Các đơn vị bộ đội chủ lực được điều lên Cao Bằng để tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 (Ảnh tư liệu) |
(Văn Hóa 17/02/2018) “Trong cuộc chiến
bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, khi các quân đoàn chủ lực của quân đội ta
thần tốc từ phía Nam trở ra cũng là lúc Trung Quốc tuyên bố rút quân. Khi đó,
chúng ta có đủ điều kiện để truy kích, gây tổn thất cho quân xâm lược, nhưng
chúng ta không làm vì chúng ta muốn có hòa bình”, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy - nguyên quyền Tư lệnh
Quân khu 2, nguyên Tham mưu trưởng Mặt trận Vị Xuyên thời kỳ 1985-1989 chia sẻ.
Thiếu
tướng Nguyễn Đức Huy năm nay đã bước sang tuổi 89 nhưng vẫn khỏe mạnh và minh
mẫn. Ông vẫn nhớ như in những ngày cuối tháng 2.1979, trên cương vị là Sư đoàn
trưởng Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 đã hành quân lên biên giới đánh địch. Ông nhớ
lại:
Tháng
2.1979, khi chính quyền Bắc Kinh đưa 60 vạn quân đồng loạt tấn công vào 6 tỉnh
biên giới phía Bắc nước ta, lúc đó các quân đoàn chủ lực của Quân đội Nhân dân
Việt Nam đang làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia. Ở miền Bắc nước ta chỉ có duy
nhất có Quân đoàn 1 để bảo vệ thủ đô.
Thời
điểm đó về cơ bản quân ta cũng đã đánh tan quân Pol Pot. Chúng ta để một lực
lượng của Quân đoàn 4 và một số lực lượng của Quân khu 9 và 7 để tiếp tục giúp
bạn truy quét lực lượng này.
Như
vậy, các quân đoàn chủ lực đã nhanh chóng được đưa về nước để chặn bước tiến
của quân bành trướng Trung Quốc, thưa ông?
-
Chúng ta đã điều động Quân đoàn 2 và Quân đoàn 3 nhanh chóng bằng mọi cách về
nước và lên biên giới. Lúc này quân Trung Quốc chưa rút. Chúng ta đã xây dựng
kế hoạch như sau: Nếu như quân Trung Quốc tiếp tục thọc sâu hơn, qua thị xã
Lạng Sơn đến đèo Sài Hồ hoặc chúng xuống theo đường 1B Bắc Sơn (Thái Nguyên)
thì chúng ta dùng từ 2 - 3 quân đoàn để tiêu diệt quân Trung Quốc.
Ở
hai địa danh đó thứ nhất là đường độc đạo, thứ hai với đặc điểm địa hình sẽ
thuận lợi cho quân ta bao vây tập kích khi quân xâm lược tới. Tuy nhiên ở mặt
trận này quân địch chỉ đánh đến thị xã Lạng Sơn, vào những ngày đầu tháng
3.1979 chúng bắt đầu rút quân.
Cụ
thể, theo các tài liệu lịch sử quân sự, ngày 18.2, Quân khu 3 cho Sư đoàn bộ
binh 327 (gồm Trung đoàn bộ binh 42, 75, 540 và Trung đoàn pháo binh 120) từ
Quảng Ninh lên tăng cường cho Quân khu 1. Tiếp đó ngày 19.2, Quân khu 4 gấp rút
tổ chức cho Sư đoàn bộ binh 337 (gồm Trung đoàn bộ binh 4, 52, 92 và Trung đoàn
pháo binh 108) hành quân bằng cả tàu hỏa và xe vận tải từ Nghệ An ra.
Ngày
25.2 các đơn vị này đều được bổ sung cho điểm nóng nhất lúc này là mặt trận
Lạng Sơn và sau đó nằm trong đội hình Quân đoàn 5 – Binh đoàn Chi Lăng.
Trước
tình hình chiến sự ngày càng trở nên quyết liệt ở khu vực thị xã Lạng Sơn, Bộ
Quốc phòng đã quyết định sử dụng đến các đơn vị cơ động chiến lược. Ngày 3.3,
Quân đoàn 1 – Binh đoàn Quyết Thắng nhận lệnh cho Sư đoàn bộ binh 320B (sau này
đổi thành 390 - đoàn Đồng Bằng, gồm Trung đoàn bộ binh 27, 48, 64 và Trung đoàn
pháo binh 54) được tăng cường Trung đoàn bộ binh 209 (đoàn Sông Lô) thuộc Sư
đoàn bộ binh 312 (đoàn Chiến Thắng) và tiểu đoàn pháo tầm xa 130mm của Lữ đoàn
pháo binh 45 (đoàn Tất Thắng) cấp tốc hành quân lên Lạng Sơn.
Tối
4.3, các đơn vị này đã triển khai sẵn sàng trên tuyến chiến đấu Chi Lăng-Đồng
Mỏ-Hữu Kiên. Trước đó một tuần, ngày 27.2, Quân đoàn 2 - Binh đoàn Hương Giang
đang làm nhiệm vụ truy quét Khmer Đỏ tại Kampot, Kampong Som (Campuchia) cũng
được lệnh cơ động gấp toàn bộ lực lượng về nước.
Cuộc
chuyển quân thần tốc bằng cả đường biển, đường bộ, đường sắt và đường không bắt
đầu từ 6.3. Đến 11.3 những đơn vị đầu tiên của quân đoàn gồm Sư đoàn bộ binh
304 (đoàn Vinh Quang), Lữ đoàn pháo binh 164 (đoàn Bến Hải), Lữ đoàn phòng
không 673, tiểu đoàn trinh sát… đã về tới Hà Nội.
Theo
kinh nghiệm của một vị tướng dày dạn trận mạc như ông, tại sao Trung Quốc lại
rút quân vào thời điểm đó?
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy |
-
Thứ nhất, có thể chúng có ý đồ chỉ đánh đến mức độ như vậy với mục đích phá hoại
các cơ sở kinh tế, hạ tầng mà chúng ta đã xây dựng. Bên cạnh đó việc quân địch
rút quân một cách nhanh chóng có thể còn vì lý do khác nữa. Đó là chúng thấy
lực lượng chủ lực của ta đã sẵn sàng, nếu đánh thọc sâu vào lãnh thổ có thể sẽ
gặp tổn thất lớn.
Cần
phải thấy rõ điều này khi 60 vạn quân Trung Quốc nổ súng tấn công 6 tỉnh biên
giới nước ta. Ở giai đoạn đầu của cuộc chiến chúng ta chỉ có những sư đoàn của
các Quân khu chiến đấu, như ở Quảng Ninh có Sư đoàn 328, Lạng Sơn có Sư đoàn 3,
Lào Cai có Sư đoàn 316. Cùng với bộ đội địa phương là lực lượng biên phòng, dân
quân tự vệ đã anh dũng chiến đấu để chặn bước tiến của địch và gây cho chúng
những tổn thất nặng nề.
Có
thể chúng nghĩ tới trường hợp khi các quân đoàn chủ lực của chúng ta trở về,
đây là những đơn vị rất thiện chiến của Quân đội Nhân dân Việt Nam, đã từng
chiến đấu và giành thắng lợi qua nhiều chiến trường gian khổ, ác liệt, nếu như
tiếp tục đánh nhau chúng sẽ bị tổn thất rất lớn nên sớm rút quân về.
Theo
dự kiến ban đầu, hai sư đoàn 320B và 304 sẽ phối hợp phản công trên hướng Bản
Chắt (Đình Lập). Sau khi chiến dịch phản công được ngừng lại, một bộ phận của
Sư đoàn 304 đã kịp thời chuyển lên tham gia đánh địch tại Trà Lĩnh (Cao Bằng).
Bộ
Quốc phòng cũng quyết định điều một phần lực lượng Sư đoàn không quân 372 (đoàn
Hải Vân) ra Bắc làm nhiệm vụ. Từ 18.2 đến 3.3, các phi đội thuộc Trung đoàn
không quân 917 (đoàn Đồng Tháp), 935 (đoàn Đồng Nai) và 937 (đoàn Hậu Giang)
gồm 10 trực thăng UH-1, 3 máy bay trinh sát U-17, 10 máy bay cường kích A-37,
10 máy bay tiêm kích bom F-5 lần lượt được triển khai ở căn cứ Hòa Lạc, Kép,
Bạch Mai và Nội Bài, cùng với các phi đội tiêm kích MiG-17, MiG-21 của Sư đoàn
không quân 371 (đoàn Thăng Long) đặt trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao
độ.
Ở
phía Nam, trực thăng và máy bay vận tải của Trung đoàn không quân 916 (đoàn Ba
Vì), 918 và Đoàn bay 919 Tổng cục Hàng không dân dụng phối hợp với không quân
Liên Xô khẩn trương tập kết và vận chuyển Quân đoàn 2 ra Bắc.
Ngoài
ra Đoàn bay 919 còn sử dụng máy bay vận tải IL-14 (có MiG-21 yểm hộ) bay nhiều
chuyến thả dù tiếp tế cho lực lượng vũ trang ta ở khu vực xã Canh Tân-Minh
Khai, Thạch An (Cao Bằng).
Lạng
Sơn được Quân khu 1 tăng cường Trung đoàn 197 Bắc Thái cho hướng thị xã và
Trung đoàn 196 Hà Bắc cho hướng Đình Lập. Sau đó Bộ Quốc phòng còn tiếp tục bổ
sung thêm Trung đoàn pháo phản lực 204, Trung đoàn đặc công 198, Trung đoàn 98
Sư đoàn công binh 473, Lữ đoàn công binh 229 (đoàn Sông Đà), đơn vị súng phun
lửa của Trung đoàn phòng hóa 86…
Hướng
Cao Bằng được tăng cường Trung đoàn 183 Hải Hưng, Tiểu đoàn đặc công 45, tiểu
đoàn pháo tầm xa 122mm của Lữ đoàn pháo binh 675, tiểu đoàn tên lửa chống tăng
B72, Trung đoàn 38 Sư đoàn công binh 473, Tiểu đoàn 126, 127 bộ đội địa phương
Bắc Thái cùng một số tiểu đoàn tự vệ của nhà máy gang thép Thái Nguyên, công ty
xây lắp luyện kim... Ngoài ra Quân khu 1 cho thành lập thêm Sư đoàn bộ binh 311
trên cơ sở Trung đoàn 38 Sư đoàn 473.
Hướng
Hoàng Liên Sơn cũng được tăng cường một số đơn vị, trong đó có tiểu đoàn pháo
tầm xa của Lữ đoàn pháo binh 368... Tính chung, tổng cộng 2 sư đoàn bộ binh, 2
tiểu đoàn đặc công, 2 tiểu đoàn pháo tầm xa và 25 tiểu đoàn dự nhiệm cùng nhiều
đơn vị binh chủng và dân quân tự vệ các địa phương của Quân khu 1, 2, 3, 4 và
Thủ đô Hà Nội đã được điều động lên biên giới tham gia chiến đấu hoặc sẵn sàng
chiến đấu.
Thưa
ông, các quân đoàn chủ lực của ta đã sẵn sàng chiến đấu, nhưng khi địch rút tại
sao chúng ta không truy kích?
-
Cần phải nói rằng, trong cuộc chiến năm 1979, chưa có đơn vị chủ lực nào của
chúng ta phải chạm trán với quân Trung Quốc. Cũng có nhiều người đặt câu hỏi
như anh: Khi lực lượng chủ lực của chúng ta đã sẵn sàng nhưng quân địch lại rút
lui, tại sao chúng ta không tổ chức truy kích?
Thực
tế quân ta có đủ điều kiện truy kích khi quân địch rút để gây tổn thất cho
chúng. Có mấy yếu tố, thứ nhất quân ta thiện chiến, những đơn vị quân đội của
chúng ta từng chiến đấu liên tục suốt mấy chục năm, binh sĩ, sĩ quan của quân
đội ta có nhiều kinh nghiệm tác chiến ở những chiến trường khác nhau; thứ hai
là vũ khí, trang bị của chúng ta cũng đầy đủ không thua kém gì so với quân
Trung Quốc.
Chúng
ta có thể đưa quân chủ lực truy kích để tiêu diệt quân địch, tuy nhiên chúng ta
không làm thế. Chúng ta chiến đấu là để quân xâm lược rút khỏi bờ cõi lãnh thổ
nước ta. Chúng ta không truy kích khi quân xâm lược rút chạy là vì chúng ta
muốn hòa bình, chúng ta không muốn gây chiến.
Đây
cũng là động thái tiếp nối truyền thống cha ông ta. Vào thế kỷ XV khi quân Minh
sang xâm lược nước ta, sau khi chúng bị ta đánh bại, vua tôi nhà Lê cũng vẫn
cấp lương thực, thuyền bè và ngựa giúp cho quân giặc rút về nước. Đó là thiện
chí của chúng ta. Chúng ta là một dân tộc luôn mong muốn có hòa bình, luôn mong
muốn đất nước bình yên, ổn định để sớm khôi phục kinh tế và xây dựng lại cơ sở
hạ tầng bị tàn phá sau các cuộc chiến tranh trước đó.
Xin
cảm ơn Thiếu tướng!
Ngày 4.3.1979, Ban chấp hành Trung ương Đảng ra lời hiệu triệu, kêu gọi
đồng bào và chiến sĩ cả nước nhất tề đứng lên bảo vệ tổ quốc.
Sáng 5.3, chương trình phát thanh 90 phút thường ngày của Đài tiếng nói
Việt Nam phát bản tin đặc biệt với lời kêu gọi: "Hỡi đồng bào và chiến sĩ yêu quý! Quân thù đang giày xéo non
sông, đất nước ta. Độc lập, tự do, chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta đang bị xâm
phạm. Hòa bình và ổn định ở Đông Nam châu Á đang bị đe dọa. Dân tộc Việt Nam ta
phải ra sức chiến đấu để tự vệ... Toàn thể đồng bào các dân tộc anh em trong cả
nước, các tôn giáo, các đảng phái, già, trẻ, gái, trai hãy phát huy truyền
thống Diên Hồng, triệu người như một, nhất tề đứng lên bảo vệ Tổ quốc".
Ngay sau lời kêu gọi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường
dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh. Theo đề nghị của Hội đồng
Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra quyết định tổng động viên trong cả
nước. Mọi công dân trong lứa tuổi do luật định đều phải gia nhập lực lượng vũ
trang theo kế hoạch của Hội đồng Chính phủ; huy động mọi nhân lực, vật lực, tài
lực cần thiết để đảm bảo nhu cầu của cuộc kháng chiến cứu nước.
Cùng ngày, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký sắc lệnh 29 - LCT ra lệnh tổng
động viên trong cả nước. Hội đồng Chính phủ ban hành nghị định về việc thực
hiện quân sự hóa toàn dân, vũ trang toàn dân. Trong đó, yêu cầu nam từ 18 đến
45 tuổi, nữ từ 18 đến 35 tuổi có đủ điều kiện, đều gia nhập hàng ngũ du kích và
tự vệ.
Ngoài ra, ai tự nguyện đều được đưa vào tổ chức vũ trang quần chúng. Khi
xảy ra chiến sự ở địa phương, trừ những người được phép sơ tán đi nơi khác, còn
tất cả mọi người phải ở lại làm nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
Đứng trước quyết tâm bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam, ngay sau lệnh
tổng động viên của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng được phát trên Đài tiếng nói
Việt Nam, ngày 5.3.1979, Trung Quốc đã phải tuyên bố đơn phương rút quân trên
toàn tuyến biên giới phía Bắc.
Sau hơn nửa tháng tiến hành cuộc tấn công chớp nhoáng xâm lược toàn
tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam, ước tính khoảng 62.000 quân xâm lược Trung
Quốc đã bị thương vong, hàng trăm xe máy phương tiện chiến tranh của địch bị ta
phá hủy và thu giữ.
Tuy nhiên, cuộc chiến tranh ở biên giới phía Bắc vẫn âm ỉ diễn ra trong
suốt 10 năm sau đó, phải tới năm 1990 mới chấm dứt hẳn.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.