Bài đăng : Thứ bảy 21 Tháng Chín 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 21 Tháng Chín 2013
Buổi tối 06/02/2012, khi Vương Lập Quân, giám đốc cảnh sát của đại đô thị Trùng Khánh, bất mãn với Bí thư Thành ủy Bạc Hy Lai, chạy vào lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô xin tị nạn chính trị, người cộng sản trung thành và thân cận với giới chức công an cao cấp của chế độ chắc chắn không thể không ý thức rằng xì-căng-đan do ông ta gây ra là một quả bom khủng khiếp.
Vương Lập Quân nắm trong tay thủ phạm một vụ giết người, lúc đó hãy còn bị dàn dựng thành một cái chết vì quá chén : đó là bà Cốc Khai Lai, vợ ông Bạc Hy Lai, một luật sư tài giỏi và là nhà văn. Bốn tháng trước đó, bà ta đã kết liễu cuộc đời của doanh nhân người Anh Neil Heywood – được cho là gần gũi với tình báo Anh – bằng cách đầu độc ông này. Vụ thanh toán trên đây có liên quan đến một ngôi biệt thự tại Côte d’Azur ở nước Pháp, được giao cho Heywood rồi đến kiến trúc sư người Pháp Patrick Devillers quản lý.
Từ lúc đó, sự nghiệp chính trị đầy hứa hẹn của ông Bạc Hy Lai coi như chấm dứt ! Năm nay 63 tuổi, vị « thái tử đỏ » này là ủy viên Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc từ năm 2007. Ông là con của Bạc Nhất Ba, một nhà cách mạng lão thành vốn là bạn chiến đấu của Mao Trạch Đông, một trong Bát đại nguyên lão. Nhưng những hành động « chơi nổi » của ông Bạc Hy Lai gây khó chịu cho các lãnh đạo khác, và ông đã được coi là một đối thủ cồng kềnh cho Chủ tịch hiện nay là Tập Cận Bình.
Ông Bạc hùng cứ ở Trùng Khánh và đưa đô thị có 30 triệu dân này thành một vùng kinh tế mẫu mực cho phần còn lại của đất nước. Nhưng ông ve vãn cánh tả trong đảng khi tung ra các chiến dịch văn hóa Mao-ít, với những bài hát cách mạng, và nhất là tấn công vào mafia địa phương. Từ mafia này thật ra tại Trùng Khánh có định nghĩa mập mờ, khiến gần 5.000 người bị bắt giữ trong đó có nhiều doanh nghiệp tư nhân, và theo các luật sư thì trong chiến dịch truy quét trên đây có rất nhiều người bị ngược đãi, hoặc oan ức.
Sau khi xuất hiện lần cuối cùng tại kỳ họp Quốc hội vào tháng Ba năm 2012, Bạc Hy Lai bị giam ở một địa điểm bí mật. Vợ ông bị đưa ra xử vào tháng Tám vì tội sát hại doanh nhân Anh, bị kết án tử hình treo, tức án chung thân. Tháng sau đó đến lượt sếp công an Vương Lập Quân, nơi xuất phát nguồn cơn : ông ta không được đi tị nạn chính trị tại Hoa Kỳ, và bị lãnh án 15 năm tù.
Cần phải chờ đợi gần một năm sau mới thấy Bạc Hy Lai đã bị tước tất cả mọi chức vụ, xuất hiện vào tháng rồi trước các quan tòa.
Ông Bạc là ủy viên đầu tiên của Bộ Chính trị - cơ quan quyền lực tối cao đảng Cộng sản Trung Quốc – phải ra tòa, sau vụ án Trần Hy Đồng. Ông này là cựu Đô trưởng Bắc Kinh, vốn hăng hái ủng hộ việc điều quân đội đến Thiên An Môn tàn sát sinh viên đòi dân chủ năm 1989, đã bị kết án 15 năm tù giam vì tội tham nhũng vào năm 1998.
Nhưng ngạc nhiên thay, trước vành móng ngựa, Bạc Hy Lai không tỏ ra là một tội nhân nhẫn nhục xin nhận sai lầm, như thường thấy trong các phiên tòa Trung Quốc. Ông khẳng định tác phong chính trị đĩnh đạc, ngang nhiên đối đầu với các thẩm phán và những người tố cáo ông, bác bỏ hầu như toàn bộ những lời buộc tội tham nhũng, gọi bà vợ đã ra làm chứng chống lại ông qua băng video là « điên khùng », « kẻ dối trá » ; và Vương Lập Quân, người từng là cánh tay mặt của ông, là một kẻ « hèn hạ ».
Một điều ngạc nhiên nữa là phiên tòa kéo dài đến năm ngày liên tiếp, thay vì chỉ diễn ra trong vòng 24 đến 48 giờ như thường lệ. Hơn nữa, tư pháp vốn luôn bị đảng kiểm soát chặt chẽ, đã sáng tạo ra cách tường thuật diễn tiến tranh tụng trong phiên tòa qua tiểu blog trên mạng – kể cả các phát biểu của ông Bạc Hy Lai, được nhiều triệu cư dân mạng hồi hộp theo dõi.
Tuy vậy không thể nào xác minh được tính chân thực của các biên bản này : không có nhà báo độc lập nào được tham dự phiên tòa. Từ đầu phiên xử, bản tường thuật duy nhất về vụ này luôn là bản chính thức của Nhà nước.
Dù vậy, người ta được nghe từ cửa miệng ông Bạc Hy Lai là giám đốc công an Vương Lập Quân yêu mê mệt vợ ông. Hay là cậu con trai Bạc Qua Qua của ông, điển hình của các thiếu gia Trung Quốc, sống một cuộc sống xa hoa và du ngoạn nhiều nơi trên thế giới. Công tử Bạc Qua Qua nhảy từ một trường đại học Anh sang một đại học danh tiếng ở Mỹ, chi phí do một tỉ phú bạn thân của vợ chồng ông Bạc lo, tỉ phú này bây giờ cũng đang ở phía sau chấn song nhà tù.
Tóm lại, đây là một phiên tòa công khai giăng mắc đầy kịch tính, trong một đất nước khép kín nhất về phương diện tư pháp.
Nhưng rốt cuộc, trong phiên xử chủ yếu nhằm để cho ông Bạc Hy Lai xuất hiện như một « kẻ tham nhũng », cuối cùng ông chỉ bị cáo buộc đã ngăn trở vụ điều tra về người vợ, và nhận 2,6 triệu euro hối lộ. Có nghĩa đây chỉ là một con «ruồi » chứ không phải là « cọp » - như ông Tập Cận Bình đã từng hứa hẹn sẽ truy quét tham nhũng trong đảng, « cả ruồi lẫn cọp ».
Một cựu tù chính trị cam đoan với AFP, cho dù Bạc Hy Lai có bị kết án bao nhiêu năm tù đi nữa, ông Bạc hầu như có thể an tâm là sẽ được ở trong một nhà giam tiện nghi, và một ngày nào đó sẽ được giảm án.
o Viet Nam cung rua
RépondreSupprimer