc quai ». Bên cạnh đó, một số vẫn
còn ảo tưởng. Tác giả Simon Leys sau khi can đảm tung ra cuốn « Bộ áo mới của Mao chủ tịch » năm 1971, tố cáo sự tàn bạo của Cách mạng văn hóa và sự mù quáng của những người tôn sùng Mao, đã bị đả kích dữ dội.
Lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông Pyeongchang, 09/02/2018. |
Tựa chính báo Pháp : Thế vận hội Pyeongchang, bitcoin…
Trang nhất tuần báo L’Express chạy tựa « Để hiểu bitcoin »
với các câu hỏi được đặt ra : Liệu có thể hưởng lợi từ đồng tiền ảo
này, hay nên nghi ngại ? Và các ngân hàng và Nhà nước chừng như không
theo kịp thời sự ?
Le Point tuần này đăng chân dung Laurent
Wauquier, thủ lãnh đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa, mà tờ báo nhận
định là người làm cho tổng thống Emmanuel Macron e sợ. L’Obs báo động về « Những xu hướng hằn thù mới đối với người Do Thái », với những bài phóng sự tại Đức, Bỉ, Thụy Điển và Pháp.
Le Courrier International dành chủ đề cho « Hàn Quốc, Thế vận của đối thoại » với
nhận định tổng thống Moon Jae In trông cậy vào Olympic Pyeongchang vừa
khai mạc ngày thứ Sáu 09/02/2018 để đánh bóng lại hình ảnh một trong
những nền dân chủ hiếm hoi ở châu Á.
Moon Jae In, người mơ mộng bướng bỉnh
Trước hết về tống thống Hàn Quốc, Le Point nhận định « Ông Moon, người mơ mộng bướng bỉnh ».
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In |
Theo
một người có trách nhiệm ở Phủ tổng thống Hàn Quốc, hồi đầu tháng
11/2017, trong cuộc hội đàm với người đứng đầu nước Mỹ, ông Donald Trump
có hỏi ông Moon Jae In là « Ngoài Bắc Triều Tiên, ông còn đang lo lắng điều gì khác ? Tôi có thể giúp ông được không ? ». Dù rất muốn trả lời « Điều đáng lo nhất của tôi chính là ông ! », nhưng ông Moon lại thổ lộ « Đó là Thế vận hội mùa đông ». Donald Trump đồng ý giúp, và gởi phó tổng thống Mike Pence đến hỗ trợ.
Ba
tháng sau, giấc mộng của ông Moon trở thành sự thật. Nhưng nhiều chiến
lược gia Mỹ lo lắng, liệu tổng thống Hàn Quốc có rơi vào bẫy, làm lỏng
lẻo đi liên minh Seoul-Washington, nhờ đó Bắc Kinh và Bình Nhưỡng thủ
lợi lớn ? Để trấn an, Moon Jae In đòi hỏi việc phi hạt nhân hóa phải nằm
trong chương trình nghị sự liên Triều.
Ông cố làm mọi cách để
qua sự kiện Olympic tái lập được kênh liên lạc với Bình Nhưỡng, điều
kiện cần thiết để tiến đến một hội nghị thượng đỉnh với Kim Jong Un.
Nhưng không phải bằng mọi giá, « không mở thượng đỉnh chỉ để có được thượng đỉnh ».
Moon Jae In không muốn bước theo vết xe đổ của người tiền nhiệm Roh Moo
Hyun – viện trợ ồ ạt cho Bắc Triều Tiên nhưng không được đáp lại bao
nhiêu.
Thời gian không còn nhiều đối với một tổng thống mà Hiến
Pháp cấm tái ứng cử. Nhà nghiên cứu Kim Jiyoon, Viện nghiên cứu châu Á ở
Seoul cảnh báo : « Ông Moon có hai năm để thành công, sau đó sức bật sẽ không còn nữa ». Trừ phi Thế vận hội mang lại được phép lạ.
Cuộc "cách mạng nến" ở Hàn Quốc. |
Dân chủ có thể đi liền với văn hóa Khổng giáo
Trong hồ sơ về Olympic Pyeongchang, Le Courrier International dịch bài báo của tờ Kyunghyang Shinmun cho rằng « Người Hàn Quốc phải tỏ ra gương mẫu ». Nhật
báo xuất bản tại Seoul vui mừng nhận định, dân chủ có thể hòa hợp với
văn hóa Khổng giáo, mà những sự kiện chính trị chấn động gần đây tại
nước này đã chứng tỏ.
Tác giả nhắc lại cuộc tranh luận năm 1994
giữa thủ tướng Singapore thời đó là ông Lý Quang Diệu và ông Kim Dae
Ung, thủ lãnh phe đối lập dân chủ Hàn Quốc. Ông Lý cho rằng Khổng giáo
vốn độc đoán, giúp phát triển kinh tế nhưng không phù hợp với nền dân
chủ. Nhưng ông Kim phản bác, nói rằng dân chủ không phải là một loại văn
hóa, mà là một giá trị phổ quát của lịch sử nhân loại.
Về sức
mạnh phong trào quần chúng và cách điều hành nhà nước dân chủ, thì
Singapore, Trung Quốc và thậm chí Nhật Bản tỏ ra yếu hơn Hàn Quốc, nếu
so sánh với tầm vóc kinh tế. « Cuộc cách mạng nến » tại Hàn Quốc năm 2017 cho thấy rõ điều đó. Bài xã luận của tờ Financial Times hôm 29/08/2017 khẳng định « Dân chủ và kinh tế đều tiến triển » tại nước này, sau vụ tư pháp kết án cựu tổng thống và người kế nghiệp Samsung - tập đoàn uy lực nhất nước.
Hàn
Quốc cũng gặp phải các vấn đề bất bình đẳng xã hội, dân số lão hóa…như
đa số các quốc gia phát triển. Nhưng nếu các nước này tiết giảm vai trò
của Nhà nước, thì ông Moon lại mở rộng, đồng thời áp dụng các biện pháp
tự do hóa. Theo Bloomberg, chính sách này có cơ thành công, vì nền tài
chính Hàn Quốc khá lành mạnh, và phúc lợi xã hội cũng tương đối. Hãng
tin bày tỏ hy vọng Hàn Quốc giải quyết được những vấn đề kinh tế một
cách dân chủ.
Chánh văn phòng John Kelly (P) trong buổi TT Donald Trump tiếp những người Bắc Triều Tiên đào thoát, 02/02/2018. |
Bốn chàng ngự lâm pháo thủ của Donald Trump
Liên quan đến Hoa Kỳ, L’Express nói về « John Kelly, ông từ giữ đền của Donald Trump ».
Là cựu tướng lãnh trong chiến tranh Irak, John F.Kelly đã được đôn lên
làm chánh văn phòng Nhà Trắng, một chức vụ chủ chốt tại Phủ tổng thống.
Có
cách nói năng điềm tĩnh, khuôn mặt thản nhiên, rất tự chủ, ông Kelly
không cần phải cao giọng để buộc người ta lắng nghe. Bốn mươi lăm năm
phục vụ ở thủy quân lục chiến và tài lãnh đạo bẩm sinh khiến vị tướng
bốn sao trở thành một huyền thoại, được cả phe Cộng Hòa lẫn Dân Chủ kính
nể. Vị tướng về hưu 67 tuổi có sức khỏe rất tốt : ông có thể hít đất
liên tục 200 cái một cách thoải mái.
Với chức vụ chánh văn phòng Nhà Trắng (chief of staff), ông John Kelly, được gọi thân mật « Kel »,
là cố vấn thân cận nhất của tổng thống. Chính ông là người quyết định
xem ai được bước vào Phòng Bầu dục. Ông thương lượng với Quốc Hội, tiếp
xúc trực tiếp với các nguyên thủ nước ngoài, là người duy nhất ở bên
cạnh tổng thống trong những quyết định quan trọng. Từ khi nhậm chức hôm
31/12/2017, ông đã lập lại trật tự ở « West Wing », khu vực trước
đây là nơi tranh giành ảnh hưởng của ba phe : Steve Bannon, cặp vợ
chồng Ivanka, và người tiền nhiệm của ông là Reince Priebus. Nay thì tất
cả những ai muốn nói chuyện với tổng thống phải được chánh văn phòng
thông qua, kể cả cô con gái cưng Ivanka của ông Trump !
Tổng biên tập tạp chí The Atlantic
nhận định, nếu Nhà Trắng không còn lộn xộn như trước, phần lớn là do
công lao của Kelly và hai vị tướng khác. Đó là H.R.McMaster, cố vấn an
ninh quốc gia ; và James Mattis, bộ trưởng Quốc Phòng, trước đây là sếp
của ông Kelly. Ngoài ra còn phải kể thêm tướng Joseph Dunford, tổng tham
mưu trưởng quân đội. Bốn vị tướng uy tín này là « bốn chàng ngự lâm pháo thủ » của tổng thống.
Xuất
thân từ một gia đình công giáo bình dân gốc Ireland, chàng thiếu niên
Kelly từng du lịch xuyên nước Mỹ bằng cách đi nhờ xe. Thích phiêu lưu,
ông trở thành thủy thủ tàu vận tải năm 1970, và chuyến hải hành đầu tiên
của Kelly là nhằm giao 10.000 tấn bia cho Việt Nam. Sau đó ông gia nhập
thủy quân lục chiến, leo dần từ lính trơn lên đến chức vụ ngày hôm nay.
Gần đây theo lời đồn đãi Donald Trump do bất đồng quan điểm với
John Kelly, có nặng lời về ông. Nhưng cũng theo tin đồn, là bốn chàng
ngự lâm pháo thủ có bí mật cam kết với nhau, nếu một người rời chức vụ
thì tất cả sẽ từ chức cùng một lúc. Do đó tổng thống khó thể tự tiện
xuống tay.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.