Sáng 4/12, trong khi dư luận đang đổ dồn sự chú ý vào
BOT Cai Lậy thì tại TP.HCM cuộc họp HĐND TP khai mạc.
Trong các tờ
trình của UBND thành phố có tờ trình về việc tinh giảm biên chế. Theo tờ trình,
dự kiến TP.HCM sẽ chi hơn 380 tỉ đồng để động viên cán bộ, công chức, viên chức
nghỉ việc, nghỉ hưu trước tuổi. UBND TP lý giải, việc đề xuất chính sách trợ
cấp thêm này là để động viên và ghi nhận sự cống hiến của các cán bộ, công
chức, viên chức nghỉ việc, nghỉ hưu trước tuổi trong quá trình TP thực hiện
tinh giản biên chế, từ nay đến năm 2021.
Còn tại Hà Nội,
phiên họp HĐND TP lại thu hút sự chú ý với câu chuyện lát đá vỉa hè. Theo đề án
của UBND TP Hà Nội, từ nay đến năm 2020, TP sẽ lát đá tự nhiên trên vỉa hè của
hơn 930 tuyến đường tại 12 quận nội thành. Loại đá tự nhiên được kỳ vọng có
tuổi thọ lên đến 70 năm sẽ thay thế toàn bộ gạch cũ, và có giá đắt hơn 5-6 lần
so với loại gạch lát thông thường. Chi phí theo ước tính của báo Tiền Phong có
thể lên tới hàng nghìn tỷ, nhưng chỉ có điều, vừa thực hiện chưa được bao lâu
thì nhiều đoạn vỉa hè vừa được đá lát đã bị bong tróc, hư hỏng.
Những việc này có
thể nhắc nhở chúng ta về một sự thật: trong khi các xe đi qua trạm BOT Cai Lậy
tạm thời không phải nộp phí trong 1-2 tháng tới thì chúng ta, hàng ngày hàng
giờ vẫn phải thầm lặng nộp phí cho một BOT khác kinh khủng hơn nhiều - “BOT Quan Lại”.
Không phải bây
giờ người ta mới biết, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể là người
chịu trách nhiệm, thậm chí chịu trách nhiệm chính trong vụ việc BOT Cai Lậy.
Thế nhưng, bằng một cách “đúng quy trình”,
39 ngày trước ông vẫn được đặt vào ghế Bộ trưởng, khi vụ lùm xùm BOT Cai Lậy đã
bung ra từ trước đó hơn 2 tháng.
Một, hai tháng
nữa, vụ việc BOT Cai Lậy được kết luận, khi đó, có thể trạm BOT này được dời
vào đường tránh, ngân sách phải bỏ ra vài trăm hay nghìn tỉ đền bù cho nhà đầu
tư, ông Thể và một số ông khác sẽ mất ghế, sẽ bị truy cứu trách nhiệm, có thể
cả trách nhiệm hình sự, thì chắc chắn việc này cũng “đúng quy trình”.
Một, hai tháng
nữa, vụ việc BOT Cai Lậy được kết luận, khi đó, có thể trạm BOT này được dời
vào đường tránh, ngân sách phải bỏ ra vài trăm hay nghìn tỉ đền bù cho nhà đầu
tư, nhưng ông Thể và một số cá nhân khác sẽ vô can, vẫn giữ chắc ghế và vững
đường thăng tiến, thì chắc chắn việc này cũng vẫn “đúng quy trình”.
Không có “đường tránh” hay “đường quốc lộ được cải tạo” nào ở đây hết, “quy trình” luôn “đúng”
ở đây chính là lôgíc của BOT Quan Lại.
Ông Thể, ông Nhật
- thứ trưởng GTVT hay ông Quý - Yên Bái, có điểm chung là đều có quá khứ “dính
phốt” và vẫn thăng tiến bình thường. Đó không phải là kết quả của một hệ thống
hay xã hội bao dung, đừng nhầm. Đó là kết quả của hệ thống dựa trên “quan hệ - tiền tệ”. Ở hệ thống này,
trong cái rủi của một anh dính phốt có cái may của người có cơ hội để mua quan
hệ với cấp trên, nên khi vừa thoát án phạt anh ta sẽ có thêm ngay quan hệ và cơ
hội thăng tiến.
Dựa trên “quan hệ - tiền tệ”, hệ thống sẽ tạo ra
hai loại Quan và Lại điển hình. Một loại tích cực: “đục khoét - phá hoại”. Loại còn lại: “ngậm miệng ăn tiền”. Những con người trong hệ thống này, từ thấp
đến cao, sẽ chỉ hoặc là chăm chăm tranh quyền-đoạt lợi; hoặc là an phận thủ
thường; và cả hai loại này đều có một đặc điểm là sẽ "không làm gì cả". Tất nhiên, vẫn có trong hệ thống đó
những người thực tâm muốn làm việc, muốn phụng sự xã hội, nhưng đó hoàn toàn là
do tự thân cá nhân họ chứ không phải vì được thúc đẩy từ hệ thống và đó thường
cũng là những biệt lệ hiếm hoi.
Tất nhiên, xã hội
sẽ phải chi phí cho những BOT Quan Lại loại này không phải những đồng bạc cắc,
mà là những trăm tỉ -ngàn tỉ nuôi một bộ máy ăn trên ngồi trốc và ngày càng
phình to; là trăm tỉ -ngàn tỉ đổ vào các dự án tượng đài, đá lát, các nhà máy
sắt gỉ rồi chạy ra những biệt thự, siêu xe, thẻ xanh, thẻ đỏ... Hơn nữa, nên
nhớ, đó mới là phần nổi, phần thống kê được, còn một phần chìm lớn hơn nữa là
những doanh nghiệp bị đày ải cho không thể lớn được; là những cơ hội giáo dục,
chăm sóc y tế bị tước đoạt; là những tài nguyên bị vét cạn; những thảm họa môi
trường, xã hội cứ mỗi ngày lại một tệ hại hơn...
Năm 2012, ông
Nguyễn Phú Trọng, khi đó mới lên làm tổng bí thư nhiệm kỳ đầu, đi thăm
Singapore, tôi đã hy vọng ông-với học vị tiến sĩ ngành xây dựng đảng có thể học
được gì đó từ mô hình tổ chức và tuyển dụng nhân sự cho bộ máy nhà nước của
đảng Hành động Nhân dân - đảng cầm quyền (và có lẽ cũng độc quyền) tại
Singapore từ năm 1959, nhưng có lẽ tôi đã nhầm.
Cách đây bốn ngày
khi tranh chấp ở BOT Cai Lậy đang lúc cao trào, tại phiên họp thường kỳ chính
phủ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ có thể đưa ra một chỉ đạo mơ hồ “không để kéo dài tình trạng đang diễn ra.”
Với chỉ đạo này, người ta không biết Thủ tướng thực sự muốn gì: dẹp yên cánh
tài xế phản đối hay đưa BOT Cai Lậy về đúng chỗ? Đến hôm qua, Thủ tướng cũng
chỉ có thể đưa ra một quyết định mang tính “hoãn
binh”: tạm dừng thu phí 1-2 tháng. Nên nhớ, vụ lùm xùm BOT Cai Lậy đã kéo
dài 4 tháng nay, từ 6/8/2017.
Điều cản trở Thủ
tướng Phúc ra một quyết định dứt khoát có thể không nằm ở bản thân vụ việc BOT
Cai Lậy, mà nằm ở một chỗ khác, xa, rất xa, đó là từ công tác tổ chức, bổ nhiệm
cán bộ, từ BOT Quan Lại, thứ ràng buộc, ức chế làm cùn mòn năng lực hành động,
năng lực ra quyết định và chịu trách nhiệm với quyết định của mọi con người
trong hệ thống của nó.
Nói thêm chút
nữa, việc này cũng liên quan đến cải cách hành chính, nếu không thay đổi cách
thức tuyển chọn và bổ nhiệm cán bộ thì càng cải cách, bộ máy sẽ càng phình ra,
và tất nhiên cũng chẳng thể nào có chính phủ hay nhà nước kiến tạo gì hết, vì
đa số con người trong bộ máy đó có làm việc đâu mà kiến với tạo.
Vậy đó, còn bây
giờ thì tôi phải quay lại làm việc, để còn có cái mà đóng góp cho BOT Quan Lại chứ,
đúng không?
[Năm 2016, The Boston Consulting Group trong một báo
cáo (có thể download ở đây: https://www.bcgperspectives.com/…/public-sector-sustainabi…/)
đã đề nghị “Chính phủ nên áp dụng chế độ
đãi ngộ các cán bộ Nhà nước có trình độ cao, Việt Nam có thể học tập và áp dụng
tốt mô hình của Singapore như một cơ chế hiệu quả nhằm thu hút, giữ chân nhân
tài”.
Cũng theo báo cáo
này, Việt Nam là một trong bốn nước dẫn đầu thế giới về chuyển đổi mức độ thịnh
vượng kinh tế sang chất lượng sống người dân, nhưng cũng đang gặp thách thức
lớn về quản trị. Báo cáo nhấn mạnh nâng cao năng lực quản trị Nhà nước là yếu
tố quan trọng, Việt Nam buộc phải vượt qua thách thức này để thu hút đầu tư
nước ngoài. Điều này đòi hỏi Việt Nam cần tăng cường tính minh bạch trong quản
trị thông qua triển khai áp dụng các công cụ kỹ thuật số.]
FB NGUYEN DAC KIEN
05.12.2017
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.