mardi 5 décembre 2017

Asia Times - Việt Nam tham nhũng đến mức nào?


Một nữ cảnh sát Việt tại APEC Đà Nẵng, 08/11/2017. Ảnh Reuters
(David Hutt, Asia Times 05/12/2017) Một chiến dịch chống tham nhũng nhằm cải thiện hình ảnh của đảng Cộng Sản, thanh trừng chính trị và thu hút đầu tư nước ngoài.

Trong một cuộc họp tại cơ quan chống tham nhũng chủ chốt của Việt Nam hồi cuối tháng rồi, người đứng đầu đất nước đã ra lệnh đẩy nhanh tiến độ điều tra về các quan chức tham nhũng. Ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư hoan nghênh cơ quan chống tham nhũng đã lập ra được một danh sách « những trường hợp khẩn cấp cần phải giải quyết rốt ráo » - theo báo chí trong nước - và nhấn mạnh còn nhiều việc phải làm.

Cụ thể, ông Trọng cho biết đã xử lý trường hợp Trịnh Xuân Thanh, cựu chủ tịch Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam). Ông Thanh bị cáo buộc đã làm thất thoát hàng trăm triệu đô la của công ty do quản lý tồi và tham nhũng.

Việc kết án Trịnh Xuân Thanh rõ ràng rất quan trọng đối với ông Trọng, người mà hồi tháng Năm đã tuyên bố sẽ bắt giữ nhân vật đang trốn tránh này « bằng mọi cách ». Ông không cường điệu : Việt Nam có nguy cơ bị ảnh hưởng xấu về ngoại giao với Đức, đối tác châu Âu lớn nhất, sau khi cho mật vụ bắt cóc ông Thanh tại Berlin hồi tháng Tám.

(Hà Nội vẫn thản nhiên khẳng định là ông Thanh quay về tự thú, như ông ta đã « nhận tội » trên truyền hình).

Ông Trịnh Xuân Thanh trên truyền hình VN ngày 03/08/2017 nói rằng đã quay về tự thú. Ảnh Reuters
Hai nhà ngoại giao Việt Nam đã bị trục xuất, và sau đó Đức hủy thỏa thuận miễn visa cho những người mang hộ chiếu ngoại giao. Ngoại trưởng Đức kêu gọi gởi trả ông Thanh do ông này đang nộp đơn xin tị nạn, dù điều này khó thể diễn ra vì ông ta sắp ra tòa tại Hà Nội.

Một tháng sau vụ bắt cóc ông Thanh, một trong những vụ án tham nhũng lớn nhất tại Việt Nam đã được mở ra, về các hoạt động giao dịch giữa PetroVietnam và Ocean Bank (Ngân hàng Đại dương), một ngân hàng có cổ phần nhà nước.

Năm mươi mốt bị cáo bị buộc tội về các món nợ xấu giữa hai đơn vị, biển thủ công quỹ và gian lận. Do cả hai đều thuộc về Nhà nước một phần hoặc toàn phần, thiệt hại tài chính ngay cả do quản lý tồi đều bị coi là tội hình sự theo luật Việt Nam.

Hà Văn Thắm, cựu chủ tịch Ocean Bank đã bị án chung thân. Nguyễn Xuân Sơn, cựu chủ tịch PetroVietnam và tổng giám đốc Ocean Bank bị lãnh án tử hình – lần đầu tiên từ nhiều năm qua án tử được dành cho các hoạt động tài chính bất hợp pháp. Bốn mươi chín nhân viên ngân hàng và quan chức khác cũng đã nhận một loạt bản án.

Số phận của ông Thanh sẽ được quyết định vào tháng Hai. Bên cạnh PetroVietnam và Ocean Bank, nhiều vụ tham nhũng lớn khác đang được điều tra, chủ yếu nhắm vào các công ty quốc doanh.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Văn phòng Trung ương Đảng ngày 12/11/2017. Ảnh Reuters
Một số coi chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng là một nỗ lực ở cấp cao để xoa dịu những người dân bình thường đang phẫn nộ vì sự thối nát ngày càng rõ của đảng Cộng Sản. Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam của đại học South Wales ở Úc hồi tháng Chín viết : « Những vụ án xử quan chức cao cấp và các bản án nghiêm khắc nhằm làm dịu sự bực tức của công chúng trước nạn tham nhũng ».

Nhưng các nhà phân tích cũng nghi ngờ về mưu đồ chính trị. Một phần là do sự thất sủng của ông Đinh La Thăng, bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, hồi tháng Năm đã bị cách chức và loại ra khỏi Bộ Chính trị - người đầu tiên bị cho ra khỏi cơ quan quyền lực tối cao này kể từ năm 1966.

Theo thông báo chính thức, ông Thăng đã có « những sai phạm nghiêm trọng » và đã tham nhũng khi còn là chủ tịch PetroVietnam từ 2009 đến 2011. Ông Thăng đã đưa ông Thanh lên làm chủ tịch PVC.

Tuy nhiên các nhà quan sát ghi nhận ông Thăng còn là đồng minh thân thiết của ông Nguyễn Tấn Dũng, cựu thủ tướng hai nhiệm kỳ, đã bị loại trong Đại hội Đảng năm ngoái. Một số nghĩ rằng ông Trọng nay đang thanh trừng tay chân của ông Dũng, phá vỡ mạng lưới mà ông Dũng đã xây dựng nên trong thời còn tại vị, có thể mở rộng đến ban lãnh đạo PetroVietnam và Ocean Bank.

Đếm tiền tại một ngân hàng ở Hà Nội, 15/11/2017. Ảnh Reuters
Một số nhà bình luận cho rằng Đảng do ông Trọng lãnh đạo đã trở nên bảo thủ hơn kể từ Đại hội năm ngoái. Nhưng ông Trọng có lẽ hiểu hơn ai hết rằng có những thành phần « tinh hoa » muốn quay lại với nguyên tắc quyết định đồng thuận trong Đảng, bị đe dọa bởi dấu ấn cá nhân của ông Dũng.

Có một giả thiết là sự chia rẽ trong nội bộ Đảng đã chồng chéo với chiến dịch chống tham nhũng nhiệt tình của chính phủ. Một số nhà phân tích khác không đồng ý, cho rằng đây là các xu hướng tách biệt. Điều không chối cãi được là cả hai đều có chỉ đạo.

Đại hội Đảng lần tới vào năm 2021 sẽ có những thay đổi lớn. Trong khi các chuyên gia đưa ra rất nhiều dự đoán trước mọi kỳ Đại hội, chắc chắn là Đại hội tới có nhiều lãnh đạo chuẩn bị về hưu.

Ông Trọng lẽ ra rút lui từ năm ngoái vì tuổi cao, nếu không được đặc cách làm thêm một thời gian. Tuy nhiên năm nay ông đã 73 tuổi, hẳn là sẽ không tiếp tục nhiệm kỳ sau năm 2021. Thế nên có thể chờ đợi một thế hệ lãnh đạo mới lên nắm những chức vụ cao nhất trong Đảng, họ có thể quyết định theo hoặc không theo đường lối của Đảng. Có thể chắc rằng họ dường như có tham vọng như ông Trọng.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Đảng 12, ngày 08/01/2016. Ảnh AFP
Một giải thích khác cho chiến dịch chống tham nhũng quy mô của ông Trọng là tương lai của Đảng Cộng Sản. Tham nhũng, bất tài, biển thủ trong khu vực quốc doanh đã làm thiệt hại rất nhiều cho ngân sách Việt Nam trong những năm gần đây.

Một bản báo cáo trình lên Ủy ban Tư pháp Quốc hội tháng trước cho biết ít nhất 2,6 tỉ đô la đã bị thất thoát do tham nhũng trong thập niên qua. Con số này có lẽ thấp hơn nhiều so với thực tế, nếu xét đến tầm cỡ các vụ đại án gần đây.

Thế nên chính phủ phải chật vật tìm vốn đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng chính, cần thiết cho tăng trưởng kinh tế cao. Nợ công chiếm khoảng 64,7% GDP vào đầu năm, trong khi năm ngoái thâm hụt ngân sách là 4,4% GDP. Các nhà phân tích đều đồng ý là tính chính danh của một Đảng không được bầu lên lệ thuộc rất nhiều vào tăng trưởng nhanh và liên tục.

Nỗ lực tăng thu thông qua các loại thuế gây mất lòng dân là một giải pháp. Chấm dứt các luồng tiền bất hợp pháp của quốc doanh cũng là một giải pháp khác. Nhưng các cố gắng của chính quyền trong quá khứ để chống tham nhũng trong các tập đoàn nhà nước và lãnh vực công thường chỉ có tác dụng hạn chế, đặc biệt là việc thu hồi số tiền biển thủ.

Trong số 2,6 tỉ đô la thất thoát trong thập niên qua, chính quyền chỉ thu hồi được có 8% - theo báo cáo cho Ủy ban Tư pháp. Nếu việc thu hồi tiền tham nhũng khó thể là một phương cách để lấp đầy ngân sách nhà nước, tốt nhất là ngăn ngừa thất thoát trong tương lai. Chất lượng quản lý của khu vực quốc doanh lại càng quan trọng hơn khi chính quyền bắt đầu chiến dịch thoái vốn lớn, như ở Công ty Rượu Bia Saigon (Sabeco), Tổng công ty Đầu tư Nhà nước và Công ty Rượu Bia Hà Nội (Habeco).

Uống bia Sabeco tại một nhà hàng ở Hà Nội, 29/11/2017. Ảnh Reuters
Chính quyền cho biết hy vọng thu được khoảng 5 tỉ đô la qua việc bán cổ phần Sabeco vào ngày 18/12. Tuy các nhà đầu tư hết sức chú ý đến Sabeco và Habeco, không chắc là các công ty quốc doanh khác vốn bị tai tiếng quản lý tồi và tham nhũng nhiều năm qua cũng được quan tâm tương tự.

Thế nên, chiến dịch chống tham nhũng mới đây của chính phủ cũng bị cho là nhằm phục hồi uy tín cho lãnh vực quốc doanh rộng lớn, rất quan trọng nếu việc thoái vốn thành công, và các công ty nhà nước thu hút được các nhà đầu tư ngoại quốc. Nhưng tình trạng tham nhũng có lẽ quá sâu để có thể thay đổi được tại nhiều đơn vị quốc doanh.

Chuyên gia Thayer viết : « Các bản án có ít tác dụng răn đe đối với nạn dịch tham nhũng tại Việt Nam, vì gốc rễ của nó là thiếu vắng sự quản lý chặt chẽ, gồm cả hệ thống kiểm toán độc lập, thanh tra và truy tố, mà không bị ảnh hưởng chính trị. Cú sốc từ các bản án này cũng như tiêm chủng nhắc lại, sẽ nhạt phai đi với thời gian ».

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.