jeudi 1 janvier 2015

Xử nhà đối lập Navalny : Đòn cuối cùng trong năm của Putin

Cảnh sát cơ động phong tỏa cuộc biểu tình phản đối bản án dành cho nhà đối lập Alexei Navalny tại Matxcơva, 30/12/2014.
Đăng ngày 31-12-2014

Hầu như rất là logic khi kết thúc năm nay với một vụ mới của Vladimir Putin. Bài xã luận của Libération mở đầu như trên, bên cạnh bài viết chính « Putin dẫm đạp lên người đối lập chủ yếu của ông ta » : luật sư Alexei Navalny, bị tuyên án ba năm tù treo còn người em là Oleg bị ba năm tù giam trong phiên xử hôm qua.

Nước Nga của Vladimir Putin sẽ đi về đâu ?

Theo Libération, vị Sa hoàng Nga, người đã bịt miệng dư luận và có những hành động cứng rắn về chính trị, đã chiếm lĩnh thường xuyên thời sự quốc tế trong mười hai tháng qua. Và không chỉ thời sự, mà cả những vùng đất và dân cư nữa, từ Crimée cho đến miền đông Ukraina, tước đoạt từ Kiev.


Việc « cướp cạn » trước mũi phương Tây này đã khiến Putin trở thành nhân vật vedette tại Nga, nơi nhiều người còn hoài vọng sức mạnh của Liên Xô cũ. Trước làn sóng yêu thích và với chủ nghĩa mị dân, ông chủ điện Kremli nỗ lực cách ly tất cả những ai có thể ngăn trở quyền uy tối thượng của mình.

Trên thực tế, đa số các nhân vật đối lập với ông Putin đều đã bị bỏ tù hay đi tị nạn ; hoặc cả hai như trường hợp nhà tỉ phú Mikhail Khodorkovsky : được thả khỏi trại cải tạo cách đây một năm rồi bị cấm cư trú trên quê hương. Phiên xử vội vã hôm qua đối với nhà đối lập số một, Alexei Navalny – bị quản thúc từ tháng Hai, và em trai là Oleg, bị ba năm tù giam, cũng nằm trong chiến dịch truy quét này.

Ngược lại, điều mà ông Putin không dự kiến được, là giá dầu lửa sụt thê thảm cộng với các biện pháp trừng phạt của châu Âu đã khiến nước Nga có thể lâm vào suy thoái trong năm 2015. Hiện thời, người dân đành phải nhịn ăn nhịn mặc, vẫn tin tưởng vào thần tượng Putin. Nhưng theo Libération, lịch sử cho thấy những cuộc khủng hoảng kinh tế quan trọng có thể gây nên khủng hoảng chính trị, thậm chí cả những cuộc cách mạng.

Yves Rocher : Một vụ án được dàn dựng

Nhật báo Le Monde trong bài « Án treo để bịt miệng Alexei Navalny » tường thuật phiên tòa cho biết, sau cảm giác sững sờ, một tiếng kêu xé lòng vang lên trong tòa án : « Tại sao lại bỏ tù em tôi ? » Vài phút sau, mắt đẫm lệ, Alexei Navalny ôm lấy người em vào lòng trước khi Oleg bị dẫn giải đi. Ông chỉ có thì giờ nói tiếp : « Các vị là loại người gì mà tống giam em tôi để tấn công vào tôi » - rồi đến lượt ông cũng bị đưa ra ngoài.

Bản án càng gây sốc khi « vụ Yves Rocher » tỏ ra là một vụ dàn dựng. Le Monde và Libération đều cho biết, tòa cho rằng công ty Glavpodpiska của hai anh em Navalny đã « lừa đảo » tập đoàn mỹ phẩm Pháp 26 triệu rúp (370.000 euro) khi nâng giá dịch vụ. Sau khi nộp đơn kiện, Yves Rocher đã tiến hành kiểm toán nội bộ và kết luận công ty không hề bị thiệt hại gì cả. Trước tòa, giám đốc tài chính Yves Rocher khẳng định sẵn sàng ký lại một hợp đồng tương tự. Tất cả các nhà quan sát đều cho rằng công ty Pháp đã bị áp lực từ chính quyền Nga.

Trong bài « Yves Rocher, kiện để phục vụ cho chính quyền », Le Monde cho rằng tập đoàn mỹ phẩm Pháp có nguy cơ mang mãi vết nhơ này vì vai trò trong vụ án khuôn mặt đối lập chủ chốt của nước Nga.
Serguei Gouriev, nhà kinh tế Nga tị nạn tại Paris nhận định : « Tôi không biết cụ thể các điều tra viên đã dùng biện pháp nào để gây sức ép, nhưng đối với họ điều quan trọng là có một công ty ngoại quốc can dự vào. Điều này làm cho hồ sơ có vẻ vững chắc hơn ».

Những người ủng hộ ông Navalny trách cứ Yves Rocher đã không công khai tuyên bố là không hề bị thiệt hại, mà từ đầu vẫn giữ im lặng. Tập đoàn Pháp có nguy cơ bị tẩy chay, trong khi Nga là thị trường lớn thứ hai của Yves Rocher sau nước Pháp. Một doanh nhân Pháp làm ăn tại Matxcơva nhận xét, sự im lặng này chính là sai lầm lớn nhất của Yves Rocher.

Ông Bruno Leproux, cựu giám đốc công ty tại Nga chỉ trả lời phỏng vấn một nhà báo Nga một lần duy nhất, được đăng trước khi xử án một ngày, với nội dung mơ hồ và bảo là không bị áp lực. Điều đáng chú ý là sau khi Yves Rocher không ký tiếp hợp đồng, ông này lại sang làm việc cho Ile de Beauté, một công ty nước hoa Nga nổi tiếng là có quan hệ chặt chẽ với điện Kremli.

Bản án Navalny : Vũ khí răn đe đối lập

Theo Le Monde, trong nước Nga của Vladimir Putin, độc lập tư pháp chỉ là giả tưởng. Chính điện Kremli đã quyết định để cho Alexei Navalny sống cuộc sống « bán tự do », dưới mối đe dọa thường xuyên của bản án treo và vẫn đang bị truy tố trong một vụ án lừa đảo khác. Đây là một cách để duy trì áp lực lên nhà đối lập mà không biến ông thành thánh tử đạo.

Kremli lo sợ một phong trào phản kháng ? Có thể lắm. Từ sau các cuộc biểu tình đông đảo tháng 12/2011 chống gian lận bầu cử, Navalny nổi lên như một nhà lãnh đạo hàng đầu của phong trào dân chủ. Putin đã làm tất cả để tránh biểu tình tái diễn, từ việc đưa ra xử sớm hơn hai tuần để những người sẵn sàng xuống đường đều đã đi nghỉ Tết, cho đến việc chặn một trang Facebook kêu gọi biểu tình.

Bản án hôm qua còn có một mục đích khác, đó là vũ khí răn đe dành cho bất kỳ ai muốn hợp tác với ông Navalny. Người luật sư 38 tuổi đã trở nên một nhân vật bị « nhiễm xạ ». Lần lượt toàn bộ các thành viên trong ban lãnh đạo đảng của ông – một đảng chưa bao giờ đăng ký hoạt động được – đều bị làm khó dễ hay buộc phải đi lưu vong.

Còn hơn cả vai trò chính khách, chính là blogger Navalny mà Kremli muốn vô hiệu hóa. Hoặc cụ thể hơn, là nhà điều tra từ nhiều năm qua tố cáo không mệt mỏi các xì-căng-đan tham nhũng lớn nhỏ. Trong nước Nga của Putin, kêu gọi bầu cử tự do hay tôn trọng tự do ngôn luận tuy rủi ro nhưng nhìn chung còn dung thứ được, nhưng nói về tiền bạc của các nhân vật quyền lực thì không. Alexei Navalny đã tấn công vào trái tim chế độ Putin, vạch trần các thủ đoạn chuyển hóa Nhà nước và các tập đoàn quốc doanh thành các bộ máy làm tiền.

Tờ báo nhắc lại trong phiên tòa hôm 19/12 trước đó, Navalny từ vai trò bị cáo đã chuyển thành biện lý khi tuyên bố : « Chúng ta thấy ở đây, trong phòng xử này, những con người cúi mặt nhìn xuống gầm bàn. Trong đất nước chúng ta, tất cả quyền lực đều dựa vào dối trá. Putin nói rằng không có dinh thự nào, nhưng chúp tôi chụp hình được ba cái mỗi tháng. Không có các đại gia làm giàu từ Nhà nước ? Chúng tôi có tất cả các tài liệu chứng minh phân nửa các công ty quốc doanh đều có tài khoản ở Chypre hay Panama. Tại sao lại chịu đựng tất cả những lời dối trá ấy ? Tại sao lại nhìn xuống mặt bàn ? Cuộc đời quá ngắn ngủi để nhìn xuống gầm bàn ».

Trung Quốc đàn áp thân nhân những người Tây Tạng tự thiêu

Nhìn sang châu Á, Le Monde nói về « Các vụ tự thiêu mới ở Tây Tạng » với nhận xét, hình thức phản kháng này tiếp tục kéo dài tại Trung Quốc, mặc cho áp lực của chính quyền Bắc Kinh đè nặng lên thân nhân những người tự thiêu.

Trong tháng 12, đã có thêm ba vụ tự thiêu tại các khu vực người Tây Tạng ở Trung Quốc, nâng tổng số người Tây Tạng phải sử dụng đến biện pháp phản kháng cực đoan này lên 135 kể từ năm 2009, trong đó 116 người qua đời vì phỏng nặng.

Vụ mới nhất là Kalsang Yeshi, một nhà sư 37 tuổi, tự thiêu trước một đồn công an gần tu viện Nyistso ở huyện Đạo Phu (Tawu), tỉnh Tứ Xuyên, kêu gọi Đạt Lai Lạt Ma quay lại Tây Tạng. Khi các thành viên khác trong tu viện định mang thi thể cháy đen của nhà sư, công an đã bắn đạn thật vào đám đông biểu tình làm ít nhất một người bị thương. Tổ chức phi chính phủ Free Tibet cho biết xác của nhà sư Yeshi đã bị chính quyền đưa đi thiêu mà không có sự đồng ý của gia đình.

Le Monde cho biết, thi thể của những người tự thiêu là rất quan trọng đối với gia đình và cộng đồng tôn giáo vì cần tổ chức những nghi lễ riêng, trong khi dưới mắt chính quyền Bắc Kinh thì đây là một thách thức kéo dài. Theo Free Tibet, việc không cho gia đình tổ chức tang lễ là một thái độ thô bạo, vi phạm quyền căn bản của con người. Bên cạnh đó, là việc đàn áp thân nhân những người đã tự thiêu : tổ chức International Campaign For Tibet tố cáo, trong năm 2014 đã có 98 người bị bắt giam hay kết án nhiều năm tù vì « đồng phạm » trong những vụ tự thiêu !

Cải tử hồi sinh : Không phải là phép lạ

Trên lãnh vực khoa học, bài viết « Khi người chết sống lại » đăng trên Le Figaro khẳng định, các vụ bệnh nhân đã qua đời lại « hồi sinh », chủ yếu là do chẩn đoán sai, chứ không phải là phép lạ.

Bài báo dẫn ra hai trường hợp. Cách đây vài tuần, một phụ nữ Mỹ 40 tuổi, tim đã ngưng đập sau khi sinh, sau 45 phút hồi sức không thành công, các bác sĩ chuẩn bị công nhận tử vong, thì trái tim đập trở lại. Vài ngày sau, báo chí Ba Lan nêu ra vụ một bà cụ 90 tuổi đã tỉnh dậy trong nhà xác. Hai vụ này đặt ra câu hỏi : làm thế nào người ta có thể sống lại sau khi đã bị cho là chết lâm sàng ?

Giáo sư Pierre-François Laterre cho rằng : « Vài trường hợp ‘phép lạ’ trong những năm gần đây là do chẩn đoán sai, liên quan đến các thí nghiệm lâm sàng được thực hiện không có điện tâm đồ. Trong trường hợp bà cụ người Ba Lan, có thể do nhiễm độc dược phẩm khiến bệnh nhân bị hôn mê sâu, hay thân nhiệt giảm mạnh. Như vậy người bệnh rơi vào trạng thái ngủ đông, chỉ thở rất nhẹ, nhịp tim hầu như không đo được, chuyển hóa cơ bản giảm xuống ». Đây cũng là hoàn cảnh của những người bị rơi xuống dòng nước rất lạnh hay bị vùi trong tuyết : cái lạnh bảo vệ các tế bào.

Trường hợp sản phụ người Mỹ trên đây thì khác, bà bị ngưng tim trong bệnh viện và ngay lập tức được chăm sóc trong điều kiện rất tốt. Sự nhanh chóng và chất lượng của quá trình xoa bóp tim làm tăng cơ hội sống sót : mỗi phút trôi qua không được làm massage làm giảm 10% cơ may sống. Vấn đề là hầu hết các vụ tim ngưng đập lại xảy ra bên ngoài bệnh viện – trên đường phố hoặc tại nhà. Nếu không được xoa bóp tim, chỉ không đầy năm phút não đã bị tổn thương đáng kể.

Báo Pháp ôn cố tri tân

Hôm nay ngày cuối năm Dương lịch, báo chí Pháp như thường lệ, điểm lại một năm 2014 đầy sóng gió. Trang nhất của Libération kêu gọi « Hãy chấm dứt với 2014 » và dành 24 trang bên trong để lướt qua những sự kiện trong năm.

Nhìn sang năm mới, nhật báo cánh hữu Le Figaro cảnh báo Tổng thống Pháp « Hollande : 2005, một năm đầy nguy cơ ». Báo Le Monde phàn nàn : « Giá cả dịch vụ công tăng cao, trong một nước Pháp không lạm phát ». Nhật báo kinh tế Les Echos nhận định : « Dầu lửa, kim loại : Một thế giới với nguyên vật liệu rẻ hơn ». Tờ báo công giáo La Croix nói về « Giới trẻ công giáo quan tâm đến số phận của Trái Đất », khi 30.000 thanh niên tham gia Cuộc gặp châu Âu tại Taizé, mà một trong những đề tài thảo luận là vấn đề sinh thái.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20141231-xu-nha-doi-lap-navalny-don-cuoi-cung-trong-nam-cua-putin/

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.