Bào Phác và tác phẩm "Hồi ký Triệu Tử Dương" |
(Le Monde 30/05/2013)
Bào Phác là chủ nhân nhà xuất bản đặt trụ sở tại Hồng Kông chuyên xuất bản hồi
ký của các cựu lãnh tụ cộng sản Trung
Quốc. Trong đó có Hồi ký Triệu Tử Dương, Tổng bí thư đảng
Cộng sản Trung Quốc
chủ trương cải cách, bị cách chức vì phản đối vụ thảm sát Thiên An Môn năm
1989. Bào Phác cũng là con trai ông
Bào Đồng, cánh tay mặt của ông Triệu Tử Dương trước đây.
Bào Phác (Bao Pu), người sáng lập New Century Press ở Hồng
Kông, là một người trung gian đưa sách « vượt biên ». Và đây không
phải loại sách tầm thường : từ năm 2005, với nhịp độ khoảng hơn một chục
tác phẩm mỗi năm, anh chuyên xuất bản Hồi ký của của các cựu lãnh đạo và cán bộ
cấp cao của Đảng Cộng sản, cũng như các công trình nghiên cứu, phân tích của
các nhà trí thức hay nhà sử học nổi tiếng bị cấm đoán tại Trung Quốc.
Từ đó đến nay, anh đã thực hiện được gần 50% doanh số tại
Hồng Kông, khách mua là người từ Hoa lục sang du lịch. Ông chủ nhà xuất bản nói
với chúng tôi như trên, trong một quán cà phê gần bên trụ sở. Sáng suốt hơn, tò
mò hơn và đông đảo hơn so với quá khứ, du khách Trung Quốc đã trở thành một mục
tiêu. « Đó cũng là một món quà rất
được ưa chuộng tại Trung Quốc »
- người đàn ông ở lứa tuổi bốn mươi,
đang điều hành New Century Press cùng với người vợ Đài Loan Renée Chang - cho
biết.
Đặc biệt, năm 2010 New Century Press đã xuất bản một chân
dung đầy châm biếm về cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo, do nhà văn Dư Kiệt (Yu Jie) viết. Hay vào năm
2012, là một loạt phỏng vấn không phép đối với Trần Hy Đồng (Chen Xitong), cựu
Đô trưởng Bắc Kinh đã bị bãi chức, về thời điểm sự kiện Thiên An Môn tháng
6/1989. Tháng 5/2013, nhà xuất bản lại cho ra mắt công trình nghiên cứu của một
tập thể chuyên gia Trung Quốc,
đặt nghi vấn đối với thông tin chính thức về cái chết của Lâm Bưu (Lin Biao) – nhân vật
từng được chọn là người kế vị của Mao Trạch Đông, tử nạn trong một tai nạn máy
bay năm 1971.
Thành công vang dội nhất của New Century Press cho đến nay
là cuốn Hồi ký Triệu Tử Dương, xuất bản năm 2009 (bản tiếng Pháp do NXB Seuil
phát hành năm 2011). Cựu Tổng bí thư Đảng bị cách chức năm 1989 vì phản đối
việc trao quyền cho quân đội (trong vụ Thiên An Môn), bị quản thúc tại gia cho
đến khi qua đời năm 2005. Được đọc vào các băng cassette dành cho trẻ em, lời
chứng của « Gorbatchev Trung
Quốc » được lén lút chuyển sang Hồng Kông với sự trợ
giúp của các cộng sự cũ.
Trong vai trò người đưa đường, Bào Phác có được sự kế thừa
hữu ích : anh là con trai của Bào Đồng, cánh tay phải của Triệu Tử Dương.
Với vị trí người đứng đầu cơ quan cải cách chính trị, ông đã đặt Trung Quốc vào đường ray dân
chủ hóa từng bước, trước khi việc « bình thường hóa » lật lại
vấn đề. Bị bắt ngày 28/05/1989 - chưa đầy một tuần lễ trước khi các chiến xa
được điều đến trên đường phố Bắc Kinh, năm 1992 ông Bào Đồng bị kết án 7 năm
tù giam vì tội tuyên truyền phản cách mạng và tiết lộ bí mật Nhà nước. Từ khi
được trả tự do, tư gia của ông ở Bắc Kinh bị giám sát nghiêm ngặt và ông thường
xuyên bị « kèm chặt » tại nhà, mỗi lần sắp đến các ngày kỷ niệm nhạy
cảm, hay các sự kiện chính trị quan trọng.
Năm 1989, Bào Phác còn là sinh viên. Tốt nghiệp một trường
đại học khoa học ở Bắc Kinh vào tháng 7 năm ấy, sau khi cha bị bắt, anh nhận
được visa để sang Mỹ du học vào tháng 11. Anh lấy bằng MBA của trường đại học
Princeton, rồi sang Hồng Kông cư trú năm 2011. Bào Phác phát hiện ra một thị
trường ngách : « Có vô số
nguồn vẫn chưa được khai thác, chẳng ai biết làm cách nào để đưa các thông tin
này ra khỏi Trung Quốc
và liên hệ với những người đó ».
Bào Phác đã quá chán ngán nạn kiểm duyệt ở Trung Quốc, anh xuất bản ở Hồng
Kông – cho dù anh nhìn nhận là nhờ vậy mà anh mới tồn tại. Bắc Kinh đôi khi tìm
cách hăm dọa : năm 2010, khi Bào Phác đang quan tâm đến cuốn nhật ký độc đáo
của…Lý Bằng (Li Peng) - Thủ tướng thời kỳ Triệu Tử Dương, người đại diện cho
phe cứng rắn và được mệnh danh là « tên đao phủ của Thiên An Môn » -
« họ » đã bắn tin qua một người bạn là cảm thấy rất phiền lòng.
Bằng cách mặc cả ngược lại, anh đạt được quyền quay về Trung Quốc thăm cha mẹ - điều
mà anh thực hiện ngay vào mỗi dịp Tết âm lịch hàng năm, dưới sự theo dõi chặt
chẽ. Hai mươi bốn năm bị giam cầm rồi đến tình trạng bị quản thúc tại gia của
người cha làm anh phẫn nộ. Và anh tức giận khi không được phép về nhân dịp cha
anh trọn bát tuần ngày 08/11/2012, ngày khai mạc đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 28. Anh
nói : « Đó là cách duy nhất mà
họ có thể bắt chẹt được tôi : cấp visa hay không, cho nên họ chơi trò
đó ».
Gần tới ngày kỷ niệm lần thứ 24 vụ thảm sát Thiên An Môn, New
Century Press quay lại cuộn phim của thời kỳ trước đó – năm nay là bằng hai tác
phẩm. Trước hết là Hồi ký của Trần Nhất Tư (Chen Yizi), phát hành ngày 24/5 tại
Hồng Kông, tiếng nói của nhân vật mà ông Triệu Tử Dương đã đưa lên làm người lãnh
đạo Trung tâm nghiên cứu về cải cách kinh tế. Bị tố cáo là một trong những kẻ
mưu phản cùng với ông Bào Đồng,
vị cựu viên chức đã bí mật sang được Hoa
Kỳ, hiện đang giảng dạy ở Princeton.
Cuốn thứ hai được New Century Press xuất bản vào tháng 2,
chú trọng đến di sản của Triệu Tử Dương và Bào Đồng. Với tựa đề « Cuộc cải cách chính trị của Trung Quốc trong thập niên 80,
trên sân khấu và trong hậu trường », cuốn sách do Wu Wei – một cựu cố
vấn của Bào Đồng viết. Tác phẩm thuật lại những bước tiến của Đại hội Đảng Cộng
sản Trung Quốc
lần thứ 23 vào năm 1987 (đại hội này đã đề cử ông Triệu Tử Dương, Thủ tướng từ
năm 1980, lên làm Tổng bí thư), và về các kế hoạch hành động của các tân lãnh
đạo hai năm tiếp theo.
Người đọc khám phá được cải cách chính trị đã tiến bộ như
thế nào vào lúc ấy, nhất là vấn đề tách biệt Đảng và chính phủ. Chủ trương này
do Đặng Tiểu Bình đưa ra với mục đích mang lại hiệu quả, nhưng được Triệu Tử
Dương tiến hành với ý tưởng « dân chủ hóa chủ nghĩa xã hội », ngăn cản
việc Đảng Cộng sản thường xuyên can thiệp vào công việc của chính phủ.
Đến đầu năm 1989, phân nửa các Đảng bộ trong các tổ chức
chính phủ - nơi mà Đảng có thể áp đặt các quyết định bí mật – đã bị giải tán.
Sau vụ Thiên An Môn, các biện pháp này đã bị xóa bỏ. Thế mà, theo sự nhìn nhận
của Wu Wei trong một cuộc trao đổi ở Bắc Kinh, việc giải tán các chi bộ Đảng là
hết sức xác đáng và ngày nay Đảng Cộng sản bị tràn ngập các đòi hỏi cải cách
chính trị. Ông nói : « Điều
quan trọng là phải làm sao cải cách chính trị mà không phải thông qua một cuộc
cách mạng, và như vậy cần phải quan tâm đến những gì mà Triệu Tử Dương đã tiến
hành từ hơn hai chục năm trước ».
Nhưng muốn thế phải dỡ bỏ các cấm kỵ và việc kiểm duyệt. Nếu
không, thì phải đi sang tận Hồng Kông để mua các cuốn sách của New Century
Press.
Mời đọc lại:
Mời đọc lại:
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.