mardi 19 mars 2013

Cà phê Việt Nam đi tìm chỗ đứng trên thị trường quốc tế

Cà phê Việt Nam
Thứ ba 12 Tháng Ba 2013 

Mặc dù hiện nay đang dẫn đầu thế giới về sản lượng cà phê xuất khẩu, nhưng về mặt giá trị thì cà phê của Việt Nam mang về lượng ngoại tệ thấp hơn nhiều so với các nước xuất khẩu cà phê khác. Cụ thể, trong vụ cà phê 2011-2012, Việt Nam chiếm gần 30% khối lượng cà phê giao dịch, nhưng về kim ngạch chỉ chiếm có 10% tổng giá trị thương mại toàn cầu.

Trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Ban Mê Thuột lần thứ tư năm nay, diễn ra từ ngày 9 đến 13/03/2013 với các cuộc hội thi, triển lãm, lễ hội đường phố… còn có cuộc hội thảo về « Giá trị gia tăng của cà phê trong chuỗi sản xuất và chế biến cà phê ». Nhiều doanh nghiệp, nhà khoa học, các tổ chức liên quan đến từ các quốc gia sản xuất, chế biến cà phê đã tham gia bàn bạc về các biện pháp nâng cao chất lượng và giá trị của cà phê Việt Nam.

Tạp chí được thực hiện với sự tham gia của Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, và ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Tổng giám đốc tập đoàn Trung Nguyên.


Trả lời RFI Việt ngữ về vấn đề này, ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Tổng giám đốc tập đoàn Trung Nguyên đã phân tích các nguyên nhân :

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ : Tôi nghĩ cái này nguyên nhân là do thiếu một chiến lược tổng thể thôi. Ngành cà phê Việt Nam đến ngày hôm nay, từ diện tích trồng đến sản lượng đứng đầu thế giới trong xuất khẩu năm vừa qua, tôi cho đó là một thành tựu. Nhưng thành tựu này chưa tương xứng với tiềm năng thực sự của ngành cà phê Việt Nam. Muốn đưa lên đúng với tiềm năng, tôi đề nghị có một chiến lược tổng thể, nếu mà làm đúng - như tôi đã nói rất nhiều lần - thì ngành cà phê có thể đưa lại cho Việt Nam 20 tỉ đô la mỗi năm chứ không phải như bây giờ, chỉ có 4 tỉ đô la thôi. Muốn làm như vậy thì ở đây có mấy cấu phần.

Một là quyết tâm của những người làm chính sách. Đấy là điểm thứ nhất. Điểm thứ hai tôi cũng đề nghị luôn, là xem xét lại vấn đề nông nghiệp cà phê – nông dân trồng cà phê và vùng nông thôn trồng cà phê. Canh tác cà phê tại Việt Nam từ trước tới nay hoàn toàn theo truyền thống và kinh nghiệm là chủ yếu. Đã đến lúc cũng phải có công thức khác cho người nông dân. Nói tóm lại là cần du nhập công nghệ, nâng trình độ quản lý, xây dựng những mối liên kết giữa các « nhà » khác nhau, để có thể thực thi. Làm sao giảm thiểu đầu tư, tăng năng suất, tăng chất lượng, từ đó có thể tăng được giá mua cho người nông dân. Đó là bước đầu mà tôi cho là vô cùng quan trọng.

Việc thứ hai là Việt Nam có chiến lược để hình thành ngay những cụm ngành cà phê quốc gia, công nông nghiệp liên hoàn. Chiến lược này gồm có nhiều cấu phần khác nhau để mà có thể thiết kế, biến Việt Nam trở thành một trung tâm cà phê toàn cầu chứ không phải như bây giờ - chỉ là nước xuất khẩu nhiều về lượng chứ giá trị không cao, giống như hồi nãy chị đặt vấn đề.

Cái thứ ba nữa là, trong những cụm ngành cà phê này thì có vấn đề hợp tác đa phương với nhiều đối tác khác nhau, kể cả những « ông lớn » trong ngành. Nhưng những « ông lớn » này, khi vào « chơi » với ngành cà phê Việt Nam, thì phải theo những đường hướng, những quy hoạch thực sự và chủ động thuộc về chính sách, chiến lược của Việt Nam. Chứ không phải như trong cuộc chơi hiện nay, họ vào chơi nhưng là một cuộc chơi thao túng, hay cuộc chơi kiểm soát, đưa đến sự bất bình đẳng. Tức là họ hưởng lợi hầu hết, chỉ để lại cho người lao động Việt Nam, ngành cà phê Việt Nam một giá trị rất là nhỏ.

Cái thứ tư nữa là phải làm sao xây dựng được những tập đoàn cà phê hạt nhân của chính Việt Nam trong vấn đề gia công, cũng như những tập đoàn làm thương hiệu để vươn ra toàn cầu. Nếu mà làm được tất cả những cái mà chúng tôi nêu, rồi tiến dần đến hệ sinh thái cà phê, lấy cà phê làm trung tâm để liên thông với những ngành khác nhau, những ngành công nghiệp phụ trợ như là du lịch, vân vân… Thì tôi nghĩ nếu làm tốt thì hàng năm có thể đưa về cho Việt Nam hơn 20 tỉ đô la, chứ không phải chỉ một số ít như bây giờ.

Cái này có thể nằm trong tầm tay thôi. Vấn đề là những người có trách nhiệm có muốn biến Việt Nam trở thành một quốc gia cà phê thực sự và có ảnh hưởng thực sự trên thế giới hay không. 

RFI : Thưa anh, dường như cà phê cũng giống như những nông sản của Việt Nam như gạo chẳng hạn, người làm ra sản phẩm chẳng biết giá cả lên xuống như thế nào, chỉ trông chờ vào may rủi ?

ĐLNV: Đúng như vậy đấy ! Đây là vấn đề lựa chọn chiến lược của một quốc gia. Tôi thì tôi nghĩ rằng trong thời gian vừa qua, thực sự phải nhìn nhận lại thế mạnh và lợi thế so sánh, cạnh tranh, sức mạnh cốt lõi của đất nước Việt Nam này là vấn đề nông nghiệp, chứ không phải là những ngành khác. 

Từ lâu rồi tôi cũng đã đề xuất là trước khi hiện đại hóa, công nghiệp hóa những ngành nào đó mình du nhập mà không phải là năng lực lõi của mình, cũng không phải là thế mạnh của Việt Nam mà là cái ngành phải cạnh tranh khốc liệt với bên ngoài ; thì nên hiện đại hóa, công nghiệp hóa ngành nông nghiệp trước đã.

Và nói chung Việt Nam phải thiết kế được cho mình một nền công nghiệp du lịch. Hai ngành này có thể đặt nền móng tạo ra nền tảng cho Việt Nam khá lớn. Còn lại nếu mình muốn đi những ngành khác nhau nào đó trong tương lai, quy định một định vị chiến lược nào đó xa hơn chẳng hạn, thì cái đấy mình có thể kiến tạo dần. Nhưng mà đối với Việt Nam, dứt khoát là ngành nông nghiệp !

Nhất là trong thời điểm như hiện nay, vấn đề biến đổi khí hậu, vấn đề an ninh lương thực thế giới là các vấn đề vô cùng khẩn cấp của toàn thế giới. Việc biến ngành nông nghiệp này trở thành một ngành hùng mạnh của Việt Nam thì vừa đem lại lợi ích kinh tế, nhưng mà tôi nghĩ đây là một ngọn cờ khác nữa : ngọn cờ ngoại giao, cờ môi trường nữa, chứ không phải chỉ là lá cờ kinh tế. Thậm chí có thể nói là ngọn cờ chính trị. Việt Nam trong thời gian vừa qua đã buông bỏ cái này.

Như chị cũng thấy, không chỉ riêng ngành cà phê mà mọi ngành khác cũng vậy. Tôi nghĩ rằng Việt Nam cũng nên tư duy lại thôi. Chắc chắn là trong thời gian tới, các nhà hoạch định của Việt Nam cũng bắt đầu lưu ý, và có lẽ phải chuyển đổi thôi, chứ không có cách nào khác.

RFI : Nhân dịp lễ hội cà phê lần này, vấn đề đó có được đánh động ?

ĐLNV: Đúng thế, trong lễ hội lần này có nhiều cuộc hội thảo. Các nhà nghiên cứu cũng như các nhà hoạch định chiến lược, đặc biệt về phía doanh nghiệp thì cũng rất mạnh mẽ, thẳng thắn mổ xẻ để tìm được một hướng đi. Thời gian diễn ra lễ hội thì những vấn đề như thế này được truyền thông trong nước và quốc tế vô cùng quan tâm.

Nói chung là nhận thức chung đã có rồi, thì bây giờ phải làm sao để kiến tạo, chuyển sang hành động mà thôi. Tôi thấy nhận thức là cũng đã chín muồi rồi, vấn đề còn lại là làm như thế nào đây. Tôi nghĩ chuyển động này là đang có hướng vô cùng tích cực. Quan sát trong những cuộc hội thảo, những cuộc tranh luận thì tôi thấy rằng là khác những lần trước, những ý kiến dạng như tôi vừa nêu là đang mang tính chủ đạo.

Có lẽ sự lạc quan của ông Đặng Lê Nguyên Vũ không phải là không có cơ sở. Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết :

RFI : Việt Nam có chiến lược nào để quảng bá cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới, và khắc phục được tình trạng tuy xuất khẩu nhiều nhưng lợi nhuận thu về quá ít ?

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn : Thời gian qua cà phê Việt Nam phát triển rất tốt trên thị trường thế giới nhưng đúng như bạn nói, tuy khối lượng xuất khẩu của mình nhiều, nhưng chất lượng không được nổi trội. Và vì thế giá trị đưa về cho đất nước không nhiều. Tuy cà phê Việt Nam bán ra với khối lượng rất lớn nhưng thương hiệu, tên tuổi của nó ít được biết đến.

Để khắc phục tình hình này, hiện nay ở Việt Nam đang xây dựng chương trình để tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trong đó cà phê được đặt vào một vị trí hết sức chiến lược. Để làm được việc này phải có một loạt các hoạt động rầm rộ. Từ điều chỉnh lại diện tích cho phù hợp, tập trung vào những vùng thích nghi nhất đối với cây cà phê, cho đến việc trồng mới cây cà phê, vì phần lớn diện tích cà phê Việt Nam cũng già rồi – phải trồng mới lại một diện tích đáng kể. 

Thế rồi phải cải tiến lại các biện pháp kỹ thuật. Phương pháp hiện nay là thâm canh cho năng suất cao, nhưng mà không đảm bảo chất lượng tốt, làm cho giá thành sản xuất rất cao. Nhất là chất lượng không ổn, cả về trước thu hoạch lẫn sau khi thu hoạch, khâu sơ chế. Thì tôi nghĩ là phải cải tiến lại hệ thống, phương pháp cho vững bền, hiệu quả là điều thứ nhất phải làm.

Tiếp theo đó là những việc cần làm để bảo vệ môi trường. Vì cà phê Việt Nam tưới rất nhiều nước và đa số sử dụng nước ngầm một cách ồ ạt, làm cho môi trường bị suy thoái. Chưa kể một phần lớn diện tích không được che phủ, nên tình trạng xói mòn rất nhiều.

Những việc đó cần phải làm song song với việc cải thiện hệ thống chế biến để cho giá trị gia tăng cao hơn, và cải thiện hệ thống thu mua, phân phối, tiếp thị, xây dựng các thương hiệu, tức là một loạt những hoạt động cần phải làm về phía phát triển thị trường.

Có thể nói tóm lại là từ khâu đầu tiên là khâu sản xuất, đến khâu giữa là khâu chế biến, và khâu cuối cùng là khâu buôn bán tiêu thụ, thì đều cần phải có sự thay đổi một cách căn bản. Đấy chính là định hướng mới của ngành cà phê Việt Nam, sẽ được tập trung làm trong thời gian tới. Để không những Việt Nam chỉ xuất khẩu được cà phê, mà tiếng tăm về cà phê Việt Nam được các thị trường biết đến. Và điều quan trọng là thu nhập của nông dân, của người kinh doanh cà phê Việt Nam tăng lên, cùng với lợi nhuận đem lại cho đất nước cao hơn.

RFI : Có lẽ phải có một chiến lược tổng thể tầm cỡ quốc gia ?

ĐKS: Đúng thế. Ở đây chỉ trong chương trình tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, thì không đặt ra chỉ riêng cho ngành cà phê, mà còn với các ngành nông nghiệp mũi nhọn của Việt Nam. Thí dụ như là lúa gạo, thủy sản, hạt điều, hạt tiêu và nhiều ngành khác, trong đó cà phê là một ngành được hết sức chú ý.

RFI : Như vậy sẽ giảm bớt tình trạng người nông dân không hề biết đến những thăng trầm, những xu hướng trên thị trường thế giới, chỉ trông chờ vào may rủi mà thôi ?

ĐKS: Vâng. Có xây dựng được một thang giá trị hoàn chỉnh, trong đó người sản xuất, nhất là người sản xuất nhỏ - người nông dân – gắn kết được với người chế biến, với người tiêu thụ, mà tốt nhất là kết nối được với chuỗi giá trị toàn cầu, thì lợi nhuận của người dân mới tăng lên và rủi ro của họ mới giảm đi được.

RFI : Thế thì bao giờ cà phê Việt Nam có thể khởi sắc được thưa ông?

ĐKS: Bạn thấy đấy, đó là một quá trình thay đổi một cách căn bản. Thay đổi từ cách sản xuất lấy diện tích, năng suất, khối lượng làm chính, chuyển sang cách sản xuất lấy chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng làm chính. Thì đây là một sự đổi khác hẳn, thay đổi hẳn về chất lượng.

Như vậy nguồn tài nguyên cho sự tăng trưởng này không chỉ có đất, nước, vật tư, mà phải là khoa học công nghệ, là quản lý, là tiêu chuẩn – cả tiêu chuẩn về chất lượng lẫn tiêu chuẩn về vấn đề môi trường. Như vậy đây là một sự thay đổi hết sức căn bản.

Và một sự thay đổi như thế không chỉ đơn thuần là nỗ lực của ngành nông nghiệp, mà còn gắn với cả những hoạt động khác. Thí dụ như là thương mại, đào tạo, giáo dục, xây dựng cơ sở hạ tầng. 

Vì thế trong hoàn cảnh kinh tế Việt Nam đang phải vượt qua những khó khăn trước mắt, trong tình hình kinh tế thế giới đang suy trầm như thế này, thì không phải ngày một ngày hai mà làm được. Thế nhưng điều đó phải bắt đầu càng sớm càng tốt, để mà chúng ta có thể thay đổi một cách căn bản tình hình cho ngành cà phê của Việt Nam.

RFI : Đúng là trong lúc kinh tế khó khăn như vậy, mà đặc biệt nông nghiệp lại là một xu hướng rất quan trọng, bên cạnh một nhạc trưởng cho những chương trình vừa nói, còn phải có nguồn lực, như vậy có chính sách ưu đãi nào đó cho nông nghiệp nói chung và cà phê nói riêng, có ích cho đời sống của rất nhiều người, trong khi có những hoạt động lobby đòi cứu địa ốc...

ĐKS: Việt Nam cũng rút được khá nhiều bài học từ những khó khăn kinh tế hiện nay. Không phải việc tái cơ cấu kinh tế chỉ đặt ra trong lãnh vực nông nghiệp, mà cách đây mấy tuần chính phủ Việt Nam vừa chính thức ban hành chương trình tái cơ cấu lại toàn bộ nền kinh tế quốc gia. Và trong đó chuyện mà bạn vừa nêu, câu chuyện bất động sản là một trong những cái sai lầm mà mọi người đã nhìn thấy là phải khắc phục.

Có rất nhiều hướng đầu tư sai lầm trong thời gian qua. Bất động sản là một. Ngay trong đầu tư về phát triển đô thị, về công nghiệp hóa, có những điểm mà chúng ta phải rút kinh nghiệm. Nhưng trong tất cả những bài học đó thì điểm sáng nổi bật lên rõ nhất là triển vọng, đóng góp và tiềm năng ổn định nông nghiệp.

Có thể nói là dù không được đầu tư nhiều, dù không được bảo vệ tốt, dù sức phát triển rất thấp, nhưng trong thời gian khó khăn vừa qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đã chứng tỏ là một ngành đem lại lợi nhuận rất lớn cho đất nước, và đem lại hiệu quả rất cao. 

Đồng thời như bạn vừa nói, trong thời gian hiện nay, trong tình hình biến đổi khí hậu diễn ra rất gay gắt trên thế giới, và trong tính toán của các tổ chức phát triển quốc tế như Ngân hàng Thế giới, FAO…hay các tổ chức khác, thì mọi người đều nhấn mạnh đến tương lai, triển vọng phát triển nông nghiệp chung cho toàn cầu, khi phải đối phó với thách thức về an ninh lương thực trên diện rộng.
Chính vì thế mà một nước có lợi thế để phát triển nông nghiệp như Việt Nam, thì đây là một cơ hội lớn đang đặt ra.

Quay trở lại câu chuyện của chúng ta. Thế thì vốn liếng ở đâu để mà đưa vào quá trình tái cơ cấu lại nền nông nghiệp này ? Một mặt chính quyền Việt Nam trong chương trình tái cơ cấu kinh tế sẽ dành ngân khoản lớn hơn, một tỉ trọng đầu tư cao hơn cho nông nghiệp và nông thôn, đặc biệt là cho những ngành mũi nhọn. Mặt khác chúng tôi nghĩ rằng trong cơ chế thị trường, thì nguồn vốn quan trọng nhất phải từ tất cả các thành phần kinh tế khác. Từ đầu tư tư nhân, đầu tư của bản thân người nông dân, kể cả đầu tư nước ngoài.

Trong những năm gần đây, đặc biệt trong hai ba năm nay, thì không chỉ các công ty nhỏ mà cả nhiều công ty xuyên quốc gia như Nestlé, Unilever…cũng chung tay phối hợp với Việt Nam để đầu tư vào cây cà phê. Hiện nay Bộ Nông nghiệp và một số tổ chức tư nhân đã thành lập một nhóm công tác đặc biệt, để phát triển một số ngành mũi nhọn, trong đó có một nhóm chuyên cho cà phê.

Hiện nay mô hình đầu tư đầu tiên phối hợp theo hình thức hợp tác công tư, vẫn được gọi là PPP (Public Private Partner) đã diễn ra và có kết quả rất tốt. Trong Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos vừa rồi, Việt Nam với ví dụ về cà phê thu hút được sự chú ý rất nhiều của mọi người về sự tham gia đầu tư của cả chính phủ lẫn các thành phần kinh tế nhất là tư nhân trong và ngoài nước.

Trong bối cảnh đó, về phía các doanh nghiệp tư nhân như Trung Nguyên chẳng hạn, ông Đặng Lê Nguyên Vũ thổ lộ về những bước đi để tiếp cận thị trường, quảng bá cho cà phê Việt Nam :

ĐLNV: Trung Nguyên thì cũng rất rõ ràng, chúng tôi chỉ có hai mục tiêu cho chính mình thôi : tiếp tục thống ngự thị trường trong nước và bước chân ra chinh phục thế giới. Mục tiêu của chúng tôi là làm sao có thể chinh phục được thị trường Mỹ một cách hệ thống, bài bản và được thừa nhận ở chính thị trường này. 

Quan điểm của chúng tôi là chinh phục được thị trường Mỹ thì chúng tôi sẽ đến được mọi nơi trên thế giới. Điều này mang tính biểu tượng, để có thể xây dựng được hình ảnh và thông điệp của Trung Nguyên. Dù hiện nay chúng tôi cũng đã xuất khẩu được đến 60 quốc gia, và tại nhiều quốc gia thì chúng tôi thâm nhập theo hệ thống nhiều loại sản phẩm khác nhau. Nhưng mà xây dựng hình ảnh và phát ngôn thì chúng tôi chọn nước Mỹ.

RFI : RFI Việt ngữ xin chân thành cảm ơn tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, và ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Tổng giám đốc tập đoàn Trung Nguyên, đã vui lòng nhận lời tham gia tạp chí kinh tế hôm nay của chúng tôi.

http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20130312-ca-phe-viet-nam-di-tim-mot-cho-dung-tren-thi-truong-quoc-te 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.