jeudi 8 janvier 2015

Những ngày cuối của điệp viên Litvinenko, bị đầu độc phóng xạ (2)

Alexandre Litvinenko, trước và sau khi bị đầu độc phóng xạ.
Cho phép tôi kể lại vì sao mà một sĩ quan trung thực của FSB như Sacha lại trở nên một nhà đối lập nổi tiếng. Cần phải quay trở lại từ cuộc gặp gỡ đầu tiên của chúng tôi.

Đó là năm 1993, một giai đoạn rất lộn xộn ở Nga, bọn mafia tung hoành khắp nơi. Sacha điều tra về vụ việc liên quan tới cặp vợ chồng người bạn, Helena và Serguei, nạn nhân của một vụ tống tiền. Anh có cảm tình với họ và hôm sinh nhật tôi, hai vợ chồng này đến chơi nhà cùng với Sacha, người bảo hộ của họ, mà không biết rằng họ đã mang đến cho tôi món quà quý giá nhất. Nồng nhiệt, vui tính, biết quan tâm tới người khác, vóc dáng thể thao, Sacha lại còn đẹp trai nữa. Nhất là anh không nhậu và cũng không hút thuốc. Một của hiếm, ở Nga !

Bà Marina Litvinenko và doanh nhân Boris Berezovski
Chúng tôi hẹn hò sau đó và anh theo đuổi tôi với một quyết tâm không thể nào cưỡng lại nổi. Cũng giống như anh, tôi đã ly dị. Chính anh đã nhất định đòi kết hôn. Anh nói : ‘‘ Hãy cho anh biết lý do duy nhất khiến chúng ta không lấy nhau đi’’. Ít lâu sau tôi có thai. Sacha vui mừng : ‘‘Thế thì anh chắc chắn là em không bỏ anh rồi’’.

Lấy chồng là sĩ quan FSB không đơn giản. Sacha rất bận rộn, nhưng anh yêu công việc. Vào thời đó, anh làm việc ở bộ phận điều tra tội phạm kinh tế, chuyên săn lùng tham nhũng ở cấp cao nhất. Năm 1997, anh chuyển công tác sang một đơn vị mới hết sức bí mật. Tôi hiểu rằng anh làm những công việc kỳ lạ, với cách thức hoạt động ngoài pháp luật.

Trước Noël ít lâu, tôi thấy anh rất bối rối. Anh ấy nghe ngóng được có một âm mưu đánh vào Boris Berezovski, một đại gia ngân hàng nổi tiếng thân cận với băng nhóm của ông Eltsine đang cầm quyền. Với tinh thần trách nhiệm, Sacha đến báo cho Berezovki. Do ông ta còn nghi hoặc, Sacha quay lại với hai sĩ quan khác, hai người này khẳng định những gì anh nói. Berezovki báo cho chính quyền, và Kremli ra lệnh điều tra nội bộ. Ngày nay nhớ lại, chúng tôi mới đoán ra rằng cuộc điều tra này lại được giao cho những kẻ chủ mưu, ngay trong FSB !

Vladimir Putin là người đã ám hại Alexandre Litvinenko ?
Cùng thời điểm đó, một bài báo đả kích Sacha xuất hiện trên nhật báo Mosvokovski Komsomolets. Rồi đến tháng 7/1998, giám đốc FSB từ chức, được thay thế bằng một người mà chẳng ai biết đến : Vladimir Putin. Sacha nói với tôi : ‘‘Anh không biết ông ấy, nhưng có lẽ đây là điều tốt cho FSB’’. Ít lâu sau, anh hẹn gặp thủ trưởng mới để nói cho ông ta biết phát hiện của mình. Sau đó anh thổ lộ với tôi : ‘‘Anh có cảm tưởng rằng Putin không muốn biết chút nào. Thật là kỳ lạ, vì Berezovski là bạn ông ấy, anh nghĩ vậy’’.

Ngày 18/11, Sacha cùng với năm sĩ quan khác tổ chức một cuộc họp báo để nói ra sự thật : ‘‘Từ một tổ chức bảo vệ người dân, FSB đã trở thành một tổ chức mà ta phải lo tự vệ’’. Đó là một đòn sấm sét. Trong cuộc trả lời phỏng vấn đầu tiên, Putin tuyên bố : ‘‘Những kẻ tố cáo này là bọn tội phạm, định tự bảo vệ mình bằng cách lên án người khác’’.

Ngày 25/03/1999, Sacha bị tống giam vào nhà tù Lefortovo. Tôi phải giải thích với đứa con trai 5 tuổi của chúng tôi là ba nó đang đi công tác…Được trả tự do sau 9 tháng tạm giam, Sacha bị theo dõi thường xuyên. Căn hộ của chúng tôi bị khám xét, và một phiên tòa khác đang đe dọa. Tin rằng lần này sẽ không còn có dịp sống sót, Sacha đã âm thầm tổ chức cuộc chạy trốn, không hề nói cho tôi biết cũng như không để lộ dấu hiệu gì cả.

Ông Berezovski tổ chức đợt hoạt động lấy chữ ký phản đối chế độ Putin.
Họ đã ám sát một công dân Anh

Vào mùa thu năm 2000, anh đi đến vùng Kapkaz. Bốn mươi tám tiếng đồng hồ sau, một người bạn cho tôi biết là cần phải mua một điện thoại di động mới. Hôm sau, chuông reo. Đó là Sacha, anh nói : ‘‘Em mua ngay vé máy bay và đi Tây Ban Nha với Tolik’’ - biệt danh của con trai chúng tôiThế là hôm trước hôm sau, tôi buộc lòng phải ‘đi nghỉ mát’ tại Marbella, thay vì đưa con đến trường mẫu giáo mỗi buổi sáng.

Qua điện thoại, Sacha cho biết anh đang ở Gruzia và tôi phải tới phi trường Malaga, để lên một chiếc máy bay riêng do Boris Berezovski thuê, bay sang Thổ Nhĩ Kỳ. Tại Ankara, Sacha đến đại sứ quán Hoa Kỳ, nhưng họ không sẵn sàng giúp đỡ : đối với người Mỹ, anh chỉ là một con cá nhỏ và không có bí mật nào đáng để họ phải quan tâm.

Lời ai điếu và tố cáo được đọc lên trong đám tang Alexandre Litvinenko.
Định sang Pháp, nhưng lại quá phức tạp, chúng tôi nảy ra ý mua vé về Matxcơva quá cảnh Luân Đôn. Trong khu vực quá cảnh của sân bay Heathrow, Sacha nói với người cảnh sát mặc sắc phục đầu tiên mà anh gặp : ‘‘Xin chào ông ! Tôi là sĩ quan Nga và muốn xin tị nạn chính trị’’. Sau năm tiếng đồng hồ thẩm vấn, chúng tôi được cấp giấy thông hành. Đó là ngày 01/11/2000, tức là chính xác sáu năm trước khi Sacha bị đầu độc.

Khởi đầu cuộc sống tại Luân Đôn khá khó khăn. Boris Berezovski, cũng trốn khỏi Nga vào cùng thời kỳ ấy, giúp đỡ chúng tôi về tài chính. Sacha nhanh chóng trở thành nhà ly khai nổi tiếng nhất, anh thường xuyên trả lời phỏng vấn và đưa ra những tuyên bố chống lại chế độ Putin.

Dần dà mọi chuyện trở nên bình thường, và thậm chí chúng tôi còn được đổi sang danh tính mới. Bây giờ chúng tôi là gia đình Carter : Edwin, Maria và Anthony. Tôi dạy múa cho trẻ em và người lớn, Sacha chuẩn bị trở thành cố vấn về cận vệ, và con trai tôi đã là một cậu bé Anh thực thụ.

Nhà báo điều tra Anna Politkovskaia, bị ám sát năm 2006.
Thế nhưng đến mùa hè năm 2006, các đại biểu Quốc hội Nga thông qua một đạo luật mà phương Tây không để ý tới. Luật này cho phép FSB trừ khử, thậm chí ở nước ngoài, tất cả các nhà đối lập hay nghi can khủng bố bị cho là nguy hiểm đối với lợi ích quốc gia. Tin đồn cho hay có một danh sách đen ‘những kẻ thù của nước Nga’ đang được lan truyền ở Matxcơva. Đương nhiên là tên của Sacha chiếm một vị trí đáng kể trong đó, cùng với Boris Berezovski và Akhmed Zakaiev – lãnh tụ Tchetchenya đang tị nạn tại Luân Đôn, và nhà báo nữ Anna Politkovskaia.

Vài tháng sau, ngày 7/10, nhà báo điều tra này bị hạ sát ngay trước tòa nhà nơi cô ở tại Matxcơva. Đối với Sacha, người quen thân và đã khẩn khoản yêu cầu Anna rời nước Nga, cái chết của cô là một cú sốc. Tuy vậy sáu ngày sau, chúng tôi được nhập quốc tịch Anh – một hình thức bảo vệ, dưới mắt Sacha. Ngày 01/11/2006 vào giờ uống trà, chính là một thần dân của Nữ hoàng mà họ đã ám sát.

Andrei Lougovoi, một trong hai nghi can trực tiếp đầu độc Litvinenko, nay trở thành dân biểu Nga.
Giờ đây bảy năm đã trôi qua. Suốt năm năm trời, Scotland Yard và chính quyền đòi hỏi tôi nên kiên nhẫn, trong thời gian lập nên hồ sơ buộc tội. Và đúng là hồ sơ này hết sức vững chắc. Dù vậy, yêu cầu dẫn độ Andrei Lougovoi - ngày nay là dân biểu Quốc hội Nga và được quyền đặc miễn bảo hộ - đã không có được kết quả. Thực tế không có bất cứ động thái tư pháp nào đạt được mục đích trong vụ này.

Đó là lý do tại sao năm 2011, sử dụng quyền pháp định, tôi đòi hỏi tiến hành điều tra công khai, tương tự như cha chồng của công nương Diana đã yêu cầu sau khi bà tử nạn. Nếu tất cả yếu tố của hồ sơ đều được công chúng biết đến rộng rãi, thì rốt cuộc tôi có thể lật sang trang mới. Vì đạo nghĩa, tôi phải làm điều đó.

Sacha đã làm tất cả để bảo vệ cho hai mẹ con tôi. Bây giờ thì đến lượt tôi phải bảo vệ thanh danh của anh ».

Mời đọc lại:

Những ngày cuối của điệp viên Litvinenko, bị đầu độc phóng xạ (1)


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.