Chân dung Kim Il Sung tại một khu nhà ở Bình Nhưỡng. Ảnh chụp ngày 05/10/2011. |
Bắc Triều Tiên, 9 năm để thoát khỏi địa ngục
Chương 5: Chạy trốn
Ngày hôm đó,
mẹ tôi đã bước sang cái ngưỡng không thể lùi lại được nữa. Tôi nhớ lại cảnh bà
đứng trong phòng khách, tia nhìn rực lên với một quyết tâm mới, tương phản hẳn
với sự tuyệt vọng của hôm trước. Trước mắt tôi, bà làm cái điều mà tôi chưa bao
giờ tin rằng có thể diễn ra.
Bà tiến lại
gần bức tường chính với những bước chân cương quyết, nhón chân, vói tay lên để
gỡ các bức chân dung Kim Il Sung và Kim Jong Il. Đó là những bức ảnh màu được
lồng kính, bọc khung gỗ mạ vàng.
Hai nhà lãnh
tụ dõi theo chúng tôi cả ngày lẫn đêm kể từ những ngày tháng trẻ thơ êm đềm của
tôi, và hiện vẫn giám sát từng hộ gia đình trên đất nước. Người ta thấy chân
dung lãnh tụ khắp nơi, hiện diện trong mỗi tòa nhà, cho đến từng toa tàu trong
métro Bình Nhưỡng. Trong cái tôn giáo mới toàn trị do Kim Il Sung sáng lập, đó
là những vật thiêng liêng.
Nay thì mẹ
tôi không còn sợ hãi nữa. Bà cẩn thận rút ra tấm ảnh của hai vị lãnh tụ đã được
thần thánh hóa. Sau đó bà tấn công đến khung ảnh, bẻ thành nhiều mảnh nhỏ. Đó
là thứ cuối cùng chúng tôi có thể đem bán.
Mẹ vừa phạm
một tội có thể bị án tử hình. Không thể để cho bất kỳ ai biết được mớ gỗ vụn
này từ đâu đến. Và nếu hàng xóm trông thấy mấy tấm ảnh bị mất khung ấy, họ có
thể tố cáo chúng tôi đã xúc phạm lãnh tụ. Để phòng ngừa, mẹ tôi quyết định đốt
hai tấm ảnh.
Bà mang mớ
gỗ ra chợ, và nhờ đó cuối cùng chúng tôi cũng mua được một bữa ăn. Lần đầu tiên
từ ba ngày qua, tôi mới có chút gì bỏ vào bụng. Thức ăn mới ngon làm sao! Mẹ
tôi dường như tìm lại được một chút nghị lực, có thể là nảy sinh từ tuyệt vọng.
Bà quyết định bán chiếc tủ vách ngăn, món đồ cuối cùng mà chúng tôi sở hữu,
ngoài chiếc bàn thấp mà tôi đã dùng để viết bản di chúc. Nhưng tại jangmadang, những người láng giềng nói
rằng nó quá cũ kỹ, khó kiếm được người mua. Giải pháp duy nhất là chẻ ra làm
củi đem bán, cầm hơi được thêm vài hôm nữa.
Nhưng sau đó
thì sao, chẳng thể nào biết được. Làm thế nào để sống sót ? Mùa đông khắc
nghiệt không hề để cho mẹ tôi được ngơi nghỉ, hơn nữa bà lại đổ bệnh. Mẹ không
có khả năng nuôi ăn chúng tôi nữa, nên phải tạm gởi tôi ở nhà một bà bạn. Tôi
rời nhà mà không biết rằng có dịp trở lại nữa hay không. Chị Keumsun đi xe lửa
đến nhà dì tôi ở Chongjin .
Mẹ cần lấy lại sức lực. Những người hàng xóm lo ngại thấy bà quá yếu ớt, trong
khi nhiệt độ ngoài trời xuống đến âm 15 độ. Họ nói rằng bóng ma của ba tôi vẫn
lẩn quẩn đâu đó, để mang bà đi theo. Phải cảnh giác với những hồn ma. Có nhiều
ma lắm, hồi nhỏ tôi rất sợ ma.
***
Chính trong
mấy tuần lễ cuối mùa đông 1997-1998 mà số phận tôi đã đảo lộn. Không còn biết
bấu víu vào đâu, mẹ tôi dần trở nên táo bạo, nghĩ đến cái điều không thể tưởng
tượng được: vượt biên. Chạy trốn khỏi Bắc Triều Tiên đến một nơi chốn vô định,
để cứu sống các con. Khi tôi gặp lại mẹ vào đầu tháng Hai, tôi hiểu rằng bà đã
có một quyết định đáng sợ: trốn sang Trung Quốc.
Eundeok chỉ
cách biên giới có một tiếng đồng hồ, nhưng chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc
mạo hiểm như thế. Vượt qua đường ranh giới được những người mặc quân phục,
trang bị súng ống canh giữ, có vẻ là một dự tính điên khùng. Những bạn bè lần
đầu tiên đã hạ giọng nói với chúng tôi sự đúng đắn của ý tưởng này. Họ bảo rằng
chúng tôi không có cơ hội nào để sống sót ở đây. Những người láng giềng kể lại,
có những người thân của họ đã sang đó và kiếm sống được.
Ban đầu mẹ
tôi không tin, vì khi bà còn trẻ, đất nước chúng tôi giàu có hơn Trung Quốc.
Vào thời đó, chính những người Trung Quốc mới mơ sang Bắc Triều Tiên để được no
đủ. Thế giới thay đổi quá nhanh! Và cần nhắc lại là, ở đây người dân hoàn toàn
không có thông tin gì về phần còn lại của thế giới, ngoài những luận điệu tuyên
truyền được gieo rắc - tốt nhất là sống ở đây còn hơn là trong sự hỗn loạn của
thế giới tư bản. Chúng tôi sống trong sự lừa dối thường trực, mà thời đó tôi
không hề biết.
Cuối cùng mẹ
tôi cũng thuận theo, vì không có cách nào tốt hơn. Nhưng một khi có ý định
trong đầu, không thể nào làm cho bà thay đổi quyết định. Không hề nói với ai,
bà âm thầm chuẩn bị. Chúng tôi sẽ trở thành những “kẻ đào tẩu”, những kẻ phản
bội tổ quốc. Tuy nhiên vào lúc đó, chúng tôi không hề quan tâm đến chính trị.
Đó chỉ là bản năng sinh tồn, chứ không phải là ý định nổi dậy chống lại chế độ.
Mục đích là tìm được thức ăn, để không ngã rạp như rươi.
Tôi không có
khả năng chỉ trích sự độc tài của Kim Jong Il, chỉ muốn không bị đói ăn. Chỉ
sau đó, dần dà trong quá trình đào tẩu thảm hại để đến được Seoul, tôi mới được
mở mắt về tình trạng nô lệ của chúng tôi, và hiểu được sự khủng khiếp của chế
độ phi nhân này. Ngày nay, tôi có thể tố cáo những tội ác của chế độ, vì tôi đã
được an toàn tại Hàn Quốc. Và bao tử tôi không còn trống rỗng.
***
Sông Đồ Môn, ranh giới Bắc Triều Tiên - Trung Quốc vào mùa đông. |
Mười lăm năm
đã trôi qua, nhưng tôi nhớ rõ từng chi tiết cái ngày cuối mùa đông ấy, khi cuộc
đào thoát bắt đầu. Tôi không biết rằng nó kéo dài đến chín năm.
Màn đêm
buông xuống Eundeok. Mùa xuân không còn xa nữa, nhưng tôi lạnh run, vì nhiệt độ
xuống thấp từ khi bóng tối phủ lên thành phố. Trong bóng đêm chập choạng, chị
Keumsun, mẹ và tôi nhẹ nhàng lách ra ngoài. Mẹ đóng vĩnh viễn cánh cửa căn hộ
của chúng tôi. Tôi mang theo một chiếc túi ba lô nhỏ đựng những kỷ niệm quý báu
nhất: đó là những tấm ảnh, đặc biệt là tấm chụp ba tôi đội chiếc mũ lông, đứng
trước bức tượng Kim Il Sung ở Bình Nhưỡng. Đó là tấm hình tôi thích nhất.
Trên đường,
những người khách bộ hành không biết rằng sẽ không bao giờ thấy lại chúng tôi.
Lúc nãy mẹ tôi có đến gặp một người bạn, mượn rìu và cưa, nói rằng để đi kiếm
củi. Bà không dám nói với ông ấy là chúng tôi sẽ mang đi luôn. Hai dụng cụ này
bảo đảm chống lại cái đói, trong chuyến du hành vô định của chúng tôi. Mẹ tôi
nghĩ, chỉ cần chặt củi dọc đường và bán khi nào cần mua đồ ăn. Mẹ luôn có những
ý tưởng thực tiễn.
Trời tối đen
như mực khi chúng tôi đến được ngôi làng biên giới, sau khoảng một tiếng đồng
hồ đi đường. Lợi dụng bóng tối, chúng tôi tránh xa ngôi làng, băng qua cánh
đồng bằng cách núp sau những lùm cây. Bỗng dưng đôi mắt đã quen với bóng tối
của tôi phân biệt được một vũng sáng trong đêm. Dòng sông Đồ Môn! Phía sau đó
là Trung Quốc. Tự do - và tôi hy vọng - cả gạo thóc cũng đợi chúng tôi ở bên
ấy. Đêm nay chúng tôi sẽ đến được.
Địa điểm này
quen thuộc với tôi vì cách đây vài tuần, chúng tôi đã thử lần đầu. Đó là hồi
đầu tháng Ba. Theo những lời khuyên thu thập được từ những người đưa đường,
chúng tôi định đi bộ qua dòng sông đang đóng băng. Nhưng cần phải nhìn nhận một
thực tế: đã quá trễ. Những mảnh băng giá đã thấy trôi nổi trên dòng nước. Băng
đã bắt đầu tan, cần phải đợi đến mùa đông năm sau. Một sự chờ đợi vô tận! Chúng
tôi đã phải thất thểu quay lại Eundeok trong đêm. Nhưng mẹ tôi, không bao giờ
chấp nhận bại trận, đã quyết định rằng chúng tôi sẽ trở lại vào mùa xuân để đi
qua sông Đồ Môn – lần này thì lội trong nước, vì dòng sông có tiếng là nông.
***
Thế là giờ
đây chúng tôi đã trở lại trong đêm. Nhẹ nhàng và thận trọng, chúng tôi tiến gần
bờ sông Đồ Môn. Cách dòng sông vài mét, tôi dán chặt người trên cát. Từ đó, có
thể bí mật quan sát những toán lính biên phòng đi tuần qua lại bên bờ sông.
Chúng tôi nằm bất động nhiều giờ liền, trong im lặng. Mẹ tính toán thời gian và
tần suất các vòng tuần tiễu của những người mặc quân phục.
Vào khoảng
nửa đêm, khi một toán tuần tra đã đi qua, mẹ tôi phát tín hiệu - bà tiến lên
trên bãi cát, nắm lấy tay hai chị em tôi kéo đi. Bất chợt bàn chân tôi chạm vào
mặt nước. Thật là lạnh giá! Chúng tôi không biết bơi, nhưng mẹ nắm tay chị em
tôi rất chặt. Nước nhanh chóng lên đến đầu gối tôi, dâng đến bụng rồi ngập lên
đến cổ. Tôi cảm thấy mình sẽ bị chìm ngập trong nước. Tôi sợ hãi. Chị Keumsun
và tôi cố níu mẹ lại, tuy bà vẫn rất kiên quyết. Cuối cùng mẹ cũng nhận ra là
nước quá sâu đối với chúng tôi, và lùi về phía những đụn cát. Tôi thở ra nhẹ
nhõm!
Nhưng mẹ rất
bướng bỉnh. Bà yêu cầu chúng tôi phải ngoan ngoãn chờ đợi, để một mình bà cố
tìm ra một lối thoát. Bóng dáng của mẹ từ từ chìm sâu vào dòng nước đen như
mực, và càng lúc càng nhỏ dần đi.
Tôi run rẩy,
hai hàm răng đánh vào nhau lập cập, thấy dáng hình mẹ tôi nhòa lẫn vào bóng
tối. Bà sẽ chết chìm. Chúng tôi sẽ không bao giờ còn được nhìn thấy mẹ nữa. Và
nếu bà thành công trong việc sang được đến bờ bên kia, thì chị Keumsun và tôi
sẽ ra sao? Mẹ tôi đã biến mất, tim tôi đập loạn cả lên.
Bỗng dưng
sau những phút giây dài dằng dặc, hình thù mẹ lại hiện ra bên bờ sông, nước
chảy ròng ròng trên người bà. Mẹ run cầm cập, cố gắng lắm mới bước đi nổi. Tôi
sợ rằng mẹ sẽ ngất xỉu, dòng nước giá băng đã làm cho bà kiệt sức. Chỉ còn cách
bờ bên kia có ba mét, lòng sông bỗng sụt sâu xuống và mẹ tôi bị hụt chân. Chỉ
còn có ba mét nữa là bà đặt chân lên được đất Trung Quốc!
Tôi hoảng
loạn. Trong đêm đen, hai đứa bé gái đơn độc, cố gắng hỗ trợ một người mẹ bệnh
hoạn, run rẩy. Biết làm gì bây giờ?
- Đành chịu, mẹ con mình nộp mạng cho
biên phòng vậy – Mẹ tôi quyết định một cách nhẫn nhục.
Mời đọc lại:
rất mong phần tiếp theo...
RépondreSupprimerLại chờ...Cám ơn Thụy My.
RépondreSupprimermình mong loạt bài này từng ngày, mỗi khi trống tiết dạy mình đều lên mạng kiểm tra xem thử có bài mới không :)
RépondreSupprimerCam on Thuy My rat nhieu. Minh da tung la dua tre phai di hai rau ma' ngoai dong va dao cu san tu nhung coc rao de co cai an vao nhung nam 80s o VN. Nay da song o nuoc ngoai, nhung khong bao gio quen duoc ban ah.
RépondreSupprimerCam on Thuy My rat nhieu. Minh da tung la dua tre phai di hai rau ma' ngoai dong va dao cu san tu nhung coc rao de co cai an vao nhung nam 80s o VN. Nay da song o nuoc ngoai, nhung khong bao gio quen duoc ban ah.
RépondreSupprimerCam on Thuy My rat nhieu. Minh da tung la dua tre phai di hai rau ma' ngoai dong va dao cu san tu nhung coc rao de co cai an vao nhung nam 80s o VN. Nay da song o nuoc ngoai, nhung khong bao gio quen duoc ban ah.
RépondreSupprimerChờ đợi mấy tuần mà chưa có chương mới nữa!
RépondreSupprimerChương tiếp theo đâu rồi Thụy My ơi
RépondreSupprimerLâu quá bạn ơi
RépondreSupprimerchán quá, 1 năm 6 tháng mà không xong một cuốn hồi ký
RépondreSupprimerĐã có chương mới rồi, thành thật xin lỗi các bạn. Ngày mai sẽ đăng tiếp phần sau (bây giờ mới đọc được lời phê bình của các bạn Nặc danh, Nho Hồ Văn, Nguyễn Quang Hung, mong là không ai giận Thụy My cả).
RépondreSupprimer4 năm chờ
RépondreSupprimer4 năm chờ
RépondreSupprimer