Blogger Nguyễn Hữu Vinh |
Bài đăng : Thứ ba 12 Tháng Ba 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 13 Tháng Ba 2013
Biên tập viên trang này đã cố giành giật lại được hai địa chỉ thư điện tử, và tin tức được chuyển sang trang Việt Sử Ký. Nhưng hôm sau trang Việt Sử Ký cũng bị tin tặc cướp được, những người phụ trách bèn chuyển tin bài sang địa chỉ basam5.wordpress.com. Chỉ khoảng một tiếng đồng hồ sau, địa chỉ mới cũng bị tấn công. Không chịu thua, từ ngày 10/3 đến nay trang điểm tin này đã tạm dời sang anhbasamvn.wordpress.com. (Bổ sung: Ngày 13/3 địa chỉ mới lại bị hack tiếp. Địa chỉ hiện nay: anhbasam04.wordpress.com).
RFI Việt ngữ đã liên lạc với chủ trang web uy tín này là ông Nguyễn Hữu Vinh ở Hà Nội để trao đổi về sự kiện trên.
RFI : Kính chào anh, hôm nay RFI Việt ngữ rất hân hạnh được anh dành thì giờ tiếp chuyện. Thưa anh, được biết blog anhbasam lại vừa bị tin tặc tấn công từ mấy ngày qua. Nhân dịp này anh có thể cho biết ý kiến về một không gian tự do trên internet, đặc biệt trong bối cảnh đang diễn ra cuộc vận động góp ý cho Hiến pháp ?
Ông Nguyễn Hữu Vinh : Tôi nghĩ là cái không gian thông tin trên mạng, ngoài hệ thống báo chí nhà nước thì hiện tại rất là thuận lợi để trao đổi xung quanh vấn đề sửa đổi Hiến pháp 1992. Và tôi nghĩ rằng cái bối cảnh và không gian này là tự nhiên, là nhu cầu của người dân. Có thể về nhận thức dù họ có ngại đi nữa, họ cũng thấy là cần thiết, nên sự tồn tại của nó cho đến hôm nay, xung quanh chuyện góp ý về sửa đổi Hiến pháp là tự nhiên, và đồng thời cũng không bị cản trở mấy.
Mặc dù trong mấy ngày nay, nhiều hệ thống và một số blog riêng đã bị dựng tường lửa. Nhưng tôi cho như thế cũng không có gì đáng ngạc nhiên, và cũng tạm gọi là chấp nhận được, tức là người dân vẫn tiếp cận được thông tin cần thiết một cách thuận lợi. Và Nhà nước thì cũng nhận được những tiếng nói trái chiều một cách có chừng mực, để mà lấp đi cái khiếm khuyết rất lớn từ phía báo chí nhà nước.
RFI : Thưa anh, nhưng qua việc một số blog bị đánh phá vừa rồi, phải chăng những người bảo thủ bắt đầu lo ngại trước sức mạnh của xã hội dân sự ?
Tôi nghĩ là trong vụ này không nên và không thể kết luận dễ dàng là tại sao, từ nguồn nào mà họ đánh phá những trang mạng vừa rồi. Bởi vì có thể hình dung một khả năng như thế này thì sao - mà ít ai để ý : cũng có những thế lực nào đó, không phải hoàn toàn thuộc về phía Nhà nước, nhưng họ lại đánh phá những trang đó, để người dân nghĩ rằng Nhà nước này đánh phá, nhằm tăng thêm sức ép và sự phẫn nộ của người dân về phía Nhà nước. Đấy là một khả năng.
Tất nhiên là tôi không coi khả năng đó là nhiều, nhưng mà cũng cứ thử nghĩ thế, để mà tập một cái quan điểm, một cách nhìn làm sao cho công minh hơn trong công luận, cũng như trên thế giới mạng tự do này.
RFI : Khác với báo chí chính thức, ở không gian mở trên mạng, chẳng hạn như blog anhbasam, thì phản hồi rất nhiều, chứng tỏ người dân không hề thờ ơ mà hết sức quan tâm tới tình hình đất nước hiện nay ?
Vâng, rất là quan tâm. Mức độ quan tâm và nhận thức của người dân có thể nói là đột biến chưa từng thấy. Tôi không lấy ví dụ ai, nhưng tự so sánh với tôi, thì so với lần sửa Hiến pháp 92 trước đây, nói thẳng là hồi đó tôi không quan tâm chút gì hết. Mà tôi coi chuyện Nhà nước làm ra cái Hiến pháp ấy thì thôi kệ để Nhà nước làm, tôi cũng nghĩ không thể nào người dân có thể tác động gì đáng kể vào việc hình thành một Hiến pháp cả. Hồi trước tôi nghĩ thế, và tôi hiểu về Hiến pháp rất ít.
Nhưng mà lần này thì tôi hiểu rất nhiều. Chính nhờ những chuyên gia về pháp lý, rồi những người có kiến thức về lĩnh vực này có viết bài, rồi được tiếp xúc với họ, và nhờ những người dân là độc giả của mình - qua họ thì chính tôi cũng hiểu biết thêm rất là nhiều, quan tâm một cách chưa từng thấy.
Theo tôi đánh giá trong mấy năm nay - tôi vẫn dùng từ « hàm lượng trí thức » trong số các độc giả của trang này rất cao, nhưng cũng không thể hiện được nhiều trong các phản hồi. Qua các bài viết của những người có kiến thức, các trí thức gửi tới, rồi qua sự quan tâm của các trang khác, qua mối quan hệ xã hội, tiếp xúc bên ngoài v.v…thì tôi được biết điều đó, còn các phản hồi không thể hiện nhiều lắm.
Điều này cũng khá dễ hiểu. Tôi cho là rất nhiều vị có kiến thức, và có thể là muốn đóng góp kiến thức của mình, thì lại không có điều kiện lắm ; hoặc không muốn, không thích tham gia trao đổi trên mạng. Tôi cho là vừa khá đáng tiếc, nhưng cũng thể hiện một tiềm năng mà nếu biết khai thác, và với thời gian có thể sẽ thay đổi. Có nghĩa là có nhiều người có kiến thức để đóng góp cho đất nước, cho xã hội sẽ tăng cường trao đổi hơn trên mạng. Còn hiện nay, những người không khai danh tính thì không nói làm gì, nhưng mà những người công khai trao đổi trên trang này cũng rõ là khoảng mươi người, toàn những vị khá là nổi tiếng, trong và ngoài nước đều biết.
RFI : Tuy đây không phải lần đầu blog anhbasam bị phá nhưng lần này bị tấn công khá dữ dội, liệu có nhiều khả năng hồi phục không thưa anh ?
Chúng tôi không câu nệ lắm chuyện mà bị đánh sập rồi có phục hồi lại trang cũ được không. Bởi vì theo quan niệm của chúng tôi, cũng như năm ngoái, khi sinh nhật 5 tuổi của trang Ba Sàm, thì chúng tôi có dùng một cái ý là nói với độc giả là Ba Sàm sẽ « bất tử ». Cái nghĩa « bất tử » đó có hai hàm ý.
Hàm ý thứ nhất là cái phương pháp của chúng tôi, dù tôi có trực tiếp làm hay không làm như lâu nay, hoặc là tôi từ bỏ để đi làm việc khác, thì những người cộng sự của tôi vẫn sẽ tiếp tục cái phương pháp này. Vì nó đã được thể nghiệm trong 5 năm qua, cho thấy rất là hữu hiệu trong việc cung cấp thông tin cho độc giả.
Ý nghĩa thứ hai là cái tạm gọi là thương hiệu, khi mà từng đó năm rồi vẫn duy trì được một phương pháp, một phong cách không thay đổi này và ngày càng cải tiến, thì uy tín trên mạng rất là cao. Dù mình có bị đánh sập mình bỏ đi mở chỗ khác, thì độc giả cũng sẽ tìm đến mình, bằng phương tiện thế nào đó - trên net bây giờ người ta rất thông thạo.
Và thứ nữa là bằng sự gắn kết rất chặt chẽ của trang Ba Sàm với rất nhiều trang mạng tự do nổi tiếng hiện nay thì dù có mở ở đâu - chúng tôi hay đùa là như một cái chòi vịt - thì cũng sẽ thu hút độc giả trở lại như thường. Thế nên cái chuyện có phục hồi được hay không, như cũ hay không thì không quan trọng.
Về kỹ thuật thì cũng không khó phục hồi trở lại, bởi vì dữ liệu chúng tôi back up (sao lưu) thường xuyên nên khi mở lại blog mới ở địa chỉ khác thì chúng tôi restore (khôi phục) trở lại như thường, không ảnh hưởng. Nhưng do hiện nay áp lực công việc hàng ngày về tin bài quá lớn, nên chúng tôi chưa có điều kiện để lập một địa chỉ khác và đưa lại dữ liệu lên.
Về trang Việt Sử Ký thì cũng như trang Ba Sàm thôi, sẽ liên lạc với hệ thống WordPress để họ trả lại cho chúng tôi. Chúng tôi có đầy đủ bằng chứng để chứng minh là người chủ của trang đó, mặc dù những hacker rất cao tay nhưng không thể chứng minh được họ là chủ cũ. Dù họ có lấy hết đồ đạc trong nhà, trả lại cái vỏ, nhưng chúng tôi cũng đưa lại lên như cũ được. Tất nhiên là sẽ mất công hơn.
RFI : Lượng độc giả của trang Ba Sàm hết sức đông đảo. Làm được một trang tin như thế này chắc chắn không phải là đơn giản, phải bỏ rất nhiều công sức ?
Vâng, công việc hàng ngày thì rất là căng, vì tính chất đặc biệt của trang này có cái khó là ở chỗ mình phải lấy tin trên báo hàng ngày. Các báo đưa lên mạng xong là mình phải lấy thật nhanh để đưa vào, xong rồi phải lướt qua một số tin thật nhanh. Trước hết là phải gom nó vào với nhau để độc giả theo dõi cho dễ, chứ không thể nào để tản mác, rời rạc được. Ví dụ cùng một vấn đề nào đó thì các tin bài phải ở liền với nhau.
Thứ hai nữa là mình cũng phải nhớ vấn đề mà tin bài đó nêu ra. Có thể hôm qua, hôm kia hoặc là năm ngoái người ta đã đề cập đến chuyện này rồi, hoặc đã xảy ra chuyện gì, thì mình cũng phải nhớ để bình luận, thậm chí là tìm những bài cũ ghép vào để độc giả thấy nổi lên một điều nào đó bất thường trong vấn đề mà bài nêu ra chẳng hạn. Đấy là một ví dụ.
Ví dụ thứ hai là khi trong tin, bài đó có vấn đề đáng để bình: không hợp lý, hoặc là có cái hay, cái mới, thì mình cũng có ý kiến để độc giả quan tâm hơn, rồi tìm những câu, những ý hay ở trong bài đó mình trích ra. Nó khó ở chỗ tốc độ để mà phát hiện bài, tin rồi lắp ghép với nhau, rồi bình luận, phải rất là nhanh. Thường là ở Việt Nam sáng ra có nhiều người năm, sáu giờ người ta đã vô coi rồi, hoặc ít nhất phải tám giờ thì người ta vào đọc cùng lúc với nhiều báo mạng đã lên, thì mình phải có được lượng tin, bài ấy. Đó là dạng điểm báo, điểm tin hàng ngày.
Còn khó ở một chỗ nữa là, tuy khối lượng công việc lớn, nhưng tính chất của loại việc này lại không thể nhiều người làm được. Bởi vì rất khó phối hợp với nhau, dễ sinh ra trục trặc và mâu thuẫn, hoặc là không khớp nhau, khi độc giả xem người ta biết ngay. Bắt buộc là người tham gia làm trực tiếp phải rất là ít. Mà khi đã ít thì tốc độ và cường độ làm việc rất là cao – thế nên cũng căng thẳng và khó cho công việc ở đây.
Thêm nữa là ở trang này từ một, hai năm nay gần như để phản hồi độc giả là tự động, mà độc giả phản hồi rất là nhiều. Tức là phản hồi được tự động hiện lên chứ không có kiểm duyệt. Nhưng mà khi hiện lên thì mình phải đọc lướt các phản hồi đó, có cái nào không nên để hoặc phải cắt bớt đi, thì mình cũng phải thực hiện sớm.
Bên cạnh đó, quan điểm của chúng tôi rất muốn khích lệ độc giả tham gia vào việc làm tin. Thế nên độc giả cũng hay phát hiện tin rồi bình luận, thậm chí có những lời bình gần như là một bài báo, thì thường là chúng tôi phải nhanh chóng sử dụng lời bình của độc giả, cái tin mà độc giả mách ở trong phần phản hồi. Đấy cũng là một số lượng công việc quan trọng.
Rồi có những nhầm lẫn, sai sót, thì cách để mà chỉnh sửa, thông báo lại cho độc giả biết thì cũng lại là một vấn đề nữa. Và tìm những bài hay, ví dụ những bài đăng ở báo trong nước, ngoài nước, rồi báo mạng tự do, thì chúng tôi cũng phải chú ý. Tìm những bài vừa là thời sự nhưng vừa có chiều sâu, hoặc là có cái độc đáo, để đăng lên cho độc giả biết, hơn là mình chỉ điểm không thôi. Khi bài đăng lên thì có tác dụng rất lớn bởi vì độc giả đọc nhiều hơn, và người ta được thoải mái vào để bình luận.
RFI : Nhiều người nhận xét rằng chỉ riêng việc đọc hết các tin bài được điểm trên trang Ba Sàm cũng đã có đầy đủ thông tin trong ngày rồi, và chiếm rất nhiều thì giờ. Trong vai trò người đọc đã vậy, còn đối với người điểm tin, thì lấy đâu ra thời gian để làm công việc này ?
Với tôi, có thể nói là tôi dành gần như toàn bộ thời gian cho công việc này. Còn có một kinh nghiệm nho nhỏ về đọc và lấy tin thì đã thành thói quen tự nhiên - vì nhu cầu, sức ép nên mình phải như thế. Đọc một bài phải lướt rất nhanh để tìm cái câu, cái ý quan trọng trong bài đó. Tôi tự tạo cho mình một kỹ năng, ngoài việc xem tựa, đoạn tô đậm trong bài báo đó, đôi lúc cũng phải xem đoạn cuối, tập nhìn lướt rất nhanh trong một bài.
Còn về khối lượng công việc, thì nếu ai mà tham gia vào việc này đúng là cũng phải dành rất nhiều thời gian, rất là căng thẳng. Như vừa rồi trong một bình luận tôi cũng có nói thật thẳng là, thì giờ của tôi dành cho việc – ít nhất là việc viết bình luận - cũng rất là nhiều. Và thứ hai nữa là phải chọn thời điểm mà người ta đang ngủ thì mình đọc và viết, để sáng ra mọi người có ngay thông tin để đọc.
RFI : Trang của anh không hề có quảng cáo, như vậy về mặt tài chánh làm cách nào để duy trì thưa anh ?
Tôi thì có công ty riêng, đương nhiên phải dựa vào nguồn riêng qua công ty của mình. Nhưng mà do tập trung hết vào công việc ở đây, nên công ty thì tôi phải giao cho người khác điều hành.
Nhưng thực ra tài chính để lo cho trang cũng không đáng kể. Vì như mọi người đều biết, blog này trước tiên là một blog miễn phí. Riêng trang này là một trang rất lớn, rất nặng, ví dụ như tính tổng cộng trữ lượng trên trang này thì bên WordPress – công ty quản lý cũng ngạc nhiên : 15 gigabyte. Thế nên vừa rồi bị hacker đánh, khi muốn khôi phục, tải lên lại chắc phải mất vài ngày. Vì một số tiện ích trong trang, hoặc để tăng trữ lượng thì mình phải nộp thêm tiền, nhưng mà số tiền đóng cũng không nhiều.
RFI : Cũng có ý kiến thắc mắc vì sao anh không sử dụng Blogspot của Google - hình như không dễ đánh phá. Chắc anh cũng có lý do nào đó khi chọn WordPress ?
Lúc đầu mình phát hiện ra WordPress này thì thấy nó rất hay so với nhiều loại khác, nên chọn luôn. Lúc đó cũng có biết sơ sơ Blogspot, nhưng thấy hình như nó có vẻ không được nhiều tiện ích bằng bên này, chứ hồi đó cũng không nghĩ chuyện an ninh, an toàn gì đâu. Gần đây có người nói là Blogspot an toàn hơn, thì cũng có thể ! Nhưng mà được cái này thì mất cái kia, Blogspot nhiều người dùng nhưng mà thấy hình thức không được đẹp. Có thể do họ không biết chọn giao diện hay sao ấy. Tiện ích thì hình như bên ấy cũng không nhiều.
Cả bảo mật lẫn an toàn có lẽ quan trọng vẫn ở nơi người dùng. Có một cái khó này nữa, chứ không hẳn là do WordPress không an toàn. Bởi vì với cách làm của chúng tôi thì áp lực quá lớn, cộng với lúc nào cũng phải liên lạc với độc giả. Độc giả gửi rất nhiều thứ đến, nhiều khi mình không thể kiểm soát, không thể thận trọng được – nếu mà thận trọng thì mất niềm tin, mình không liên lạc nhanh được với độc giả. Bắt buộc mình cứ thấy là mình mở xem, thì rõ ràng là có thể người ta gởi malware, phần mềm gián điệp vào.
Còn đại đa số các trang báo khác, mỗi ngày họ lên vài bài, phương pháp và mức độ họ liên lạc với độc giả rất là đơn giản. Thậm chí họ có thể dùng máy tính này liên lạc với độc giả, và dùng máy tính khác để post (đăng) bài, thì gần như không bao giờ bị chuyện gì. Nhưng đây phải dùng một máy, phải rất là nhanh và kết hợp mấy việc một lúc, thì rõ ràng như thế mình rất là dễ bị trojan.
RFI : Ngoài ra không biết anh có bị áp lực gì khi đưa những thông tin không làm chính quyền hài lòng lắm ?
À, có, cũng tạm gọi là áp lực được. Đôi lần tôi cũng có nói ra với độc giả, tôi không giấu. Chính quyền – thực ra cũng qua quan hệ bạn bè thôi – đôi lúc họ cũng muốn tôi điều chỉnh một đôi thứ. Quan điểm của tôi, đây là nhìn đại cuộc, thì tôi luôn luôn đi theo xu hướng là chính quyền và người dân - và cụ thể là những người hoạt động trong mạng tự do, và hoạt động ngoài xã hội đấu tranh cho quyền của người dân - rất nên có điều kiện để có những kênh đối thoại với nhau.
Về phía chính quyền đôi lúc họ cũng muốn tôi bớt cái này, cái kia, thì tôi thấy là cũng có thể chấp nhận được. Mỗi lần như thế tôi cũng không giấu gì độc giả. Chẳng hạn như có lần tường thuật biểu tình, bữa đó rất là căng thẳng, họ đề nghị tôi dừng. Tôi nói nếu dừng thì tôi phải thông báo là cơ quan chức năng có đề nghị như thế và tôi chấp nhận. Đấy cũng nằm trong phương pháp của tôi.
Tôi muốn dung hòa giữa chính quyền và người dân, làm sao cho có sự thông cảm với nhau, sẽ thuận lợi cho việc tìm kênh thông tin đến với nhau để hiểu nhau hơn. Chứ còn nếu cứ như là đứng hai bên chiến tuyến thì không có lợi chút nào. Cần phải hiểu nhau, và cần phải có những cái nhân nhượng nhất định đối với nhau, thì dần dần sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề.
RFI : Chúng tôi xin chân thành cảm ơn ông Nguyễn Hữu Vinh, chủ blog Anh Ba Sàm, tuy rất bận rộn cũng đã dành thì giờ trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.